Bản tin thời sự sáng 3/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 20 triệu liều vaccine Sputnik V về Việt Nam trong năm nay; mở cửa nhập cảnh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nối lại chuyến bay quốc tế sau một ngày tạm dừng; Bình Dương giãn cách xã hội 3 thành phố, 2 thị xã từ ngày 2/6; bắt giam Nguyễn Đại Dương "New Century" trong vụ 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương; cưỡng chế công trình trái phép ở vườn quốc gia Cát Bà…

20 triệu liều vaccine Sputnik V sắp về Việt Nam trong năm nay

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm nay.

20 triệu liều vaccine Sputnik V sắp về Việt Nam trong năm nay

20 triệu liều vaccine Sputnik V sắp về Việt Nam trong năm nay

Làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga về vấn đề vaccine phòng Covid-19 chiều ngày 2/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vaccine của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên chưa đảm bảo cung ứng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục đàm phán với phía Nga để có vaccine sớm nhất. Đến nay, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021.

Hồi tháng 3, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp vaccine Sputnik V, sau vaccine của AstraZeneca.

Để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Vì vậy, Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.

Bộ trưởng Long cho biết, thời gian qua, công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều một tháng. Đây cũng là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn tại Việt Nam, nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.

Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn khác như Covax, Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson...

Mở cửa nhập cảnh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nối lại chuyến bay quốc tế sau một ngày tạm dừng

Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hỏa tốc cho phép các chuyến bay quốc tế chở người vào Việt Nam, nhập cảnh qua cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không cho phép các chuyến bay quốc tế chở người vào Việt Nam

Cục Hàng không cho phép các chuyến bay quốc tế chở người vào Việt Nam

Văn bản hỏa tốc do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký và phát đi sáng ngày 2/6.

Việc mở cửa nhập cảnh với các chuyến bay quốc tế chở khách đến được thực hiện chỉ sau một ngày cơ quan này tạm dừng.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới các hãng hàng không, các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam về việc tiếp tục thực hiện chuyến bay chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn nhất - TP.HCM và Nội Bài - Hà Nội.

Cục Hàng không Việt Nam thông báo tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Quy trình xem xét, quyết định cấp phép bay được thực hiện như trước đây.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hoạt động nhập cảnh được triển khai trở lại nhằm theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, ngày 31/5, Cục Hàng không Việt Nam cũng phát văn bản yêu cầu tạm dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Quyết định có hiệu lực từ 0h ngày 1/6 đến hết ngày 7/6.

Bình Dương giãn cách xã hội 3 thành phố, 2 thị xã từ ngày 2/6

TP. Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An và thị xã Bến Cát, Tân Uyên được yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số khu phố theo Chỉ thị 16 từ ngày 2/6.

Lực lượng chức năng phong toả Khu dân cư Hiệp Thành 3, TP Thủ Dầu Một, nơi dẫn vào công ty "bệnh nhân 7059" làm việc

Lực lượng chức năng phong toả Khu dân cư Hiệp Thành 3, TP Thủ Dầu Một, nơi dẫn vào công ty "bệnh nhân 7059" làm việc

Động thái trên được đưa ra sau khi Bình Dương ghi nhận 3 ca nhiễm cộng đồng ở TP. Thuận An. Ngoài nơi ở của 3 ca nhiễm tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, tỉnh này còn phong tỏa nhiều địa điểm ở TP. Dĩ An và Thủ Dầu Một vì liên quan đến các ca nhiễm từ Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở TP.HCM.

Chỉ thị 15 yêu cầu dừng các địa phương dừng các sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các điểm công cộng; dừng các dịch vụ không cần thiết, chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa...

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được Bình Dương áp dụng với các khu phố ở phường Đông Hòa (TP. Dĩ An), Bình Chuẩn (TP. Thuận An), Hiệp Thành (Thủ Dầu Một). Nguyên tắc của chỉ thị này là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Thời gian kết thúc giãn cách xã hội tùy vào diện biến dịch và sẽ do UBND các địa phương quyết định.

Long An giãn cách xã hội 4 huyện và thành phố từ 0h ngày 2/6

TP. Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, từ 0h ngày 2/6 cho đến khi có thông báo mới.

Một quán cà phê tại TP Tân An đóng cửa, treo biển "Tạm nghỉ phòng chống Covid-19"

Một quán cà phê tại TP Tân An đóng cửa, treo biển "Tạm nghỉ phòng chống Covid-19"

Động thái này được đưa ra sau khi tỉnh Long xuất hiện 8 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 5 ngày. Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND Long An, 5 địa phương (trên tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố) thực hiện giãn cách xã hội có trên một triệu dân. Đây là những địa phương tập trung đông dân cư, nhiều khu, cụm công nghiệp và giáp ranh với TP.HCM. Toàn Tỉnh hiện có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân.

Quyết định theo Chỉ thị 15 yêu cầu, TP. Tân An và huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc sẽ dừng các sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các điểm công cộng; dừng các dịch vụ không cần thiết, chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa...

Đối với các địa phương còn lại cũng áp dụng lệnh tạm ngưng như 5 địa phương trên. Tuy nhiên, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát tại các huyện này được phục vụ mang về.

Ngoài ra, Tỉnh cũng ngừng hoạt động các tuyến xe khách cố định, xe buýt, xe hợp đồng đi, đến các huyện trên (trừ xe đưa đón công nhân). Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, huyện dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp; khuyến khích tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công và dịch vụ bưu chính công ích.

Trước dịch bệnh phức tạp, Long An đã lập 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại Quốc lộ 1, Quốc lộ N2 và Quốc lộ 50. Ngoài ra, 4 huyện giáp ranh TP.HCM và Tây Ninh gồm Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và Cần Giuộc cũng lập 10 chốt.

Bắt giam Nguyễn Đại Dương "New Century" trong vụ 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam thêm 2 bị can.

Nguyễn Đại Dương tại phiên tòa hồi tháng 9/2009

Nguyễn Đại Dương tại phiên tòa hồi tháng 9/2009

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) xác nhận, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam hai bị can để điều tra về những sai phạm liên quan vụ 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương.

Một trong hai bị can bị khởi tố lần này là Nguyễn Đại Dương (Hà Nội), còn gọi là Dương "New Century", người khá nổi tiếng trong vụ án vũ trường New Century. Bị can còn lại là Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Công ty CP Bất động sản Âu Lạc). Hai bị can cùng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương, đơn vị này đang thụ lý, điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty SX - XNK Bình Dương theo quyết định khởi tố ngày 16/12/2019.

Cơ quan CSĐT xác định, khu đất 43 ha tại phường Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Một) là tài sản Nhà nước giao cho Tổng công ty SX - XNK Bình Dương quản lý, sử dụng để thực hiện chủ trương của tỉnh về đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.

Năm 2016, Tổng công ty SX - XNK Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất với giá gần 250,2 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng này đã không thực hiện đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá gây thất thoát số tiền hơn 126 tỷ đồng so với Bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Cưỡng chế công trình trái phép ở vườn quốc gia Cát Bà

Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng phối hợp UBND huyện Cát Hải cưỡng chế công trình vi phạm về xây dựng của Công ty CP Khu du lịch Đảo Cát Bà, ngày 2/6.

Lực lượng chức năng triển khai việc cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đảo Cát Bà

Lực lượng chức năng triển khai việc cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đảo Cát Bà

Công trình này nằm tại Bãi Cát Dứa 1 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Biển, Vườn quốc gia Cát Bà.

Nhà chức trách cho biết 4 hạng mục của công trình phải tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, gồm: Khu vực quầy hàng diện tích 172 m2; nơi tắm tráng diện tích 6,8 m2; nhà vệ sinh diện tích 23,8 m2 với kết cấu tường xây gạch, mái tôn và kè đá dài 143 m. Tất cả các hạng mục này đều xây dựng trái phép, đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Trong ngày 2/6, lực lượng chức năng đã cắm mốc, xác định phạm vi cưỡng chế, kê biên tài sản, tháo dỡ công trình và vận chuyển tài sản sau khi cưỡng chế vào thị trấn. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cườngt, cưỡng chế xong công trình vi phạm tại bãi tắm Cát Dứa 1 của Công CP Khu du lịch Đảo Cát Bà, chính quyền sẽ tiếp tục thực hiện đối với các công trình xây trái phép còn lại.

Trước đó, ngày 9/10, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Thành phố kiên quyết tháo dỡ 7 điểm du lịch xây dựng trái phép để trả lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường cho vịnh Lan Hạ và Vườn quốc gia; trường hợp nào cố tình không chấp hành, Thành phố chỉ đạo UBND huyện Cát Hải tổ chức cưỡng chế.

CSGT tỉnh Bình Phước truy đuổi 20 km bắt xe chở 3.000 điện thoại

Ra hiệu lệnh nhưng xe tải không dừng, CSGT tỉnh Bình Phước truy đuổi hơn 20 km mới bắt kịp, phát hiện 3.000 điện thoại không có giấy tờ.

Lực lượng quản lý thị trường cùng cảnh sát kinh tế xác minh nguồn gốc xuất xứ của những chiếc điện thoại

Lực lượng quản lý thị trường cùng cảnh sát kinh tế xác minh nguồn gốc xuất xứ của những chiếc điện thoại

Chiều 2/6, tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 13 qua thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), tổ CSGT tỉnh Bình Phước phát hiện xe tải biển số Tây Ninh chạy hướng cửa khẩu Hoa Lư về TP.HCM có dấu hiệu vi phạm giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế Hồ Thanh Cảnh tăng tốc bỏ chạy.

Tổ CSGT truy đuổi, đồng thời gọi điện cho các tổ túc trực phối hợp bắt giữ. Sau hơn 20 km, khi xe tải đến xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, bị chặn bắt. Kiểm tra thùng xe, cảnh sát phát hiện 30 bao tải đóng kín, bên trong có khoảng 3.000 điện thoại các hãng iPhone, Samsung, Huawei...

Tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Công an kinh tế đã phối hợp lực lượng quản lý thị trường niêm phong, tạm giữ số điện thoại trên để điều tra, xử lý theo quy định.