Bản tin thời sự sáng 3/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thanh Hóa làm cầu vượt đường sắt gần 650 tỷ đồng; đứt gãy Quốc lộ 279 qua Lai Châu; giá vé các đường bay nội địa giảm nhiệt; trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng ở Thủ Thiêm hoàn thành năm 2025; SJC mua lại vàng miếng một chữ và móp méo từ tuần sau…

Thanh Hóa làm cầu vượt đường sắt gần 650 tỷ đồng

Cầu vượt đường sắt Bắc Nam dài khoảng 800 m sẽ kết nối đại lộ Đông Tây, giảm ùn tắc giao thông cho các nút giao cửa ngõ phía Tây vào TP. Thanh Hóa.

Phối cảnh tuyến đường khi hoàn thiện

Phối cảnh tuyến đường khi hoàn thiện

UBND TP. Thanh Hóa đang kiểm kê, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc Nam và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đại lộ Đông Tây. Công trình có tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác, do UBND TP. Thanh Hóa là chủ đầu tư.

Theo thiết kế, cầu vượt đường sắt Bắc Nam đặt tại phường Phú Sơn, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, thiết kế kiểu dây văng. Mặt cầu có bề rộng 25 m, bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.

Theo ngành giao thông, nút giao giữa đường Trịnh Kiểm và tuyến đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm do gần ga Thanh Hóa, có lưu lượng giao thông lớn. Do đó, cầu vượt đường sắt sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, đồng bộ tuyến đại lộ Đông Tây theo quy hoạch và kết nối các giao lộ cửa ngõ phía Tây TP. Thanh Hóa. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đánh giá, công trình cầu vượt đường sắt Bắc Nam cùng với Dự án Mở rộng đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống (tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng), Dự án Mở rộng đại lộ Nam Sông Mã (3.000 tỷ đồng)... là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt với Thành phố nên đang được gấp rút triển khai.

Đứt gãy Quốc lộ 279 qua Lai Châu

Do mưa lớn kéo dài, Quốc lộ 279 qua huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu bị đứt gãy, sụt lún khiến tuyến đường kết nối 10 tỉnh miền núi phía Bắc bị chia cắt.

Đoạn Quốc lộ 279 bị nứt nền đường

Đoạn Quốc lộ 279 bị nứt nền đường

Theo Sở Giao thông vận tải Lai Châu, vết sụt lún dài khoảng 50 m, sâu 30 - 50 cm, kéo dài toàn bộ mặt đường bê tông nhựa, nguy cơ mất an toàn giao thông. Sở đã cho rào chắn, cảnh báo phương tiện và lên phương án xử lý.

Trong đợt mưa từ ngày 6 đến 15/7, Quốc lộ 279 gần vị trí trên từng sụt lún nền, mặt đường bê tông nhựa, gây mất an toàn giao thông. Đây là tuyến huyết mạch nối 10 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.

Tỉnh Lai Châu vẫn đang mưa lớn, gây sạt lở taluy dương nhiều vị trí, trong đó có 5 điểm gây tắc Quốc lộ 4H, hiện đã thông được 4 điểm.

Mưa lớn cũng làm sạt lở taluy dương trên Quốc lộ 4D qua xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Nhiều tảng đá lớn rơi xuống đường gây ách tắc, mất an toàn cho người đi đường. Các đơn vị chức năng đang phá đá để đảm bảo giao thông.

Từ ngày 30/7 đến nay, ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao khiến các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mưa lớn. Nhiều tuyến đường liên tiếp bị sạt lở, ách tắc.

Giá vé các đường bay nội địa giảm nhiệt

Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé hàng không nội địa, nhất là vé đến các thành phố du lịch trong nước từ ngày 1 đến 15/8 giảm mạnh.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh tại sân bay Nội Bài

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh tại sân bay Nội Bài

Theo ghi nhận của Cục Hàng không Việt Nam, nửa đầu tháng 8, giá vé bình quân đã giảm đáng kể khi các hãng hàng không Việt Nam cung ứng bằng 35% đến 65% mức tối đa.

Ngày 31/7, vé "đường bay vàng" Hà Nội - TP.HCM của Vietnam Airlines có mức giá cao nhất là 2,2 triệu đồng/chiều (chưa thuế, phí), tương đương 65% mức trần 3,4 triệu đồng (giờ bay thứ Sáu ngày 2/8).

Trong các ngày khác, giá vé thấp hơn khá nhiều, trong đó thấp nhất là Vietravel Airlines cung ứng loạt vé gần 750.000 đồng/chiều, tương đương 26% mức giá tối đa (các ngày từ 5 đến 15/8).

Trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, mức giá cao nhất vào ngày 2/8 của Vietnam Airlines và Vietjet Air khoảng 1,6 triệu đồng mỗi chiều, tương đương 56% mức tối đa 2,89 triệu đồng.

Với ngày khởi hành xa, giá vé các hãng đều giảm đáng kể, có hôm chỉ bằng khoảng 25% mức tối đa, như Vietravel Airlines có loạt vé giá chỉ từ 300.000 đồng mỗi chiều.

Trên đường bay Hà Nội - Cam Ranh (Nha Trang), giá vé cao nhất trong ngày cuối tuần 3/8 là gần 2,5 triệu đồng/chiều, khung 9h - 17h (bằng 72% mức tối đa 3,4 triệu đồng). Với đường bay này, Vietjet Air bán vé bình quân thấp nhất trong nhiều ngày, chỉ từ 25% mức tối đa.

Đường bay Hà Nội - Đà Lạt có giá vé ổn định trong tháng 8. Ngày 2/8, Vietnam Airlines bán vé 2,9 triệu đồng cho khung giờ ban ngày, tương đương 80% mức tối đa; các ngày khác dao động từ 30 - 40% mức tối đa. Vietjet Air có giá vé từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng, tức 24 - 30%; Bamboo Airway có giá dao động 25 - 50% mức tối đa.

Đường bay Hà Nội - Phú Quốc, tuyến nội địa có quãng đường dài nhất, đang áp dụng mức giá trần 4 triệu đồng cho dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đang bán vé với giá 3,05 triệu đồng khởi hành sáng 8/8 (khoảng 76% mức trần).

Nửa đầu năm 2024, giá vé tăng cao trên một số đường bay trong nước so với cùng kỳ 2023. Khảo sát của Cục Hàng không hồi tháng 4 cho thấy, chặng Hà Nội - TP.HCM, giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng ở Thủ Thiêm hoàn thành năm 2025

Sau nhiều năm đình trệ, hạng mục bao che ngoài tòa nhà trung tâm triển lãm hơn 800 tỷ đồng đã chọn được nhà thầu mới, làm cơ sở để Dự án hoàn thành vào năm 2025.

Phối cảnh Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM

Phối cảnh Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM

Kết quả chọn nhà thầu thi công Gói thầu Sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần... thuộc Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM phê duyệt.

Nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Tập đoàn 202 với giá trúng thầu 110,6 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với giá dự toán. Thời gian thực hiện gói thầu này là 175 ngày. Sau khi hoàn thành, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phía trong, lắp đặt trang thiết bị, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Công trình có tổng vốn đầu tư 836 tỷ đồng này đã dang dở hơn 10 năm qua. Nguyên nhân chính là nhà thầu cũ triển khai gói thầu nêu trên trình mẫu vật liệu sử dụng cho công trình không đạt yêu cầu. Do đây là các hạng mục che phủ bên ngoài nên khi dừng thi công, các gói thầu khác cũng không thể triển khai. Tháng 3 năm nay, Chủ đầu tư đã dừng hợp đồng với nhà thầu cũ để chọn nhà thầu mới.

Khởi công năm 2013, Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng Cung, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Tòa nhà xây trên diện tích khoảng 18.000 m2, cao hơn 31 m, quy mô 5 tầng, phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của Thành phố và là điểm tổ chức sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách...

Trước đó, Dự án do Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) làm chủ đầu tư. Tháng 10/2022, công trình được chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

SJC mua lại vàng miếng một chữ và móp méo từ tuần sau

Sau thời gian tạm dừng mua vàng miếng một chữ và móp méo, Công ty SJC sẽ bắt đầu thu mua lại cả hai loại trên từ tuần sau.

Người dân giao dịch vàng miếng SJC

Người dân giao dịch vàng miếng SJC

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa thông báo mua lại vàng miếng một chữ và móp méo từ ngày 5/8. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà Công ty đang tồn kho.

Trong khoảng hơn 2 tuần gần đây, nhiều người nắm giữ vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) lo lắng vì Công ty SJC tạm ngưng mua vào. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với vàng miếng hai chữ (seri gồm hai chữ trước dãy số, được gia công sau này) bị móp méo.

Nguyên nhân do Công ty còn tồn khoảng 1.000 lượng vàng đã thu mua trong hai tháng qua. Trong khi đó, doanh nghiệp này chưa được Ngân hàng Nhà nước cho mở xưởng gia công, dập lại vàng. Lượng vàng tồn cũng không được bán ra thị trường. Do đó, Công ty hẹn khách hàng đợi đến khi xử lý xong số vàng trên mới có thể thu mua trở lại.

"Quá trình chờ cấp phép dập lại vàng miếng một chữ và móp méo thành loại mới khá lâu, lượng tồn kho tăng làm ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vốn của Công ty", đại diện SJC chia sẻ.

Trong cuộc họp báo hồi giữa tháng 5, bà Lê Thúy Hằng - Tổng giám đốc SJC - nói, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Công ty không được dập vàng miếng từ vàng nguyên liệu. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Doanh nghiệp này chỉ được dập lại vàng móp méo theo hạn ngạch được cấp hàng năm. Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, SJC có chỉ tiêu gia công, dập lại khoảng 31.692 lượng, giảm khoảng 4.466 lượng so với năm trước.

Chọn nhà thầu làm bến xe hơn 900 tỷ đồng ở Đà Lạt

Dự án Đầu tư xây dựng bãi đậu xe kết hợp bến xe ngã ba Đarahoa trên Quốc lộ 27 (Lâm Đồng) nằm trong quy hoạch mở rộng TP. Đà Lạt lên đô thị trực thuộc Trung ương.

Hai bến xe trên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 27, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 10 km

Hai bến xe trên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 27, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 10 km

Ngày 2/8, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết, vừa phê duyệt đề cương nhiệm vụ - dự toán khảo sát, lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Đầu tư xây dựng bãi đậu xe kết hợp bến xe ngã ba Đarahoa.

Theo đó, bến xe này có địa điểm xây dựng tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), khu vực ngã ba Đarahoa kết nối Quốc lộ 27C, nằm một phần tại Tiểu khu 144A, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Dự án có quy mô 36,6 ha, phục vụ khoảng 817 chỗ đậu xe buýt, 83 chỗ đậu xe buýt cỡ nhỏ, 60 chỗ đậu xe taxi, ô tô con và khoảng 34,7 nghìn người.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 910 tỷ đồng này được Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng giao cho Ban Quản lý bảo trì đường bộ quản lý dự án đầu tư, quản lý chi phí đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Đây là một trong 2 bãi đậu xe, bến xe ở khu vực ngoại ô TP. Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết. Ngoài khu vực ngã ba Đarahoa, còn có bãi đậu xe vị trí đầu đèo Prenn nhằm đáp ứng hơn 2.000 chỗ đậu xe các loại.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, bãi đậu xe đầu đèo Prenn có quy mô 38,2 ha, nằm ở địa bàn Phường 3, TP. Đà Lạt và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, giáp Quốc lộ 20. Bãi xe này có quy mô phục vụ khoảng 790 xe buýt, 122 chỗ đậu xe buýt cỡ nhỏ, 200 chỗ đậu xe taxi, ô tô con và khoảng 33,8 nghìn người.

Ninh Thuận huy động hơn 6.200 tỷ đồng xây dựng các loại hình nhà ở

Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu khoảng 776.633 m2.

Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở với 14 dự án triển khai tại các khu đô thị, khu dân cư mới

Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở với 14 dự án triển khai tại các khu đô thị, khu dân cư mới

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở thương mại, nhà chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở riêng lẻ.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu khoảng 776.633 m2, trong đó nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng tăng thêm khoảng 726.158 m2 sàn; nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 42.600 m2 sàn; nhà ở xã hội phấn đấu tăng thêm khoảng 7.875 m2 sàn (tương đương 175 căn), diện tích sàn nhà ở xã hội để cho thuê chiếm 20% tổng chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở xã hội, dự kiến khoảng 1.575 m2 sàn, tương đương khoảng 35 căn hộ.

Địa phương phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 24,1 m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 28,1 m2 sàn/người; khu vực nông thôn khoảng 21,9 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2 sàn/người. Diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở gần 170 ha.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng các loại hình nhà ở trên khoảng 6.243 tỷ đồng, trong đó, nhà ở thương mại dịch vụ 368,5 tỷ đồng, nhà ở xã hội 55,17 tỷ đồng, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng trên 5.820 tỷ đồng.

Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở với tổng cộng 14 dự án triển khai tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Cụ thể, TP. Phan Rang - Tháp Chàm có 10 dự án, huyện Ninh Hải có 2 dự án, huyện Ninh Sơn có 1 dự án và huyện Thuận Nam 1 dự án. Ngoài ra, Tỉnh đã công bố danh mục 27 dự án mới mời gọi đầu tư vào các khu đô thị và nhà ở xã hội trên địa bàn.

Bưởi Việt Nam được xuất chính ngạch sang Hàn Quốc

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau thanh long và xoài, bưởi là mặt hàng trái cây tươi thứ 3 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc.

Bưởi được đóng gói và kiểm tra trước khi xuất khẩu

Bưởi được đóng gói và kiểm tra trước khi xuất khẩu

Tại Hội nghị về quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ngày 2/8, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ đầu tháng 8, các doanh nghiệp Việt được xuất khẩu trái bưởi tươi sang Hàn Quốc. Việc này giúp mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Để xuất khẩu sang Hàn Quốc, quả bưởi phải được các doanh nghiệp phân loại, đóng gói tại các cơ sở đã đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng với Cục Bảo vệ thực vật. Quy trình này được giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo không có các loài sinh vật gây hại, gồm các bước như làm sạch bằng nước, khí nén. Thùng trái cây thu hoạch phải được gắn nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ vùng trồng đã đăng ký.

"Mỗi thị trường nhập khẩu có yêu cầu riêng về kiểm dịch thực vật và chất lượng. Việt Nam phối hợp với các chuyên gia kiểm dịch từ Mỹ, Nhật Bản để giám sát, đảm bảo các lô hàng đạt tiêu chuẩn khi xuất khẩu", đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Trái bưởi hiện được xuất chính ngạch sang Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Hà Lan. Cục Bảo vệ thực vật đang xúc tiến mở cửa thị trường Nhật Bản cho loại quả này. Trước đó, thanh long và xoài là hai mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch sang Hàn Quốc. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả nước có khoảng 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trồng nhiều loại trái cây này, với 32.000 ha; kế đến là Trung du miền núi phía Bắc (30.000 ha) và Bắc Trung Bộ (13.000 ha).

Ngoài Hàn Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật, chanh leo và ớt là hai mặt hàng sắp được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu tạm thời 2 loại quả này từ Việt Nam trong thời gian chờ ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch.

TP.HCM mở rộng đường cửa ngõ kết nối Bình Dương

Đường Thạnh Xuân 25 dài 2,8 km qua Quận 12 được nâng cấp với kinh phí gần 490 tỷ đồng giúp giảm kẹt xe, ngập úng, tăng kết nối TP.HCM và Bình Dương.

Phối cảnh Dự án Nâng cấp đường Thạnh Xuân 25

Phối cảnh Dự án Nâng cấp đường Thạnh Xuân 25

Ngày 2/8, Dự án được UBND Quận 12 (TP.HCM) khởi công, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2025. Đường Thạnh Xuân 25 kết nối từ tuyến Lê Thị Riêng tới Hà Huy Giáp hiện rộng 7 m sẽ được mở rộng lên 14 - 30 m, kết hợp các hạng mục thoát nước, cây xanh, chiếu sáng... Trong tổng vốn đầu tư, hơn 287 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, phần còn lại là chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng...

Ông Từ Nguyễn Đức Bằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 12 (chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường nằm trên địa bàn hai phường Thới An và Thạnh Xuân, kết nối sang Bình Dương nhưng nhỏ hẹp, chưa có hệ thống thoát nước. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống giao thông ở khu vực, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương từ Thành phố qua Bình Dương.

"Dự án Mở rộng đường Thạnh Xuân 25 khi đưa vào khai thác sẽ giảm ùn tắc cho các tuyến lân cận như Hà Huy Giáp, Tô Ngọc Vân, Quốc lộ 1...", ông Bằng nói.