Bản tin thời sự sáng 7/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD ngân hàng giảm mạnh; 588 ứng viên được công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023; SCB thông tin về nhóm cựu cán bộ, nhân viên bị khởi tố, truy nã; đề xuất làm lối thoát hiểm tạm cho ga metro Bến Thành; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi hơn 1.340 tỷ đồng…

Giá USD ngân hàng giảm mạnh

Giá USD tại các ngân hàng thương mại ngày 6/11 giảm mạnh, tới hơn 200 đồng. Một số ngân hàng đã mất mốc 24.500 đồng/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá trung tâm cũng giảm nhanh.

Giá USD ngân hàng giảm mạnh

Giá USD ngân hàng giảm mạnh

Ngày 6/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.064 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với mức niêm yết cuối tuần qua và giảm gần 50 đồng so với mức đỉnh hồi tháng 10.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại ngày 6/11 được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.267 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.861 đồng/USD.

Tỷ giá mua tham khảo ngày 6/11 được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.440 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo giảm 21 đồng so với cuối tuần qua, xuống mức 25.217 đồng/USD.

Cùng xu hướng, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 6/11 giảm mạnh. So với phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 3/11), giá USD tại một số ngân hàng chiều 6/11 giảm tới gần 300 đồng. Một số ngân hàng đã mất mốc 24.500 đồng/USD ở chiều bán ra.

Cụ thể, vào lúc 15h45' ngày 6/11, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.150 - 24.520 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 220 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với sáng 3/11.

Cùng thời điểm, VietinBank giao dịch USD ở mức giá 24.070 đồng/USD (mua vào) và 24.490 đồng/USD (bán ra), giảm 253 đồng/USD ở cả 2 chiều so với sáng 3/11.

Trên thị trường tự do, giá USD ngày 6/11 được giao dịch phổ biến quanh mức 24.530 - 24.620 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 20 đồng ở chiều mua vào nhưng tăng 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.

588 ứng viên được công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023

Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Công nhận 589 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Ảnh minh họa

Công nhận 589 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Ảnh minh họa

Theo danh sách này, tổng cộng 588 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Trước đó, Hội đồng Giáo sư nhà nước loại 89 ứng viên khỏi danh sách xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Như vậy, trong 695 người được đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, trừ đi số ứng viên bị loại, còn 606 ứng viên được đề nghị năm nay từ 26 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Theo Hội đồng Giáo sư nhà nước, các ứng viên bị loại do nhiều lý do khác xoay quanh các tiêu chí xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có ứng viên xin rút hồ sơ.

Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng nhận được một số phản ánh liên quan đến hồ sư ứng viên không đạt tiêu chuẩn. Văn phòng gửi các phản ánh này đến Hội đồng Giáo sư ngành và liên ngành để xem xét cụ thể từng trường hợp. Các hội đồng sẽ giải trình chi tiết khi làm xong bước xem xét, xác minh.

Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm 2023, việc công khai thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch của quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong 76.000 giảng viên đại học có 682 giáo sư (gần 1%), 4.760 phó giáo sư (trên 6%) giảng dạy toàn thời gian. Số giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện để các trường mở chương trình đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).

SCB thông tin về nhóm cựu cán bộ, nhân viên bị khởi tố, truy nã

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa có thông tin liên quan đến vụ việc 8 cựu cán bộ, nhân viên từng đảm nhiệm các vị trí quản lý, điều hành tại ngân hàng này bị khởi tố, truy nã.

SCB vẫn triển khai công tác rà soát thường xuyên và chú trọng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự, bảo đảm đáp ứng đúng các quy định pháp luật và an toàn trong hoạt động tài chính ngân hàng…

SCB vẫn triển khai công tác rà soát thường xuyên và chú trọng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự, bảo đảm đáp ứng đúng các quy định pháp luật và an toàn trong hoạt động tài chính ngân hàng…

Cụ thể, ngày 29/10/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với 7 bị can: Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn, Sun Herry Ka Ziang, Lam Lee Geogre, Nguyễn Lâm Anh Vũ. Tiếp đó, ngày 3/11/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông Lê Văn Chánh.

Theo SCB, đây là những cá nhân từng đảm nhiệm các vị trí quản lý, điều hành tại SCB. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các cá nhân trên đều đã được miễn nhiệm chức vụ và không còn công tác tại ngân hàng này.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB) đã được miễn nhiệm từ năm 2014; ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB) được miễn nhiệm vào năm 2021. Ngoài ra, hầu hết cá nhân khác đều đã không còn tham gia vào công tác quản trị điều hành và rời vị trí tại SCB từ nhiều năm trước.

SCB cho biết, trước các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về vụ việc khởi tố, truy nã này, hoạt động kinh doanh hiện tại của Ngân hàng không bị ảnh hưởng. Các hoạt động của SCB vẫn đang tiếp tục diễn ra thông suốt, ổn định.

Quá trình cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện hữu của SCB tới khách hàng vẫn bảo đảm mọi nhu cầu và quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, các đối tác của Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

SCB vẫn đang hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và sẽ thông tin đến khách hàng khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, SCB vẫn triển khai công tác rà soát thường xuyên và chú trọng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự, bảo đảm đáp ứng đúng các quy định pháp luật và an toàn trong hoạt động tài chính ngân hàng…

Đề xuất làm lối thoát hiểm tạm cho ga metro Bến Thành

Chủ đầu tư Dự án khu tứ giác Bến Thành sẽ làm lối thoát hiểm tạm trong lúc hai cửa lên xuống kết nối công trình này với ga Bến Thành của Metro số 1 chưa xong.

Vị trí dự án cao ốc ở khu tứ giác Bến Thành (vòng tròn đỏ)

Vị trí dự án cao ốc ở khu tứ giác Bến Thành (vòng tròn đỏ)

Phương án vừa được Công ty TNHH Saigon Glory, Chủ đầu tư Dự án cao ốc ở tứ giác Bến Thành (Quận 1) gửi Sở Xây dựng và các bên liên quan xem xét.

Lối thoát hiểm xây dựng nhằm tạm thời thay thế hai cửa F4, F5, vốn được thiết kế kết nối ga ngầm Bến Thành của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với dự án cao ốc, tổng diện tích khoảng 8.600 m2 ở kế bên. Tuy nhiên, hạng mục này chưa được xây dựng đồng bộ vì tiến độ công trình cao ốc đang chậm hơn tuyến metro.

Công ty TNHH Saigon Glory cho biết đã cùng đơn vị tư vấn cập nhật, hoàn chỉnh phương án thiết kế lối đi tạm và đề xuất các cơ quan chuyên ngành phê duyệt làm cơ sở triển khai. Nội dung được Công ty cập nhật trong thiết kế bao gồm: đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, camera, tường gạch, biển chỉ dẫn...

Phương án làm lối đi tạm trước đó được nhà thầu tính toán dài khoảng 25 m, rộng 4 m. Lối đi thiết kế bằng vách ngăn, bao che, cách ly hoạt động thi công của cao ốc và kết nối trực tiếp đến khu vực cầu thang bộ hai lối lên xuống F4, F5, trong phạm vi tuyến metro đã được xây dựng phần thô. Trường hợp khẩn cấp, khách đi metro sẽ di chuyển từ nhà ga thông qua lối đi tạm rồi thoát ra đoạn vỉa hè tiếp giáp đường Phạm Ngũ Lão.

Bến Thành là ga trung tâm của tuyến Metro số 1. Ngoài hai lối F4, F5, nhà ga này còn 4 lối lên xuống khác, cũng là đường thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố. Hiện, nhà ga này đã cơ bản xây dựng xong. Trong khi đó, theo tiến độ Dự án khu tứ giác Bến Thành được Công ty TNHH Saigon Glory đưa ra, hạng mục hai lối lên xuống F4, F5 dự kiến năm 2025 mới hoàn tất nên giữa hai công trình chưa thể kết nối đồng bộ.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi hơn 1.340 tỷ đồng

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quý III/2023. Lũy kế 3 quý đầu năm 2023, VNX lãi sau thuế gần 1.343 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi hơn 1.340 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi hơn 1.340 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tổng doanh thu của VNX trong 9 tháng là 1.370 tỷ đồng, đạt hơn 105% kế hoạch năm đã báo cáo Bộ Tài chính. Tổng chi phí bằng gần 33% so với kế hoạch tài chính. Tổng lợi nhuận sau thuế là gần 1,343 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch năm.

Doanh thu từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con của VNX là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, đạt 138% so với kế hoạch năm, do thị trường cổ phiếu thanh khoản tích cực. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt gần 63% so với kế hoạch năm.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của VNX là 44,92%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 44,77%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) là 38,84%.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nắm giữ 100% vốn điều lệ HOSE và HNX.

Số lượng thuê bao di động mới đã giảm tới 35%

Sau khi nhà mạng yêu cầu đại lý dừng phát triển thuê bao di động từ ngày 10/9, số lượng thuê bao mới đã giảm tới 35%.

Từ ngày 10/9, số lượng thuê bao mới đã giảm tới 35%

Từ ngày 10/9, số lượng thuê bao mới đã giảm tới 35%

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 6/11, báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến tình trạng sim rác vẫn được bán tràn lan tại các đại lý ủy quyền của nhà mạng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu sim được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% số sim được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng.

Tuy nhiên, từ ngày 10/9, khi các nhà mạng cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dừng các đại lý phát triển sim, số lượng thuê bao di động mới giảm 35%.

"Theo báo cáo của các doanh nghiệp, sau khi các cam kết rà soát và thực hiện về thuê bao phát triển mới, trung bình tháng 9 đã giảm 35% so với tháng 8", ông Nhã cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Nhã, qua công tác giám sát, theo dõi tình hình triển khai, vẫn còn tình trạng người dân mua được sim tại các đại lý ủy quyền. Đại diện Cục Viễn thông khẳng định sẽ tiếp tục cùng các nhà mạng rà soát, kiểm tra, đánh giá, làm rõ các trường hợp này.

Đề xuất gói vay ưu đãi 4.800 tỷ đồng di dời nhà kính Đà Lạt

Cơ quan chức năng Lâm Đồng đề xuất gói vay ưu đãi 4.800 tỷ đồng dành cho việc di dời, chuyển đổi cây trồng để đến năm 2030 nội ô Đà Lạt không còn nhà kính.

TP. Đà Lạt bị bủa vây bởi nhà kính trồng hoa và rau

TP. Đà Lạt bị bủa vây bởi nhà kính trồng hoa và rau

Nội dung nêu trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa gửi UBND Tỉnh về tín dụng để thực hiện đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, Sở kiến nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ dân vay vốn; đồng thời có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất từ ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn để di dời, chuyển đổi, chỉnh trang nhà kính.

Hiện, Đà Lạt có khoảng hơn 2.900 ha nhà kính trải rộng trên địa bàn 10 phường nội ô, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của Thành phố. Theo các cơ quan chức năng, thiết kế nhà kính nằm sát kênh mương thoát nước, không chừa khoảng lùi; hầu hết công trình chưa có hệ thống ao, hồ thu nước, mương thoát nước. Cùng với việc xây dày đặc, liền kề các khu dân cư làm hạn chế sự phát triển cây xanh, khiến nước mưa không kịp thoát là nguyên nhân gây ngập lụt ở Đà Lạt.

Trước đó, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng cho rằng đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất riêng cho Lâm Đồng để thực hiện đề án di dời nhà kính là rất khó.

Nguyên nhân là việc xây dựng các chính sách tín dụng phải có chủ trương từ hội sở các ngân hàng thương mại triển khai trên cả nước hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Lọc dầu Nghi Sơn sẽ xuất bán 1,57 triệu tấn xăng dầu trong hai tháng cuối năm 2023

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục duy trì sản xuất tối đa các mặt hàng xăng dầu và có khả năng xuất bán 1,57 triệu tấn xăng dầu các loại trong hai tháng cuối năm 2023.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Theo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), từ nay đến hết năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục duy trì sản xuất tối đa các mặt hàng xăng dầu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất bán 520.000 tấn xăng và 1.050.000 tấn dầu Diesel (tổng cộng 1,57 triệu tấn xăng dầu các loại).

Sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể sớm hơn dự kiến, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã vận hành trở lại và xuất bán sản phẩm từ ngày 12/10 vừa qua. Hiện Nhà máy đang duy trì hoạt động sản xuất trên công suất thiết kế sau khi điều kiện vận hành các phân xưởng công nghệ đã ổn định, nhờ vậy có thể đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trong nước.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của 2 tháng cuối năm, NSRP đã làm việc xong với nhà cung cấp về kế hoạch nhập dầu thô cho quý IV 2023 từ tháng trước khi bắt đầu thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy vào tháng 10. NSRP sẽ bắt đầu làm việc với nhà cung cấp về kế hoạch nhập dầu thô cho quý I/2024 từ giữa tháng 11 này.

Hơn 100.000 người đã đăng ký dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội

Hơn 100.000 người đã đăng ký dịch vụ xe đạp công cộng qua ứng dụng với gần 135.000 chuyến đi, sau hơn hai tháng vận hành loại hình này ở Thủ đô.

Điểm thuê xe đạp đặt cạnh Nhà hát Lớn

Điểm thuê xe đạp đặt cạnh Nhà hát Lớn

Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng triển khai tại Hà Nội từ hôm 24/8. Doanh nghiệp triển khai dịch vụ bố trí 1.000 xe, trong đó có 500 xe điện trợ lực, tại 79 trạm gần điểm du lịch, bến xe buýt, tàu điện trên cao.

Đại diện Tập đoàn Trí Nam, doanh nghiệp thực hiện dự án, cho biết sau hơn hai tháng vận hành đã có hơn 100.000 người đăng ký dịch vụ qua ứng dụng, với gần 135.000 chuyến đi cùng 840.000 km đã di chuyển. Hà Nội triển khai dịch vụ này sau TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng (với hơn 2.500 xe), nhưng có số người sử dụng xe nhiều nhất, chiếm trên 50%.

Theo ông Đỗ Bá Quân, đại diện Tập đoàn Trí Nam, xe được người dân sử dụng nhiều vào 6 - 9h và 17h30 - 21h30, trong đó rất nhiều xe kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Cũng theo ông Quân, dịch vụ không gặp trục trặc lớn, song xuất hiện tình trạng người dùng quên khóa xe lúc trả nên người khác tự ý lấy đi, buộc đơn vị phải đi thu hồi thông qua định vị GPS.

Tin cùng chuyên mục