Bản tin thời sự sáng 6/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 5 tuyến cáp được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế hoạt động bình thường; du khách trải nghiệm 17 sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM; Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp 'cứu' ngành vật liệu; Tổng công ty Khoáng sản TKV bị phạt và truy thu thuế gần 88 tỷ đồng…

5 tuyến cáp được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế hoạt động bình thường

Thời điểm hiện tại, cả 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng tại Việt Nam sử dụng, khai thác để cung cấp dịch vụ cho người dùng đều hoạt động bình thường.

5 tuyến cáp được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế hoạt động bình thường

5 tuyến cáp được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế hoạt động bình thường

Ngày 5/12, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, đối tác quốc tế đã sửa xong sự cố xảy ra ngày 27/9/2023 trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) vào chiều ngày 22/11/2023 và hiện tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.

Là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, AAE-1 đóng vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới các hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Sự cố xảy ra vào sáng ngày 27/9/2023 đã gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore của tuyến AAE-1.

Vị đại diện trên cũng cho hay, vào ngày 6/11/2023, đối tác quốc tế cũng đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh cáp gần trạm cập bờ Vũng Tàu (Việt Nam) của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG).

Tuyến cáp biển AAG được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Có tổng chiều dài hơn 20 ngàn km, tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

AAG đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ.

Như vậy, thời điểm hiện tại, cả 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng tại Việt Nam sử dụng, khai thác để cung cấp dịch vụ cho người dùng, gồm AAG, APG, AAE-1, SMW3 và IA (còn gọi là Liên Á) đều đang duy trì hoạt động bình thường.

Du khách trải nghiệm 17 sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM

TP.HCM đã giới thiệu đến du khách 17 sản phẩm du lịch đường thủy trong Tuần lễ Du lịch Thành phố lần thứ 3 (từ ngày 4 - 10/12).

TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển du lịch đường thủy.

TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển du lịch đường thủy.

Ngày 5/12, Sở Du lịch TP.HCM thông tin, để hưởng ứng Tuần lễ Du lịch Thành phố lần thứ 3, ngành du lịch đã giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thủy.

Trong đó, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.

Theo kế hoạch đến năm 2025 mà Sở Du lịch đưa ra, TP.HCM sẽ khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô. Từ đó, số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Nằm trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ 3, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố giai đoạn 2023 - 2025 do Sở Du lịch tổ chức, Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức đã đề xuất triển khai thử nghiệm mô hình taxi nước với tên gọi "Green Water Taxi".

Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức Nguyễn Trần Hữu Thắng chia sẻ, ý tưởng mô hình taxi nước xuất phát từ thực trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Đặc biệt, nếu taxi nước được thử nghiệm trên sông Sài Gòn sẽ tạo ra một mạng lưới các xe taxi đường thủy và phát triển một ứng dụng di động tự động gọi phương tiện, có tên “Green Water Taxi”, giúp khách có thể điều chỉnh lịch trình linh hoạt theo nhu cầu. Mặt khác, mô hình này sẽ đóng góp vào sự phát triển, tạo nguồn thu ngân sách cho TP.HCM, tạo việc làm, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, Thành phố có lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với 101 tuyến, tổng chiều dài gần 1.000 km. Hiện nay, Thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động.

Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp 'cứu' ngành vật liệu

8 hiệp hội vật liệu kêu cứu vì sản xuất khó khăn, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, lãi suất.

8 hiệp hội vật liệu kêu cứu vì sản xuất khó khăn

8 hiệp hội vật liệu kêu cứu vì sản xuất khó khăn

Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến các bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp gỡ khó cho nhóm ngành vật liệu trước khi chính thức trình Thủ tướng.

Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Vật liệu xây dựng Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Bê tông Việt Nam, Thép Việt Nam, Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Kính và Thủy tinh xây dựng Việt Nam, Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã đồng loạt kêu cứu vì sản lượng giảm, tiêu thụ khó.

Theo Bộ Xây dựng, nhóm ngành này hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành cả trong và ngoài nước.

Để gỡ khó cho ngành này, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, nhất là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ cũng đề nghị xem xét tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng), giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025; giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025; tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với các khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Tổng công ty Khoáng sản TKV bị phạt và truy thu thuế gần 88 tỷ đồng

Tổng số tiền Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP bị xử phạt và truy thu thuế do vi phạm hành chính về thuế là 87,6 tỷ đồng.

Vi phạm hành chính thuế, Khoáng sản TKV bị phạt và truy thu gần 88 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Vi phạm hành chính thuế, Khoáng sản TKV bị phạt và truy thu gần 88 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cục Thuế tỉnh Lào Cai vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Chi nhánh mỏ tuyển Đồng Sin Quyền Lào Cai - Vimico, chi nhánh Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP.

Theo quyết định xử phạt, doanh nghiệp này đã có các hành vi vi phạm hành chính như: khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp năm 2020 (sử dụng hóa đơn có dấu hiệu rủi ro cao về thuế); khai sai dẫn đến thiếu số thuế tài nguyên phải nộp năm 2020; khai sai không dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020.

Theo đó, Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP bị xử phạt 20% đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế GTGT, thuế tài nguyên (số tiền hơn 12,2 tỷ đồng). Cùng với đó, Tổng công ty cũng bị truy thu tổng số tiền gần 62,3 tỷ đồng và gần 13,1 tỷ đồng tiền chậm nộp.

Như vậy, tổng số tiền Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP bị xử phạt và truy thu thuế là 87,6 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2023, Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP ghi nhận doanh thu gần 8.900 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm xuống mức 102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 287 tỷ đồng.

Ngân hàng siết nợ Nhà máy Điện gió Phong Điện 1 - Bình Thuận

Agribank đang tìm tổ chức đấu giá khoản nợ 1.200 tỷ đồng của Chủ dự án điện gió Phong Điện 1 - Bình Thuận.

Cánh đồng tuabin gió của Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận

Cánh đồng tuabin gió của Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận

Tính đến 30/11, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) phát sinh dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 730 tỷ đồng và tiền lãi, lãi quá hạn, chậm nộp 460 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn phí bảo lãnh chưa trả ngân hàng gần 14 tỷ đồng.

Agribank đấu giá khoản nợ với giá khởi điểm 1.205 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng tại Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Phong điện 1 - Bình Thuận là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam, do REVN đầu tư với tổng vốn 2.000 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn (80 tuabin). Dự án này đã hoàn thành ở giai đoạn 1, gồm 20 tuabin gió tổng công suất 30 MW, phát điện từ năm 2009. Tuy nhiên, dự án giai đoạn 2 không kịp hoàn thành phát điện trước hạn tháng 11/2021 để hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT).

Điện gió từng là lĩnh vực tiềm năng "hút" vốn, nhưng những thay đổi chính sách với dự án không kịp vận hành thương mại trước hạn 11/2021 để hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, khiến kết quả kinh doanh nhiều đơn vị ảm đạm.

TP.HCM tăng hơn 2.000 trường hợp thất nghiệp

Tháng 11, TP.HCM có hơn 14.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.000 trường hợp so với tháng 10.

Tháng 11, TP.HCM có hơn 14.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh họa

Tháng 11, TP.HCM có hơn 14.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh họa

Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo kinh tế xã hội TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2023.

Theo báo cáo, trong tháng 11, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 23.924 lượt người, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 11 tháng năm 2023 là 291.985 lượt người, đạt 97,3% kế hoạch năm.

Trong tháng 11 có 12.491 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới 11 tháng là 131.865, đạt 94,2% kế hoạch năm.

Về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong tháng 11, TP.HCM đã tiếp nhận 14.227 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 14.938 người lao động.

So với tháng 10, trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.016 trường hợp, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 1.298 người.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thành phố đã tiếp nhận 142.704 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 140.645 người lao động đủ điều kiện.

So với cùng kỳ năm 2022, trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 14.057 trường hợp, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 15.677 người.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 ước tính tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp Thành phố. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 3,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 11 ước tính tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ.

Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước nhưng giảm 4,1% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Đề nghị lập đoàn khảo sát việc xuất hóa đơn của các cây xăng

Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phối hợp lập đoàn liên ngành khảo sát thực tế hạ tầng triển khai xuất hóa đơn điện tử ở cây xăng.

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định, Quận 3, TP.HCM

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định, Quận 3, TP.HCM

Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp, xử lý vướng mắc trong quá trình áp dụng hóa đơn điện tử với lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. "Việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 123 là nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương", Bộ này nêu quan điểm.

Theo Nghị định 123 ban hành tháng 10/2020, các cửa hàng phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Dầu khí TP.HCM xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% số cửa hàng bán lẻ cả nước. Các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ còn lại dù đã xuất hóa đơn điện tử nhưng vẫn đang xuất theo ngày hoặc theo tuần, chưa tuân theo quy định.

Trong văn bản mới, cơ quan này cũng đề nghị lập các đoàn liên ngành gồm công thương, công an, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ... cùng cơ quan thuế làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, cây xăng.

Mục đích là để các đoàn này nắm bắt thực tế hạ tầng kỹ thuật, khả năng đáp ứng việc xuất hóa đơn từng lần của các cửa hàng. Từ đó, đoàn liên ngành đề xuất giải pháp thúc đẩy phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và phát hiện, xử lý nghiêm với các trường hợp không thực hiện.

Trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, phản ánh họ gặp khó khăn về nhân lực và kêu lãng phí khi phải bỏ hoặc thay mới các thiết bị để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ước tính, mỗi cửa hàng xăng dầu sẽ phải chi khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng để trang bị hạ tầng.

Giám đốc Ban quản lý rừng tại Bình Định “xin” doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng

Ông Bùi Văn Thăng bị cáo buộc khi là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đã "xin" doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng lại chi tiêu cho đơn vị.

Dự án điện mặt trời huyện Phù Mỹ khi mới triển khai

Dự án điện mặt trời huyện Phù Mỹ khi mới triển khai

Ngày 5/12, ông Thăng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ bị Công an tỉnh Bình Định khởi tố, cho tại ngoại, để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, phong tỏa tài khoản của cựu Giám đốc Ban quản lý rừng để làm rõ sai phạm này và một số nguồn tiền khác.

Theo điều tra, khi làm Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường đất xong cho người dân nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ do ông Thăng làm Giám đốc đã xin thêm tiền từ doanh nghiệp để hỗ trợ người nhường đất cho dự án.

Tuy nhiên, ông Thăng sau đó không đưa tiền cho người dân theo cam kết mà dùng vào chi tiêu của đơn vị. Các khoản này không có chứng từ, sổ sách và không đúng mục đích.

Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ khởi công năm 2020, diện tích 325 ha, quy mô lớn nhất miền Trung với công suất 330 MW, tổng đầu tư 6.500 tỷ đồng.