Bản tin thời sự sáng 5/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ mở rộng diện tinh giản biên chế; trang web Cục Đăng kiểm quá tải vì truy cập về gia hạn đăng kiểm tăng đột biến; đề xuất ngân hàng bị rút tiền hàng loạt mới được vay lãi suất 0%; Quảng Nam thanh tra điểm loạt sai phạm tại dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp; người dân TP.HCM sắp được mua 6.400 căn nhà ở xã hội…

Chính phủ mở rộng diện tinh giản biên chế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định tinh giản biên chế, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.

Chính phủ mở rộng diện tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

Chính phủ mở rộng diện tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

Nghị định có hiệu lực từ 20/7, áp dụng đến hết năm 2030. So với Nghị định 108 năm 2014 và hai nghị định sửa đổi năm 2018, 2020, quy định mới bổ sung một số trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.

Đó là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện tinh giản; người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư cho sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực.

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sáp nhập các xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư cho sáp nhập thôn, tổ dân phố trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp, cũng thuộc diện tinh giản.

Ngoài ra, nhiều trường hợp tinh giản được giữ như quy định trước đây, gồm những người dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại bộ máy, nhân sự để tự chủ; do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã; do cơ cấu lại vị trí việc làm nhưng không bố trí được việc khác hoặc cá nhân tự nguyện tinh giản….

Những trường hợp chưa tinh giản gồm: người đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 15/10/2018 đến 31/12/2022, các bộ, ngành, địa phương tinh giản được gần 80.000 người.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2023, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 49.000 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khoảng 28.000.

Trang web Cục Đăng kiểm quá tải vì truy cập về gia hạn đăng kiểm tăng đột biến

Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, ngày 3/6, số lần người dân tra cứu xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định là 3,6 triệu lượt, gấp 2,57 lần so với con số 1,4 triệu xe được tự động giãn chu kỳ kiểm định. Việc này khiến trang web Cục Đăng kiểm quá tải vì số lượt truy cập tăng đột biến.

Từ 3/6, xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chính thức được giãn chu kỳ kiểm định.

Từ 3/6, xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chính thức được giãn chu kỳ kiểm định.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong ngày đầu Thông tư 08/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn chính thức có hiệu lực (ngày 3/6/2023), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tải lên hệ thống 6.435 bản giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định của các phương tiện có hạn kiểm định trong hai ngày 3/6 và 4/6, thuộc diện được tự động giãn chu kỳ kiểm định.

Qua rà soát, đến 16h30 ngày 3/6, số lần người dân tra cứu xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định là 3,6 triệu lượt (gấp 2,57 lần so với con số 1,4 triệu xe thuộc diện được tự động giãn chu kỳ kiểm định).

Chính việc truy cập tra cứu số lượng lớn này đã khiến trang web Cục Đăng kiểm Việt Nam nhiều lần bị quá tải.

Đề xuất ngân hàng bị rút tiền hàng loạt mới được vay lãi suất 0%

Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng khoản vay đặc biệt, lãi suất 0% với ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ.

Nhân viên một ngân hàng thương mại kiểm đếm tiền gửi của khách hàng
Nhân viên một ngân hàng thương mại kiểm đếm tiền gửi của khách hàng

Ngày 5/6, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Điểm mới ở dự thảo này là bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.

Theo đó, nhà băng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ. Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.

Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng khoản vay đặc biệt với ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ, tức không đồng ý các trường hợp còn lại.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, vốn của khoản vay đặc biệt không phải từ ngân sách nhưng trong trường hợp huy động nguồn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi các hội viên do đây là nguồn thu từ đóng phí, đóng quỹ của họ.

Ủy ban Kinh tế đồng thời không đồng ý về quy định cơ chế xử lý rủi ro khi huy động vốn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã cho khoản vay đặc biệt. Bởi quy định như vậy là không hợp lý, không đảm bảo nguyên tắc kế toán cũng như không rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay của các chủ thể cho vay.

"Nguồn vốn của hai cơ quan này không nên được dùng cho mục đích khác, như với Bảo hiểm tiền gửi là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ", cơ quan thẩm tra nêu.

Quảng Nam thanh tra điểm loạt sai phạm tại dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp

Thanh tra tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng loạt sai phạm tại Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp do Công ty STO làm chủ đầu tư tại thị xã Điện Bàn.

Block chung cư xây dựng thô rồi bỏ hoang

Block chung cư xây dựng thô rồi bỏ hoang

Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2010, chia làm 3 giai đoạn.

Dự án có tổng diện tích hơn 12 ha, quy mô đầu tư gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và hơn 3.600 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, với tổng vốn hơn 700 tỷ đồng.

Dự án do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Dự kiến được hoàn thành vào tháng 8/2018 thế nhưng đến nay Dự án vẫn còn dở dang, thậm chí nhếch nhác, gây mất mỹ quan.

Dự án có khoảng 300 lô đất nền và 6 block chung cư nhưng mới chỉ xây dựng thô 2 chung cư, một chung cư đang bỏ hoang, các khung sắt phơi nắng trong thời gian lâu đã hoen gỉ. Các con đường dẫn vào Dự án chưa được thảm nhựa, hệ thống nước, điện, cây cối vẫn chưa được đấu nối…

Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra công tác quản lý Dự án của Chủ đầu tư bộc lộ nhiều yếu kém về năng lực tài chính và quản lý dự án, dẫn đến Dự án kéo dài nhiều năm nhưng đến nay chưa hoàn thành. Các hạng mục của Dự án vẫn còn dở dang và đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

Bên cạnh đó, việc chưa thi công hoàn thiện Dự án nhưng Chủ đầu tư đã thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thông qua hợp đồng góp vốn) cho một số hộ dân để xây dựng nhà ở, dẫn đến điều kiện để sinh sống còn thiếu; chưa có điện, nước sạch sinh hoạt.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, Chủ đầu tư là Công ty STO có dấu hiệu lừa đảo người dân mua đất của Dự án, lừa đảo các doanh nghiệp đầu tư vào Dự án.

Người dân TP.HCM sắp được mua 6.400 căn nhà ở xã hội

TP.HCM đang triển khai 9 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.400 căn. Sở Xây dựng Thành phố vẫn đang tổng hợp vướng mắc ở các dự án khác để tháo gỡ, hướng dẫn thủ tục.

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, bao gồm 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, 4 dự án động thổ trong năm 2022. Tổng quy mô nguồn cung gần 6.400 căn hộ với diện tích 17,5 ha.

Quy mô lớn nhất là Dự án Khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do Công ty CP Địa ốc Sông Đà An Nhân làm chủ đầu tư với 1.344 căn hộ. Một dự án lớn khác là nhà ở xã hội trong Khu dân cư Tân Thuận Tây, quận 7 do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư, cung cấp ra thị trường 1.300 căn hộ.

Dự án lớn thứ 3 có 1.254 căn hộ nhà ở xã hội là khu nhà ở tại số 324 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10 do Công ty CP Đức Mạnh làm chủ đầu tư.

Trong năm 2022, TP.HCM đã khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội trong Khu dân cư Nguyên Sơn (Bình Chánh), Khu dân cư Tân Thuận Tây (Quận 7), Khu nhà ở xã hội phường Phú Hữu và phường Long Trường (TP. Thủ Đức). Việc tổ chức lễ động thổ do các dự án này chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng.

Đến nay, dự án nhà ở xã hội trong Khu dân cư Nguyên Sơn đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. 3 dự án còn lại đang thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ thực hiện dự án, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000.

Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 đến tháng 3/2022, TP.HCM đã xây dựng hoàn thành 32 dự án nhà ở xã hội. Giai đoạn 2016 - 2020 phát triển mạnh mẽ nhất với 19 dự án được hoàn thành, xây dựng gần 15.000 căn hộ.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tới 50% nhiều khoản thu phí, lệ phí

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuế. Ảnh minh họa

Người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuế. Ảnh minh họa

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lệ phí cấp căn cước công dân... Mức giảm từ 10% và cao nhất lên tới 50%, kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ phí giám sát hoạt động chứng khoán và lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán): mức thu mới bằng 50% mức thu phí, lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 25/2022.

Đối với phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: bằng 50% mức thu phí quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa...

Về mức phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài bằng 50% mức thu phí quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 232/2016/TT-BTC quy định.

Lệ phí sở hữu công nghiệp bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC.

Ngoài ra, một số khoản phí, lệ phí được đề xuất giảm 50%, như: lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; lệ phí cấp Căn cước công dân; phí trong chăn nuôi...

Kể từ 1/1/2024 trở đi, các mức thu tại biểu phí nêu trên sẽ trở lại thực hiện theo quy định tại thông tư gốc.

TP. Nam Định thí điểm phân luồng giao thông một số tuyến đường nội thị

TP. Nam Định thí điểm phân luồng giao thông, cấm xe ô tô đi vào 2 tuyến đường: Đường Hàng Tiện - Hàng Cấp và tuyến đường Hưng Yên.

Phố Hàng Cấp sẽ cấm xe ô tô chiều đi từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Trần Hưng Đạo; cấm đỗ xe ô tô chiều ngược lại

Phố Hàng Cấp sẽ cấm xe ô tô chiều đi từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Trần Hưng Đạo; cấm đỗ xe ô tô chiều ngược lại

Theo đó, phân luồng 1 chiều: Tuyến đường Hàng Tiện - Hàng Cấp cấm xe ô tô chiều đi từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Trần Hưng Đạo, cấm đỗ xe chiều đi đường Trần Hưng Đạo đến Mạc Thị Bưởi, Hàn Thuyên.

Đường Hưng Yên cấm xe ô tô đi từ chiều Mạc Thị Bưởi - Trần Thánh Tông - Trần Thái Tông vào đường Hưng Yên ra hướng đường Trường Chinh.

Cấm đỗ xe chiều đi từ đường Trường Chinh vào đường Hưng Yên ra hướng đường Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Mạc Thị Bưởi.

Về thời gian thực hiện, từ ngày 1/6 đến ngày 15/7/2023, Thành phố sẽ tập trung tuyên truyền về chủ trương thí điểm phân luồng giao thông nội đô; tổ chức cắm biển báo phân luồng giao thông các tuyến thí điểm xong trước ngày 15/6/2023.

Thời gian hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2023; từ ngày 16/7/2023 sẽ xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.