Cả nước giảm gần 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, xã
Sau sáp nhập, cấp tỉnh dự kiến giảm 18.440 biên chế cán bộ, công chức và cấp xã giảm 110.780 biên chế so với số lượng được cấp có thẩm quyền giao năm 2022.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sáp nhập tỉnh, xã |
Sáng 3/5, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến về tình hình, tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, các địa phương hoàn thành lấy ý kiến nhân dân về các đề án sáp nhập tỉnh và xã với tỷ lệ đồng thuận trung bình 96%. Tất cả HĐND cấp huyện, xã và tỉnh đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Sau sáp nhập, dự kiến số đơn vị hành chính cấp xã giảm 66,91%, từ 10.035 còn hơn 3.320 đơn vị. Tỷ lệ giảm giữa các địa phương dao động từ 60% đến 76%.
Cả nước dự kiến giảm từ 63 còn 34 đảng bộ tỉnh, thành; giảm hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh; giải thể 694 đảng bộ huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Hơn 3.320 đảng bộ xã sẽ được thành lập (gồm 2.595 xã, 713 phường, đặc khu) và khoảng 10.660 cơ quan, đơn vị trực thuộc đảng ủy cấp xã.
Về nhân sự, sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp tỉnh (khối Đảng, đoàn thể và chính quyền) dự kiến giảm 18.440 biên chế so với năm 2022. Cấp xã giảm hơn 110.780 biên chế và 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ kết thúc hoạt động.
Đề án tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (từ Trung ương đến cấp xã) hướng tới sự gần dân, sát dân hơn, bước đầu giải quyết tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và bộ máy "hình chóp ngược".
Các cơ quan cũng tính toán giảm 90 đầu mối cấp vụ ở Trung ương; 344 đầu mối cấp sở ở tỉnh; 1.235 đầu mối cấp phòng ở tỉnh. Các hội quần chúng được giao nhiệm vụ sẽ tinh gọn 215/284 đầu mối bên trong. Hơn 22.350 biên chế từ cấp huyện sẽ được điều chuyển về công tác tại cấp xã, góp phần thực hiện mô hình hành chính mới và tăng cường hoạt động tại cơ sở, địa bàn dân cư.
Sắp thu hồi đất 5.862 hộ dân TP.HCM và 4 tỉnh làm tuyến đường lớn nhất Đông Nam Bộ
Dự án Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km, dự kiến thu hồi đất của 5.862 hộ dân TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
![]() |
Phối cảnh Vành đai 4 TP.HCM khi đầu tư hoàn chỉnh |
Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua 5 địa phương gồm TP.HCM (20,5 km), Bình Dương (47,95 km), Đồng Nai (46,08 km), Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km) và Long An (74,5 km).
Trong đó, đoạn dài 48 km qua địa phận Bình Dương sẽ do địa phương này thực hiện một dự án độc lập theo Nghị quyết của HĐND Tỉnh.
Gần 160 km còn lại sẽ được tích hợp thành một dự án tổng thể do các tỉnh, thành phối hợp thực hiện, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 5 tới, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, toàn bộ Dự án sẽ sử dụng khoảng 1.415,49 ha đất. Trong đó có 455,71 ha đất trồng lúa, 245,16 ha đất nông nghiệp khác, 152,21 ha đất ở, 511,33 ha đất trồng cây lâu năm, 5,9 ha đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp và 45,18 ha đất khác.
Đoạn Vành đai 4 đi qua TP.HCM sẽ chiếm dụng 206,5 ha đất, gồm 173,64 ha tại huyện Củ Chi và 32,86 ha tại huyện Nhà Bè. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích đất cần thu hồi là 146,8 ha; Đồng Nai là 482,68 ha; Long An là 579,51 ha.
Tổng cộng, khoảng 5.862 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất phục vụ Dự án Vành đai 4.
Trong đó, TP.HCM có 1.280 hộ (huyện Củ Chi có 1.235 hộ và huyện Nhà Bè có 27 hộ). Tỉnh Đồng Nai có 1.697 hộ bị ảnh hưởng, Long An 2.290 hộ và Bà Rịa - Vũng Tàu là 595 hộ.
Chi phí sơ bộ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Vành đai 4 TP.HCM khoảng 41.090 tỷ đồng.
Trong đó, TP.HCM cần khoảng 8.218 tỷ đồng (huyện Củ Chi hơn 6.691 tỷ đồng và huyện Nhà Bè hơn 1.527 tỷ đồng). Đồng Nai cần 9.333 tỷ đồng; Long An là 19.529 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu là 4.007 tỷ đồng.
Hiện nay, HĐND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đều đã thống nhất chủ trương đầu tư tuyến Vành đai 4 TP.HCM, đồng thời cam kết cân đối ngân sách địa phương để tham gia thực hiện Dự án.
Theo kế hoạch, Dự án Vành đai 4 TP.HCM sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành năm 2028.
Tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm được bán đấu giá hơn 1,5 tỷ đồng tại London
Là tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đầu tiên được đấu giá tại Sloane Street Auctions (Anh), bức tranh là hạng mục có giá bán cao nhất trong các tác phẩm nghệ thuật được đấu giá tại Sloane Street Auctions ngày 2/5.
![]() |
Bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm được đấu giá thành công với mức giá 45.000 bảng Anh |
Bức sơn dầu “Property of a lady of title” của họa sĩ nổi tiếng thời kỳ Đông Dương Vũ Cao Đàm (1908 - 2000) đã được gõ búa với giá 45.000 bảng Anh (khoảng 1,55 tỷ đồng) trong phiên đấu giá ngày 2/5 tại nhà đấu giá Sloane Street Auctions ở London (Anh).
Tác phẩm “Property of a lady of title” từng được trưng bày tại một triển lãm cá nhân của Vũ Cao Đàm ở London vào năm 1960 do phòng tranh Frost & Reed danh tiếng của Anh tổ chức.
Ông Daniel Hunt, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Sloane Street Auctions đánh giá, “Property of a lady of title” là một tác phẩm hiếm do có lịch sử đầy đủ kể từ khi sáng tác.
Bức tranh có mặt tại triển lãm thương mại đầu tiên của Vũ Cao Đàm ở London năm 1960 và được cha của chủ sở hữu hiện tại mua ngay trong triển lãm.
Ông Hunt coi họa sĩ Vũ Cao Đàm là một Chagall (họa sĩ người Pháp, 1887 - 1985) của phương Đông. Các tác phẩm của Vũ Cao Đàm nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường nghệ thuật quốc tế.
Họa sĩ Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả và là con thứ 5 trong số 15 người con. Họa sĩ chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp từ khi còn rất nhỏ, bởi cha ông Vũ Đình Thi (1864 - 1930) là một học giả có kiến thức sâu rộng về văn hóa Pháp.
Là một trong những họa sĩ Việt Nam có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX, Vũ Cao Đàm thuộc nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam gồm Phổ, Thứ, Lựu, Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).
Kon Tum bổ sung 15 dự án vào danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025
Kon Tum bổ sung 8 dự án lĩnh vực năng lượng và 7 dự án lĩnh vực phát triển đô thị vào Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
![]() |
Dự án lĩnh vực năng lượng Kon Tum bổ sung thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 hầu hết là các thủy điện |
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 8 dự án lĩnh vực năng lượng và 7 dự án lĩnh vực phát triển đô thị.
Dự án lĩnh vực năng lượng hầu hết là các thủy điện, gồm: Dự án Thủy điện Nước Đao, Dự án Thủy điện Đăk Sú 2, Dự án Thủy điện Đăk Piu 1, Dự án Thủy điện Đăk Rve, Dự án Thủy điện Tà Âu, Dự án Thủy điện Đăk Na, Dự án Thủy điện Đăk Nghé 3, Dự án Điện gió Sạc Ly - Kon Tum (giai đoạn 1). Mục tiêu của các dự án là sản xuất điện năng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong khi đó, 7 dự án lĩnh vực phát triển đô thị tập trung ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, gồm khu đô thị số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Mục tiêu là đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; định hướng phát triển thành không gian du lịch tổng hợp chất lượng cao, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và dịch vụ.
UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn có hiệu quả; đồng thời, xây dựng phụ biểu mô tả dự án thu hút đầu tư để phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đăng tải nội dung của quyết định này lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, tham mưu UBND Tỉnh điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hà Nội sẽ có loạt dự án nhà xã hội cho công an
Hơn 10 dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ công an vừa được HĐND TP. Hà Nội bổ sung vào danh mục thu hồi đất năm 2025.
![]() |
Tại quận Tây Hồ, 2 dự án nhà xã hội cho ngành công an nằm ở Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây và khu X1, phường Phú Thượng |
Tại Kỳ họp 22, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục 279 dự án thu hồi đất năm nay, trong đó có hơn 10 dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ công an.
Tại quận Tây Hồ, 2 dự án nhà xã hội cho ngành công an nằm ở Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây (diện tích hơn 6,3 ha) và khu X1, phường Phú Thượng (2,1 ha). Tại quận Thanh Xuân, khu nhà xã hội thuộc nhóm này nằm tại ô đất ký hiệu N02 ở số 275 Nguyễn Trãi.
Quận Bắc Từ Liêm sẽ có các khu nhà ở tại ô đất CT1, CT2, CT4 Khu đô thị Vibex (2,92 ha) và ô đất IA25 thuộc quỹ đất 20% Khu đô thị Nam Thăng Long (1,81 ha). Quận Hà Đông có 1 dự án thuộc ô đất ký hiệu 6.2 thuộc quy hoạch phân khu S4, đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội với diện tích 1,23 ha.
Tại các huyện ngoại thành, Đông Anh sẽ có nhiều khu nhà xã hội quy mô lớn cho lực lượng công an với 4 dự án. Trong đó, khu nhà xã hội tại ô đất ký hiệu IV.1.1 phân khu đô thị N4, xã Đại Mạch có quy mô trên 50 ha. Xã Mai Lâm có 2 dự án với diện tích khoảng 47 ha. Khu nhà còn lại nằm tại khu tái định cư Xuân Canh với diện tích 1,93 ha.
Huyện Thanh Trì có 3 dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang công an nhân dân, trong đó 2 khu nằm tại xã Thanh Liệt với quy mô 0,56 ha. Dự án còn lại nằm tại ô đất ký hiệu A18 thuộc Dự án Khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại The Manor Central Park), diện tích 2,98 ha.
Bên cạnh đó, các dự án nhà xã hội cho ngành công an Hà Nội dự kiến còn được bố trí tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), xã Vân Canh và Lại Yên (huyện Hoài Đức), xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ).
Tại Hội nghị về công tác phát triển nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ hồi tháng 3, Bộ Công an cho biết, 45.000 công an có nhu cầu về nhà ở xã hội, trong đó, Hà Nội là 18.500 và TP.HCM 6.500.
Do nhu cầu lớn, Bộ Công an đã làm việc với 2 thành phố này để thống nhất phương án. Đồng thời, Bộ cũng ban hành kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 5.000 căn nhà ở xã hội trong công an nhân dân và văn bản hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương thực hiện.
Vietnam Airlines lãi lớn trong quý I nhờ bùng nổ khách quốc tế
Sự bùng nổ của thị trường khách quốc tế cộng thêm giá nhiên liệu giảm giúp Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2025 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 3.625 tỷ đồng.
![]() |
Vietnam Airlines ước vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách trong quý I/2025 |
Tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 11,7 triệu lượt, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2024; lượng khách nội địa đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 3,6%. Trong đó, cả nước đã đón hơn 6 triệu lượt du khách quốc tế, xác lập mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch.
Bám sát đà phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines ước vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các khu vực thị trường quốc tế đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, với thị trường Ấn Độ tăng mạnh nhất 26,6%, kế đến là Trung Đông tăng 25,8%, và Đông Bắc Á tăng 13,6% nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Chất lượng khách quốc tế cũng cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các thị trường doanh thu cao như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đối tượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi, đạt gần 90% so với cùng kỳ 2019, thay vì 60% như cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines trong quý I/2025 ước đạt gần 31.107 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.625 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 25.019 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 3.044 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá nhiên liệu diễn biến thuận lợi, vận tải hàng hóa hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines hưởng lợi từ giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức khoảng 91 USD/thùng trong quý I/2025, thấp hơn gần 5% so với bình quân năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí.
Bên cạnh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa của Tổng công ty cũng ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu 3 tháng đầu năm 2025 vượt kế hoạch hơn 220 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận…
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí trong ngày thứ 4 nghỉ lễ
Trong ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay, toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 31 người.
![]() |
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy |
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, ngày 3/5, toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 31 người. So với cùng kỳ năm ngoái (ngày nghỉ thứ 4 dịp lễ 30/4 - 1/5/2024) giảm 34 vụ, giảm 26 người chết, giảm 27 người bị thương.
Các vụ tai nạn trên đều xảy ra trên đường bộ. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 7.875 trường hợp vi phạm trên đường bộ; tạm giữ 48 xe ô tô, 2.179 xe mô tô, 55 phương tiện khác; tước 227 giấy phép lái xe các loại; trừ điểm giấy phép lái xe 1.080 trường hợp.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 1.836 trường hợp, vi phạm về tốc độ 2.021 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 46 trường hợp; quá khổ giới hạn 18 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 4 trường hợp; vi phạm ma túy 4 trường hợp.
Tuyến đường thủy đã kiểm tra, phát hiện xử lý 124 trường hợp vi phạm. Tuyến đường sắt qua kiểm tra, phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm.
Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng xử lý 366 trường hợp nhà ở xã hội báo vắng khi kiểm tra
Sở Xây dựng Đồng Nai kiểm tra các dự án nhà ở xã hội ở TP. Biên Hòa, trong đó có hàng trăm trường hợp báo vắng dù ban quản trị đã báo trước.
![]() |
Thanh tra Sở Xây dựng Đồng Nai kiểm tra tại block chung cư nhà ở xã hội A2, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa, Đồng Nai |
Ngày 3/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Xây dựng có biện pháp xử lý tiếp theo đối với hơn 366 trường hợp báo vắng khi đoàn kiểm tra đến làm việc.
Trước đó, ngày 26/4, Sở Xây dựng có kết luận về việc kiểm tra các dự án nhà ở xã hội tại TP. Biên Hòa. Theo kết luận, có 366/914 trường hợp thuộc diện kiểm tra báo vắng dù đã được thông báo trước đó, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều căn sử dụng không đúng đối tượng.
Đối với dự án 4 block chung cư nhà ở xã hội phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa, chủ đầu tư là Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai, phát hiện 23 căn không đúng đối tượng sử dụng. Tại Dự án Khu nhà ở xã hội phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa, có 2 căn không đúng đối tượng (1 trường hợp cho thuê lại nhiều lần, có yếu tố cho người nước ngoài thuê), 41 căn hộ vắng khi kiểm tra. Dự án Khu nhà ở xã hội phường Bửu Long, TP. Biên Hòa có 1 trường hợp sử dụng không đúng đối tượng.
Lãnh đạo UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và TP. Biên Hòa rà soát cán bộ công chức, viên chức của đơn vị đang thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trường hợp đã có nhà ở, không còn nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội thì tự nguyện trả lại, nhường chỗ cho người thực sự cần.
Trường hợp đã kêu gọi tự nguyện trả nhà, đã có biện pháp tiếp theo mà vẫn phát hiện sử dụng nhà ở xã hội sai đối tượng, Tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi và có biện pháp xử lý phù hợp.
Hà Nội xem xét cho xây dựng công trình tạm trên đất bãi bồi ven sông
UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng nghị quyết quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố. Trong đó đề xuất tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tại bãi nổi, bãi bồi ven sông được xây dựng một số công trình tạm.
![]() |
Bãi bồi ven sông Hồng, Hà Nội |
Mục đích của các công trình tạm này là để phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, ưu tiên trồng các loại cây chịu úng, cây bản địa như hoa màu ngắn ngày, dược liệu, rau quả.
Người sử dụng đất được xây công trình như lán trại, sơ chế, khu sinh thái, trưng bày… từ 15 đến 100 m², tối đa 15% diện tích đất. Việc sử dụng phải có phương án được chính quyền phê duyệt, xây ngoài hành lang thoát lũ, không san lấp bãi và phải tự tháo dỡ khi hết thời hạn thuê.
Nghị quyết này dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp của HĐND TP. Hà Nội vào tháng 7 tới.