Bản tin thời sự sáng 31/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đà Nẵng dự kiến đầu tư 7.200 tỷ đồng làm 38 dự án du thuyền; vụ án tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi; đường Trần Phú ở Hội An lọt top những con đường đẹp nhất thế giới; hàng loạt cựu lãnh đạo Đà Nẵng bị trích lục hồ sơ…

Đà Nẵng dự kiến đầu tư 7.200 tỷ đồng làm 38 dự án du thuyền

TP. Đà Nẵng dự kiến đầu tư 7.260 tỷ đồng làm hàng loạt bến du thuyền trên sông, trên biển và các ngành công nghiệp liên quan để tạo động lực phát triển.

Bến du thuyền dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi

Bến du thuyền dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi

Ngày 30/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, vốn đầu tư cho công nghiệp du thuyền là 5.700 tỷ đồng, dịch vụ du thuyền 1.560 tỷ đồng.

Giai đoạn từ nay đến 2025, Thành phố khởi động để phát triển dịch vụ du lịch bằng du thuyền, hoàn thành giai đoạn 1 bến du thuyền quốc tế sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng), diện tích 1 ha; bến du thuyền quốc tế khu đô thị lấn biển Đa Phước, quận Hải Châu, diện tích 3 ha.

Đồng thời, Thành phố làm thêm các bến du thuyền quốc tế Thuận Phước và bến cảng Tiên Sa để tạo thành "tam giác du thuyền" kết hợp với bến tại khu đô thị Đa Phước; nâng cấp, hoàn thiện 3 bến DHC Marina, bến tàu Euro Village và bến Bạch Đằng (gần cầu Nguyễn Văn Trỗi).

Ba bến du thuyền, khu neo đậu mới được xây dựng gắn với các điểm đến đang thu hút du lịch gồm: khu chân cầu Rồng (trước Bảo tàng điêu khắc Chăm), khu du lịch Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân và khu nghỉ dưỡng Intercontinental thuộc bán đảo Sơn Trà.

Giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố dự kiến đầu tư các dự án bến du thuyền còn lại như Marina Complex, Olalani Riverside Tower, DHC Marina trên sông Hàn; các bến dọc sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Hòa Quý và nhiều bến tại bờ biển các dự án du lịch; bắt đầu phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền.

Thành phố dự kiến các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền tạo ra khoảng 35.000 vị trí việc làm giai đoạn 2025 - 2030, kỳ vọng đóng góp 2 - 3% GRDP.

Giai đoạn sau đó, Đà Nẵng kỳ vọng tạo ra 57.000 việc làm và đến 2050, Thành phố sẽ phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, nâng mức đóng góp GRDP lên 4 - 5%.

Vụ án tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi

Chân dung Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo") - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua

Chân dung Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo") - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua

Sáng 30/5, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực thống nhất đưa 2 vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các cơ quan, địa phương liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan.

Vụ án tại Tập đoàn Thuận An được Bộ Công an công bố khởi tố hôm 15/4 khi bắt ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc, bị bắt về tội Đưa hối lộ.

Liên quan vụ án, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Ba tuần trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố hôm 26/2 với việc bắt ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn). Ba tháng qua, nhiều cán bộ đã bị bắt. Trong đó, Vĩnh Phúc có 4 lãnh đạo cấp cao là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Phó Bí thư Thường trực Phạm Hoàng Anh, cựu Chủ tịch Tỉnh Lê Duy Thành, cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Nguyễn Văn Khước, bị điều tra cáo buộc Nhận hối lộ.

Tại Quảng Ngãi, C03 bắt Chủ tịch Tỉnh Đặng Văn Minh, 2 cựu Chủ tịch Cao Khoa và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, cùng nhiều cán bộ dưới quyền về tội Nhận hối lộ hoặc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công an đánh giá, vụ án xảy ra tại Phúc Sơn là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi.

Hà Nội đồng bộ 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe lên Cổng Dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Đến nay, thành phố Hà Nội đã đồng bộ được gần 3,3 triệu Hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID.

Người dân có thể truy cập app VssID qua VNeID

Người dân có thể truy cập app VssID qua VNeID

Ngày 30/5, tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành y tế Hà Nội năm 2024, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, với 6 nhiệm vụ của Đề án 06 về lĩnh vực y tế, từ ngày 1/1/2024 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin; liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế.

Hà Nội đã khởi tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ bảo hiểm y tế.

Thành phố Hà Nội cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã đồng bộ được gần 3,3 triệu Hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID.

Đường Trần Phú ở Hội An lọt top những con đường đẹp nhất thế giới

Tạp chí kiến trúc Architectural Digest vừa công bố 71 con đường đẹp nhất thế giới, trong đó, đường Trần Phú (phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam) đứng thứ 45.

Đường Trần Phú (Hội An) lọt top những con đường đẹp nhất thế giới

Đường Trần Phú (Hội An) lọt top những con đường đẹp nhất thế giới

Đường Trần Phú nằm trong khu vực trung tâm của phố cổ Hội An, có chiều dài khoảng 1 km, là con đường dẫn đến chùa Cầu - di tích mang tính biểu tượng của thành phố Hội An.

Theo ấn phẩm kiến trúc danh tiếng, Hội An từng là một thương cảng rất thịnh vượng và sầm uất, đặc biệt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV - XIX.

Nơi đây được nhiều du khách lựa chọn ghé thăm vì nhiều lý do, nhưng đa phần muốn tận mắt chiêm ngưỡng lễ hội đèn lồng hằng tháng được tổ chức trên đường Trần Phú.

Con đường Trần Phú còn là khu vực tọa lạc nhiều di tích quan trọng cũng như các công trình kiến trúc đặc sắc của đô thị cổ, đáng để du khách trải nghiệm, khám phá.

Trong danh sách 71 con đường được Architectural Digest bình chọn, hầu hết ở các đô thị nổi tiếng của thế giới, sở hữu giá trị độc đáo về cảnh quan và văn hóa như: New York, San Francisco, Chicago (Hoa Kỳ), Barcelona (Tây Ban Nha), Kyoto (Nhật Bản), Amsterdam (Hà Lan)…

Trước đó, tạp chí TimeOut cũng chọn Hội An là điểm du lịch lý tưởng trong tháng 7.

Hạn chế phương tiện có tải trọng lớn qua đoạn sạt lở Quốc lộ 80

Ngày 30/5, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ thông tin, trên sông Cái Sắn đoạn qua địa bàn phường Thới Thuận xảy ra vụ sạt lở, sụt lún ảnh hưởng đến tuyến Quốc lộ 80.

Hạn chế phương tiện có tải trọng lớn qua đoạn sạt lở Quốc lộ 80

Hạn chế phương tiện có tải trọng lớn qua đoạn sạt lở Quốc lộ 80

Theo đó, vụ sạt lở xảy ra lúc 7h30' ngày 30/5 tại bờ sông Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt với chiều dài 41 m, rộng 4 m, ăn sâu vào mặt đường nhựa của Quốc lộ 80. Vị trí sạt lở thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 80 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm Chủ đầu tư.

Theo UBND quận Thốt Nốt, khu vực bị sạt lở là tuyến đường huyết mạch nối ngã ba Lộ Tẻ (nút giao Quốc lộ 80 với Quốc lộ 91) đi thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) và lên Quốc lộ N2B rẽ trái đi cầu Vàm Cống hoặc rẽ phải vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trên tuyến này có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Khi đường bị sạt đã dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài hàng km, trong đó nhiều nhất là xe tải, xe khách.

Theo ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Thốt Nốt, hiện điểm tiếp nối với vị trí sạt lở đang xuất hiện một đoạn có nguy cơ bị sạt với chiều dài 50 m.

Để bảo đảm an toàn cho người dân đi lại trên tuyến sông Cái Sắn, tuyến Quốc lộ 80, ngành chức năng đã phối hợp với Chủ đầu tư, đơn vị thi công hướng dẫn, phân luồng giao thông, lắp đặt biển cảnh báo hạn chế cho các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ có tải trọng lớn, tốc độ cao lưu thông qua khu vực sạt lở, tuyến đường Quốc lộ 80.

Đồng thời, theo dõi diễn biến tại khu vực sạt lở, sụt lún và các khu vực lân cận để kịp thời phát hiện các vết nứt, các điểm có nguy cơ sạt lở sớm thông báo cho người dân chủ động phòng ngừa, di dời để bảo đảm an toàn.

Hàng loạt cựu lãnh đạo Đà Nẵng bị trích lục hồ sơ

Công an điều tra dấu hiệu tội phạm liên quan 7 khu "đất vàng" nên đề nghị chính quyền trích lục hồ sơ nhiều cán bộ giai đoạn trước.

Các khu đất vàng bị điều tra đều nằm ở vị trí đắc địa

Các khu đất vàng bị điều tra đều nằm ở vị trí đắc địa

Ngày 30/5, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị phối hợp cung cấp tài liệu liên quan việc quản lý, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty CP Lương thực Đà Nẵng nhằm phục vụ công tác điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng.

Theo đó, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao Văn phòng UBND Thành phố sao lục các tài liệu về bổ nhiệm, phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở của ông Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng).

Các cựu lãnh đạo Đà Nẵng bị trích lục hồ sơ còn có ông Trần Văn Minh trong giai đoạn làm Chủ tịch UBND Đà Nẵng; các ông Văn Hữu Chiến, Nguyễn Ngọc Tuấn và Võ Duy Khương trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng.

Trong danh sách bị trích lục hồ sơ còn có ông Doãn Hảo, Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và môi trường; ông Trần Công Ánh khi làm Chánh Thanh tra Thành phố; ông Phan Xuân Ít, thời làm Trưởng phòng Quản lý đô thị.

Việc trích lục hồ sơ bắt nguồn từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước về các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn Đà Nẵng tại Công ty CP Lương thực Đà Nẵng. Thanh tra Đà Nẵng sau đó vào cuộc và phát hiện sai phạm nên chuyển vụ việc sang công an thụ lý.

Ngày 7/5, Công an Đà Nẵng đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị UBND Đà Nẵng cung cấp toàn bộ các phiếu trình, đề xuất của Văn phòng UBND tham mưu cho lãnh đạo Thành phố ban hành các quyết định, ý kiến, văn bản chỉ đạo trong việc quản lý, cho thuê, chuyển quyền sử dụng các thửa đất 294 đường Cách Mạng Tháng Tám; 60 Hùng Vương; 52 Nguyễn Chí Thanh; 751 Ngô Quyền; 16 Lý Thường Kiệt; 49 Lý Thường Kiệt; 62 Tôn Đức Thắng. Đồng thời, trích lục các tài liệu liên quan việc bổ nhiệm, phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong giai đoạn từ năm 2008 - 2012 của các cán bộ nêu trên.

Bốn cá nhân bị phạt 6 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu PSH

Bốn cá nhân bị phạt ở khung tối đa 1,5 tỷ đồng mỗi người do thao túng cổ phiếu PSH, bị cấm giao dịch chứng khoán 2 - 3 năm.

Bốn cá nhân bị phạt 6 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu PSH

Bốn cá nhân bị phạt 6 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu PSH

Theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 4 cá nhân, gồm bà Võ Như Thảo (Cần Thơ), Đỗ Thủy Tiên (Cần Thơ) và ông Mai Hữu Phúc (TP.HCM), Trần Minh Hoàng (Hà Nội) bị phạt 6 tỷ về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Như vậy, mỗi người bị phạt 1,5 tỷ đồng, khung cao nhất về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với cá nhân.

Lý do, các cá nhân này có do hành vi thao túng thị trường chứng khoán với cổ phiếu PSH của Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.

Cơ quan quản lý cũng áp dụng biện pháp phạt bổ sung. Trong đó, ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo và Đỗ Thủy Tiên bị cấm giao dịch và đảm nhận chức vụ tại công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư trong 2 năm. Riêng ông Trần Minh Hoàng bị cấm trong 3 năm. Các quyết định xử phạt có hiệu từ ngày 27/5.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc thao túng cổ phiếu PSH được các cá nhân này thực hiện từ ngày 1/2/2021 - 27/5/2022. Bốn cá nhân trên đã sử dụng 26 tài khoản đứng tên 15 nhà đầu tư để liên tục mua bán cổ phiếu.

Nhóm này tham gia 135/140 phiên giao dịch trong 6 tháng của năm 2021, đặt 12.860 lệnh mua trên 91,5 triệu cổ phiếu (64,5% toàn thị trường), lượng khớp mua là gần 67 cổ phiếu.

Cùng thời điểm, nhóm này đặt 7.587 lệnh bán với hơn 109 triệu cổ phiếu (60,4% toàn thị trường), trên 68,5% được khớp bán.

Từ 26/8/2021 - 27/5/2022, nhóm này tham gia 81/186 phiên, bán ròng 15,2 triệu cổ phiếu.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả kiểm tra cho thấy 4 cá nhân trên không có khoản thu trái pháp luật.