Bản tin thời sự sáng 6/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Tập đoàn Ecopark đề xuất đầu tư dự án tại Cam Lâm; đấu giá lại 23 lô đất tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; 163 thương nhân được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo…

Rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, gồm huy động nguồn lực và quy trình, thủ tục.

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành

Giữa tháng 9, Hội nghị Trung ương X khóa XIII thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án Đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10.

Tại cuộc họp ngày 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm trình Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội về dự án này.

Qua rà soát phương án, tham khảo suất đầu tư của các nước và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư Dự án sơ bộ 67,34 tỷ USD. Thủ tướng giao các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo "chính xác nhất có thể" về suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án này.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án, gồm huy động nguồn lực và các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Việc này phải theo phương châm "cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn".

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý đánh giá tác động tới các khoản nợ công, Chính phủ, nước ngoài, bội chi ngân sách. Hiệu quả kinh tế của Dự án cần được phân tích rõ, tác động tới tiềm lực, vị thế của đất nước, chi phí logistics, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Thủ tướng giao các bộ, ngành đưa ra cơ chế huy động theo hướng đa dạng nguồn lực, gồm đầu tư công của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn hợp pháp khác. "Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổng lực từ nhân dân và doanh nghiệp về nhân lực, phương tiện để phục vụ Dự án", Thủ tướng lưu ý.

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Tập đoàn Ecopark đề xuất đầu tư dự án tại Cam Lâm

Công ty CP Tập đoàn Ecopark vừa đề xuất đầu tư dự án bất động sản quy mô 100 ha tại Khu đô thị mới huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Một góc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa

Một góc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị liên quan lấy ý kiến thẩm định hồ sơ Dự án Khu đô thị mới Cam Lâm do Công ty CP Tập đoàn Ecopark đề xuất.

Cụ thể, sở này cho biết, đã nhận được hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Cam Lâm do Công ty CP Tập đoàn Ecopark nộp ngày 17/9/2024.

Dự án có quy mô dự kiến hơn 100 ha gồm nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư hỗn hợp, đất thương mại dịch vụ, đất giáo dục, thể dục thể thao, đất văn hóa, đất cây xanh công cộng... và các loại đất khác.

Ranh giới đề xuất của Nhà đầu tư tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Địa điểm này trùng với đề xuất Dự án Khu đô thị hỗn hợp Cam Lâm do Công ty Tập đoàn C.E.O đề xuất (đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa lấy ý kiến thẩm định).

Đấu giá lại 23 lô đất tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

23 lô đất từng thuộc về ông Nguyễn Văn Trọng, kế toán xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vừa được đấu giá lại, thu hơn 43 tỷ đồng, vượt 10 tỷ đồng so với phiên bị hủy năm ngoái.

Khu vực đất (khoanh đỏ) ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vừa được đưa ra đấu giá lại

Khu vực đất (khoanh đỏ) ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vừa được đưa ra đấu giá lại

Ngày 5/10, huyện Quỳnh Lưu cho biết vừa phê duyệt kết quả trúng đấu giá 23 lô đất với tổng diện tích hơn 4.600 m2 tại khu vực Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng cho 23 hộ gia đình và cá nhân.

Lãnh đạo UBND xã Quỳnh Hưng cho biết, những lô đất trên có vị trí đẹp, gần trung tâm xã nên thu hút nhiều người tham gia đấu giá.

Trước đó, ngày 20/6/2023, huyện Quỳnh Lưu tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất 56 lô ở khu vực Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng, thu hơn 85 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Trọng tham gia và trúng đấu giá 23 lô, tổng số tiền phải nộp hơn 33 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng sau đó rà soát thấy ông Trọng là em ruột của ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Tổ trưởng giám sát đấu giá, người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm. Điều này vi phạm quy định của pháp luật.

Huyện Quỳnh Lưu đã ra quyết định không công nhận ông Trọng trúng đấu giá 23 lô đất, gửi văn bản đề nghị tỉnh Nghệ An thanh tra toàn diện việc tổ chức đấu giá. Tháng 8 cùng năm, ông Trọng bị phê bình vì không nhận biết đúng các quy định của Nhà nước, tham gia đấu giá làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc đấu giá.

163 thương nhân được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy

Sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cập nhật Danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3/10/2024.

Theo danh sách này, cả nước có tổng số 163 thương nhân tại 23 tỉnh, thành phố đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo danh sách, TP.HCM dẫn đầu với 38 thương nhân; tiếp theo là thành phố Cần Thơ có 35 thương nhân; Long An có 22 thương nhân; các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp mỗi địa phương có 14 thương nhân; Hà Nội có 10 thương nhân; các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang mỗi địa phương có 4 thương nhân; Kiên Giang có 3 thương nhân; các địa phương: Hưng Yên, Nghệ An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế mỗi địa phương có 2 thương nhân; các địa phương: Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang mỗi địa phương có 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm, nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia... duy trì ở mức cao. Đây là những yếu tố hỗ trợ sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tăng khá.

Gia Lai cho thuê khu đất công gần 25.000 m2 không qua đấu giá

Khu đất công cho thuê có diện tích gần 25.000 m2 tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai hiện đang là trường học tiêu chuẩn quốc tế vừa bị Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều sai phạm.

Khu đất 39 Hàn Mặc Tử (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)

Khu đất 39 Hàn Mặc Tử (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)

Trường Quốc tế song ngữ UKA Gia Lai nằm trên địa bàn phường Trà Bá, TP. Pleiku (số 39 Hàn Mặc Tử) có diện tích rộng gần 25.000 m2.

Sau nhiều lần thay đổi cổ đông, thay tên trường, mua bán chuyển nhượng lòng vòng, Trường UKA Gia Lai hiện thuộc về Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Đây là một doanh nghiệp chuyên đầu tư về lĩnh vực giáo dục.

Theo Kết luận số 263 KL-TTCP vào tháng 7/2024 của Thanh tra Chính phủ, khu đất số 39 Hàn Mặc Tử vốn là tài sản công, được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cho đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Hoàng Diệu ASEAN, Công ty CP Phát triển văn hóa giáo dục cộng đồng ASEAN làm chủ đầu tư.

Thời điểm này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng nhiệm kỳ 2006 - 2010, nhiệm kỳ 2010 - 2016 (đã mất) là người chấp thuận, ký các quyết định về đầu tư, đất đai.

Năm 2012, Sở Tài chính Gia Lai xác định, tài sản trên đất công ở số 39 Hàn Mặc Tử bao gồm nhà biến thế điện, nhà kho, nhà làm việc, tường rào… có giá trị hơn 2,9 tỷ đồng.

Thay vì phải thanh lý bán đấu giá tài sản thì UBND tỉnh Gia Lai bán chỉ định luôn cho Công ty CP Phát triển văn hóa giáo dục cộng đồng ASEAN.

Đối với khu đất này, UBND tỉnh Gia Lai đã không sắp xếp lại nhà đất công để tổ chức đấu giá mà bán tài sản trên đất theo hình thức chỉ định. Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định cho thuê đất không qua đấu giá là vi phạm pháp luật.

Mặc dù Dự án bị chậm tiến độ, thuộc diện phải thu hồi đất nhưng UBND tỉnh Gia Lai không xử lý theo quy định mà cho phép điều chỉnh tiến độ Dự án, tiếp tục hoàn thiện vào năm 2020 (sau khi Công ty thay đổi cổ đông).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, UBND tỉnh Gia Lai cần sớm chỉ đạo xác định lại giá đất, hủy quyết định miễn tiền thuê đất, truy thu tiền thuê đất để thu đúng, thu đủ.

UBND Tỉnh cũng phải chỉ đạo rà soát, thu hồi thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án theo quy định (nếu có), không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Lâm Đồng lùi tiến độ về đích dự án giao thông 400 tỷ đồng

Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng đã được phê duyệt lùi thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng

Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng

Ngày 5/10, ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định đồng ý chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành từ năm 2021 - 2024 sang năm 2021 - 2025.

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc UBND TP. Đà Lạt, UBND huyện Lạc Dương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt với tổng mức đầu tư là 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Dự án do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Gói thầu Xây lắp do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 - Công ty TNHH Hưng Nguyên - Công ty TNHH Duy Hà Gold - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 18 trúng thầu.

Liên danh nhà thầu đang triển khai xây dựng các hạng mục như nền đường, mương thoát nước, cống ngang, tường chắn và thảm nhựa mặt đường. Giá trị sản lượng đã thực hiện ước đạt 119,5/213,14 tỷ đồng, đạt 56% giá trị hợp đồng.

Hà Nội thông xe tuyến đường 1.200 tỷ sau 6 năm thi công

Sáng 5/10, Dự án Đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy dài 1,5 km, vốn 1.200 tỷ đồng chính thức thông xe.

Dự án Đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy dài 1,52 km

Dự án Đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy dài 1,52 km

Dự án có chiều dài khoảng 1,52 km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, điểm cuối giao với đê Ngọc Thụy, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Bề mặt cắt ngang của con đường mới rộng 40 m. Dự án cũng bao gồm xây dựng cầu vượt qua đường Nguyễn Văn Cừ dài khoảng 211 m.

Đây là đoạn đường cuối cùng thuộc tuyến đường nối từ nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương đến cầu Đông Trù.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, để thực hiện Dự án phải thu hồi đất của khoảng 485 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, trong đó tái định cư khoảng 176 hộ.

Dự án triển khai thi công từ năm 2018, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, tuy nhiên do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19 kéo dài nên bị đình trệ.

Theo ông Hùng, tuyến đường hoàn thành tạo ra trục giao thông thông suốt từ khu vực cầu Đông Trù đến cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn quận.

Kon Tum sẽ thu hồi các dự án điện chậm tiến độ

Ngày 5/10, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành sớm triển khai Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Các dự án điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kon Tum

Các dự án điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các nhà đầu tư dự án điện trên địa bàn khẩn trương thực hiện theo tiến độ tại chủ trương đầu tư đã được chấp thuận.

Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết, không bảo đảm tiến độ, UBND tỉnh Kon Tum kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, tỉnh Kon Tum cũng sẽ tránh tình trạng nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, chậm triển khai dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch điện trên địa bàn Tỉnh.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu sở, ngành xử lý khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư các dự án điện thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhà đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa công trình vào vận hành, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, UBND tỉnh Kon Tum đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió quy mô lớn nhất Tỉnh cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng gió Kon Plông.

Tổng diện tích của dự án dự kiến là 66,04 ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Dự án nhà máy điện gió có quy mô công suất 103,5 MW.

Dự án điện này sẽ được Bộ Công Thương thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kon Tum kỳ vọng dự án năng lượng tái tạo lớn này nằm trong Quy hoạch điện VIII sẽ tăng thu ngân sách cho Tỉnh.

Bỏ quy định được giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

Tại thông tư mới có hiệu lực từ 15/11, hình thức giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ.

So với quy định trước đây, hình thức giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ của nhân dân thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ. Ảnh minh họa

So với quy định trước đây, hình thức giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ của nhân dân thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ. Ảnh minh họa

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.

Theo thông tư mới, tại điểm c khoản 1 Điều 5, nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy so với quy định trước đây, nội dung công khai "trang phục, số hiệu công an nhân dân" đã được loại bỏ.

Ngoài ra, tại Điều 11, quy định về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng được thay đổi. Theo quy định mới, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:

Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Quá trình giám sát phải đảm bảo: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy so với quy định trước đây, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ.

Trước đó, Bộ Công an nhận định, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Có tình trạng lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.

Tàu hỏa liên tiếp bị trật bánh ở Huế do thi công đường không tốt

Đơn vị thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản và ray chống trật bánh không đúng… được xác định là nguyên nhân dẫn đến tàu hỏa trật bánh.

Đầu máy tàu hàng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị trật bánh ngày 28/9

Đầu máy tàu hàng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị trật bánh ngày 28/9

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có kết quả phân tích 2 sự cố đầu máy tàu hàng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị trật bánh trong ngày 28/9.

Cụ thể, trong ngày 28/9 xảy ra 2 sự cố trật bánh đầu máy D19E-943 trong đoàn tàu H16 tại Km752+250 khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu và đầu máy D18E-603 tại Km752+290 khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nguyên nhân xảy ra 2 sự cố trật bánh đầu máy là do đơn vị thi công (Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên) thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; thiết kế siêu cao vượt quá tiêu chuẩn cơ sở.

Phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản (ray P50) và ray chống trật bánh (P43 cũ sử dụng lại) không đúng, khe hở ray chống trật bánh lớn quá quy định và mặt đỉnh ray chống trật bánh so với mặt đỉnh ray cơ bản thấp quá quy định (ray chống trật bánh không có tác dụng), dẫn đến bánh xe vẫn leo lên ray gây trật bánh.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức phân tích, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Tổng công ty tại cuộc họp kiểm tra an toàn giao thông đường sắt khu vực Thừa Lưu - Lăng Cô và việc nâng cao công tác đảm bảo an toàn chạy tàu qua các đoạn đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp.

Trước đó, trong hơn 2 tháng gần đây, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra 6 vụ tàu hỏa gặp sự cố trật bánh, trong đó có 4 vụ bị trật bánh toa xe, riêng trong ngày 28/9 xảy ra 2 vụ đầu máy bị trật bánh. Mặc dù các vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng đến quá trình vận hành, lưu thông của tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Tin cùng chuyên mục