Bản tin thời sự sáng 6/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi đất “vàng” ở Khánh Hòa; dừng toàn bộ hoạt động xây dựng thủy điện Rào Trăng 3; từ ngày 6/11 khai thác trở lại đường lăn S2 sân bay Nội Bài; Bộ Công an khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM…

Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi đất “vàng” ở Khánh Hòa

Cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị kỷ luật, do nhiều khu đất ở các vị trí đắc địa trên địa bàn giao cho các chủ đầu tư không qua đấu giá.

Dự án khách sạn Starcity, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuộc trường hợp UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất không qua đấu giá

Dự án khách sạn Starcity, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuộc trường hợp UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất không qua đấu giá

Ngày 4/11, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2010 - 2017.

Theo đó, qua thanh tra 32 dự án và 3 trường hợp chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hoà kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng kỷ luật nghiêm minh trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu đối với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà (giai đoạn nêu trên); xử lý kỷ luật phù hợp với các Phó chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Kết luận thanh tra nêu, Dự án Khu thương mại dịch vụ và khách sạn Đông Hải ở phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh), diện tích gần 8.800 m2, tuy nhiên UBND tỉnh Khánh Hòa đã lựa chọn chủ đầu tư không qua đấu thầu; cho thuê đất trái quy hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.

Cũng liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Khánh Hòa bán tài sản nhà nước theo giá trị còn lại bằng hình thức chỉ định mà không quá bán đấu giá công khai, là vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước.

Kết luận thanh tra nêu 13 dự án sử dụng đất có nguồn gốc là đất công, 5 dự án sử dụng đất công, 10 dự án được ưu đãi đầu tư trên địa bàn Khánh Hòa đã không thực hiện quy định về đấu thầu lưạ chọn nhà đầu tư, không đấu giá quyền sử dụng đất; trong đó cả 10 dự án được ưu đãi đầu tư đều chậm tiến độ.

Dừng toàn bộ hoạt động xây dựng thủy điện Rào Trăng 3

Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 dừng toàn bộ hoạt động xây dựng công trình để phối hợp tìm kiếm các công nhân mất tích.

Hiện trường sạt lở Rào Trăng 3

Hiện trường sạt lở Rào Trăng 3

Ngày 5/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Phó chủ tịch Tỉnh Phan Thiên Định vừa ký công văn về việc khắc phục hậu quả, kiểm tra, đánh giá sự cố sạt lở tại Rào Trăng.

Theo công văn này, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 dừng toàn bộ hoạt động xây dựng. Đồng thời, công ty này phải phối hợp với các đơn vị chức năng để tìm kiếm người bị mất tích và hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám định sự cố.

Tỉnh cũng giao Sở Công Thương có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố vừa qua.

Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, Dự án thủy điện Rào Trăng 3 có công suất 13 MW, do Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư.

Đến nay, lực lượng cứu hộ tìm thấy 5/17 thi thể công nhân gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng cứu hộ đang mở rộng phạm vi tìm kiếm 12 nạn nhân còn lại, trong đó tính đến phương án nắn dòng Rào Trăng.

Từ ngày 6/11 khai thác trở lại đường lăn S2 sân bay Nội Bài

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ 0h ngày 6/11, đường lăn S2 thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài sẽ chính thức được khai thác trở lại.

Thi công sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài

Thi công sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài

Sáng ngày 5/11, đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để nghiệm thu việc đảm bảo an toàn khai thác, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, sơn kẻ đường… Cục Hàng không Việt Nam cũng đã phê duyệt phương án vận hành và khai thác đường lăn S2.

Trước đó, để đảm bảo chất lượng, tiến độ Dự án, từ ngày 29/10/2020, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) đã chủ trì Đoàn kiểm tra công tác nghiệm thu, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của đường lăn S2 và khắc phục các tồn tại về hồ sơ hoàn công trước khi nghiệm thu hạng mục quan trọng này.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kết quả giao thầu cho 17 gói thầu. Còn lại 3 gói cung cấp và lắp đặt thiết bị, Bộ đã có quyết định phê duyệt trình tự thực hiện, yêu cầu năng lực kinh nghiệm và nhà thầu dự kiến thực hiện bước cung cấp và lắp đặt thiết bị. Dự kiến trước 15/11/2020 sẽ chọn xong nhà thầu này.

Về thi công tại hiện trường, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình cho biết, các đơn vị đã thi công cơ bản xong phần bê tông, chỉ còn các nút đường lăn.

Dự kiến 30/11/2020 sẽ hoàn thành cơ bản công việc, đến 1/1/2021 sẽ đưa vào khai thác, đảm bảo kế hoạch ban đầu mà Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Hà Nội cần 90.000 tỷ đầu tư nhà ở xã hội

Đến năm 2025, Hà Nội cần xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tổng vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.

Đến 2025, Hà Nội cần 90.000 tỷ đầu tư nhà ở xã hội

Đến 2025, Hà Nội cần 90.000 tỷ đầu tư nhà ở xã hội

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ phát triển khoảng 6,2 triệu m2 sàn. Đến nay, Thành phố triển khai được 62 dự án với khoảng hơn 1 triệu m2 sàn, gồm: 59 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà xã hội. Trong 5 năm tiếp theo, Hà Nội cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho công nhân. Như vậy, đến năm 2025, lượng sàn xây mới khoảng 7,22 triệu m2, tương đương số vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.

Việc xây các dự án nhà ở xã hội thường gặp khó khăn về nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện. Do vậy, để hỗ trợ, TP. Hà Nội đã đưa các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội vào danh mục lĩnh vực đầu tư ưu tiên phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và là đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố.

Thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... đang thiếu nguồn cung nhà giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư. Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (tức có giá từ 25 triệu đồng một m2 trở lên) chỉ chiếm 20 - 30% thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu ở mức giá bình dân (dưới 25 triệu đồng mỗi m2) lại chiếm đến 70 - 80%.

Bộ Công an khám xét Bệnh viện Mắt TPHCM

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM để điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại bệnh viện này.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM vào ngày 4/11

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM vào ngày 4/11

Việc khám xét được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an thực hiện từ sáng 4/11, nhằm phục vụ điều tra những sai phạm về đấu thầu liên quan đến việc nâng giá thiết bị thủy tinh thể nhân tạo.

Quá trình khám xét, cơ quan công an đã làm việc với ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt cùng một số cá nhân liên quan. Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ để phục vụ cho công tác điều tra. Sau buổi khám xét, ông Khải được lực lượng chức năng đưa ra khỏi Bệnh viện.

Ông Nguyễn Minh Khải (quê Bạc Liêu) là bác sĩ chuyên khoa II, từng là Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM vào tháng 9/2017.

Trước đó, cuối năm 2018, UBND TP.HCM buộc Bệnh viện Mắt TP.HCM phải nộp vào kho bạc số tiền hơn 395 tỷ đồng. Đây là số tiền phát sinh từ tài sản Nhà nước nhưng Bệnh viện không nhập vào báo cáo tài chính của đơn vị mà lập thu, chi riêng.

Ngoài ra, kết quả thanh tra thuế còn xác định Bệnh viện Mắt TP.HCM còn phải nộp lại số tiền gần 57 tỷ đồng, trong đó có trên 38 tỷ đồng tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, trên 10 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế và xử phạt hành vi kê khai sai với số tiền trên 7 tỷ đồng.

Sản xuất xăng giả ở Vũng Tàu

Bộ đội Biên phòng Vũng Tàu phát hiện kho chứa nhiều hoá chất, 72.000 lít xăng giả chuẩn bị được đưa đi bán ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Trà Vinh.

Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm đếm xăng giả

Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm đếm xăng giả

Ngày 5/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nghi can cầm đầu đường dây sản xuất xăng giả này là Lê Văn Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Minh Nguyên (TP.HCM) và Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải xăng dầu 89 (Phường 12, TP. Vũng Tàu).

Trước đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện xe bồn biển số Trà Vinh đang hút 2.000 lít chất lỏng ở kho hàng Công ty TNHH Vận tải xăng dầu 89. Trong kho lúc này có nhiều bồn lớn chứa chất lỏng, các thùng hóa chất, máy móc nằm ngổn ngang.

Điều tra bước đầu xác định, Nguyên hợp tác cùng Nhân gom xăng kém chất lượng ở nhiều nơi, tập trung về Vũng Tàu, sau đó dùng chất làm tăng chỉ số Octan (Toluene), chất tạo màu... pha chế tạo thành xăng có thương hiệu mang đi tiêu thụ tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Trà Vinh.

Nguyên và Nhân khai làm xăng giả theo tỷ lệ 7 phần xăng, 3 phần Toluene và chất tạo màu cho vào bồn khoảng 50 - 60 m3 để trộn. Họ cũng cung cấp xăng đã pha trộn hoặc chưa theo yêu cầu của đối tác. Mỗi lít xăng thu lợi nhuận 400 - 600 đồng.

Hiện, số lượng xăng giả nhóm này làm chưa được xác định, song lực lượng chức năng đánh giá là "rất lớn".

Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Hà Nội: Đột kích Ninh Hiệp, phát hiện ông chủ 9X gia công trăm nghìn đồ hiệu dỏm

Thời điểm lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ập vào kiểm tra, một cơ sở sản xuất quần áo tại khu Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội đang sử dụng máy móc làm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở của ông chủ 9X

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở của ông chủ 9X

Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội vừa phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 - Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang - Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Cơ sở này do ông Nguyễn Anh Quyết, sinh năm 1991 làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để may sản xuất quần áo có gắn các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci…

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Anh Quyết thừa nhận việc may sản xuất quần áo có dấu hiệu giả mạo trên không được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên và do các đối tượng kinh doanh quần áo tại khu vực Ninh Hiệp đặt may sản xuất.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci…, 35 kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên.

Tin cùng chuyên mục