Chính phủ yêu cầu khẩn trương mua, tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. |
Bộ Y tế hoàn thiện Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023), trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 2; đồng thời tiếp tục cập nhật quy trình theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà với người nhiễm Covid-19, ca bệnh nhẹ, người tiếp xúc gần.
Vaccine trong nước sẽ được thúc đẩy sản xuất "theo tinh thần nhanh nhất về thủ tục hành chính và đảm bảo yêu cầu khoa học, chuyên môn". Bộ Y tế chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước.
Các địa phương tiếp tục chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022; hoàn thành tiêm mũi ba cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi; đẩy nhanh hơn nữa tiêm vaccien cho trẻ.
Trước đó ngày 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Không xả trạm BOT khi ùn tắc, đơn vị vận hành sẽ bị phạt 70 triệu đồng
Theo Cục CSGT, khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà trạm thu phí không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng.
Khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà trạm thu phí không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng |
Ngày 4/2, Cục CSGT (Bộ Công an) đưa ra cảnh báo về tình trạng ùn tắc liên tiếp xảy ra tại trạm thu phí BOT trên các tuyến cao tốc cửa ngõ Hà Nội và TP.HCM dịp Tết Nhâm Dần.
Theo đại diện Cục CSGT, nguyên nhân ùn tắc những ngày qua do lượng phương tiện tăng rất cao tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Đồng thời, các trạm thu phí chưa chủ động bố trí nhân sự, phương án để chống ùn tắc gây ùn ứ kéo dài. Lực lượng chức năng đã phải áp dụng rất nhiều phương án phân luồng để chống ùn tắc.
Những ngày tới, Cục CSGT khuyến cáo và đề nghị các tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ cần chủ động các phương án trong quản lý, điều hành; sẵn sàng xả trạm khi có yêu cầu của lực lượng CSGT.
Cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý các trường hợp để xảy ra vi phạm. Nếu để xảy ra ùn tắc, tùy theo mức độ tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Đặc biệt khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà trạm thu phí không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng.
CSGT cũng khuyến cáo tài xế cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ; tuân thủ sự phân luồng của lực lượng chức năng. Đồng thời, tài xế cần chủ động cập nhật tình hình giao thông và lựa chọn khung giờ, lộ trình di chuyển phù hợp; tránh đi vào khung giờ cao điểm, các tuyến đường có lưu lượng cao.
Đề xuất đầu tư 8.365 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), một trong ba phân đoạn của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ được triển khai theo phương thức PPP.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh minh họa |
Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT).
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 60,1 km, với điểm đầu tại Km0+000, kết nối với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 tại khoảng Km69+400), thuộc địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 8.365 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là hơn 7.065tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án là khoảng 1.300 tỷ đồng.
Với mức phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, dự kiến tăng từ 200 đồng – 400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau mỗi 2 năm, Dự án dự kiến hoàn vốn trong vòng 20 năm 3 tháng.
Bộ GTVT dự kiến chuẩn bị Dự án từ năm 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 – 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 – 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 - 2025.
Sẽ ký hiệp định dự án đường thủy trị giá 4.000 tỷ đồng trong năm 2022
Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn vay WB, viện trợ không hoàn lại của chính phủ Australia.
Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn thành việc đàm phán và ký kết hiệp định dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam. |
Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đang được các đơn vị tư vấn khẩn trương cập nhật nghiên cứu khả thi để đáp ứng mốc tiến độ đàm phán và ký kết hiệp định dự án trong thời gian từ tháng 5-11.
Đề xuất dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2021, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, viện trợ không hoàn lại của chính phủ Australia và vốn đối ứng trong nước.
Mục tiêu chính của dự án là đầu tư, cải tạo đồng bộ các tuyến sông, kênh qua 8 tỉnh, thành phố phía Nam (TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu).
Cụ thể, hành lang Đông-Tây thuộc phạm vi dự án có chiều dài 197km, gồm các tuyến sông, kênh: sông Hậu-Trà Ôn-Măng Thít-Cổ Chiên-Chợ Lách-sông Tiền-Rạch Kỳ Hôn (qua kênh Chợ Gạo); Rạch Lá-sông Vàm Cỏ-kênh Nước Mặn-Cần Giuộc-sông Soài Rạp.
Sau khi hoàn thành dự án, các tuyến thuộc hành lang này đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa (sâu 3,3m, đáy luồng rộng 55-75m), đáp ứng phương tiện thủy tự hành đến 600 tấn và tàu 3 lớp container lưu thông 24/24h...
Hành lang Bắc-Nam có chiều dài 82km, gồm các tuyến sông, kênh: Đồng Nai-Nhà Bè-Lòng Tàu-Đồng Tranh-Tắc Cua-Gò Gia-Thị Vải.
Sau khi nâng cấp, hành lang này đạt chiều sâu đồng bộ 7m, chiều rộng đáy luồng 90m để đáp ứng cho phương tiện thủy đến 5.000 tấn và tàu chở container 4 lớp lưu thông thuận lợi.
Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn thành việc đàm phán và ký kết hiệp định dự án.
Trong giai đoạn 2023-2025 thực hiện xong các bước tiếp theo gồm hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và tái định cư, lựa chọn nhà thầu).
Từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2026 thi công và hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng dự án.
Khách đến Đà Lạt tăng 139% so với năm ngoái
Các tuyến đường cả ở trung tâm và ngoại ô thành phố Đà Lạt kẹt xe từ trưa ngày mùng 3 Tết, khách sạn đều không còn phòng trống.
Sau hơn 6 tháng dừng hoạt động để phòng chống Covid-19, chợ đêm Đà Lạt được phép mở cửa trở lại từ ngày 29/1. |
Từ trưa mùng 3 Tết, đèo Prenn xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài, ô tô, xe máy nối đuôi nhau dài cả cây số.
Không chỉ ngoại ô, tại khu vực trung tâm thành phố, đường Trần Phú, Hoàng Diệu, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, vòng xoay gần chợ Đà Lạt... hàng dài xe máy, xe khách, ô tô nối đuôi nhau, lực lượng giao thông phải điều tiết xe cộ liên tục.
Sau hơn 6 tháng dừng hoạt động để phòng chống Covid-19, chợ đêm Đà Lạt được phép mở cửa trở lại từ ngày 29/1. Buổi đêm, dòng người đổ ra chợ tham quan, mua sắm khiến không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp, hàng quán phục vụ hết công suất.
Đến sáng mùng 4, du khách vẫn tập trung đông đúc tại khu vực quảng trường Lâm Viên, vườn hoa Đà Lạt, nhiều tuyến đường trung tâm vẫn tấp nập xe cộ.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt Lê Anh Kiệt cho biết, tổng khách tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt ba ngày đầu năm Âm lịch đạt 66.900 lượt khách, qua lưu trú là 58.300 lượt, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế đạt 1.700 lượt, qua lưu trú là 1.600 lượt, tăng 30,8%.
Theo tính toán của thành phố, khoảng 75.000 lượt khách sẽ tới Đà Lạt, tính từ 29/1 đến hết ngày 6/2 (mùng 6 âm lịch). Du khách chủ yếu đến từ TP.HCM, các tỉnh thành Tây Nam Bộ, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Hà Nội. Dịp này, các khách sạn đều đã hết phòng, nhà nghỉ, nhà có phòng cho thuê hay biệt thự du lịch đã đầy đến 80% phòng.
Liên tục xả trạm, phân luồng để giảm ùn tắc tại cầu Rạch Miễu
Lực lượng chức năng hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thống nhất phương án phân luồng điều tiết, cho xả trạm thu phí BOT Rạch Miễu, chỉ cho xe 1 phía di chuyển theo từng đợt nhằm giảm ùn tắc.
Ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Rạch Miễu. |
Chiều 4/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), lưu lượng xe trở về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh sau kỳ nghỉ Tết tăng cao, gây ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Rạch Miễu, từ phía tỉnh Bến Tre đi tỉnh Tiền Giang.
Lực lượng chức năng hai tỉnh đã tổ chức phân luồng, xả trạm thu phí BOT Rạch Miễu, chỉ cho xe hướng từ Bến Tre qua Tiền Giang di chuyển. Sau 4 lần xả trạm phân luồng, giao thông đã dần giảm ùn tắc.
Lưu lượng xe tăng đột biến từ đầu giờ chiều 4/2, có thời điểm ùn tắc giao thông kéo dài đoạn từ cầu Ba Lai (địa phận thuộc huyện Châu Thành) đến cầu Rạch Miễu, với chiều dài khoảng 4km, với phần lớn phương tiện giao thông là xe máy và ô tô con. Có đoạn, các phương tiện chỉ nhích từng chút một.
Theo Công an tỉnh Bến Tre, để giảm tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông, lực lượng chức năng hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thống nhất phương án phân luồng điều tiết, cho xả trạm thu phí, chỉ cho xe 1 phía di chuyển theo từng đợt nhằm giảm ùn tắc giao thông; điều tiết hướng các xe di chuyển theo đường phà tạm Rạch Miễu nhằm giảm áp lực cho cầu Rạch Miễu.