Bản tin thời sự sáng 5/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị dừng nhập cảnh hành khách từ 10 nước châu Phi; chốt phương án 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022; cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị đưa ra xét xử vào ngày 6/12; động đất 3,8 độ richter ở Kon Tum; chính thức cho phép mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online từ năm 2022…

Đề nghị dừng nhập cảnh hành khách từ 10 nước châu Phi

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị dừng các chuyến bay cứu trợ và cấm nhập cảnh với hành khách từ 10 quốc gia châu Phi.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị dừng các chuyến bay cứu trợ và cấm nhập cảnh từ 10 nước châu Phi

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị dừng các chuyến bay cứu trợ và cấm nhập cảnh từ 10 nước châu Phi

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải không thực hiện chuyến bay đưa người Việt hồi hương từ 10 quốc gia châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia; cấm nhập cảnh hành khách đã đi qua các quốc gia này trong 30 ngày trước khi vào Việt Nam.

Hiện Việt Nam chưa có đường bay đến châu Phi, các hãng hàng không chỉ thực hiện chuyến bay cứu trợ, đưa người Việt hồi hương theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn kiểm soát y tế chặt hơn đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản; cách ly y tế với toàn bộ hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Cục cũng kiến nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, phát hiện khách đến và đi qua các nước đã ghi nhận ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các nước lân cận đã cấm nhập cảnh hành khách từ châu Phi và siết chặt kiểm dịch qua đường hàng không.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron. Tối 28/11, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo dừng các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique; dừng cấp phép nhập cảnh với khách đến từ các nước này.

Ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại, gọi là Omicron (B.1.1.529), phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi.

Chốt phương án 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (Nhâm Dần) và Quốc khánh năm 2022 sau khi có sự đồng thuận của 16 bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Dịp Tết Nguyên đán 2022 nghỉ kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần

Dịp Tết Nguyên đán 2022 nghỉ kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần

Theo đó, dịp Tết Nguyên đán 2022 nghỉ kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần, từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Nhân Dần, tức 29/1/2022 đến 6/2/2022.

Dịp Tết Nguyên đán 2022, người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày trước Tết và 4 ngày đầu sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày đầu sau Tết. Phương án nghỉ Tết Nguyên đán phải thông báo cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022 cho công nhân, nhân viên như phương án nghỉ của công chức, viên chức.

Trong khi đó, lịch nghỉ Quốc khánh năm 2022 vẫn theo quy định 2 ngày. Công chức, viên chức nghỉ ngày Quốc khánh 2/9 và 1 ngày liền kề trước đó. Việc này đảm bảo lịch nghỉ lễ trọn vẹn trong tuần không phải sang ngày thứ 2 của tuần sau, tránh việc nghỉ bù.

Dịp Tết Dương lịch sắp tới, người lao động sẽ nghỉ liên tục từ 1/1 đến hết 3/1/2022, do ngày đầu năm 2022 rơi vào cuối tuần và được nghỉ bù thứ hai tuần kế tiếp. Kỳ nghỉ kéo dài ba ngày.

Xét xử Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vào ngày 6/12

Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị đưa ra xét xử về sai phạm khi duyệt cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) chuyển nhượng dự án cho tư nhân, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.

Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Từ ngày 6/12 đến 17/12, ông Trần Vĩnh Tuyến bị Toà án Nhân dân TP.HCM xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí - khung hình phạt 10 - 20 năm.

Hầu toà với vai trò đồng phạm của ông Tuyến là nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn.

Là người có vai trò chủ mưu trong vụ án, ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Sagri) cùng 14 bị cáo nguyên là cán bộ của TP.HCM bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản. Riêng khung hình phạt tội danh thứ hai của nhóm bị cáo này là 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

3 người khác bị cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Che giấu tội phạm.

Theo cáo trạng, 3,75 ha đất tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 (nay thuộc TP. Thủ Đức) là đất của Thành phố giao cho Sagri (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TP.HCM quản lý) hợp tác với Tổng công ty Phong Phú để đầu tư dự án nhà ở. Tháng 4/2017, ông Lê Tấn Hùng gửi văn bản cho UBND Thành phố, Sở Xây dựng đề nghị cho phép Sagri chuyển nhượng toàn bộ Dự án cho Tổng công ty Phong Phú.

Ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Giám đốc Trần Trọng Tuấn ký, đã chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng Dự án cho Tổng công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, hành vi của ông Trần Vĩnh Tuyến đã tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng Dự án trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ đồng - tương đương giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng của Dự án tại thời điểm khởi tố vụ án là 864 tỷ đồng trừ đi số tiền hơn 192 tỷ đồng Sagri đã nhận.

Động đất 3,8 độ richter ở Kon Tum

Trận động đất 3,8 độ richter xảy ra vào chiều 4/12 ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, không gây thiệt hại.

Vị trí xảy ra trận động đất ở Kon Tum chiều 4/12. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Vị trí xảy ra trận động đất ở Kon Tum chiều 4/12. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất xảy ra lúc 14h, đang được cơ quan chức năng liên quan theo dõi. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 11, huyện Kon Plông xảy ra hàng chục trận động đất. Riêng tháng 11 xảy ra 10 trận động đất nhỏ ở địa bàn.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh lý giải, Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông thuộc đới đứt gãy nhỏ, các trận động đất ở khu vực không quá 5 độ richter, thuộc loại yếu. Chính quyền cần quan tâm đến yếu tố này trong xây dựng các công trình và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra.

Hiện cả nước ghi nhận 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính. Hoạt động của các công trình thủy điện có thể trở thành nguồn gây động đất kích thích.

Chính thức cho phép mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online từ năm 2022

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử từ năm 2022.

Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử

Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư số 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Thông tư nêu rõ, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ, bao gồm tối thiểu 5 bước.

Thứ nhất là thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định.

Thứ hai là thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Thứ ba là cảnh báo khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử.

Tiếp đến là cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định, thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng bảo đảm quy định về pháp luật giao dịch điện tử.

Cuối cùng là thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.

Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định…

Giá vàng SJC vượt 61 triệu đồng

Giá vàng miếng SJC sáng 4/12 lên 61,15 triệu đồng - mức cao nhất trong hai tuần gần đây.

Sáng 4/12, giá vàng miếng SJC lên 61,15 triệu đồng

Sáng 4/12, giá vàng miếng SJC lên 61,15 triệu đồng

Sáng 4/12, Công ty Vàng bạc đá quý SJC niêm yết giá vàng miếng tại 60,3 - 61,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng chiều mua vào và 250.000 đồng chiều bán ra so với cuối chiều 3/12.

Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng tăng 100.000 đồng chiều mua và tăng 200.000 đồng chiều bán so với cuối ngày 3/12, lên 60,25 - 60,95 triệu đồng.

Đây là mức cao nhất của giá vàng trong nước hai tuần gần đây, sau khi rớt mạnh từ mức 62,15 triệu đồng thiết lập vào ngày 17/11.

So với thế giới, giá vàng trong nước đang cao hơn 11,8 triệu đồng một lượng nếu quy đổi. Giá kim loại quý quốc tế chốt phiên cuối tuần ở mức 1.782 USD một ounce, tương đương với 49,3 triệu đồng một lượng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa kể thuế, phí). Tính chung cả tuần, kim loại quý giảm 0,4%.

Cầu Rạch Miễu 2 sẽ được khởi công vào tháng 3/2022

Cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 3/2022, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ Giao thông vận tải quản lý Dự án), thời gian khởi công được ấn định sau khi Dự án ký hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật. Hiện, đơn vị này đang đẩy nhanh công tác thiết kế, tuyển chọn nhà thầu xây lắp kịp tiến độ khởi công.

Cầu Rạch Miễu 2 xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu. Công trình triển khai trên tổng chiều dài khoảng 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên Quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre.

Dự án bao gồm cầu vượt luồng chính sông Tiền và cầu vượt sông Mỹ Tho. Trong đó, cầu chính trên sông Tiền có kết cấu dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm. Phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 456 m, 4 làn xe. Riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ô tô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.

Tại Dự án cũng xây dựng 4 cây cầu, mỗi cầu rộng 20,5 m, gồm: Xoài Hột, Ba Lai, Tam Sơn và Sông Mã. Ngoài ra, công trình triển khai đồng bộ các nút giao kết nối đường dân sinh; xây dựng hệ thống điện, thoát nước...

Vốn đầu tư cho Dự án từ ngân sách trung ương, trong đó kinh phí xây lắp, thiết bị hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại dành cho giải phóng mặt bằng, quản lý Dự án. Hơn 62 ha đất thuộc Tiền Giang, Bến Tre được giải toả để thực hiện công trình.

Bàn giao 43 điểm đậu xe đạp công cộng trung tâm TP.HCM

TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao 43 điểm đậu xe đạp công cộng ở khu trung tâm và nhà đầu tư đang đẩy nhanh chuẩn bị, kế hoạch khai trương mô hình này từ 10/12.

Xe đạp được đưa đến trạm trên đường Lê Lợi, Quận 1 để thử nghiệm

Xe đạp được đưa đến trạm trên đường Lê Lợi, Quận 1 để thử nghiệm

Đại diện Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) cho biết, vừa thử nghiệm hệ thống xe đạp công cộng tại trạm trên vỉa hè đường Lê Lợi (Quận 1), sau khi thi công sơn kẻ ô đỗ, lắp đặt biển báo... Đây là một trong 43 vị trí vừa được Thành phố bàn giao cho Nhà đầu tư lập trạm phục vụ thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm.

43 trạm đậu xe được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại Quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt; công viên, điểm du lịch... Mỗi trạm diện tích 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe đậu theo từng ô, phía trước lắp đặt bảng thông tin hướng dẫn. Ngoài điểm đậu nêu trên, Nhà đầu tư đã thi công xong hơn 20 vị trí khác.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hầu hết vị trí đậu đều có công trình ngầm phía dưới vỉa hè. Do đó, Nhà đầu tư cần phối hợp phía điện lực, thoát nước rà soát khi triển khai thi công đảm bảo an toàn. Các điểm đậu cần có vỉa hè nhỏ, đảm bảo đủ chiều rộng cho người đi bộ.

Tập đoàn Trí Nam dự tính thí điểm xe đạp công cộng từ ngày 10/12, lùi kế hoạch so với dự tính tháng 11 vì phải chờ hoàn tất thủ tục. 500 xe trước đó đã được đơn vị này nhập về TP.HCM, trong đó gần 400 xe sẽ phục vụ cho thuê, còn lại dự phòng.

Xe đạp sử dụng trong quá trình thí điểm là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng TNGO trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng...