Bản tin thời sự sáng 5/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kết nối thành phố Thủ Đức vào đường cao tốc TP.HCM -Long Thành - Dầu Giây; Bộ GTVT triển khai thi công đoạn cao tốc Chợ Lầu - Ma Lâm; đầu tư 68 tỷ đồng chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng; cưỡng chế giải tỏa mặt bằng phục vụ các dự án công cộng tại Long Biên…

Kết nối thành phố Thủ Đức vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Việc kết nối đường Long Phước với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm tạo động lực phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thuộc thành phố Thủ Đức tương lai.

Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương kết nối đường Long Phước (Quận 9) với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo phương án của Sở GTVT TP.HCM, việc kết nối từ đường Long Phước với đường cao tốc theo nguyên tắc xây dựng các đoạn tuyến kết nối trong chỉ giới 140m của đường cao tốc theo quy hoạch; bố trí các hướng kết nối một chiều từ đường Long Phước vào cao tốc về hướng trung tâm TP.HCM và hướng ngược lại.

Đồng thời, bố trí tổ chức giao thông dạng vòng xoay dưới dạ cầu Long Thành kết hợp các nhánh rẽ để kết nối đường Long Phước với các đường song hành cao tốc.

Thành phố muốn Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật thiết kế kết nối đường Long Phước với cao tốc TPH.CM - Long Thành - Dầu Giây theo phương án trên trong quá trình nghiên cứu, thực hiện Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy định.

Sở GTVT TP.HCM cho biết việc kết nối này nhằm tạo động lực phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thuộc thành phố Thủ Đức tương lai.

Việc kết nối đường Long Phước vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp rút ngắn từ phường Long Phước về trung tâm TP.HCM chỉ còn 18 km so với đi đường Long Phước, Long Thuận, Nguyễn Duy Trinh có mặt đường nhỏ hẹp và dài 23 km.

Bộ GTVT triển khai thi công đoạn cao tốc Chợ Lầu - Ma Lâm, Bình Thuận

Nằm trong Dự án cao tốc phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km), nút giao Chợ Lầu và Ma Lâm (nối hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) là đoạn quan trọng nhất của toàn tuyến.

Ngày 4/11, Bộ GTVT triển khai thi công đoạn cao tốc Chợ Lầu - Ma Lâm

Ngày 4/11, Bộ GTVT triển khai thi công đoạn cao tốc Chợ Lầu - Ma Lâm

Ngày 4/11, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng tổ hợp nhà thầu Vinaconex tổ chức lễ triển khai thi công gói thầu (số 2 và số 4). Đây là đoạn có hai nút giao quan trọng Chợ Lầu và Ma Lâm thuộc hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc (cách nhau hơn 50 km) trong đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, có tổng chiều dài 100,8 km.

Theo ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó trưởng Ban 7, Gói thầu số 2 (XL 2) có nút giao Chợ Lầu dài 14 km, giai đoạn đầu được nhà nước đầu tư xây dựng làn đường quy mô 4 làn xe, bề mặt đường rộng 16 m, nền đường 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, bề mặt nền đường rộng 32 m. Gói thầu này có 10 cầu, trong đó có 5 cầu vượt qua sông, 2 cầu vượt đường ngang và và 1 cầu vượt nút giao liên thông. Ngoài ra còn có 8 hầm chui dân sinh. Thời gian thi công trong 24 tháng.

Riêng Gói thầu số 4 (XL4) đi qua các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, với tổng chiều dài 44,6 km, có tới 29 cầu; trong đó có 15 cầu vượt sông trên đường cao tốc, 12 cầu vượt đường ngang và 2 cầu vượt nút giao liên thông. Gói thầu này có 2 nút giao là nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết.

TP.HCM: Đầu tư 68 tỷ đồng chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng

Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1, sẽ được trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, lắp đèn chiếu sáng, ghế ngồi, lát nền... với tổng kinh phí 68 tỷ đồng.

Một phần công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao

Một phần công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao

Phương án thiết kế, cải tạo chỉnh trang khu công viên bến Bạch Đằng theo hình thức xã hội hóa vừa được UBND TP.HCM chấp thuận theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố.

Phạm vi cải tạo, chỉnh trang gồm toàn bộ khu công viên bến Bạch Đằng từ cột cờ Thủ Ngữ đến Dự án khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (18.600 m2). Riêng khu vực trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng, UBND Thành phố lưu ý cần thiết kế thông thoáng, giữ lại các khẩu súng thần công.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực công viên bến Bạch Đằng chia thành 3 khu chức năng: khu tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000 m2) sẽ được bố trí lại cảnh quan lối đi, thiết kế mảng xanh theo dạng bậc cấp thoải dần về bờ sông giúp người dân, du khách dễ tiếp cận.

Khu xúc tiến du lịch (khoảng 5.150 m2) là khoảng đệm giữa không gian lịch sử và công viên cộng đồng. Nơi này sẽ giảm mức độ bêtông, tăng mảng xanh; thiết kế các khu vực nghỉ chân và không gian sinh hoạt cộng đồng; cung cấp các dịch vụ di chuyển trên sông, thông tin du lịch, hỗ trợ du khách.

Khu công viên cộng đồng (khoảng 2.750 m2) sẽ được trồng nhiều cây xanh tầm cao, tạo bóng mát; thiết kế lối đi giữa các thảm cỏ và cây bụi.

Chính quyền thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án cải tạo công viên trình Sở Xây dựng trước 10/11. Việc chỉnh trang hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021.

Bến Bạch Đằng ở số 2 đường Tôn Đức Thắng gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng dài hơn 1,3 km, rộng 23.400 m2, ven sông Sài Gòn. Đây là nơi hàng đêm người dân và du khách tới vui chơi, nhưng cảnh quan đang bị xuống cấp.

Hà Nội: Cưỡng chế giải tỏa mặt bằng phục vụ các dự án công cộng tại Long Biên

Trong quá trình cưỡng chế, một số người dân có phản ứng bằng những lời lẽ phản cảm, tuy nhiên không xảy ra xung đột, quá khích hay xô xát; việc cưỡng chế diễn ra an toàn.

Ngày 4/11, UBND quận Long Biên thực hiện việc cưỡng chế thu hồi gần 6.000m2 đất phục vụ các dự án công cộng tại Long Biên. Ảnh minh họa

Ngày 4/11, UBND quận Long Biên thực hiện việc cưỡng chế thu hồi gần 6.000m2 đất phục vụ các dự án công cộng tại Long Biên. Ảnh minh họa

Sáng ngày 4/11, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) thực hiện việc cưỡng chế thu hồi gần 6.000m2 đất của 27 hộ gia đình thuộc tổ 20, đường Cổ Linh, phường Long Biên, quận Long Biên.

Việc cưỡng chế được thực hiện do các hộ gia đình không chấp hành bàn giao đất theo Quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các ô đất phụ cận tuyến đường quy hoạch 40m, chuẩn bị phục vụ việc xây dựng 2 trường học, công viên, bãi giữ xe công cộng và hệ thống chiếu sáng.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, diện tích thuộc phạm vi Dự án là 49.653m2, trong đó, đất công 2.022m2. Có 297 hộ thuộc diện thu hồi, trong đó, đất ở 17 hộ, đất nông nghiệp 280 hộ. Giá trị bồi thường hỗ trợ khoảng 108 tỷ đồng.

Các công trình phúc lợi công cộng sẽ xây dựng trên vùng đất này như sau: Trên diện tích đất sử dụng là 49.653m2, đầu tư xây dựng trường mầm non, xây dựng trường trung học cơ sở, đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm, sân khấu, đường dạo, cây xanh….và đầu tư đường nội bộ (mặt đường 7,5m, hè đường 2m) kết nối với đường 40m Cổ Linh và khu vực bãi đỗ xe, phục vụ dân sinh, an toàn giao thông tĩnh…/.

Sửa xong cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Các đoạn hư hỏng ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đi qua địa phận TP.HCM, Long An, Tiền Giang, hoàn thành sửa giai đoạn một sau 3 tháng, chi phí 22 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) cho biết, hiện những đoạn hằn lún, bong tróc nặng trên tuyến đã được dặm vá, thảm nhựa, tạo nhám mặt đường... giúp xe đi an toàn hơn. Đơn vị thi công cũng sửa lại các khe co giãn trên cầu, hàng rào, hệ thống thoát nước... tại đường dẫn cao tốc.

Trước đó cuối tháng 7, tuyến đường được sửa do nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Để hạn chế ùn tắc, việc thi công chủ yếu thực hiện vào ban đêm. Một số thời điểm làm ban ngày, nhà thầu ngăn một phần đường, bố trí người điều tiết nhưng do mật độ xe lớn nên đi lại có nhiều khó khăn. Hiện, xe từ TP.HCM đi miền Tây và ngược lại khi qua cao tốc đã trở lại bình thường.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài gần 62 km, có 4 làn xe, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TP.HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang. Từ khi hoàn thành năm 2011 đến cuối năm 2018, cao tốc được thu phí và bán quyền thu phí. Ngày 1/1/2019, Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí. Gần hai năm dừng thu phí, lượng ôtô trên cao tốc tăng mạnh, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm.

Đầu tháng 7, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sớm có phương án thu phí trở lại đối với cao tốc này.

Phát hiện vụ làm giả nước tẩy rửa quy mô lớn ở Bình Dương

Kiểm tra trong khu vực, lực lượng chức năng phát hiện một nhà kho cách xưởng sản xuất vài trăm mét, đang tập kết hơn 5.000 thùng nước tẩy rửa đã thành phẩm chuẩn bị xuất bán.

Cơ sở sản xuất nước tẩy rửa nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện tại thành phố Thuận An

Cơ sở sản xuất nước tẩy rửa nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện tại thành phố Thuận An

Ngày 4/11, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an thành phố Thuận An và các đơn vị nghiệp vụ chức năng Công an tỉnh, bắt quả tang vụ sang chiết, làm giả nhiều loại nước tẩy rửa với quy mô lớn tại Công ty TNHH Q.N.P, tại địa chỉ khu phố Bình Thuận 1, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, khu vực nhà xưởng, các công nhân đang sang chiết hóa chất từ các thùng phuy lớn sang các chai nhỏ rồi dán tem nhãn, có đề chữ Thái Lan, sau đó đóng thùng sản phẩm.

Nhiều nhãn hiệu bị làm giả như nước tẩy trắng Javel, nước tẩy toilet, các loại nước lau sàn, tẩy rửa…Đáng chú ý, trong số các sản phẩm bị làm giả có cả các loại nước lau rửa đa năng, dùng cho cả gia đình có trẻ em nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Kiểm tra tiếp trong khu vực lực lượng chức năng còn phát hiện một nhà kho cách xưởng sản xuất vài trăm mét, đang tập kết hơn 5.000 thùng nước tẩy rửa đã thành phẩm chuẩn bị xuất bán.

Lực lượng chức năng đang lấy lời khai những người liên quan, để mở rộng điều tra, xử lý vụ việc./.