Bản tin thời sự sáng 5/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vắc-xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam sắp được thử nghiệm trên người; thanh khoản chứng khoán hơn 16.000 tỷ đồng; ngày 5/1, khởi công dự án sân bay Long Thành; ngày 7/1, thông xe cầu Thăng Long sau 150 ngày sửa chữa mặt cầu…

Vắc-xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam sắp được thử nghiệm trên người

Vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 2 của Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trên người tình nguyện sớm hơn dự kiến ban đầu gần 2 tháng. Vắc-xin Covid-19 này do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (Nha Trang) sản xuất.

Vắc-xin Covivac ngừa Covid-19 do IVAC sản xuất dự kiến tiêm thử nghiệm trên người trong tháng 1/2021

Vắc-xin Covivac ngừa Covid-19 do IVAC sản xuất dự kiến tiêm thử nghiệm trên người trong tháng 1/2021

Theo Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), sau khi thử nghiệm thành công vắc-xin ngừa Covid-19 trên động vật (chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ...) cho kết quả an toàn, tạo được miễn dịch cao, IVAC sẽ đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vắc-xin Covid-19 có tên Covivac trên người tình nguyện.

Dự kiến, quá trình thử nghiệm sẽ được thực hiện ngay trong tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Đây là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm trên người.

Theo ông Dương Hữu Thái, IVAC bắt đầu thực hiện nghiên cứu vắc-xin Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vắc-xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng.

Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc-xin. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ về sức khoẻ. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2020. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vắc-xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng cuối năm 2021.

Thanh khoản chứng khoán hơn 16.000 tỷ đồng

Trong ngày đầu tiên HoSE tăng lô giao dịch chẵn lên 100, dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường và đẩy thanh khoản lên 16.250 tỷ đồng.

Phiên giao dịch đầu năm 2021, thanh khoản chứng khoán hơn 16.000 tỷ đồng

Phiên giao dịch đầu năm 2021, thanh khoản chứng khoán hơn 16.000 tỷ đồng

Phiên giao dịch đầu năm 2021 là ngày đầu tiên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) áp dụng tăng lô giao dịch chẵn từ 10 lên 100 cổ phiếu.

Thanh khoản vượt mốc 10.000 tỷ đồng ngay trong phiên sáng. Tâm lý hưng phấn tiếp tục duy trì sau giờ nghỉ trưa, đẩy thanh khoản lên 16.250 tỷ đồng khi đóng cửa. Đây là mức cao nhất lịch sử, nếu loại trừ lệnh thoả thuận cổ phiếu VHM vào giữa năm 2020. So với phiên trước, thanh khoản tăng đến 5.400 tỷ đồng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 764 triệu cổ phiếu, rổ VN30 chiếm 245 triệu. Thị trường xuất hiện hàng loạt mã có lượng giao dịch đột biến như STB với 46,8 triệu cổ phiếu, MBB hơn 42 triệu và HQC xấp xỉ 30 triệu.

Nếu tính cả sàn Hà Nội, thanh khoản đạt gần 18.740 tỷ đồng và khối lượng giao dịch hơn 935 triệu cổ phiếu.

Dòng tiền khoẻ giúp VN-Index giữ đà tăng vững vàng suốt phiên. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM đóng cửa tại 1.120,47 điểm, tăng 16,6 điểm so với tham chiếu.

Sắc xanh bao trùm thị trường với 380 cổ phiếu tăng điểm, trong đó 31 mã tăng hết biên độ như HSG, KBC, ITA, PVD... Các nhóm ngành là trụ đỡ của thị trường như tài chính, năng lượng, dịch vụ tiện ích đều có mức tăng trên 2%.

Ngày 5/1, khởi công Dự án sân bay Long Thành

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Phối cảnh Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1

Phối cảnh Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1

Ngày 5/1/2021, Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 sẽ chính thức được khởi công thực hiện.

Dự án được chia làm 4 dự án thành phần. Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2020, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000m, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m.

Xây dựng các công trình phụ trợ gồm: nhà để xe; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải...

Sân bay Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Giao thông kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành gồm: tuyến số 1 nối sân bay với Quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe.

Ngày 7/1, thông xe cầu Thăng Long sau 150 ngày sửa chữa mặt cầu

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Bộ GTVT đã chính thức chốt ngày thông xe cầu Thăng Long (Hà Nội) sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu.

Việc thông xe lại cầu Thăng Long vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ giảm tải đáng kể cho cầu Nhật Tân và giúp lưu thông tuyến đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được khánh thành trong năm 2020.

Ngày 16/8, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành “phong tỏa” toàn bộ cầu và có hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường khác.

Với công trình này, kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, người đứng đầu ngành giao thông tin tưởng riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 - 10 năm mới phải làm lại.

Bộ Y tế đề xuất dừng chuyến bay từ quốc gia có biến thể nCoV

Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo dừng tổ chức và hạn chế cấp phép chuyến bay về Việt Nam từ quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm biến thể nCoV mới.

Chính phủ vẫn duy trì các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước

Chính phủ vẫn duy trì các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước

Tờ trình do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu đề xuất trên.

Theo Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm 6 ca Covid-19 trên chuyến bay từ Anh về Cần Thơ ngày 22/12 đã phát hiện "bệnh nhân 1.435" mang biến thể của nCoV chủng mới.

Hơn nữa, thời gian gần đây dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 18/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận biến thể mới của nCov tại Anh, có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng virus trước đây.

Hơn 40 quốc gia đã hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh cũng như các nước ghi nhận biến thể nCoV....

Để phòng chống dịch bệnh, từ đầu tháng 4/2020, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Sau đó, một số hãng hàng không đã được cấp phép khai thác lại các chuyến bay quốc tế, song chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay chở khách vào Việt Nam được thực hiện theo sự cho phép của cơ quan chức năng, hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi xe cũ nát

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi (TP. Hà Nội)

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi (TP. Hà Nội)

Ngày 4/1, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết nội dung trên được nêu trong văn bản của Bộ gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP.HCM xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn về khí thải để từ đó có phương án thực thi cụ thể việc loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Hà Nội và TP.HCM khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài.

Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ôtô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố.