Bản tin thời sự sáng 4/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phấn đấu khởi công Vành đai 2 TP.HCM vào tháng 12/2024; bán lẻ online xuyên biên giới có thể thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5; lợi nhuận ACV cao kỷ lục; MoMo lên tiếng về vụ việc khách hàng phản ánh bị hack 43 triệu đồng…

Phấn đấu khởi công Vành đai 2 TP.HCM vào tháng 12/2024

Sau nhiều năm chưa triển khai, 2 đoạn Vành đai 2 phía Đông TP.HCM, dài hơn 6 km, dự kiến được khởi công cuối năm nay với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Vành đai 2 đoạn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng hoàn thành giai đoạn một

Phối cảnh Vành đai 2 đoạn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng hoàn thành giai đoạn một

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công 2 đoạn Vành đai 2 ở địa bàn TP. Thủ Đức, ngày 3/2. Đây là 2 trong 4 phân đoạn còn lại thuộc tuyến vành đai chưa khép kín, mới được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư hồi năm ngoái với tổng kinh phí khoảng 13.871 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỷ đồng. Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc triển khai sau này. Hai dự án có diện tích thu hồi đất 61,51 ha tại 6 phường của TP. Thủ Đức: Tăng Nhơn Phú B, Phước Long A, Phước Long B, Bình Thọ, Trường Thọ và Linh Đông; khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng.

UBND TP. Thủ Đức phấn đấu hoàn tất các công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đến ngày 30/11/2024 sẽ bàn giao 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM để khởi công thực hiện Dự án vào tháng 12/2024.

UBND TP. Thủ Đức cũng đề xuất UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP.HCM chấp thuận chia làm 2 nhóm để thực hiện công tác thu hồi đất. Cụ thể, nhóm 1 sẽ thu hồi các trường hợp đất nông nghiệp và đất ở đồng thuận, nhóm 2 sẽ thu hồi các trường hợp đất ở không đồng thuận.

Bán lẻ online xuyên biên giới có thể thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5

Thương mại điện tử bán lẻ (B2C) xuyên biên giới sẽ đạt 12 tỷ USD vào năm 2027 và trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới, theo Amazon.

Các gói hàng của Amazon tại một trung tâm chia chọn ở Robbinsville, New Jersey, Mỹ

Các gói hàng của Amazon tại một trung tâm chia chọn ở Robbinsville, New Jersey, Mỹ

Dự báo được nêu trong "Báo cáo hoạt động 2023: Trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" do Amazon Global Selling Việt Nam vừa công bố.

Báo cáo chỉ ra hai khả năng phát triển với xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến năm 2027. Trong đó, kịch bản thông thường, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt 5 tỷ USD (tương đương 124.200 tỷ đồng).

Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tức 296.300 tỷ đồng vào năm 2027. Mức này cao hơn 2,4 lần so với kịch bản thông thường và thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 356 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Năm nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD gồm: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may và nông, lâm, thủy sản.

Amazon Global Selling đánh giá, hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Dự kiến quy mô thị trường bán lẻ online năm nay là hơn 31,3 tỷ USD, chiếm gần 13% bán lẻ toàn cầu. Con số này sẽ tăng lên hơn 40,5 tỷ USD vào 5 năm tới, tương đương 15% tiêu dùng toàn cầu.

Các nhà bán lẻ Việt đã bán hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon - trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới - trong một năm (tính tới 31/8/2023), với giá trị tăng một nửa so với cùng kỳ 2022. Số nhà bán hàng Việt trên sàn này cũng tăng 40%, nhưng tập đoàn không tiết lộ số lượng cụ thể mà chỉ cho biết là "hàng nghìn".

Hiện 5 ngành hàng "made in Vietnam" bán chạy nhất gồm: nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Báo cáo đánh giá danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa, may mặc.

Lợi nhuận ACV cao kỷ lục

Trong năm 2023, ACV đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

ACV lần đầu ghi nhận doanh thu vượt mốc 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

ACV lần đầu ghi nhận doanh thu vượt mốc 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần quý cuối năm ngoái của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 5.047 tỷ đồng.

Trong đó, mảng cung cấp dịch vụ hàng không vẫn là nguồn thu lớn nhất, mang về gần 4.068 tỷ đồng cho Tổng công ty và chiếm 80% doanh thu thuần hợp nhất, tăng 20%. Bên cạnh đó, mảng dịch vụ phi hàng không và bán hàng cũng lần lượt đóng góp 14% và 6% vào doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty.

Với việc cải thiện biên lãi gộp lên 53,4% trong quý cuối năm ngoái, nhà quản lý và vận hành sân bay lớn nhất Việt Nam thu về 2.696 tỷ đồng lãi gộp, tăng 43%.

Ở phần chi phí, trong khi các khoản chi phí bán hàng và chi phí tài chính không có nhiều biến động, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của ACV đã tăng 54% trong quý cuối năm ngoái, lên tới 1.320 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh trong quý, ACV thu về khoản lãi ròng 1.565 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đây lại là quý kinh doanh có mức lãi thấp nhất của ACV trong năm 2023.

Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý trước đó, tính chung năm 2023, ACV ghi nhận 20.032 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 8.572 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 18% so với năm 2022.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ACV ghi nhận mức doanh thu vượt mốc 20.000 tỷ đồng trong một năm kinh doanh. Đồng thời, mức lãi đạt được năm 2023 cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

MoMo lên tiếng về vụ việc khách hàng phản ánh bị hack 43 triệu đồng

MoMo khẳng định cam kết của doanh nghiệp trong việc cung cấp, vận hành dịch vụ trung gian thanh toán theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mã QR nhận tiền đa năng của MoMo. Ảnh minh họa.

Mã QR nhận tiền đa năng của MoMo. Ảnh minh họa.

Ngày 31/1/2024, khách hàng có tài khoản Facebook là Alvin Tran chia sẻ trên trang cá nhân phản ánh về việc mất hơn 43 triệu đồng. Trong bài đăng của khách hàng có đề cập đến MoMo.

Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, MoMo đã tiến hành rà soát hệ thống và nhận thấy khách hàng không có giao dịch trên MoMo trong 1 tháng gần nhất. Đồng thời, MoMo cũng đã liên hệ trực tiếp với khách hàng để lắng nghe và chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn mà khách hàng đang gặp phải.

MoMo cũng mong muốn làm rõ về những điểm chưa chính xác và gây nhầm lẫn về sự liên quan của MoMo đối với vụ việc.

Theo đó, MoMo không lưu trữ thông tin của khách hàng khi khách hàng thực hiện liên kết tài khoản ngân hàng với MoMo, đồng thời luôn đặt an toàn bảo mật của người dùng làm ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động vận hành. MoMo đạt Chứng nhận Bảo mật quốc tế PCI DSS phiên bản 4.0 - cấp độ bảo mật chuẩn toàn cầu cao nhất hiện nay. Trong đó quy định rất chặt chẽ các điều kiện bảo mật thông tin trong quá trình xử lý thanh toán cho thẻ, đảm bảo an toàn cao nhất về thông tin khách hàng và dữ liệu giao dịch.

MoMo khẳng định là giao dịch mà khách hàng phản ánh không xảy ra trên hệ thống của MoMo. Song song đó, để giao dịch mà khách hàng đăng tải có thể thực hiện được thì cần 2 thông tin: thông tin thẻ - là thông tin mà MoMo không lưu trữ như đã nêu ở trên, và thứ 2 là thông tin SMS OTP là thông tin mà MoMo không thể tiếp cận được.

Từ những cơ sở nêu trên, một lần nữa, MoMo khẳng định không liên quan đến sự việc khách hàng có tài khoản Facebook là Alvin Tran phản ánh bị mất tiền.

Phê duyệt thu hồi 500 ha đất các loại để làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dự kiến sẽ phải thu hồi đất của khoảng 1.758 hộ, tương ứng với trên 5.000 người bị ảnh hưởng.

Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dự kiến sẽ phải thu hồi đất của khoảng 1.758 hộ. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dự kiến sẽ phải thu hồi đất của khoảng 1.758 hộ. Ảnh minh họa

Đại diện Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai phối hợp hoàn thiện hồ sơ khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án. Sau khi 2 tỉnh phối hợp hoàn thiện hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm tra hồ sơ, trình và được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dự kiến sẽ phải thu hồi đất của khoảng 1.758 hộ, tương ứng với trên 5.000 người bị ảnh hưởng.

Theo đó, tổng diện tích cần thu hồi tại 2 tỉnh là 500,6 ha, trong đó có 5,6 ha đất ở, 434,7 ha đất nông nghiệp... Dự kiến sẽ có khoảng 301 hộ phải di dời, tái định cư theo hình thức tái định cư phân tán và tái định cư tập trung. Dự kiến tổng số tiền cần bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án khoảng 2.821 tỷ đồng, kinh phí sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ngày 27/10/2023, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Trong đó, các dự án thành phần gồm: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng) với tổng diện tích 3,79 ha, dự kiến kinh phí khoảng 36 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng) với tổng diện tích 12,58 ha, dự kiến kinh phí thực hiện trên 151 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc - Lâm Đồng) với tổng diện tích 19.56 ha, dự kiến kinh phí thực hiện trên 246 tỷ đồng. Dự án thành phần thứ 3 này phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của cả 2 đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Về phía tỉnh Đồng Nai, dự kiến xây dựng khu tái định cư tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú với diện tích khoảng 9,5 ha.

HoSE lưu ý khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HBC, POM, HNG

HBC, POM liên tục chậm nộp báo cáo tài chính năm (đã kiểm toán) trong khi HNG nối dài lỗ kinh doanh là lý do HoSE lưu ý về khả năng các mã cổ phiếu này có thể bị hủy niêm yết.

HoSE vừa có văn bản lưu ý gửi tới HBC, POM và HNG về khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu theo quy định

HoSE vừa có văn bản lưu ý gửi tới HBC, POM và HNG về khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu theo quy định

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có lưu ý về việc cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; cổ phiếu POM của Công ty CP Thép POMINA và cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai có khả năng bị hủy niêm yết.

Cụ thể, HoSE đã có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình để lưu ý về việc cổ phiếu HBC có thể bị hủy niêm yết nếu Công ty tiếp tục vi phạm quy định về niêm yết.

Hiện cổ phiếu HBC đang trong diện kiểm soát của HoSE với lý do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã qua kiểm toán trong 2 năm liên tiếp. Theo quy định của Sở Giao dịch, nếu chậm nộp liên tiếp 3 năm, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tương tự HBC, HoSE cũng có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu ngành thép POM. Trong đó, HoSE lưu ý POM đã nằm trong diện kiểm soát. Lý do cũng giống như cổ phiếu HBC, HoSE lưu ý nếu chậm thêm 1 lần nữa, cổ phiếu POM sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết.

Với cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico, HoSE đang cho cổ phiếu này vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ âm liên tiếp hai năm 2021 - 2022. Theo báo cáo tài chính của HAGL Agrico, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2022 là âm 3.576 tỷ đồng và năm 2021 là âm 1.119 tỷ đồng.

HoSE cho biết, ngày 30/1 đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của HAGL Agrico và đã công bố thông tin ra thị trường. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của cổ đông Công ty mẹ doanh nghiệp này âm 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là âm 8.053 tỷ đồng.

Do đó, HoSE gửi văn bản lưu ý về việc cổ phiếu HNG của HAGL Agrico có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Công ty vẫn tiếp tục báo kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ.

Garmex Sài Gòn cắt giảm lao động từ hàng nghìn người chỉ còn 35 lao động

Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) cắt giảm gần 2.000 lao động và chỉ giữ lại 35 người vào cuối năm 2023 khi tiếp tục thua lỗ.

Công nhân làm việc tại Nhà máy Garmex Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Công nhân làm việc tại Nhà máy Garmex Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn vào cuối năm chỉ còn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với đầu năm. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, GMC giảm 1.828 việc làm. Như vậy, đã có khoảng 3.775 người bị mất việc ở Garmex Sài Gòn trong hai năm qua.

Cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà doanh nghiệp này lựa chọn để giảm lỗ trong năm 2023. Doanh thu của Garmex Sài Gòn chỉ đạt khoảng 8,6 tỷ đồng, giảm gần 35 lần so với năm 2022. Nguyên nhân là đơn hàng sụt giảm, chủ yếu là đơn lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Từ quý III/2023, doanh nghiệp này hoàn toàn không có đơn hàng nào. Dù đã tiết giảm chi phí nhưng Công ty vẫn lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến Công ty lỗ rất nhiều, phải tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiệt hại và tiết kiệm chi phí tối đa. Riêng chi phí nhân công giảm đến 6 lần trong năm 2023, chỉ còn hơn 11 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn đã hoạt động hơn 20 năm, là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Ban lãnh đạo Công ty dự báo, sắp tới ngành dệt may chưa có biến động lớn, tồn kho còn nhiều ở các nước, nhu cầu thị trường Âu - Mỹ chưa tăng trưởng cao, đơn hàng mới còn ít, hàng hóa giá trị thấp. GMC cho rằng, phải đợi đến khoảng quý II năm nay mới biết rõ tình hình phục hồi của ngành.

GMC có 5 nhà máy tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam, tổng diện tích hơn 10 ha với 70 dây chuyền sản xuất. Trước dịch Covid-19, GMC từng tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019.

Vi phạm khai thác tài nguyên, Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai bị phạt 700 triệu đồng

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai 700 triệu đồng.

Khai trường khai thác quặng apatit tại xã Tả Phời và xã Hợp Thành, TP. Lào Cai của Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai

Khai trường khai thác quặng apatit tại xã Tả Phời và xã Hợp Thành, TP. Lào Cai của Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai

Theo quyết định xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai bị phạt tổng số tiền 700 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định quá thời hạn trong thông báo kết quả kiểm tra nhưng Công ty thực hiện chưa đầy đủ các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về việc tổng hợp, báo cáo cụ thể khối lượng đất, đá thải để san lấp và chưa báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự biến động của trữ lượng quặng apatit loại I để hướng dẫn tính toán, nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Hành vi bị xử phạt tiếp theo là đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ. Cụ thể, Công ty đổ đất, đá thải lên khu vực phía sau thao trường bắn súng mở rộng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai và khu vực giáp kho lưu quặng III với diện tích khoảng 8 ha, trong đó đổ thải bao trùm cả đường dân sinh.

Cũng theo cơ quan thanh tra, năm 2021, đơn vị này khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25% đến dưới 50%. Cụ thể, năm 2021, Công ty đã khai thác 713.940,12 tấn quặng, vượt 213.940,12 tấn quặng, tương đương vượt 42,78% so với công suất được phép khai thác là 500.000 tấn quặng/năm theo giấy phép khai thác khoáng sản.

Tin cùng chuyên mục