Bản tin thời sự sáng 5/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đồng loạt kiểm tra 3 tiệm vàng ở Hà Nội; phải hoàn thành các hạng mục cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong quý II; tin tặc gia tăng tấn công hệ thống mạng trọng yếu của Việt Nam; nhiệt độ mặt đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên tới 63 độ C khiến 12 xe bị vỡ lốp…

Đồng loạt kiểm tra 3 tiệm vàng ở Hà Nội

Ngày 4/4, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 điểm kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn TP. Hà Nội.

Lực lượng QLTT kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng ở Hà Nội

Lực lượng QLTT kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng ở Hà Nội

Ba tiệm vàng gồm: Công ty TNHH MTV Phúc Thành Hà Nội (quận Long Biên, Hà Nội), Công ty TNHH Vàng Bảo Tín Lan Vỹ và Công ty TNHH Vàng bạc Chiến Minh (cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng ghi nhận tại mỗi cửa hàng trưng bày để bán hàng ngàn sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, đá các loại. Trong đó, một số sản phẩm nữ trang kim loại là vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai có gắn tên một số nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Hermes, LV…

Một số sản phẩm trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu Chanel được trưng bày để bán tại Công ty TNHH MTV Phúc Thành Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cho biết, những ngày vừa qua, lực lượng QLTT liên tục tiến hành kiểm tra nhiều điểm kinh doanh vàng tại một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, An Giang, Đồng Tháp, TP. Hà Nội…

"Việc kiểm tra nhằm triển khai chỉ đạo tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20-3 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng", ông Lê cho hay.

Trong quá trình kiểm tra, bước đầu lực lượng QLTT đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử.

Phải hoàn thành các hạng mục cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong quý II

Sau khi Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thông xe đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các nhà thầu tiếp tục thi công các hạng mục còn lại theo hợp đồng hoàn thành trong quý II này.

Phải hoàn thành các hạng mục cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ trong quý II

Phải hoàn thành các hạng mục cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ trong quý II

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với hạng mục đường gom, việc thi công đắp cát nền đường còn 2/23 km, cấp phối đá dăm còn 7/23 km, láng nhựa còn 19/23 km. Các hạng mục chưa hoàn thành được trong tháng Ba vừa qua là do thiếu vật liệu cát (khoảng 25.000 m3), một số nhà thầu cũng chưa tập trung thi công.

Bộ GTVT yêu cầu, chủ đầu tư cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công hoàn thành các hạng mục còn lại, bàn giao đưa dự án vào sử dụng đồng bộ trong quý II/2024.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu huy động đầy đủ nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân vật lực triển khai thi công, phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm khó khăn về mặt bằng, vật liệu... hoàn thành các hạng mục còn lại, bàn giao đưa dự án vào sử dụng đồng bộ trong quý II/2024.

Đối với việc bổ sung nút giao Võ Văn Kiệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và đường gom tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định.

Trước đó, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh lên 5.826,23 tỷ đồng, tăng 998,91 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lý giải chi phí đầu tư điều chỉnh tăng là do chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng tổng số khoảng 783,39 tỷ đồng, trong đó các hạng mục được duyệt ban đầu tăng khoảng 526,57 tỷ đồng; bổ sung nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài tăng khoảng 212,69 tỷ đồng; bổ sung đường gom thuộc tỉnh Đồng Tháp tăng khoảng 44,13 tỷ đồng.

Tin tặc gia tăng tấn công hệ thống mạng trọng yếu của Việt Nam

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an nhận định, hacker đang tiếp tục tấn công vào các cơ quan trọng yếu.

Giao dịch trực tuyến trên VNDirect báo lỗi ngày 27/3

Giao dịch trực tuyến trên VNDirect báo lỗi ngày 27/3

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong điều hành, sản xuất kinh doanh đã mang lại nhiều giá trị, nhưng cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhóm tin tặc quốc tế và trong nước. Tính chất và quy mô tấn công đang ngày càng lớn, nhắm vào cơ quan, doanh nghiệp quan trọng như điện lực, ngân hàng, chứng khoán, trung gian thanh toán, viễn thông, dầu khí và y tế.

Trong khi đó, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), phương thức của các nhóm tội phạm đã trở nên tinh vi và kịch bản tấn công có nhiều điểm tương đồng. Các vụ hack có thể gây gián đoạn toàn bộ hoạt động, giao dịch và khó thu hồi được dữ liệu nhạy cảm đã rơi vào tay tin tặc. Đây là những dữ liệu quan trọng, mang tính chất quyết định trong hoạt động của tổ chức.

Cục A05 cảnh báo thời gian tới, các nhóm tin tặc sẽ tiếp tục tấn công bằng mã độc tống tiền, nhắm vào cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, năng lượng. Các vụ hack sẽ diễn biến phức tạp, đồng thời không loại trừ khả năng mã độc đã được cài cắm sâu trong các hệ thống thông tin từ lâu.

Hiệp hội nhận định, một trong những điểm yếu của phần lớn hệ thống thông tin là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn hạn chế, năng lực ứng phó và khả năng xử lý, khắc phục sự cố còn thấp. Nhiều hệ thống công nghệ thông tin quan trọng hiện không được đầu tư đồng bộ, không được giám sát, kiểm tra định kỳ, tồn tại điểm yếu kỹ thuật, lỗ hổng bảo mật.

Trước đó, ngày 24/3, Công ty CP Chứng khoán VNDirect bị một tổ chức quốc tế tấn công mã hóa dữ liệu, phải ngừng hoạt động nhiều ngày. Đến 2/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL thông báo bị mã hóa dữ liệu, khiến hệ thống công nghệ thông tin bị ngưng trệ.

Nhiệt độ mặt đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên tới 63 độ C khiến 12 xe bị vỡ lốp

Từ 0 giờ ngày 1/4 đến 12 giờ ngày 4/4, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra 12 trường hợp gặp sự cố vỡ bánh lốp xe do nhiệt độ mặt đường rất cao, có lúc lên tới 63 độ C.

Một chiếc xe bị vỡ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Một chiếc xe bị vỡ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Từ 0 giờ ngày 1/4 đến 12 giờ ngày 4/4, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra 12 trường hợp gặp sự cố vỡ bánh lốp xe.

Sở dĩ có tình trạng trên là do nhiệt độ mặt đường rất cao. Thời điểm ghi nhận mức cao nhất lên tới 63 độ C là vào hơn 12 giờ trưa 4/4. Thông tin trên được Cục Cảnh sát Giao thông cho biết chiều 4/4.

Theo Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 (Đội 5), Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát Giao thông, qua tiếp nhận thông tin phản ánh về trung tâm chỉ huy, cùng với thực tế ghi nhận tại hiện trường, các vụ việc xe ôtô bị vỡ lốp không chỉ dừng lại ở loại xe ô tô con mà còn xảy ra ở cả xe ôtô khách, xe container, xe đầu kéo.

Theo đánh giá bước đầu của Đội 5, nguyên nhân do thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ mặt đường tăng, quãng đường từ Km0 - Km102 trên tuyến cao tốc không có điểm dừng nghỉ, xe phải lưu thông liên tục nên lốp xe ôtô không chịu được độ nóng của mặt đường, áp suất lốp xe cũng tăng cao dẫn tới sự cố vỡ lốp xe.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài trên 100km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hiện đang vào mùa Hè, nhiệt độ tăng cao, đồng thời trên tuyến chưa có điểm dừng nghỉ, để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, đại diện Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 khuyến cáo các lái xe kiểm tra kỹ thuật phương tiện, đặc biệt là lốp xe ôtô trước khi di chuyển vào tuyến cao tốc này.

Đặt tượng Lê Nin tại TP. Vinh

Tượng Lê Nin bằng đồng cao 3,6 m, nặng 4,5 tấn, sắp được đặt tại vòng xuyến giao giữa đại lộ Lê Nin với đường Nguyễn Phong Sắc, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).

Phối cảnh tượng đài Lê Nin tại TP. Vinh

Phối cảnh tượng đài Lê Nin tại TP. Vinh

Chiều 4/4, ông Phạm Ngọc Cảnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tượng Lê Nin đã được chuyển về TP. Vinh. Toàn bộ kinh phí đúc và vận chuyển tượng từ Nga về Việt Nam do chính quyền tỉnh Ulyanovsk (quê hương Lê Nin) tài trợ.

Theo thiết kế, tượng Lê Nin làm bằng đồng nguyên chất, được đặt trên bệ cao 3 m chất liệu thép. Mặt trước bệ tượng khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "V.I.LÊ-NIN, 1870-1924", mặt sau khắc chữ "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga" bằng hai thứ tiếng.

Việc đúc tượng được tỉnh Ulyanovsk dự kiến thực hiện từ 2020, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên chưa triển khai. Đến tháng 2/2023, Thống đốc tỉnh này gửi công thư cho Nghệ An, thông báo đã làm xong tượng.

TP. Vinh đã chuẩn bị khuôn viên rộng hơn 1.000 m2 và bệ đặt tượng vào tháng 6/2020. Lễ khánh thành công trình dự kiến tổ chức vào giữa tháng 4 nhân kỷ niệm 154 Ngày sinh của Lê Nin (22/4/1870).

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, công trình tượng trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Nga cũng như hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk. Hai địa phương đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác từ năm 2007, tổ chức nhiều hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục.

Hải Dương muốn xây khu du lịch sinh thái rộng 1.380 ha

Tỉnh Hải Dương đề xuất Thủ tướng tách hồ Thanh Long khỏi vùng bảo vệ của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn để làm dự án du lịch.

Tỉnh Hải Dương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép lập quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long thành vùng cảnh quan, bổ trợ phát huy giá trị khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Tỉnh Hải Dương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép lập quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long thành vùng cảnh quan, bổ trợ phát huy giá trị khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Kiến nghị được UBND tỉnh Hải Dương gửi để đẩy nhanh thủ tục triển khai Dự án khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long rộng 1.380 ha.

Tỉnh Hải Dương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép lập quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long thành vùng cảnh quan, bổ trợ phát huy giá trị khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Hồ Thanh Long nằm ở trung tâm khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, từng là nơi tập kết thuyền chiến, luyện thủy quân của quân dân nhà Trần.

Hiện nay, hồ đang là vùng đất hoang hóa, nguồn thủy sản tự nhiên được chính quyền giao khoán cho nhân dân. Trong khi đó, hệ thống di tích ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng do nhiều năm chưa được trùng tu, tôn tạo, cảnh quan thiên nhiên chưa được quy hoạch nên việc khai thác chưa hiệu quả.

Kế hoạch của tỉnh Hải Dương là xây dựng hồ Thanh Long thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hoá, tâm linh, sinh thái. Các di tích lịch sử sẽ được tôn tạo cùng với việc khôi phục tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút khách thập phương. Dự án này do doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đề xuất ý tưởng.

Phục hồi điều tra vụ án khai thác tài nguyên xảy ra tại Khu công nghiệp Phước Nam

Ngày 4/4, Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận sẽ ra quyết định phục hồi điều tra vụ án khai thác tài nguyên xảy ra tại Khu công nghiệp Phước Nam.

Hình ảnh ghi nhận vào tháng 6/2022 về việc chủ đầu tư Khu Công nghiệp Phước Nam tận thu đất cát không đúng quy định

Hình ảnh ghi nhận vào tháng 6/2022 về việc chủ đầu tư Khu Công nghiệp Phước Nam tận thu đất cát không đúng quy định

Trước đó trong tháng 1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì chưa nhận được kết luận định giá giá trị khoáng sản từ Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự của tỉnh Ninh Thuận.

Vào tháng 5/2023, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại Khu công nghiệp Phước Nam. Sau đó, C05 chuyển hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Ninh Thuận điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Ninh Thuận nhận định về quan điểm đánh giá về chứng cứ của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra vụ án chưa thống nhất. Do đó, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng trong việc lập, điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự của tỉnh này định giá giá trị khoáng sản.

Đến ngày 11/1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì chưa nhận được kết luận định giá.

Đến cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã nhận được nhận được kết luận của Bộ Xây dựng và kết luận giám định của hội đồng định giá.

Từ các cơ sở này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận sẽ ra quyết định phục hồi điều tra vụ án trong trong 4/2024.

Tin cùng chuyên mục