Khai trừ Đảng Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã tại Hà Nội lấy 75 phiếu tự bầu cho mình
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban bầu cử, ứng cử viên đại biểu HĐND xã Tráng Việt, xin 75 phiếu mang về nhà gạch tên người khác, để lại tên mình.
Công tác chuẩn bị cho bầu cử lại vào ngày 6/6 tại tổ bầu cử số 4, xã Tráng Việt đã cơ bản hoàn thành |
Theo Phó chủ tịch HĐND huyện, Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến, Thường vụ Huyện ủy đã họp, quyết định khai trừ Đảng ông Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Hữu Hoàn vì vi phạm trong kỳ bầu cử đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Tổ bầu cử số 4 (xã Tráng Việt).
Theo ông Chiến, kết thúc bỏ phiếu hôm 23/5, qua kiểm đếm cho thấy riêng số phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt thu về là 1.303. Số này lớn hơn 75 phiếu so với số được phát ra trước đó là 1.228. Ủy ban bầu cử xã ngay lập tức niêm phong hòm phiếu của Tổ bầu cử số 4, báo cáo cấp thẩm quyền.
Vào cuộc, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt (là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4 xã Tráng Việt) đã lợi dụng chức vụ, đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử đơn vị bầu cử số 4) lấy mốt số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.
Ông Hùng mang số phiếu về nhà gạch tên người khác, để lại tên mình trong phiếu bầu và nhờ người bỏ phiếu hộ vào hòm phiếu. Việc làm của ông Hùng dẫn đến thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt.
Ngay sau khi nhận được nghị quyết của Ủy ban Bầu cử quốc gia về hủy bỏ kết quả bầu đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã chuẩn bị các bước để bầu cử lại vào ngày 6/6.
Dừng các chuyến bay từ Hải Phòng đến TP.HCM
Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng các chuyến bay từ Hải Phòng đến TP.HCM và ngược lại, theo đề xuất của địa phương.
Dừng các chuyến bay từ Hải Phòng đến TP.HCM |
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, các chuyến bay từ Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại sẽ tạm dừng cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thông báo đến hãng hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc khai thác các chuyến bay từ Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại để biết và thực hiện.
Cục Hàng không Việt Nam cũng được giao chủ trì, phối hợp với Cục Y tế và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND TP. Hải Phòng tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để có điều chỉnh khai thác vận tải hàng không đi đến TP. Hải Phòng kịp thời.
Hiện ngành hàng không đã giảm tần suất bay từ nhiều địa phương khác đến TP.HCM, chỉ duy trì tối đa 63 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Trước đó, ngày 1/6, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đã đề nghị tạm dừng các chuyến bay từ TP.HCM, bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các địa phương này.
Cải tạo xong đường băng 1B Nội Bài trong tháng 7
Từ ngày 5 - 15/7, đường băng 1B sân bay Nội Bài sẽ được bay hiệu chuẩn và kiểm tra để đánh giá chất lượng trước khi bàn giao.
Thi công đường băng 1B tháng 12/2020 |
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), các nhà thầu đang lắp đặt thiết bị đèn hiệu, biển báo, thi công hệ thống thoát nước và một số hạng mục còn lại trên đường băng 11R/29L (1B).
Dự kiến từ 5/7, đường băng này sẽ được máy bay chuyên dụng bay hiệu chuẩn trong 10 ngày theo quy định của ngành hàng không; sau đó tổ chức nghiệm thu và đưa vào khai thác từ 15/7.
Cuối năm 2020, đường băng 1B đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng, tuy nhiên, nhiều hạng mục phụ trợ chưa xong; máy bay code C (A321, A320) có thể cất cánh trên đường băng này song chưa thể hạ cánh.
Đường băng 1B dài 3.800 m, rộng 45 m đã được đơn vị thi công tăng cường một lớp bê tông xi măng cốt thép dày 40 cm và xây dựng các công trình phụ trợ. Đến nay, ngoài đường băng 1B, đơn vị thi công cũng hoàn thành sửa chữa các đường lăn như nút chữ Y, S2, S1A, S1, S7 để máy bay di chuyển từ đường băng vào nhà ga, sân đỗ.
Dự án Cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7/2020. Nhà thầu sẽ sửa chữa đường băng 11R/29L (1B) trong giai đoạn 1 và đường băng 11L/29R (1A) trong giai đoạn 2, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
TP.HCM giảm nửa nhân sự làm việc tại trụ sở nhà nước
Các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM bố trí tối đa 1/2 số lượng cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở trụ sở để phòng chống Covid-19.
Máy tiếp nhận hồ sơ tự động ở UBND Quận 6 để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, phòng chống dịch |
Yêu cầu trên được đề cập trong văn bản khẩn về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong đợt cao điểm phòng, chống do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 3/6.
Theo đó, các cơ quan cần ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà. Người đứng đầu đơn vị căn cứ tính chất công việc phân công nhân sự phù hợp, không để công việc đình trệ. Người lao động thường xuyên cập nhật tiến độ công việc, mở điện thoại 24/24, không ra khỏi nhà khi chưa cần thiết.
Đối với các đơn vị đặc thù, các sở ngành, quận huyện báo cáo Sở Nội vụ để tổng hợp gửi UBND TP.HCM xem xét, quyết định. Người đứng đầu các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm Covid-19 trong đơn vị mình phụ trách.
Các đoàn kiểm tra, thanh tra cũng được yêu cầu tạm dừng nhiệm vụ nếu không thật sự cần thiết, dừng tiếp công dân tại trụ sở. Việc tiếp nhận, giải quyết cho người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Riêng với các cơ quan, đơn vị nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 (gồm UBND quận Gò vấp và UBND các phường trực thuộc và UBND phường Thạnh Lộc, Quận 12) chính quyền thành phố yêu cầu bố trí tối đa 1/3 nhân sự làm việc tại trụ sở. Số này không gồm lực lượng phòng, chống Covid-19 được huy động, và phải thực hiện nghiêm khai báo y tế khi ra vào địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đến cuối năm 2021, Thành phố có hơn 11.000 công chức và gần 112.000 người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề xuất thành lập hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng
Công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập hãng hàng không chở hàng.
80% thị phần chở hàng quốc tế của hàng không Việt nằm trong tay các hãng bay nước ngoài |
Theo đó, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo chuyển vận tải hàng hóa phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án sẽ do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh ngày 10/3, ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn).
Dự án Hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Cũng theo hồ sơ, Hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên hoạt động. Đến năm thứ 2, đội bay của Hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 tăng lên 10 chiếc.
IPP Air Cargo cho biết lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Dự kiến đến năm thứ 4 kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có lãi.
Trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa mà các hãng hàng không Việt ghi nhận đạt 1,3 triệu tấn. Hiện 80% lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển đường hàng không đi và đến Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện.
IPP Air Cargo là doanh nghiệp thành liên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Doanh nghiệp do gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ phần lớn cổ phần và nắm quyền điều hành.
Thêm hai tàu Metro số 1 về TP.HCM giữa tháng 6
Hai đoàn tàu thứ 4 và 5 thuộc Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến khởi hành từ Tokuyama Kudamatsu, Nhật Bản, ngày 10/6 và đến TP.HCM sau 8 ngày.
Đoàn tàu thứ 2 tuyến Metro Số 1 đưa về cảng Khánh Hội (Quận 4) |
Kế hoạch vừa được nhà thầu Hitachi (thực hiện gói thầu CP3: thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray... ) thuộc tuyến Metro số 1, gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư). Thêm hai tàu, tuyến metro này có 5 trên tổng 17 tàu được nhập về. Ba tàu trước đó đã đưa về, lắp ráp tại depot Long Bình (TP. Thủ Đức), chuẩn bị chạy thử.
Kỹ sư điều phối Dự án Metro số 1 Hoàng Mai Tùng cho biết, việc nhập thêm các đoàn tàu giúp đẩy nhanh quá trình chạy thử nghiệm. Đầu tiên, tàu chạy tại depot Long Bình, sau đó từ depot đến ngã tư Bình Thái (TP. Thủ Đức). Tiếp theo, tàu chạy thử từ depot đến ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh), rồi chạy trên toàn tuyến.
Việc vận hành thử ban đầu do nhà thầu Hitachi phụ trách và nhân sự trong nước gồm các bộ phận như lái tàu, vận hành bảo dưỡng... cũng sẽ phối hợp thực hiện khi đào tạo xong. Cùng với thử nghiệm tàu, các hệ thống hỗ trợ như điện, thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray... cũng được kiểm tra.
Các đoàn tàu thuộc Metro số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản. Tàu 3 toa được về trước, sau đó tàu 6 toa. Tàu 3 toa dài 61,5 m, chở 930 khách (đứng, ngồi); tốc độ thiết kế đạt 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm).
Metro số 1 tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt hơn 85%, dự kiến khai thác năm 2022.
BOT cầu Rạch Miễu chuẩn bị thu phí giai đoạn 2 vào tháng 7
Công ty BOT cầu Rạch Miễu trình UBND tỉnh Bến Tre phương án thu phí giai đoạn 2, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng 4 đoạn Quốc lộ 60.
Trạm thu phí cầu Rạch Miễu hiện hữu tiếp tục thu phí giai đoạn 2, dự án nâng cấp, mở rộng 4 đoạn QL60 |
Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre cho biết, Công ty BOT cầu Rạch Miễu trình UBND Tỉnh phương án thu phí giai đoạn 2, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng 4 đoạn Quốc lộ 60 thuộc tỉnh Bến Tre.
Hiện, UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp Công ty BOT cầu Rạch Miễu thực hiện các bước tuyên truyền, phổ biến chủ trương thu phí giai đoạn 2 của Dự án.
Theo ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, phương án thu phí giai đoạn 2 của 4 đoạn nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 60 dự kiến thực hiện trong tháng 7/2021. Giai đoạn 1 thu phí hoàn vốn đầu tư đến tháng 7/2021 hết hạn.
Trạm thu phí cầu Rạch Miễu hiện hữu, vẫn tiếp tục thực hiện thu phí giai đoạn 2 với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 7 năm 8 tháng.
Dự án được chia làm 4 đoạn: đoạn 1 nâng cấp, mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe (chiều dài 4,46km), đoạn 2 nâng, cấp mở rộng và xây dựng mới theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (chiều dài 3,74km), đoạn 3 xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Mỏ Cày, đường cấp III đồng bằng (chiều dài 5,8km) và đoạn 4 từ điểm giao Quốc lộ 60 cũ đến cầu Cổ Chiên được xây mới (dài 8,6km). Xây dựng 16 cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực với khổ cầu phù hợp với khổ nền đường.
Tổng mức đầu tư là 1.752 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII và Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An làm nhà đầu tư thực hiện Dự án, theo hình thức BOT.
Cán bộ Công an TP.HCM bị bắt với cáo buộc buôn lậu hàng điện tử
Hoàng Duy Tiến, cán bộ Công an TP.HCM bị bắt cùng 4 người với cáo buộc lập nhiều công ty để buôn lậu hàng điện tử.
Cán bộ Công an TP.HCM bị bắt với cáo buộc buôn lậu hàng điện tử |
Ngày 3/6, Tiến và đồng phạm bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Buôn lậu.
Trước đó, cảnh sát phát hiện 6 container hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng (mặt hàng cấm nhập khẩu) tại Cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Công ty nhập khẩu có liên quan đến Tiến.
Lực lượng chức năng đã khám xét nhà riêng của 5 bị can, nhiều kho hàng ở quận Bình Tân, Bình Thạnh... thu giữ vật chứng liên quan hành vi sai phạm.
Nhà chức trách xác định, Tiến là cán bộ Đội 7 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03) nhưng đã liên kết với những cá nhân bên ngoài, lập nhiều công ty rồi dùng các pháp nhân để buôn bán hàng không có hoá đơn chứng từ. Hành vi của các bị can được cho là diễn ra trong khoảng 2 năm.