Hà Nội công bố điều kiện cách ly điều trị F0 tại nhà
Người mắc Covid-19 (F0) dưới 50 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine và không mang thai được xem xét điều trị tại nhà.
Biển cảnh báo gia đình có người cách ly y tế |
Tối 3/12, UBND TP. Hà Nội công bố hướng dẫn cách ly, quản lý, khám và điều trị F0 tại nhà. F0 có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có đơn đăng ký gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với F0.
Ngoài quy định về độ tuổi, tiêm vaccine, Thành phố yêu cầu F0 phải có nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Trong gia đình, F0 phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn...
F0 phải chấp hành nghiêm quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, có cam kết với chính quyền địa phương và không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình. F0 được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ bảy và ngày thứ 14. Hết thời gian cách ly, F0 phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trước đó, ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ F0 và biện pháp cách ly, điều trị, thay thế hướng dẫn hồi tháng 7/2021. Biện pháp chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đã được áp dụng rộng rãi tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hiện mới được triển khai ra Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 3/12. Theo đó, yêu cầu thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản hoặc ngân hàng có liên quan.
Kết quả thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12/2021 |
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.
Nằm trong diện thanh tra lần này còn có các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Kết quả thanh tra cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng; cảnh báo rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Bộ Công an nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Công điện của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng thời gian qua. Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ lên tới hơn 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Quán ở vùng xanh, vàng tại TP.HCM được bán rượu, bia đến 31/12
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký công văn khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, các cơ sở dịch vụ ăn uống ở vùng xanh và vàng (cấp độ 1 và 2) tại TP.HCM được tiếp tục thí điểm bán rượu, bia đến hết ngày 31/12, không phải đóng cửa trước 22h.
Quán ăn ở vùng xanh, vàng tại TP.HCM được phép bán rượu, bia, không phải đóng cửa trước 22h |
Trước đó, sau 2 tuần thí điểm ở Quận 7 và TP. Thủ Đức, từ ngày 16/11 chính quyền Thành phố cho các điểm kinh doanh ăn uống ở vùng xanh và vàng được bán bia, rượu đến cuối tháng 11.
Với hàng quán ở địa bàn cấp độ 3 (vùng cam), Thành phố yêu cầu chỉ phục vụ tại chỗ tối đa 50% công suất cùng một thời điểm, không bán và để khách dùng rượu, bia. Còn địa bàn nguy cơ cấp 4 (vùng đỏ), cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ.
Thành phố cũng yêu cầu quận, huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ đồ uống có cồn và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Sau thời gian thí điểm, các địa phương tổng kết, đánh giá gửi Sở Công Thương trước ngày 31/12 để tổng hợp, đề xuất UBND Thành phố quyết định cho giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong thời gian thí điểm, hầu hết cơ sở kinh doanh ăn uống tuân thủ quy định phòng dịch. Ghi nhận chung, chưa có cơ sở xác định việc kinh doanh ăn uống phục vụ đồ uống có cồn gây lây lan Covid-19.
Sở Công Thương đánh giá việc thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và giải tỏa áp lực tâm lý của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường
Thay vì phải nằm trên địa bàn không ghi nhận F0 cộng đồng trong 14 ngày tính đến 30/11, trường THPT được mở cửa khi xã, phường đạt cấp độ 1 hoặc 2.
Học sinh một số khối lớp tại các địa phương được trở lại trường |
Chưa đầy một ngày sau quyết định cho học sinh THPT trở lại trường từ 6/12 của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp. Theo đó, Sở không còn yêu cầu tiêu chí "trong 14 ngày, tính đến 30/11, các xã, phường không ghi nhận F0 cộng đồng" mới được mở trường.
Trong hai tuần qua, toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội đều ghi nhận các ca mắc cộng đồng. Nếu áp dụng tiêu chí này, rất ít trường THPT đủ điều kiện mở cửa. Nhằm nới rộng việc học trực tiếp, Thành phố đã bỏ bớt một yêu cầu.
Như vậy, chỉ cần nằm trong khu vực dịch cấp độ 1 hoặc 2, đạt các tiêu chí phòng chống dịch theo hướng dẫn liên ngành, trường THPT đủ điều kiện mở cửa. Ngoài bậc THPT, học sinh lớp 9 tại 18 huyện ngoại thành tiếp tục học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến đến khi có thông báo mới, còn học sinh mầm non nghỉ tại nhà.
Để đảm bảo an toàn, giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ dạy trực tuyến. Các trường không tổ chức ăn bán trú hay mở căng tin, chỉ dạy một buổi mỗi ngày.
Trong quá trình mở cửa, nếu phát hiện các vấn đề về dịch tễ, không đảm bảo an toàn, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp huyện, thị sẽ xem xét, yêu cầu dừng việc học để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người 15 - 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.
Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng
Tháng 11 là tháng thứ hai cán cân thương mại tiếp tục không bị thâm hụt, ghi nhận xuất siêu 100 triệu USD, giúp cán cân thương mại của Việt Nam xoay chiều, xuất siêu trở lại sau 11 tháng.
Xuất khẩu 11 tháng ước đạt gần 299,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020 |
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương, tháng 11 là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại không bị thâm hụt, ghi nhận xuất siêu 100 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng gần 4% ở mức xấp xỉ 30 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu ước đạt gần 299,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại trong gần nửa năm qua do ảnh hưởng từ các đợt dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tới 86%, đạt gần 258 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, việc các doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19 đã giúp nhóm công nghiệp chế biến phục hồi.
Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt gần 29 tỷ USD, tăng hơn 7%; giầy dép các loại đạt hơn 15,5 tỷ USD. Xuất khẩu sắt thép lần đầu vượt kim ngạch 10 tỷ USD, đạt 10,8 tỷ USD, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở nhóm hàng nông, lâm sản, 11 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020. Xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản cũng tăng gần 29% sau 11 tháng, đạt 3,4 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tháng 11 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng 10. Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập 10,2 tỷ USD; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 19,6 tỷ USD, tăng gần 15%. Lũy kế 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu hơn 299,4 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ 2020.
Không có cơ sở xem xét trách nhiệm lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai trong vụ án ông Tất Thành Cang
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khẳng định, không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Dự án Khu dân cư Ven Sông, Quận 7, TP.HCM |
Chiều 3/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (tức Công ty Tân Thuận, 100% vốn nhà nước) bán rẻ 32 ha đất tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè và 169.229 m2 đất của Dự án Khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, Quận 7 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Trước đó, giữa tháng 8, Cơ quan An ninh điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 9 người khác về tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM có quyết định trả hồ sơ đề nghị làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có trách nhiệm cá nhân lãnh đạo Công ty CP Quốc Cường Gia Lai...
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh nêu rõ không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Cụ thể, cơ quan điều tra xác định, việc chuyển nhượng khu đất đã đền bù ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè và chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông, Quận 7 theo quy định pháp luật hiện hành là không bắt buộc phải đấu giá. Việc đấu giá chỉ là một trong những căn cứ để bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho Công ty và chủ sở hữu.
Công ty Tân Thuận không thực hiện đúng quy định về xây dựng giá, dẫn đến giá chuyển nhượng thấp, gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TP.HCM tại Công ty Tân Thuận. Ngoài ra, không có quy định nào buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai (là đơn vị nhận chuyển nhượng) phải biết giá của Công ty Tân Thuận được xây dựng đúng hay sai. Cơ quan điều tra chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan thông đồng hay cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng.
Từ 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt
Bộ Giao thông vận tải khẳng định, kể từ ngày 1/1/2022, các phương tiện không thực hiện lắp camera giám sát trên xe theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm...
Xe vận tải hoàn thiện lắp camera giám sát trước ngày 31/12 để giám sát lái xe và phòng chống dịch Covid-19 |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký công văn hối thúc các đơn vị đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, tăng cường tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải trong việc phải lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước 31/12/2021 để tránh bị xử lý vi phạm từ ngày 1/1/2022.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn khẩn trương thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera... Thời gian thực hiện đảm bảo xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera, khi tham gia giao thông, các phương tiện sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.
5 dự án giao thông giúp Cần Thơ liên kết vùng
Đường vành đai phía Tây hơn 19 km cùng 4 tuyến trục ngang được đầu tư, xây dựng nhằm phát triển giao thông và đô thị, giúp Cần Thơ kết nối vùng.
Sơ đồ tuyến vành đai phía Tây Cần Thơ (màu vàng) |
Các dự án có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và địa phương, được xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026.
Trong đó, Dự án Vành đai phía Tây dài 19,4 km, vốn đầu tư 3.840 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, nối với Quốc lộ 61C. Dự án có mặt đường rộng 80 m, trong đó phần xe chạy rộng 30 m, vận tốc 60 - 80 km/h, đường gom 22 m, hè đường 16 m, dải phân cách 3 m, đất dự trữ 9 m.
Tiếp đến là Dự án Đầu tư Tỉnh lộ 923 dài hơn 14 km, rộng 8 m, chạy qua quận Ô Môn và huyện Phong Ðiền, tổng mức đầu tư hơn 570 tỷ đồng. Công trình kết nối Quốc lộ 91, các đường tỉnh 918, 926, góp phần nâng cao khả năng vận tải của mạng lưới giao thông trên địa bàn.
Dự án Đường tỉnh 917 có điểm đầu giao Quốc lộ 91 thuộc địa phận quận Ô Môn và điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ thuộc huyện Phong Điền, dài hơn 13 km, rộng 8 m; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Công trình nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B cùng Khu công nghiệp Trà Nóc...
Dự án Xây dựng, nâng cấp Đường 918 dài hơn 10,5 km, qua quận Bình Thuỷ và huyện Phong Điền, vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường này kết nối thông suốt giữa các tuyến quốc lộ 91, 91B, 61C.
Cuối cùng là Dự án Tỉnh lộ 921 dài hơn 8 km, qua quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ, vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu giao tuyến tránh Thốt Nốt, điểm cuối kết nối cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc...