Bản tin thời sự sáng 31/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ giao 4 bộ ngành được giao hỗ trợ lao động mất việc; Công an TP. Biên Hòa điều tra vụ trục lợi bảo hiểm xã hội hàng trăm tỷ đồng; xử phạt xe quá tải qua hệ thống cân tự động trên Quốc lộ 5; cảnh sát giao thông bắt giữ 7.000 tấn than lậu trên 4 sà lan…

Chính phủ giao 4 bộ ngành được giao hỗ trợ lao động mất việc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao 4 bộ ngành và UBND các tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ lao động trước tình trạng doanh nghiệp cắt giảm hàng nghìn người.

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam sắp mất việc. Ảnh minh họa

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam sắp mất việc. Ảnh minh họa

Sau khi nhận được báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Bình Tân, TPHCM), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành liên quan vào cuộc, tìm giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.

Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô...

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động.

Để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về kinh phí công đoàn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng, kịp thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ tháng 2, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1/4/2023.

Mới đây, công ty này tiếp tục thông báo phải thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động. Trong đó, đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6 với 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7 với 1.225 lao động.

Công an TP. Biên Hòa điều tra vụ trục lợi bảo hiểm xã hội hàng trăm tỷ đồng

Công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đồng loạt khám xét 8 cơ sở khám chữa bệnh ở Đồng Nai, triệu tập hơn 30 người để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.

Công an bất ngờ khám xét nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong ngày 30/5

Công an bất ngờ khám xét nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong ngày 30/5

Tối 30/5, Công an TP. Biên Hoà cho biết đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan đồng loạt khám xét 8 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội.

Theo đó, hàng chục công an đã đồng loạt tiến hành khám xét 8 phòng khám tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Bửu Long. Qua đó, lực lượng công an đã triệu tập hơn 30 người để làm việc, lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.

Công an xác định, đây là vụ án có quy mô rất lớn, ước tính có hàng chục ngàn người mua “giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội” để trục lợi bảo hiểm xã hội lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh, công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến “giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội”, thu giữ nhiều máy móc, con dấu,…

Theo Công an TP. Biên Hoà, các cơ sở này còn bán khống nhiều giấy tờ liên quan đến khám sức khỏe cho hàng nghìn người, hoặc tạo dựng hồ sơ người khám bệnh để trục lợi cả bảo hiểm y tế.

Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò của chủ phòng khám và những người liên quan.

Xử phạt xe quá tải qua hệ thống cân tự động trên Quốc lộ 5

Từ ngày 1/6, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chuyển dữ liệu cho thanh tra giao thông xử phạt xe vi phạm tải trọng qua hệ thống cân tự động trên Quốc lộ 5.

Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường

Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường

Hệ thống cân xe tự động hiện đại nhất Việt Nam đã được lắp đặt và vận hành thí điểm trên Quốc lộ 5 từ năm 2020. Chiều Hải Phòng - Hà Nội được lắp hai bộ cân tại km78+830 và chiều Hà Nội - Hải Phòng lắp hai bộ cân tại km78+150.

Để có căn cứ vận hành hệ thống cân tự động và xử phạt, Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành quy trình khai thác trạm cân, trích xuất dữ liệu và sử dụng kết quả từ các bộ cân để xác định vi phạm hành chính khi ô tô, người lái xe không còn ở hiện trường. Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung quy chuẩn đối với trạm cân tự động tương tự các trạm cân đã lắp đặt tại Việt Nam.

Hệ thống cân trên Quốc lộ 5 có thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường, có camera tự động chụp lại biển số của xe, đọc ra 15 thông tin như: Tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào.

Cân điện tử có thể cân xe dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80 km/h. Phiếu cân được in ra trong khoảng 3-10 giây, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc phạt "nguội".

So với các loại cân tải trọng hiện nay cần 3 - 5 thanh tra viên đọc thông số và đo đạc kích thước thùng xe, cân điện tử loại mới chỉ cần một người giám sát, ghi nhận dữ liệu.

Bốn bộ cân tự động do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, đã được Cục Đường bộ Việt Nam thí điểm trong hơn một năm.

Hơn 77 nghìn tỷ đồng trái phiếu có thể chậm thanh toán vào cuối năm

Khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay. Đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 9.

Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới

Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới

Theo thống kê từ Chứng khoán HSC, từ tháng 10 năm ngoái đã có 43 doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Số liệu do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố cao hơn nhưng một số doanh nghiệp phát hành đã thu xếp và thanh toán được nợ gốc, lãi.

Trong đó, 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Những trường hợp trên là mất khả năng thanh toán theo tiêu chuẩn quốc tế, cho dù nhiều doanh nghiệp phát hành trong số này chưa chính thức thông báo mất khả năng thanh toán đúng hạn.

Khối lượng trái phiếu chậm thanh toán là 43,9 nghìn tỷ đồng. Một phần trong số trái phiếu chậm thanh toán đã được tái cơ cấu giãn thời hạn trả nợ hoặc thay đổi điều kiện trái phiếu. Nếu loại bỏ số trái phiếu được tái cơ cấu này, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán còn lại chỉ là 23,9 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 4.

Ngoài ra, khoảng 110 doanh nghiệp phát hành được xác định có mối quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán.

Từ tháng 5 đến cuối năm nay, 20,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành đã từng chậm thanh toán sẽ đáo hạn. Trong đó có 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã chậm thanh toán lãi trước đó. Tổng cộng sẽ có 57,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong thời gian trên có thể cũng sẽ chậm thanh toán. Đỉnh điểm có thể sẽ rơi vào tháng 9 năm nay.

Trong kịch bản cơ sở, HSC dự kiến khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay.

Cảnh sát giao thông bắt giữ 7.000 tấn than lậu trên 4 sà lan

Chiều 30/5, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Phòng 10), Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin về việc phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 7.000 tấn than lậu trên sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên.

CSGT đường thuỷ phát hiện số than lậu trên sông Hồng

CSGT đường thuỷ phát hiện số than lậu trên sông Hồng

Cùng với đó, lãnh đạo Phòng 10 thông tin đã chuyển hồ sơ, tang vật vụ việc tới Công an tỉnh Hưng Yên điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, gần giữa tháng 5, Phòng 10 phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra 2 tàu đẩy (đẩy theo 4 sà lan) đang vận chuyển khoảng 7.000 tấn than trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Kết quả ban đầu, tàu đẩy biển kiểm soát số NB-6503 (đẩy 2 sà lan biển kiểm soát NB-6407 và NB-6408), tại thời điểm kiểm tra, trên 2 sà lan đang chứa gần 3.000 tấn than do Hà Văn Quyết, ở Ninh Bình là thuyền trưởng và 2 thuyền viên cùng quê.

Tàu đẩy biển kiểm soát số NB-6506 (đẩy 2 sà lan kiểm kiểm soát NB-6404 và NB-6405), 2 sà lan đang chứa hơn 3.700 tấn than do Phạm Thế Thắng (ở Ninh Bình) là thuyền trưởng. Trên tàu có 6 thuyền viên.

Đại tá Vũ Quang Thái - Trưởng phòng 10 cho biết, thuyền viên 2 tàu đẩy khai nhận toàn bộ số hàng hóa (than) là do Phạm Thành Long (trú tại Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình) chỉ đạo lấy sang mạn từ các tàu nhỏ (không rõ biển kiểm soát và chủ tàu) tại vùng biển Cát Bà, Hải Phòng.

Sau khi lấy hàng xong, các tàu di chuyển đến tối về tới sông Hồng, thuộc địa phận thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên để neo đậu và tìm khách mua hàng.

Kiểm tra hóa đơn, chứng từ, chủ hàng và thuyền viên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đối với toàn bộ hàng hóa (than) chứa trên 4 sà lan nói trên. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng theo quy định.

Tổ công tác đã yêu cầu toàn bộ thuyền viên trên 2 tàu đẩy neo đậu an toàn để phối hợp với lực lượng chức năng xác minh, làm rõ vụ việc.

Dừng thực hiện chủ trương thành lập Đại học FLC

Đại học FLC từng được phê duyệt chủ trương thành lập vào năm 2019 với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, đến nay đã bị dừng thực hiện chủ trương thành lập.

Phối cảnh Trường Đại học FLC

Phối cảnh Trường Đại học FLC

Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản dừng thực hiện chủ trương thành lập Đại học FLC ở tỉnh Quảng Ninh.

Văn bản này đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 692 ngày 27/4 về việc hủy bỏ văn bản phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC.

Trước đó, Trường Đại học FLC được phê duyệt chủ trương thành lập vào ngày 3/6/2019.

Với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, Trường được xây dựng tại Khu đô thị Đại học FLC Quảng Ninh tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long.

Tại thời điểm lên kế hoạch thành lập, trường đại học này dự kiến kết nối trực tiếp hệ sinh thái đô thị thông minh, quần thể nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC đang hoạt động.

Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN) với định hướng đào tạo đa ngành, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn là Du lịch, Hàng không và Công nghệ cao. Trong giai đoạn đầu, Đại học FLC dự kiến quy mô đào tạo 600 sinh viên trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào cuối năm 2020, và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024, 20.000 sinh viên vào năm 2035.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, cùng với việc các cựu lãnh đạo của FLC vướng vòng lao lý từ năm 2022 khiến dự án trường đại học này chưa thể triển khai và đến nay đã chính thức bị dừng chủ trương thành lập.

Ngày 30/6, xét xử cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội về tội nhận hối lộ

Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 30/6 tới.

Cơ quan chức năng thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa thành phẩm giả

Cơ quan chức năng thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa thành phẩm giả

Theo kế hoạch, sáng 31/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả đối với 36 bị cáo về các tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.

Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên tòa, một số luật sư và bị cáo trong vụ án có đơn đề nghị hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi của những người này. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 30/6 tới.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Các bị cáo nguyên là cấp dưới của bị cáo Trần Hùng gồm: Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương (cựu Đội phó và Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị xét xử về tội “Môi giới hối lộ”. Nhóm các bị cáo còn lại gồm: Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội)… bị đưa ra xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Vụ án này đã nhiều lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Sau khi tiến hành điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm cáo buộc bị cáo Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục