Bản tin thời sự sáng 31/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 1/4, lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam; hệ thống HoSE và FPT xây dựng xử lý được 3 - 5 triệu lệnh/ngày; phấn đấu hoàn thành Dự án cầu Cửa Lục 1 trong tháng 11/2021; cho phép dùng số định danh cá nhân khi làm thủ tục nhà đất; TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thí điểm xe buýt điện trong 2 năm…

Ngày 1/4, lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam

Lô vaccine đầu tiên gồm 811.200 liều của AstraZeneca do Covax Facility cung cấp dự kiến đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng ngày 1/4.

Ngày 1/4 lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam

Ngày 1/4 lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam

Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, lô vaccine này sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bảo quản, sau đó Bộ Y tế sẽ điều phối phân bổ vaccine để tiêm.

Trước đó, kế hoạch dự kiến là Covax sẽ cung cấp 1,37 triệu liều vaccine AstraZeneca tới Việt Nam ngày 25/3. Tuy nhiên do thiếu nguồn cung, kế hoạch bị điều chỉnh chậm lại. Lô đầu tiên Covax cung cấp cho Việt Nam chỉ 811.200 liều.

Đến nay, các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam bao gồm từ hỗ trợ của Covax và Công ty VNVC đặt mua. Dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó, 30 triệu liều từ Covax, 30 triệu liều đặt mua. Kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.

Ngoài AstraZeneca, ngày 23/3 Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik của Nga để phục vụ nhu cầu cấp bách chống dịch. Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vaccine, dược cũng đang làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ và các nước khác, đề nghị thông báo khả năng cung ứng vaccine.

Với nguồn vaccine trong nước, dự kiến cuối tháng 9, Việt Nam sẽ hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nanocovax. Khi đó, Việt Nam có thể tự chủ được vaccine Covid-19.

Hệ thống HoSE và FPT xây dựng xử lý được 3 - 5 triệu lệnh/ngày

Lãnh đạo HoSE cho biết, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống giao dịch tạm này sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng.

Hệ thống giao dịch tạm do HoSE cùng FPT xây dựng sẽ xử lý được 3-5 triệu lệnh/ngày, cao gấp 3 - 5 lần công suất hiện tại của sàn HoSE

Hệ thống giao dịch tạm do HoSE cùng FPT xây dựng sẽ xử lý được 3-5 triệu lệnh/ngày, cao gấp 3 - 5 lần công suất hiện tại của sàn HoSE

Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, HoSE cho biết đang phối hợp với FPT để xây dựng hệ thống giao dịch tạm thời nhằm giảm tình trạng quá tải hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong đó, giải pháp này sẽ dùng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và triển khai trên nền tảng hạ tầng của HoSE, thay thế hệ thống khớp lệnh hiện tại của sàn TP.HCM.

Theo lãnh đạo HoSE, giải pháp này sẽ giảm thiểu tác động, thay đổi đối với hệ thống của các công ty chứng khoán trên thị trường. Trong đó, mục tiêu đặt ra là hệ thống tạm mới sẽ xử lý được khoảng 3 - 5 triệu lệnh/ngày, cao gấp 3,3 - 5,5 lần so với công suất hiện tại (900.000 lệnh/ngày). HoSE cũng đánh giá đây là giải pháp tối ưu bởi thời gian triển khai không dài cũng như các rủi ro về góc độ hệ thống thấp.

Theo khảo sát, phân tích và đánh giá của FPT, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3 - 4 tháng.

Phấn đấu hoàn thành Dự án cầu Cửa Lục 1 trong tháng 11/2021

Cầu Cửa Lục 1 (Quảng Ninh) là 1 trong 3 dự án cầu kết nối giao thông giữa huyện Hoành Bồ cũ với thành phố Hạ Long, góp phần đảm bảo chiến lược phát triển mới của thành phố Hạ Long theo mô hình đa cực.

Cầu Cửa Lục 1 nối đôi bờ vịnh Cửa Lục sẽ giảm tải cho cầu Bãi Cháy, kết nối thuận lợi các khu vực thành phố Hạ Long

Cầu Cửa Lục 1 nối đôi bờ vịnh Cửa Lục sẽ giảm tải cho cầu Bãi Cháy, kết nối thuận lợi các khu vực thành phố Hạ Long

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư Dự án cầu Cửa Lục 1, sau gần 1 năm thi công, công trình cầu Cửa Lục 1 đã triển khai được gần 50% khối lượng các hạng mục.

Hiện các đơn vị thi công đang triển khai 4 mũi thi công liên tục tại các hạng mục cầu chính, cầu dẫn, đường dẫn và gia công thép vòm với tổng số gần 400 cán bộ, công nhân để phấn đấu sẽ hoàn thành dự án trong tháng 11/2021, trước tiến độ 1 tháng so với kế hoạch.

Dự kiến, đến hết tháng 3/2021 các đơn vị thi công sẽ hoàn thành thân trụ, xà mũ và bụng vòm của cầu chính; tháng 4 thi công xong thân trụ, xà mũ của cầu dẫn; tháng 7 lắp dựng xong vòm thép của cầu chính; tháng 8 xong dầm chính và tiến hành hợp long để chuyển sang giai đoạn hoàn thiện bê tông nhồi vòm thép và lắp đặt cáp treo.

Các hạng mục khác, như cầu trên tuyến và đường dẫn sẽ tiến hành song song với đường găng chính của cầu chính, quyết tâm hoàn thành công trình vào tháng 11/2021.

Dự án kênh chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất tăng 1.460 tỷ đồng

Vốn cải tạo kênh Hy Vọng - một trong hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình (TP.HCM), tăng hơn 1.460 tỷ đồng (khoảng 280%) so với trước do giải phóng mặt bằng.

Một đoạn kênh Hy Vọng bị ngập rác

Một đoạn kênh Hy Vọng bị ngập rác

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) dự kiến đề xuất tổng vốn đầu tư công trình hơn 1.980 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 1.460 tỷ đồng so với dự kiến đưa ra năm ngoái (gần 514 tỷ đồng). Dự án cũng được đề xuất thực hiện từ nay đến năm 2025, thay vì đến năm 2022 như dự kiến trước đó.

Vốn đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng tăng chủ yếu do cập nhật phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Trước đó, chi phí này ước tính hơn 287 tỷ đồng, nhưng hiện tăng lên hơn 1.595 tỷ đồng với tổng diện tích cần giải toả khoảng 21.200 m2.

Theo Chủ đầu tư, tuyến kênh sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài hơn 1,1 km, trong đó chủ yếu làm kênh hở hình chữ nhật. Công trình cũng bố trí 55 hố thu kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, cống qua đường... Dọc hai bờ, Dự án làm đường rộng 6 m cùng vỉa hè và hệ thống thoát nước; chiếu sáng, lan can...

Kênh Hy Vọng khi hoàn thành việc cải tạo được kỳ vọng giảm ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu thoát nước cho lưu vực hơn 51 ha, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất, do đây là một trong hướng thoát nước chính. Đồng thời với hai tuyến đường xây dọc kênh giúp đi lại của người dân thuận tiện hơn; tăng giá trị đất...

Cho phép dùng số định danh cá nhân khi làm thủ tục nhà đất

Số định danh cá nhân được sử dụng thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân khi thực hiện thủ tục trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Mã số định danh gồm 12 số được tích hợp in trên mặt trước thẻ Căn cước công dân hiện nay

Mã số định danh gồm 12 số được tích hợp in trên mặt trước thẻ Căn cước công dân hiện nay

Theo nghị định 30/2021 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, người dân đã được cấp số định danh cá nhân sẽ không cần sử dụng bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác, khi làm thủ tục liên quan đến nhà đất.

Tuy nhiên, việc sử dụng số định danh cá nhân như trên chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương cuối tháng 2, bước đầu đã kết nối với một số bộ, ban ngành, địa phương. Tuy nhiên đến 1/7, cơ sở dữ liệu này mới hoàn thiện ở giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thí điểm xe buýt điện trong 2 năm

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép đưa xe buýt điện hoạt động thí điểm trong 24 tháng.

TP.HCM đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện

TP.HCM đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện

Cụ thể, thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM. Thời gian thí điểm là 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu hoạt động.

Đồng thời cho phép Thành phố áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup.

UBND TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đặt hàng theo định mức, đơn giá như trên; khi có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chính thức được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức thực hiện công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.

Giao UBND Thành phố tổ chức xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá áp dụng cho loại phương tiện xe buýt điện để phê duyệt và áp dụng theo quy định.

Sau thời gian hoạt động thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá làm cơ sở chuẩn bị các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thí điểm theo phương thức đặt hàng dịch vụ cung ứng dịch vụ công ích đối với 5 tuyến xe buýt điện.

Mỗi xe trị giá khoảng 6,5 tỷ đồng, chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường. Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ.

Nam tiếp viên Vietnam Airlines làm lây nhiễm ovid-19 bị tuyên 2 năm tù treo

Vi phạm quy định làm lây lan Covid-19 cho 3 người, Dương Tấn Hậu, tiếp viên Vietnam Airlines, bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Nam tiếp viên Hàng không - bị cáo Dương Tấn Hậu vừa bị tuyên phạt 2 năm tù, cho hưởng án treo

Nam tiếp viên Hàng không - bị cáo Dương Tấn Hậu vừa bị tuyên phạt 2 năm tù, cho hưởng án treo

Trưa ngày 30/3, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, HĐXX đã tuyên phạt 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm, đối với bị cáo Dương Tấn Hậu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, theo Điểm c, Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Dương Tấn Hậu từ Nhật Bản nhập cảnh về Việt Nam hôm 14/11, lưu tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý trên đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, từ ngày 14 đến 18/11. Quy định tại đây là, những thành viên từng tổ bay khi về nước phải cách ly, không được tiếp xúc với nhau, song nam tiếp viên đã gặp 2 người khác (bị phát hiện nhiệm bệnh sau đó) thuộc một tổ bay khác từ Rumani về tại khu vực hành lang.

Sau hai lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, ngày 18/11/2020, Hậu về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Trong thời gian này, nam tiếp viên nhiều lần cùng người bạn là nam giáo viên Trung tâm Anh ngữ Key English đi ăn, uống cà phê và tham gia thi tiếng Anh tại ĐH Hutech.

Đến ngày 28/11/2020, Hậu có kết quả xét nghiệm dương tính, người bạn trở thành "bệnh nhân 1347". Nam giáo viên cũng lây nCoV cho bé trai một tuổi và nữ học viên trung tâm Anh ngữ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, thiệt hại từ việc gây lây lan dịch bệnh Covid-19 của bị cáo là hơn 4,475 tỷ đồng.