Bản tin thời sự sáng 3/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là gia hạn hơn 10.350 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 đạt thấp; đề xuất tăng xe đạp công cộng ở trung tâm TP.HCM; doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu…

Gia hạn hơn 10.350 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Hơn 10.350 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế ở nước ta vừa được Bộ Y tế gia hạn đến 31/12/2024.

Bộ Y tế gia hạn hơn 10.350 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Ảnh minh họa

Bộ Y tế gia hạn hơn 10.350 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Ảnh minh họa

Ngày 2/4, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường đã ký quyết định công bố Danh mục 760 thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 (Nghị quyết số 80).

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 3 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Trong số 760 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 565 thuốc sản xuất trong nước; 195 sản phẩm thuốc nước ngoài. Các thuốc được gia hạn lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý bao gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường khác...

Như vậy, sau 3 đợt gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80, tổng số có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế ở nước ta được gia hạn. Điều này có nghĩa là toàn bộ giấy đăng ký lưu hành của 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Cùng đó, thực hiện quy định của Luật Dược, cũng trong ngày 2/4, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ký quyết định cấp số đăng ký thuốc đợt 113 cho 166 thuốc được cấp lại số đăng ký có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016. Các thuốc được cấp lại số đăng ký đợt này bao gồm các thuốc kháng virus, thuốc điều trị ung thư hoặc các thuốc đặc trị khác.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 đạt thấp

Mức giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 9,69% kế hoạch trong quý I/2023, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).

Nhà thầu tham gia thi công đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu tham gia thi công đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192,092 tỷ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch.

Mức giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).

Vốn trong nước là 72.231,249 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052,168 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch); vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.

Có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).

Song vẫn có 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán, đang tập trung thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

Đề xuất tăng xe đạp công cộng ở trung tâm TP.HCM

7 điểm đậu xe đạp công cộng, mỗi điểm 10 - 20 chiếc được đề xuất bổ sung trên đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Quận 1, giúp khách thuận tiện đi lại.

Một trạm xe đạp công cộng trên đường Lê Lợi ở trung tâm TP.HCM

Một trạm xe đạp công cộng trên đường Lê Lợi ở trung tâm TP.HCM

Kiến nghị vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi cùng nhà đầu tư khảo sát thực tế. Đây là một phần trong kế hoạch tổ chức lại giao thông cho khu vực sau khi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tái lập mặt bằng.

Trong đó, ba vị trí ở khu vực công trường, gồm: cạnh lối lên xuống ga Bến Thành (gần đường Huỳnh Thúc Kháng); trước trung tâm thương mại đang xây ở đường Trần Hưng Đạo; góc công viên 23/9 - đường Lê Lai. Vỉa hè đường Nguyễn Huệ gồm: trước Công ty Saigontourist; nhà sách Fahasha; toà nhà Sunwah. Điểm còn lại ở công viên bến Bạch Đằng, đoạn đối diện khách sạn Liberty.

Khu vực trên ở "lõi" ở trung tâm TP.HCM, tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hoá, đồng thời là đầu mối giao thông bằng xe buýt, buýt sông.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, qua khảo sát, khu vực này đang có 8 trạm xe đạp công cộng, trong đó một số vị trí có nhu cầu sử dụng lớn, nhất là dịp cuối tuần nên "quá tải". Do vậy, việc phủ thêm mạng lưới xe đạp công cộng giúp người dân, du khách thuận tiện đi lại chặng ngắn, dễ tiếp cận buýt và Metro số 1 khi đưa vào vận hành.

Hệ thống xe đạp công cộng tại TP.HCM bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021, với gần 400 xe tại 43 trạm trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại Quận 1. Mỗi trạm diện tích 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe đậu theo từng ô, bố trí gần trạm dừng xe buýt; công viên, điểm du lịch...

Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu

Theo VNDirect, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III, nhất là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu

Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu

Theo Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, trong quý II, sẽ có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với lượng trái phiếu đáo hạn ghi nhận trong quý I trước đó.

Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có thêm 83.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng quý IV.

Về triển vọng thị trường trong quý này, các chuyên gia phân tích tại VNDirect cho rằng, hoạt động phát hành có thể tiếp tục cải thiện, tuy nhiên để thị trường phục hồi bền vững cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Với một số quy định nới lỏng cho hoạt động phát hành trái phiếu được đưa ra tại Nghị định 08/2023, trung tâm phân tích này cho rằng trong thời gian tới, có thể vẫn ghi nhận những đợt phát hành riêng lẻ với mục đích cơ cấu nợ nội bộ giống như những đợt phát hành của một số doanh nghiệp thực hiện cuối tháng 3. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi bền vững thì cần có thêm những giải pháp đồng bộ khác để khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và giải quyết được vấn đề mất thanh khoản như hiện nay của thị trường.

Quý I/2023, gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 145,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 92,6 nghìn lao động, tăng 60,9% về số doanh nghiệp, tăng 122,2% về vốn đăng ký và tăng 81,4% về số lao động so với tháng 2/2023.

Quý I/2023, gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Ảnh minh họa

Quý I/2023, gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Ảnh minh họa

Tính chung quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 1 tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân 1 tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

60 giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh

Cục Hải quan TP.HCM vừa thông báo tạm hoãn xuất cảnh hàng loạt giám đốc, người đại diện pháp luật doanh nghiệp. Chỉ riêng trong tháng 3, đơn vị này thông báo hoãn xuất cảnh khoảng 60 giám đốc do doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, khó đòi.

Chỉ trong tháng 3, Cục Hải quan TP.HCM đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh 60 giám đốc, người đại diện pháp luật doanh nghiệp do nợ thuế kéo dài.

Chỉ trong tháng 3, Cục Hải quan TP.HCM đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh 60 giám đốc, người đại diện pháp luật doanh nghiệp do nợ thuế kéo dài.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM vừa thông báo tạm hoãn xuất cảnh với bà Võ Thị Kim Cương, đại diện pháp luật Công ty TNHH Công nghệ gỗ châu Âu và bà Đồng Thị Kim Nam, đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu đất Quảng Nam.

Việc tạm hoãn xuất cảnh do các công ty này nợ thuế từ năm 2020 đến nay. Thời gian tạm hoãn tính từ thời điểm công bố đến lúc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Chi cục này cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh với giám đốc của hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản H.M.P; Công ty TNHH Xây dựng Phúc Giang, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Gia Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Đức Bình, Công ty TNHH Thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty TNHH Villa Home, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương…

Theo Tổng cục Hải quan, những doanh nghiệp nợ thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế chủ yếu do cố tình chây ỳ, kinh doanh thua lỗ, gian lận trong kinh doanh...

Với hình thức tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Hải quan cho rằng, đa phần các doanh nghiệp đều nợ thuế kéo dài, thuộc khoản khó đòi và có nguy cơ tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh.

Chỉ tính riêng trong tháng 3, Cục Hải quan TP.HCM đã gửi đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an thông báo tạm hoãn xuất cảnh khoảng 60 giám đốc, người đại diện các doanh nghiệp nợ thuế.

Ngày 14/4, đấu giá 3 triệu cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Công cộng Bình Dương

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo đưa 3 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương ra đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 14/4/2023.

Dự án Aqua Melody do BPS đầu tư tại tỉnh An Giang có quy mô chỉ khoảng 4,5 ha.

Dự án Aqua Melody do BPS đầu tư tại tỉnh An Giang có quy mô chỉ khoảng 4,5 ha.

3 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương (BPS), có địa chỉ tại số 91 Thích Quảng Đức, phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do SCIC nắm giữ. Số lượng cổ phần được đấu giá này tương đương 30% vốn điều lệ của BPS.

Với mức giá khởi điểm đưa ra đấu giá trên 142,4 tỷ đồng/lô. Với mức giá khởi điểm nói trên, trung bình mỗi cổ phần có mức giá khởi điểm khoảng 47,5 nghìn đồng.

Theo báo cáo tài chính của BPS công bố vào quý I/2022 và được Công ty TNHH Kiểm toán Thái Bình Dương kiểm toán độc lập, tính đến 31/12/2021, tài sản ngắn hạn của BPS là 164,3 tỷ đồng, tăng trên 10 tỷ đồng so với mức 154 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2021. Tuy nhiên, lượng tiền mặt trong tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 12,7 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức trên 29 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2021. Trong khi lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này khá cao, lên tới 56,2 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm 2021.

Trong số các dự án bất động sản của BPS đang đầu tư, đáng chú ý có Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Bắc Cống Vong (tọa lạc tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có quy mô 4,5 ha và có tên thương mại là Dự án Aqua Melody).

Tin cùng chuyên mục