Bản tin thời sự sáng 31/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đã tìm thấy thi thể tất cả 4 nạn nhân vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc; Quảng Ninh sắp triển khai loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở; Bắc Ninh khởi công ba tuyến đường gần 1.500 tỷ…

Đã tìm thấy thi thể tất cả 4 nạn nhân vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc

Theo thông tin từ hiện trường, cho đến khoảng 22 giờ ngày 30/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của tất cả 4 nạn nhân bị vùi lấp tại chốt cảnh sát giao thông trên đèo Bảo Lộc.

Đèo Bảo Lộc sạt lở đè trạm cảnh sát giao thông, 4 chiến sĩ CSGT bị vùi lấp

Đèo Bảo Lộc sạt lở đè trạm cảnh sát giao thông, 4 chiến sĩ CSGT bị vùi lấp

Danh tính của các nạn nhân được xác định là ba cán bộ chiến sĩ công an gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (sinh năm 1981); Thượng úy Lê Quang Thành (sinh năm 1977); Thượng úy Lê Ánh Sáng (sinh năm 1990) và một người dân tên Ngọc Anh, đang làm việc gần đó đến hỗ trợ di chuyển đồ đạc, phương tiện.

Tỉnh Lâm Đồng đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện để tìm kiếm 4 người mất tích do sạt lở đất tại chốt cảnh sát giao thông (CSGT) đèo Bảo Lộc.

Chiều 30/7, tại khu vực đèo Bảo Lộc, bờ taluy cao hàng chục mét bất ngờ đổ sập đã vùi lấp hoàn toàn mái hiên sinh hoạt và khu vực để xe bên cạnh chốt CSGT khiến 1 chốt CSGT đèo bị vùi lấp, 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân mất tích.

Không chỉ sạt lở vùi lấp chốt CSGT trên đèo Bảo Lộc, nhiều phương tiện ôtô, xe khách cũng gặp nạn do thời tiết rất xấu, mưa lớn, sương mù dày đặc.

Quảng Ninh sắp triển khai loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh chuẩn bị khởi công loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Quảng Ninh sắp triển khai loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Quảng Ninh sắp triển khai loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Thông tin này được nêu trong kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh ban hành mới đây. Năm nay, Quảng Ninh có 12 vị trí quỹ đất mới để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng diện tích khoảng 74 ha với gần 4.000 căn hộ.

Trong đó, 4 vị trí đang thực hiện gồm: dự án nhà ở xã hội tại phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều và dự án thuộc Khu đô thị Hà Khánh (giai đoạn 1), dự án nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Đông Mai của Tổng công ty Viglacera, dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai.

Loạt dự án còn lại đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư như quy hoạch, khởi công gồm: "Làng văn hóa công nhân vùng mỏ" tại TP. Cẩm Phả quy mô 30 - 35 ha, khu nhà ở xã hội quy mô 1,7 ha tại phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Khánh (TP. Hạ Long), khu nhà ở cho cán bộ nhân viên nhà máy đóng tàu Sông Chanh tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên. Huyện Hải Hà có 2 dự án gồm: khu nhà ở xã hội quy mô 12 ha tại thị trấn Quảng Hà, khu phục vụ công nhân tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà quy mô 23 ha.

Năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển 1,2 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, đến năm 2025 là hơn 10,7 triệu m2. Tỉnh cũng đặt kế hoạch diện tích ở bình quân 28,1 m2/người, tăng 1,4 m2/người so với hiện tại. Tổng vốn để phát triển các loại hình nhà ở của Quảng Ninh năm 2023 khoảng 26.300 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp gần 18.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 40 dự án nhà ở trong kế hoạch phát triển năm nay. Trong đó, TP. Hạ Long nhiều nhất với 10 dự án với 6 khu nhà ở xã hội, 2 nhà ở thương mại, 2 khu tái định cư. TP. Móng Cái có 7 dự án, TP. Cẩm Phả 5 dự án, thị xã Quảng Yên 5 dự án, TP. Uông Bí 4 dự án, huyện Bình Liêu 3 dự án, huyện Đầm Hà 2 dự án, huyện Vân Đồn 1 dự án.

Chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở

Các bộ, ngành đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhưng Bộ Công Thương nói "không".

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP.HCM.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP.HCM.

Quan điểm này được Bộ Công Thương nêu khi báo cáo Thủ tướng về dự thảo quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.

Theo đó, các bộ, ngành khi góp ý đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không chỉ trên mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn.

Các bộ cũng đề nghị làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ lần này.

Phản hồi những góp ý này, Bộ Công Thương dẫn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho biết cơ chế lần này chỉ áp dụng với điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Công suất điện mặt trời phát triển đến 2030 là 12.836 MW, trong đó nguồn tập trung 10.236 MW, còn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.

Như vậy, theo Quy hoạch điện VIII, đến 2030 công suất điện mặt trời mái nhà (không phân biệt loại hình) và điện mặt trời tự sản, tự tiêu tăng thêm khoảng 2.600 MW. "Với quy mô này thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà", Bộ Công Thương nhận xét.

Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030 với tổng công suất 2.600 MW.

Bắc Ninh khởi công ba tuyến đường gần 1.500 tỷ

Ba tuyến tỉnh lộ qua nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, tổng chiều dài 20 km, kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, được khởi công sáng 30/7.

Sơ đồ ba tuyến tỉnh lộ tại Bắc Ninh khởi công

Sơ đồ ba tuyến tỉnh lộ tại Bắc Ninh khởi công

Cụ thể, các tuyến Tỉnh lộ 295C, 285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với Quốc lộ 3 mới; 277B kết nối cầu Hà Bắc 2 và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Các tuyến đường này kết nối khu vực phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Ninh với hệ thống quốc lộ trên địa bàn, tạo hướng giao thông thuận lợi với vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên.

Ba tuyến tỉnh lộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng (vận tốc thiết kế 80 km/h), có 6 nút giao và một cầu vượt sông Cầu. Cả ba dự án do tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư, trong đó vốn ngân sách trung ương 900 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách tỉnh gần 600 tỷ đồng.

Tỉnh dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, triển khai cuối năm nay, hoàn thành sau hai năm.

Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng tại TP.HCM thiếu nước thải để xử lý

Có thể xử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày, song nhà máy Tham Lương - Bến Cát, Quận 12 (TP.HCM), vốn đầu tư 1.870 tỷ đồng, mới đạt khoảng 10% công suất do thiếu cống thu gom.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát nằm bên sông Vàm Thuật, quận 12

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát nằm bên sông Vàm Thuật, quận 12

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát rộng hơn 2,3 ha, khởi công năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.870 tỷ đồng. Tháng 7/2017, công trình hoàn thành giai đoạn một, khả năng xử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày cho lưu vực rộng hơn 2 ha, gồm quận Gò Vấp và một phần Quận 12, Bình Thạnh, nơi có khoảng 700.000 dân. Thông qua xử lý nước, nhà máy cũng giúp giảm ô nhiễm kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, Sài Gòn.

Nhà máy được triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền làm nhà đầu tư. Đây cũng là dự án đầu tiên ở Thành phố thuộc lĩnh vực môi trường áp dụng hình thức trên. Nhà đầu tư dùng nhiều công nghệ hiện đại, sử dụng pin năng lượng mặt trời, xử lý mùi hôi nên có thể xây dựng sát bên các khu dân cư.

Được đầu tư hiện đại nhưng suốt 7 năm qua, nhà máy luôn thiếu nước thải để xử lý do chưa hoàn thiện hệ thống cống thu gom. Hiện, công suất vận hành ở nơi này đạt 10%, tương đương 13.000 - 15.000 m3 mỗi ngày. Năm 2018, TP.HCM ký hợp đồng giao nhà đầu tư quản lý, vận hành và duy tu nhà máy trong 5 năm, hoặc cho đến khi đủ nước thải để vận hành 33% công suất. Tuy nhiên, tỷ lệ này đến nay chưa đạt nên nhà đầu tư tiếp tục vận hành, bảo trì, kinh phí do Thành phố trả.

Công an khám xét tiệm kim hoàn, tạm giữ 14 kg vàng nghi hàng lậu

Ngày 30/7, cảnh sát khám xét các tiệm gia công vàng, thu giữ 14 kg vàng được cho là của trong đường dây buôn lậu qua biên giới Campuchia vừa triệt phá.

Công an khám xét một cơ sở gia công số vàng lậu, tạm giữ 14 kg vàng thỏi và nữ trang nghi vàng lậu

Công an khám xét một cơ sở gia công số vàng lậu, tạm giữ 14 kg vàng thỏi và nữ trang nghi vàng lậu

Ngoài tang vật, Công an tỉnh An Giang tạm giữ hình sự Nguyễn Tấn Phong cùng 4 người khác để điều tra hành vi Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 188, 189 Bộ luật Hình sự.

Động thái này được đưa ra sau 5 ngày các trinh sát mật phục tại sông Bình Di, huyện An Phú, phát hiện Phong điều khiển xuồng máy qua sông. Khi công an áp sát, Phong nhảy sông bơi sang Campuchia, để lại trên xuồng nhiều gói hàng có đánh số, bên trong chứa 19 kg kim loại nghi là vàng.

Trên bờ, hai đồng phạm của người này là Hồ Văn Sơn, Nguyễn Hoài bị mũi trinh sát thứ hai vây bắt. Họ thừa nhận tham gia đường dây đưa vàng thỏi, nữ trang từ Campuchia về các tiệm ở TP. Châu Đốc tiêu thụ. Riêng Phong được vận động ra đầu thú.

Mở rộng điều tra, công an bắt thêm hai nghi phạm nhưng chưa công khai danh tính.

Xe tải bị tàu hỏa tuyến Bắc - Nam tông đứt đôi tại Hà Tĩnh

Đi qua đường sắt thì chết máy lúc tàu khách chạy đến, xe tải chở gỗ keo bị tông đứt đôi, tài xế may mắn chạy thoát.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Hơn 14h ngày 30/7, xe tải biển số Hà Tĩnh chở gỗ keo di chuyển trên đường liên thôn ở huyện Hương Khê, khi qua đường sắt ở xã Phúc Đồng thì chết máy. Lúc này, xe bị tàu khách SE7 chạy hướng Bắc - Nam tông trực diện.

Tại hiện trường, xe tải bị đứt đôi, phần đầu văng xa vài mét, đuôi vướng vào đầu máy tàu hỏa, gỗ keo vương vãi cạnh đường ray. Trước đó, tài xế đã kịp rời khỏi cabin để tránh tai nạn.

Cơ quan chức năng huyện Hương Khê cho biết toàn bộ hành khách trên tàu an toàn và tiếp tục hành trình sau hơn hai tiếng khắc phục sự cố.

Nơi xe tải gặp nạn là đường ngang dân sinh tự mở, không có gác chắn.