Bản tin thời sự sáng 5/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô trong nước; TikTok bị thanh tra tại Việt Nam vì thông tin độc hại; Khu du lịch Sa Pa dự báo đón 8 triệu lượt khách vào năm 2030; Bộ Công an đề nghị Cần Thơ kiểm tra dự án tại khu "đất vàng"; 1.900 tỷ đồng làm đường nối Khánh Hoà - Ninh Thuận - Lâm Đồng…

Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô trong nước

Theo Bộ Tài chính, hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp

Theo Bộ Tài chính, tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp

Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo đó, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Cơ quan này cho biết, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.

Trong trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.

TikTok bị thanh tra tại Việt Nam vì thông tin độc hại

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiến hành thanh tra toàn diện TikTok do nền tảng video ngắn lan tỏa thông tin độc hại.

Việc thanh tra TikTok sẽ diễn ra vào tháng 5

Việc thanh tra TikTok sẽ diễn ra vào tháng 5

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thanh tra TikTok sẽ diễn ra vào tháng 5. Lý do liên quan đến nội dung xấu độc liên tục xuất hiện trên nền tảng thời gian qua.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng TikTok chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này. Thậm chí thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành trend, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ.

TikTok được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016. Đây cũng là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khi đến tháng 9/2021, nền tảng này đã cán mốc một tỷ người dùng.

Năm 2019, TikTok chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trẻ tuổi. TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển.

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý nội dung mà còn cả nghĩa vụ thuế, thanh toán, quảng cáo.

Ông cho biết, đợt thanh tra này sẽ tập trung vào những vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ Việt Nam, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu.

Khu du lịch Sa Pa dự báo đón 8 triệu lượt khách vào năm 2030

Khu du lịch quốc gia Sa Pa đã tổ chức công bố quy hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khung cảnh Sa Pa, Lào Cai.

Khung cảnh Sa Pa, Lào Cai.

Đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Sa Pa được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch tổng thể được phê duyệt vào năm 2016. Theo đó, phạm vi lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa có diện tích gần 70.000 ha.

Trong đó, khu vực trung tâm có diện tích trên 6.000 ha được mở rộng trên đô thị lõi hiện tại. Nơi đây định hướng phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, suối Hồ; gìn giữ, cải tạo mở rộng các bản làng truyền thống trong đô thị kết hợp phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc như danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá…

Khu trung tâm được quy hoạch kết nối với 4 phân khu gồm Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình. Quy hoạch cũng đưa ra định hướng phát triển tại 10 xã ở khu vực nông thôn; định hướng phát triển không gian; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội...

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, Đồ án Quy hoạch chung được thông qua giúp định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa mang tầm quốc tế, có hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đô thị và nông thôn bền vững. Đồng thời, tạo khung pháp lý để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư hiệu quả, đáp ứng điều kiện đón 8 triệu lượt du khách đến năm 2030 và 12 triệu lượt du khách đến vào năm 2040.

Bộ Công an đề nghị Cần Thơ kiểm tra dự án tại khu "đất vàng"

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa có văn bản gửi UBND TP. Cần Thơ đề nghị kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dựng tại khu "đất vàng" ở quận Ninh Kiều.

Một góc dự án Trung tâm Thương mại, Văn phòng và Nhà ở của Công ty Thùy Dương

Một góc dự án Trung tâm Thương mại, Văn phòng và Nhà ở của Công ty Thùy Dương

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã có Văn bản số 933 chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu cung cấp thông tin cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an về Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Thùy Dương (Công ty Thùy Dương) đầu tư theo văn bản của Cơ quan An ninh điều tra.

Văn bản nêu rõ, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Ninh Kiều và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát quá trình đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại đường Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều do Công ty Thùy Dương đầu tư.

Các cơ quan này chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện dự án nêu trên, tham mưu UBND Thành phố cung cấp thông tin cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an theo đúng quy định.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm của một ngân hàng về những hành vi có dấu hiệu làm giả giấy tờ có giá, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Thùy Dương trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay tại ngân hàng này.

1.900 tỷ đồng làm đường nối Khánh Hoà - Ninh Thuận - Lâm Đồng

Tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng dài gần 57 km, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cả ba tỉnh.

Tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng dài gần 57 km. Ảnh minh họa
Tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng dài gần 57 km. Ảnh minh họa

Trong công văn vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tỉnh Khánh Hoà, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và tờ trình Dự án đường nối ba tỉnh, để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin chủ trương.

Theo đó, Dự án có điểm đầu giao Quốc lộ 27C (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà), điểm cuối ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Toàn tuyến phần lớn thuộc địa phận tỉnh Khánh Hoà, nền đường rộng 9 m, 2 làn xe và dự kiến có 17 cầu.

Công trình nhằm xóa bỏ tính độc đạo của đường Tỉnh lộ 9, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hoà. Đồng thời, Dự án cũng giúp tăng kết nối địa phương này với Ninh Thuận và Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa 3 tỉnh.

Dự án được triển khai trên diện tích gần 129 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 37 ha, đất ở hơn 7 ha, còn lại là đất rừng. Khoảng 211 hộ bị ảnh hưởng.

Trong hơn 1.900 tỷ đồng vốn đầu tư Dự án, có 1.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương, phần còn lại là ngân sách địa phương. Dự kiến, tuyến đường sẽ triển khai các thủ tục trong năm nay, đến quý I/2024 sẽ thi công và hoàn thành sau 3 năm.

Hà Nội sẽ phạt doanh nghiệp lữ hành bán tour đến phố cà phê đường tàu

Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp không tổ chức tour đưa đón khách đến khu vực cà phê đường tàu. Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

Phố cà phê đường tàu vẫn có sức hút với du khách nước ngoài khi đến Hà Nội, dù địa điểm này đã bị cấm hoạt động từ giữa tháng 9/2022

Phố cà phê đường tàu vẫn có sức hút với du khách nước ngoài khi đến Hà Nội, dù địa điểm này đã bị cấm hoạt động từ giữa tháng 9/2022

Sở Du lịch Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn Thành phố về việc bảm đảm an ninh, an toàn giao thông đường sắt đối với khách du lịch.

Cơ quan này yêu cầu các đơn vị dừng việc đưa khách đến các địa điểm có đường sắt chạy qua.

Văn bản nêu rõ, theo các phương tiện thông tin đại chúng và phản ánh của địa phương, hiện nhiều du khách thường tới khu vực đường tàu thuộc địa bàn phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) để tham quan và chụp ảnh.

Một số đoàn khách du lịch được các xe đưa đến và tập trung tại khu vực chốt trực chắn số 5 Trần Phú gây ách tắc giao thông, mất an toàn.

Việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và gây áp lực cho các lực lượng bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.

Vì vậy, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tuyên truyền, khuyến cáo du khách, đặc biệt là các khách nước ngoài không đến tham quan, chụp ảnh, uống cà phê, giải khát tại khu vực đường tàu thuộc tuyến đường sắt Phùng Hưng - Trần Phú - Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm và Ba Đình).

Đồng thời, các doanh nghiệp không tổ chức tour đưa đón khách đến khu vực cà phê đường tàu, để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách khi tham quan, du lịch tại Hà Nội.

Sở Du lịch yêu cầu, các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường sắt, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố. Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Người tham gia đấu giá đất phải đặt trước 20% giá khởi điểm

Cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất, khu đất đó.

Vị trí lô đất 3-5 và lô đất 3-8 được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM)

Vị trí lô đất 3-5 và lô đất 3-8 được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM)

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án khi đấu giá thành công.

Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất cũng phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.

Từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá đất, khoản tiền đặt trước và lãi (nếu có) của doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá sẽ được chuyển thành tiền cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại cọc. Nếu họ nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả tiền chênh lệch.

Theo Nghị định, trong 120 ngày từ khi có quyết định công nhận kết quả, người trúng đấu giá đất không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất. Nếu người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì trong 5 ngày, cơ quan tài nguyên môi trường sẽ trình cấp giấy chứng nhận hoặc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao trên thực địa.

Đây là lần đầu Chính phủ quy định chi tiết điều khoản về điều kiện đấu giá và chế tài với người hủy kết quả trúng đấu giá đất. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/5/2023.