Bản tin thời sự sáng 4/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đóng cửa quán ăn uống vỉa hè từ 17h chiều ngày 3/5; VKS yêu cầu điều tra lại vụ Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ; TP.HCM dừng thêm rạp chiếu phim, massage từ 18h ngày 3/5; hành khách bỏ quên hơn 1 tỷ trên máy bay Vietnam Airlines; cách ly gần 200 người trên du thuyền 6 sao ở vịnh Hạ Long; Việt Nam khiếu nại việc gạo ST24, ST25 bị đăng ký ở Australia…

Hà Nội đóng cửa quán ăn uống vỉa hè từ 17h chiều ngày 3/5

TP. Hà Nội yêu cầu quán ăn, uống đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè dừng hoạt động từ 17h ngày 3/5 cho đến khi có thông báo mới.

Nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19

Nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19

Quyết định yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn được UBND TP. Hà Nội đưa ra vào trưa ngày 3/5.

Cụ thể, từ 17h ngày 3/5, TP. Hà Nội tạm dừng hoạt động quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới; các khu di tích, cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu không được mở cửa đón khách.

Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, TP. Hà Nội yêu cầu vệ sinh khử khuẩn, giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Trường hợp không đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, TP. Hà Nội yêu cầu các cửa hàng bán đồ ăn uống trong nhà cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chiều tối ngày 3/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng ra quyết định cho khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội từ mầm non tới THPT sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 4/5, chuyển sang học online để phòng chống Covid-19.

VKS yêu cầu điều tra lại vụ Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ

VKSND Tối cao yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") tự khai đưa 2,5 triệu USD và 5 tỷ đồng cho một tổng cục phó của Bộ Công an.

Vũ Nhôm tại một phiên toà ở TAND Hà Nội

Vũ Nhôm tại một phiên toà ở TAND Hà Nội

Trước đó, Vũ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ theo Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự. Liên quan vụ án, Hồ Hữu Hoà, làm nghề tư vấn về phong thuỷ, tâm linh, bị đề nghị truy tố tội Môi giới hối lộ, theo Khoản 4 Điều 365.

Theo kết luận, tháng 6/2017, khi Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Vũ nhiều lần bị triệu tập. Cùng thời gian này, Vũ biết Hoà quen một tổng cục phó của Bộ Công an nên nhờ kết nối.

Vũ từng khai trong tháng 6/2017 tại căn hộ ở TP.HCM đã lấy 500.000 USD nhờ Hoà chuyển đến vị tổng cục phó. Lời khai này của Vũ bị Hoà và vị cán bộ phủ nhận. Tháng 8/2017, Vũ bảo lái xe riêng đưa cho Hoà 5 tỷ đồng nhờ chuyển giúp.

Từ tháng 4 - 7/2018, tại trại tạm giam T16 Bộ Công an, Vũ tự viết tổng cộng 6 bản tự khai và có 6 lời khai về việc được Hoà kết nối đưa tiền. Vũ thừa nhận bốn lần thông qua trung gian để chuyển tiền. Trong lần đầu tiên là 500.000 USD, lần hai 5 tỷ đồng, lần ba và bốn mỗi lần một triệu USD, kết luận điều tra nêu.

Với Hoà, nhà chức trách xác định đã giúp Vũ kết nối với vị lãnh đạo trên. Tại biên bản ghi lời khai vào tháng 5 và 6/2018, Hoà cho biết đoán quà là tiền, số lượng 9 - 10 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nêu, vị tổng cục phó là cán bộ cấp cao trong ngành công an, có trình độ hiểu biết pháp luật nhưng vẫn nói chuyện nhiều lần với Vũ khi anh ta đang bị điều tra. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật và ngành công an song chưa đủ căn cứ xử lý bởi chưa làm rõ được túi quà nhận được thông qua một số người là "đồ vật, tài sản gì", giá trị bao nhiêu…

TP.HCM dừng thêm rạp chiếu phim, massage từ 18h ngày 3/5

Rạp chiếu phim, sân khấu kịch, ca nhạc, massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử tại TP.HCM phải dừng hoạt động từ 18h ngày 3/5 để phòng dịch.

Một rạp chiếu phim ở TPHCM được khử khuẩn phòng dịch

Một rạp chiếu phim ở TPHCM được khử khuẩn phòng dịch

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa đưa ra quyết định trên vào trưa ngày 3/5.

Ngoài ra, các sự kiện thể thao và các hội nghị, hội thảo chưa cấp bách cũng phải tạm dừng. Nếu đã có kế hoạch tổ chức trong tuần này thì phải giảm quy mô, số lượng người tham dự để bảo đảm an toàn.

Đối với các cơ sở tôn giáo, ông Phong yêu cầu phải tuân thủ các quy định chống dịch và giảm quy mô số lượng người tham gia các sự kiện, nghi lễ.

Trước đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu tất cả vũ trường, quán bar, karaoke trên địa bàn phải dừng hoạt động từ 18h ngày 30/4 để phòng dịch.

Hành khách bỏ quên hơn 1 tỷ trên máy bay Vietnam Airlines

Tổ tiếp viên của Vietnam Airlines đã phát hiện và trả lại hành khách chiếc ví cầm tay chứa hơn một tỷ đồng.

Chiếc ví bị bỏ quên cùng tài sản bên trong

Chiếc ví bị bỏ quên cùng tài sản bên trong

Vụ việc được ghi nhận trên chuyến bay VN7177 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Đà Nẵng vào cuối tháng 4.

Khi hành khách đã rời khỏi máy bay, tổ tiếp viên kiểm tra các hàng ghế và phát hiện một ví tiền trên ghế 1A. Bên trong ví có 45.000 USD, 50 triệu đồng, thẻ ATM và nhiều giấy tờ quan trọng khác. Tổng tài sản giá trị hơn một tỷ đồng.

Tổ tiếp viên đã bàn giao chiếc ví cho bộ phận phụ trách hành lý thất lạc tại sân bay Đà Nẵng. Hành khách sau đó đã nhận lại tài sản của mình và gửi lời cảm ơn tới nhân viên hãng bay.

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, mỗi năm có hàng chục nghìn tài sản có giá trị bị hành khách bỏ quên trên máy bay và được các tiếp viên trả lại.

Không chỉ Vietnam Airlines, việc trả lại đồ cho hành khách đã được ghi nhận bởi nhiều hãng hàng không. Năm ngoái, tổ tiếp viên của Bamboo Airways đã phát hiện và trả lại cho hành khách một chiếc ví Louis Vuitton, bên trong chứa hơn 100 triệu đồng.

Cách ly gần 200 người trên du thuyền 6 sao ở vịnh Hạ Long

122 hành khách và gần 60 nhân viên trên tàu Ambassador Cruisse phải cách ly do có F1 liên quan ổ dịch ở Hà Nam.

Ambssador Cruisse được giới thiệu là du thuyền 6 sao

Ambssador Cruisse được giới thiệu là du thuyền 6 sao

Theo đại diện UBND TP. Hạ Long, qua rà soát, xác định một trường hợp là F1 liên quan ổ dịch tại tỉnh Hà Nam. Người này là nhân viên bếp trên tàu du lịch nghỉ đêm Ambassador Cruisse, số hiệu QN 8879, đang trên hải trình đưa gần 60 nhân viên cùng 122 hành khách tham quan vịnh Hạ Long.

Đại diện TP. Hạ Long cho biết đã yêu cầu tàu QN 8879 quay trở về và bố trí khu neo đậu, cách ly riêng biệt cho toàn bộ hành khách cùng thuyền viên trên tàu.

Ngay khi tàu về bờ, nhà chức trách đã cử cán bộ y tế đưa trường hợp F1 đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Toàn bộ nhân viên phục vụ trên tàu cũng được lấy mẫu xét nghiệm.

Tàu cập bến tại bến phà Bãi Cháy cũ và được Cảng vụ bố trí vùng nước neo đậu riêng, tách biệt, không bố trí cập bến tại cảng tàu chính. Lực lượng y tế đã xuống tàu lấy mẫu toàn bộ nhân viên phục vụ trên tàu.

Theo đại diện thành phố, trong trường hợp F1 này có kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ tổ chức truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm theo quy định.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, nhà chức trách sẽ lập danh sách theo dõi, quản lý, cách ly đối với toàn bộ du khách và nhân viên trên tàu phù hợp điều kiện thực tế.

Việt Nam khiếu nại việc gạo ST24, ST25 bị đăng ký ở Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết đã làm rõ với công ty đăng ký nhãn hiệu và cơ quan sở hữu trí tuệ rằng, giống lúa ST24, ST25 do nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.

Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên đường 3/2

Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên đường 3/2

Một doanh nghiệp tại Australia, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung là "gạo, gạo ngon nhất thế giới". Hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp này đang được Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Australia (IP Australia) kiểm tra, thẩm định.

Ông Nguyễn Phú Hoà, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, cơ quan này đã gửi công văn cùng tài liệu, hình ảnh đến IP Australia để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công. Giống lúa này đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Gạo ST24, ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế. Sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng rãi, trong đó có Australia.

Theo quy định của IP Australia, thời gian kiểm tra với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại nước này khoảng 3 - 4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng làm việc với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD và nhận được phản hồi sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu. Song song đó, việc tìm luật sư tại Australia cũng đang được thương vụ tiến hành để chuẩn bị các bước tiếp theo, theo quy định của IP Australia.

Giãn cách xã hội một phần ở thành phố Yên Bái

Chính quyền thành phố Yên Bái khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài đường khi thật sự cần thiết, từ 0h ngày 3/5.

Chốt kiểm dịch ở TP Yên Bái

Chốt kiểm dịch ở TP Yên Bái

Theo ông Nguyễn Ngọc Trúc, quyền Chủ tịch UBND TP. Yên Bái, việc hạn chế người dân ra đường nhằm ngăn chặn dịch lây lan; đây là một trong những yêu cầu nằm trong chủ trương giãn cách xã hội trên địa bàn. Người dân chỉ nên ra ngoài khi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại những nơi không bị đóng cửa và các trường hợp khẩn cấp khác.

Người dân giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Chính quyền vận động các cơ sở kinh doanh bia hơi, nhà hàng, các quán trà chanh, cà phê, bia hơi, giải khát tạm dừng kinh doanh để phòng chống dịch; khuyến khích người dân mua bán hàng hóa thiết yếu theo hình thức online, sử dụng thương mại điện tử và dịch vụ giao nhận hàng tại nhà.

TP. Yên Bái tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, rạp chiếu phim, quán game, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao (tập gym, yoga, bể bơi), massage; nghiêm cấm các hoạt động vỉa hè; tạm dừng các hoạt động văn hóa, lễ hội, các hoạt động tập trung đông người tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo.

Đà Nẵng xin dừng tiếp nhận chuyến bay hồi hương

Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép không tiếp nhận chuyến bay đưa công dân Việt Nam nhập cảnh vào Thành phố, tối ngày 3/5.

Người Việt trên chuyến bay hồi hương về Đà Nẵng

Người Việt trên chuyến bay hồi hương về Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, từ đầu năm đến ngày 2/5, Thành phố đã tiếp nhận khoảng 11.800 lượt người nhập cảnh. Riêng tháng 4/2021 đến nay đã tiếp nhận, cách ly y tế tập trung hơn 8.000 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.

Khi tiếp nhận người Việt hồi hương và về cách ly, Thành phố liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19, 72 ca. Đỉnh điểm, từ ngày 30/3 đến nay ghi nhận 61 ca. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là nơi thu dung, điều trị các ca bệnh này, dẫn đến áp lực rất lớn, kéo dài đối với các nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân; đặc biệt trong trường hợp Đà Nẵng đã có ca nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Ông Chinh cho biết, các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố cũng đang quá tải. Do đó, để địa phương phòng, chống và điều trị các ca mắc Covid-19 hiệu quả, Đà Nẵng xin phép không tiếp nhận các chuyến bay đưa công dân nhập cảnh về Đà Nẵng.

Lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý, giám sát người hoàn thành cách ly tập trung tại Đà Nẵng.