Bản tin thời sự sáng 7/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nghiên cứu đường sắt Bắc Nam tốc độ 250 km/h; công ty chứng khoán đồng loạt tăng lãi suất cho vay ký quỹ; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 112%; chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, có gói hơn 6.000 tỷ đồng…

Nghiên cứu đường sắt Bắc Nam tốc độ 250 km/h

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản trả lời Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Nghiên cứu đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tốc độ 250km/h. Ảnh minh họa

Nghiên cứu đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tốc độ 250km/h. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án làm đường sắt Bắc - Nam tốc độ khoảng 250km/h. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ còn một vài điểm cần xem xét kỹ.

Cụ thể, năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam hiện có sự mất cân đối lớn. Đường bộ chiếm 72% khách và 59% hàng; đường thủy 40% hàng; hàng không 22% khách nhưng thị phần vận tải của đường sắt chỉ chiếm khoảng 6% khách và 1,4% hàng.

Bộ KH&ĐT đánh giá thêm, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP.HCM. Đây là một trong những dự án rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tạo cơ sở cho ngành đường sắt.

Trên cơ sở tham khảo các kết quả nghiên cứu và ý kiến các bên liên quan, Bộ KH&ĐT đề nghị lựa chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các nội dung: Dự án được đầu tư để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng với tốc độ thiết kế khoảng 250km/h.

Mô hình thực hiện Dự án theo hình thức đối tác công - tư. Quy mô đầu tư khổ đường đôi 1.435 mm, khai thác hỗn hợp; tốc độ thiết kế tối đa 250 km/h cho tàu khách và tàu hàng cao tốc, 180 km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container; tiêu chuẩn châu Âu.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.508,6 km; cùng đó sẽ có khoảng 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa.

Công ty chứng khoán đồng loạt tăng lãi suất cho vay ký quỹ

VNDirect, SSI, Yuanta... nâng lãi suất cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán từ quanh mức 12% một năm lên gần 14%.

Công ty chứng khoán đồng loạt nâng lãi suất cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán
Công ty chứng khoán đồng loạt nâng lãi suất cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán

Công ty Chứng khoán VNDirect vừa thông báo từ ngày 7/11 sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán lên 13,8% một năm. Những khách hàng giao dịch cổ phiếu trong danh mục 50 mã có nền tảng cơ bản và thanh khoản tốt nhất thị trường do VNDirect lựa chọn được ưu đãi lãi suất 10,9% một năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng tăng lãi suất margin từ 12% lên 13,5% một năm, áp dụng từ giữa tuần này. Tương tự, Công ty Chứng khoán ACB nâng lãi suất cho 14 ngày vay đầu tiên từ 4,5% lên 6% một năm và giữ nguyên mức lãi suất 14% một năm kể từ ngày vay thứ 15 trở đi.

Đầu tháng 11, SSI - công ty đứng thứ hai thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM - cũng thông báo tăng lãi suất cho vay từ 11,88% một năm lên 13,5% một năm.

Nhiều công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ còn áp dụng lãi suất mới sớm hơn, từ giữa tháng 9 và đầu tháng 10, với mức tăng hầu hết không dưới một điểm phần trăm. Điển hình như Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) tăng 1% đối với tất cả hạng khách hàng và nâng phí ứng trước tiền bán lên 14,5% một năm. Công ty Chứng khoán Rồng Việt và Bản Việt cùng điều chỉnh lãi suất từ khoảng 12,2% lên 13,3% một năm.

Thị trường thăng hoa khiến nhu cầu vay ký quỹ tăng cao, dẫn đến dư nợ cho vay toàn thị trường có lúc vượt 200.000 tỷ đồng và là một phần nguyên nhân giúp thanh khoản thị trường duy trì trên mức 20.000 tỷ đồng mỗi phiên trong thời gian dài. Công ty chứng khoán khi đó liên tục tăng vốn điều lệ để tăng hạn mức cấp margin cho nhà đầu tư.

Khi thị trường lao dốc từ đầu tháng 4 đến nay và làn sóng call margin diễn ra trên diện rộng, hoạt động cho vay cũng thu hẹp. Dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán tính đến cuối quý III toàn thị trường xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 112%

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất lần thứ năm, vượt 9% kế hoạch năm sau chỉ đạo của Thủ tướng trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết, công suất tăng dần lên 112% từ đêm 5/11 đến rạng sáng 6/11 để giảm áp lực về nguồn cung xăng dầu cho cả nước.

Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc quản lý, điều hành xăng dầu. Bộ Công Thương sau đó đề nghị Tập đoàn Dầu khí khuyến khích Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và cung ứng ra thị trường.

BSR đã đàm phán với các chủ mỏ về khả năng tăng sản lượng khai thác và bổ sung nguồn dầu thô vào hai tháng cuối năm, nhập thêm nguyên liệu trung gian và rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn để vận hành với công suất tối đa.

Đây là lần nâng công suất thứ năm trong năm nay của Nhà máy khi nâng từ 105% lên 107%, rồi tiếp tục lên 109%. Hiện công suất 112% vượt 9% so với kế hoạch vận hành trung bình năm ở 103%.

Bên cạnh nâng công suất, BSR cho biết đã xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa. Trong 10 tháng đầu năm, Công ty đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết, tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp. Hiện nhà máy này cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, có gói hơn 6.000 tỷ đồng

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).

Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được các đơn vị đẩy nhanh thi công.

Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được các đơn vị đẩy nhanh thi công.

Cụ thể, Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng được chia thành 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu số 11-XL Thi công xây dựng đoạn Km514+300-Km544+300 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) trị giá hơn 4.456 tỷ đồng; Gói thầu số 12-XL Thi công xây dựng đoạn Km544+300-Km568+496,07 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) trị giá hơn 3.304 tỷ đồng.

Riêng Dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi chỉ có một gói thầu xây lắp là Gói thầu số 11-XL Thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với tổng giá trị hơn 6.045 tỷ đồng.

Phía Bộ GTVT cũng đưa ra phương thức lựa chọn nhà thầu xây lắp tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 qua tỉnh Hà Tĩnh được áp dụng là chỉ định thầu, thời gian thực hiện là 1.020 ngày.

Trong đó, phần xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; phần khảo sát áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và phần thiết kế bản vẽ thi công áp dụng hợp đồng trọn gói.

Sau khi Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu, các chủ đầu tư sẽ tiến hành đăng tải thông tin đấu thầu theo quy định.

Theo phương án được phê duyệt, Dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi có tổng chiều dài khoảng 35,3 km đi qua các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Dự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng có tổng chiều dài hơn 54 km đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh.

Khánh Hòa không gia hạn cho các dự án quan trọng chậm tiến độ

Các dự án Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang; Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa; Tỉnh lộ 3; Đường Vành đai 2... nằm trong số các dự án cần được hoàn thành đúng tiến độ và không được gia hạn.

Công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm đoạn đi qua thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm đoạn đi qua thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Mới đây, trong báo cáo 10 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin sẽ không thực hiện gia hạn cho bất kỳ dự án quan trọng, trọng điểm chậm tiến độ và sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Các dự án cần được hoàn thành đúng tiến độ và không được gia hạn bao gồm Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang (cần đưa công trình vào hoạt động trong quý I/2023); Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa (đưa công trình vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2023); Tỉnh lộ 3, Đường Vành đai 2 (đưa công trình vào hoạt động trong tháng 10/2022); Nút giao Ngọc Hội (thông tuyến từ Diên Khánh đến Nha Trang trước Tết Nguyên đán 2023 và hoàn thành toàn tuyến trong năm 2023); Công trình trồng cây xanh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023).

UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm, liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình cầu Xóm Bóng, thuộc Dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sử dụng vốn vay EDCF của Bộ GTVT…, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Bộ Tài chính lấy ý kiến Bộ Công Thương về chi phí nhập xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí nhập xăng dầu.

Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí nhập xăng dầu.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất, kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ đã có công văn gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.

Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan quản lý tài khóa, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có thông báo điểm mặt 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 2/11 vẫn chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Các doanh nghiệp đầu mối này bao gồm Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty CP Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

SCB cam kết đảm bảo quyền lợi khách hàng mua trái phiếu

SCB cho biết sẽ nỗ lực làm việc với các bên có liên quan, trong khả năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Hoạt động kinh doanh của SCB hiện đã trở lại bình thường.

Hoạt động kinh doanh của SCB hiện đã trở lại bình thường.

Tối ngày 6/11, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông tin thêm về các vấn đề liên quan đến việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của khách hàng.

Theo đó, ngân hàng này cho biết sẽ nỗ lực làm việc với các bên có liên quan, trong khả năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Hiện nay, SCB vẫn đang tiếp tục làm việc với Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, tổ chức phát hành, Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để trình bày các mong muốn, kiến nghị chính đáng nhằm giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, SCB mong khách hàng bình tĩnh, thấu hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, đồng thời không gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh bình thường của ngân hàng.

Trước đó, SCB cho biết, thời gian qua Ngân hàng có hợp tác với một số công ty chứng khoán để thực hiện dịch vụ giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua/bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán. Sau quá trình giới thiệu, các khách hàng tiến hành ký kết hợp đồng trực tiếp với các công ty chứng khoán để mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.

SCB khẳng định, Ngân hàng chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với các khách hàng về việc chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp.