Bản tin thời sự sáng 4/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hiện còn 3 bộ, ngành chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn năm 2023; đề nghị sửa Luật Căn cước công dân; chuyển hồ sơ vi phạm liên quan Tổng công ty Vận tải thủy sang Bộ Công an; kiến nghị cấm hẳn xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM; Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo tăng vốn hơn 180 tỷ đồng…

Hiện còn 3 bộ, ngành chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn năm 2023

Bộ Tài chính cho hay, hiện vẫn còn ba bộ, cơ quan trung ương (bao gồm Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá) chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh minh họa

Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cả nước hiện có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Như vậy, đến nay vẫn còn ba bộ, cơ quan trung ương (bao gồm: Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá) chưa báo cáo phân bổ kế hoạch đến Bộ Tài chính.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính cho hay, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và địa phương mặc dù đã gửi báo cáo song vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 764.384 tỷ đồng (vốn trong nước là 735.384 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng); trong đó kế hoạch vốn đã giao là 751.496 tỷ đồng và kế hoạch vốn chưa giao là 12.887 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân, tổng giá trị thanh toán trong hai tháng là 49.247 tỷ đồng, đạt 6,5% kế hoạch (bằng 6,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 10%, như: Điện Biên (23,4%), Tiền Giang (21%), Lâm Đồng (20,3%)...

Bên cạnh đó, 50/52 bộ và 19/63 địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân dưới 5% (đáng lưu ý có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Đề nghị sửa Luật Căn cước công dân

Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào chương trình kỳ họp giữa năm 2023 để phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư.

Cán bộ công an quận Long Biên nhập thông tin làm căn cước của người dân vào hệ thống

Cán bộ công an quận Long Biên nhập thông tin làm căn cước của người dân vào hệ thống

Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ lý giải, đề xuất nói trên nhằm tháo gỡ khó khăn trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với bốn nhóm chính sách. Trước tiên là quy định tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Ngoài cung cấp thông tin về công dân, căn cước sẽ tương đương với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp, có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ.

Bên cạnh đó, Dự luật cũng bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước…

Một số nội dung cũng được hoàn thiện như quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân và quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Ngoài sửa Luật Căn cước công dân, Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội 5 dự luật khác. Đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự kiến, đề nghị của Chính phủ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 3.

Chuyển hồ sơ vi phạm liên quan Tổng công ty Vận tải thủy sang Bộ Công an

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận thanh tra, đồng thời chuyển hồ sơ liên quan đến việc cổ phần hóa và thoái vốn sai, mất vốn của Nhà nước tại các cảng Việt Trì, Ninh Phúc và Hà Nội của Tổng công ty Vận tải thủy sang Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra làm rõ.

Vi phạm liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn xảy ra tại Tổng công ty Vận tải thủy

Vi phạm liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn xảy ra tại Tổng công ty Vận tải thủy

Theo thông báo Kết luận thanh tra của TTCP, tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong đó, bao gồm việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO).

Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện 2 lần thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thủy.

Theo kết luận của TTCP, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa VIVASO, cần thực hiện xác nhận, đối chiếu công nợ và phải được khách nợ, chủ nợ ký biên bản. Tuy nhiên, trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp VIVASO, đã xác nhận, đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký biên bản đối chiếu, vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, cảng Hà Nội cũng đã vi phạm Luật Kế toán khi không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền trên 16 tỷ đồng.

Mặt khác, TTCP cho rằng, phương án cổ phần hóa của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, có nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền gần 135 tỷ đồng.

Theo đó, TTCP đã kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận hồ sơ liên quan nội dung cổ phần hoá đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thoái vốn sai, mất vốn nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền trên 16 tỷ đồng để điều tra, xử lý theo quy định.

Kiến nghị cấm hẳn xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM

Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) - đơn vị vận hành bến xe Miền Đông mới kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu triển khai mở rộng cấm xe giường nằm vào trung tâm Thành phố không hạn chế khung giờ.

SAMCO kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu mở rộng cấm xe giường nằm vào trung tâm Thành phố không hạn chế khung giờ

SAMCO kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu mở rộng cấm xe giường nằm vào trung tâm Thành phố không hạn chế khung giờ

SAMCO vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc kiến nghị công bố lại hành trình chạy xe khách tuyến cố định trên địa bàn Thành phố.

Theo SAMCO, sau khi di dời các tuyến xe từ bến xe Miền Đông cũ ra bến xe Miền Đông mới, đơn vị đã cùng các cơ quan chức năng đề xuất và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để giảm tối đa hoạt động sai quy định của các đơn vị vận tải.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản thông báo hành trình chạy xe của các xe ô tô hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn Thành phố.

Quá trình triển khai việc di dời tuyến đường, cũng như qua thời gian thực hiện theo thông báo hành trình mới, SAMCO đánh giá một số tồn tại như tình trạng đón, trả khách xung quanh bến xe Miền Đông mới và các điểm lân cận; các phương tiện hoạt động “trá hình”; xe hợp đồng chạy ngang qua bến xe Miền Đông mới để thực hiện đón khách trái quy định...

Do đó, SAMCO kiến nghị Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý tình trạng tổ chức đón khách phía trước bến xe Miền Đông mới và tại các trạm tiếp nhiên liệu, bãi giữ xe, nơi đỗ xe, dọc các tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội…

SAMCO cũng kiến nghị đánh giá hiệu quả chính sách cấm xe giường nằm vào trung tâm Thành phố theo khung giờ từ 6 - 22h. Đồng thời, nghiên cứu triển khai mở rộng không hạn chế khung giờ và hướng đến việc hạn chế xe vận chuyển hành khách trên 16 chỗ vào nội thành (trừ các xe buýt, xe phục vụ nhu cầu riêng: xe đưa rước, xe công vụ, xe phục vụ khách đoàn tham quan, du lịch theo chương trình, xe phục vụ đám tang, đám cưới…).

Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo tăng vốn hơn 180 tỷ đồng

Chi phí giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) giai đoạn 2 tăng hơn 180 tỷ đồng khiến địa phương gặp khó khăn, công trình có nguy cơ chậm tiến độ.

Kênh Chợ Gạo đoạn qua tỉnh Tiền Giang

Kênh Chợ Gạo đoạn qua tỉnh Tiền Giang

Thông tin trên được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết ngày 3/3. Hiện địa phương này đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung vốn để công trình hoàn thành trong năm nay theo kế hoạch.

Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có tổng vốn 1.335 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2021. Đoạn kênh dài 10 km sẽ được nạo vét; mở rộng luồng đường thủy; xây dựng kè bờ Nam, cầu và đường qua các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo. Khi hoàn thành, đoạn đường thủy này sâu hơn 3,5 m, rộng 50 m giúp tàu, thuyền đi lại thuận lợi.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải duyệt cho Tiền Giang hơn 556 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chi phí này hiện đã tăng lên hơn 738 tỷ đồng.

Nguyên nhân được Tỉnh lý giải, Dự án ban đầu tính hỗ trợ tái định cư bằng tiền, song sau đó phải xây thêm 3 khu tái định cư. Ngoài ra, đơn giá dự toán hỗ trợ mặt tiền đường sau 5 năm đã tăng gần gấp đôi (90.000 đồng/m2 lên 160.000 đồng/m2); đơn giá xây nhà ở và vật kiến trúc thông dụng từ năm 2019, nhưng khi thực hiện áp dụng theo năm 2021.

Có 633 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án, hiện 617 hộ đã nhận chi phí bồi thường hơn 545 tỷ đồng. Các địa phương đã bàn giao mặt bằng 9,3 km, đạt 95%.

Kênh Chợ Gạo dài 28,5 km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Công trình được người Pháp cho đào thủ công năm 1876, nối sông Tiền và Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất.

TP.HCM muốn đẩy nhanh khai thác tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo

Trong bối cảnh sân bay Côn Đảo sắp đóng cửa 9 tháng để nâng cấp, TP.HCM muốn đẩy nhanh đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Loại tàu dự kiến sử dụng chạy tuyến TP.HCM - Côn Đảo.

Loại tàu dự kiến sử dụng chạy tuyến TP.HCM - Côn Đảo.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có công văn gửi Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phối hợp, hỗ trợ khai thác tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo.

Hiện nay, người dân TPHCM đi du lịch ở Côn Đảo chủ yếu bằng đường hàng không. Tuy nhiên, chỉ có 2 hãng hàng không khai thác đường bay này và chủ yếu là máy bay nhỏ chở được ít khách, giá vé đắt.

Dự kiến sân bay Côn Đảo tạm ngưng hoạt động khoảng 9 tháng, từ tháng 4 - 12/2023 để xây dựng, nâng cấp.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM muốn đẩy nhanh đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo, giúp vận tải ven biển và du lịch đường thủy phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân hai địa phương.

Tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo sẽ được Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP) và Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc khai thác.

Tàu dự kiến xuất bến sang cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hoặc từ cảng Cần Giờ, thay vì đón khách từ bến Bạch Đằng (Quận 1) như phương án trước đây. Tàu dự kiến có hành trình từ 5 - 6 giờ.

Năm 2024, Hà Nội áp dụng vé liên thông vận tải công cộng

Hà Nội sẽ xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách vé dùng chung cho toàn hệ thống vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe bus cùng với việc xây dựng phương án và lộ trình đầu tư.

Hệ thống vé điện tử văn minh, hiện đại được sử dụng lần đầu trên xe buýt điện ở Hà Nội

Hệ thống vé điện tử văn minh, hiện đại được sử dụng lần đầu trên xe buýt điện ở Hà Nội

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, trong năm 2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ xây dựng và trình UBND Thành phố nội dung về khung tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách vé dùng chung cho toàn hệ thống vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe bus cùng với việc xây dựng phương án và lộ trình đầu tư. Dự kiến, việc triển khai đầu tư sẽ được thực hiện vào năm 2024.

Thẻ vé điện tử liên thông hiện đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng và mang lại kết quả tích cực. Áp dụng thẻ vé liên thông giúp giảm được thời gian mua vé, soát vé, giảm nhân công trên xe.

Một ưu điểm nữa là sẽ có được số liệu thống kê, qua đó nắm được nhu cầu đi lại, điểm đi, điểm đến, các tuyến đường, mật độ lưu thông qua từng tuyến, qua đó xây dựng biểu đồ vận hành, kế hoạch vận hành thích hợp.

Hệ thống vé điện tử hiện nay được áp dụng cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và thí điểm 9 tuyến xe buýt điện. Hệ thống thu soát vé tự động của các loại hình vận tải công cộng của Thành phố được thiết kế và xây dựng bởi các nhà thầu khác nhau, áp dụng các công nghệ thẻ vé khác nhau, không có chuẩn dữ liệu chung nên chưa thể liên thông, hình thành trung tâm quản trị hệ thống vé.