Bản tin thời sự sáng 7/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 339 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư; phần mềm gián điệp mạo danh Bộ Công an lừa chiếm đoạt tiền; kiến nghị bỏ phí bảo bảo trì 2%; Đà Nẵng đầu tư 24 lối xuống biển cho người khuyết tật; xác minh, điều tra vụ 109 phôi sổ đỏ "bốc hơi"…

339 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Ngày 6/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm.

339 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2020

339 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2020

So với số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ ban đầu tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở, danh sách cuối cùng giảm 203 người, trong đó, tỷ lệ đạt của ứng viên giáo sư chỉ ở mức 50,65% và ứng viên phó giáo sư là 64,52%.

Ứng viên trẻ nhất được xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2020 là ông Lê Anh Vinh, 37 tuổi, quê Thanh Hoá, ngành Toán học, hiện công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Ngành có nhiều tân giáo sư nhất là Hoá học - Công nghệ thực phẩm và Y học với 8 ứng viên được công nhận ở mỗi ngành; tiếp đến là Chăn nuôi - Thú y - Thuỷ sản với 4 ứng viên; Cơ khí - Động lực, Toán học và Kinh tế mỗi ngành có 3 ứng viên.

Với chức danh phó giáo sư, ngành Kinh tế có nhiều ứng viên đạt chuẩn nhất - 45 người, tiếp đến là Hoá học - Công nghệ thực phẩm (28), Vật lý (26), Khoa học An ninh (22), Y học (22). Mỗi ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học và Tâm lý học chỉ có một người đạt chuẩn.

Người trẻ nhất đạt chuẩn phó giáo sư là 33 tuổi, gồm Phạm Chiến Thắng (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Hoá học - Công nghệ thực phẩm; Võ Hoàng Hưng và Lê Minh Triết (Đại học Sài Gòn), ngành Toán học; Trần Đức Học (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM), ngành Xây dựng - Kiến trúc.

Phần mềm gián điệp mạo danh Bộ Công an lừa chiếm đoạt tiền

Bộ Công an cảnh báo người dùng điện thoại hệ điều hành Android về phần mềm gián điệp đặc biệt nguy hiểm.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”.

Bộ Công an cho biết, từ tháng 10/2020 trở lại đây, qua công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an phát hiện một phần mềm gián điệp, được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android.

Theo đó, phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên “Bộ Công an”. Đây là thủ đoạn sử dụng phần mềm gián điệp để lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm. Nếu người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Qua điều tra, lực lượng Công an phát hiện đã có hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang, Đắk Lắk... bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Bộ Công an khuyến cáo đến người dân về thủ đoạn nguy hiểm nói trên của các đối tượng; đây là hoạt động mạo danh “Bộ Công an” để nhằm mục đích lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng phần mềm điện thoại Android.

Bộ Công an khẳng định, hiện nay, Bộ Công an chưa xây dựng và triển khai hệ thống App trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Kiến nghị bỏ phí bảo bảo trì 2%

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBDN TP.HCM mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu phí bảo trì chung cư 2%.

Về lâu dài nên bỏ quy định thu phí bảo trì chung cư.

Về lâu dài nên bỏ quy định thu phí bảo trì chung cư.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, ở một số chung cư, chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi. Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ, cho cư dân vào ở.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể về biện pháp chế tài, xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành.

Chính vì vậy, Sở này kiến nghị về lâu dài, bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Đà Nẵng đầu tư 24 lối xuống biển cho người khuyết tật

Dọc 30 km bờ biển du lịch của Thành phố sẽ được lắp đặt các lối xuống biển để người khuyết tật tiếp cận được mép nước.

Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng đông người tắm biển, đi dạo vào sáng sớm

Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng đông người tắm biển, đi dạo vào sáng sớm

Ngày 6/12, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, chủ trương đầu tư Dự án Lối xuống biển dành cho người khuyết tật đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 10,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

18 lối xuống biển sẽ trải dài trên các bãi biển du lịch ở đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà); 6 lối xuống biển còn lại ở khu vực biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê và Liên Chiểu).

Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (đơn vị được giao làm chủ đầu tư kiêm quản lý Dự án) cho biết, thời gian thực hiện các lối xuống biển từ đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Hải Phòng: Xác minh, điều tra vụ 109 phôi sổ đỏ "bốc hơi"

UBND TP. Hải Phòng yêu cầu UBND quận Dương Kinh kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, sử dụng 109 phôi bìa sổ đỏ.

TP.Hải Phòng, xác minh, điều tra vụ 109 phôi sổ đỏ "bốc hơi". Ảnh minh họa

TP.Hải Phòng, xác minh, điều tra vụ 109 phôi sổ đỏ "bốc hơi". Ảnh minh họa

Ngày 6/12, lãnh đạo UBND quận Dương Kinh cho biết đã kiểm tra, rà soát ra số hiệu của 109 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa tìm thấy và đang tiến hành thu hồi theo quy định.

Trước đó, thông qua vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai, cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đã phát hiện một GCNQSDĐ có phôi số Seri A0 551190 cấp cho hộ bà Bùi Thị N. và ông Nguyễn Văn T. tại phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) nằm trong 10.000 phôi GCNQSDĐ được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hải Phòng bàn giao cho ông Vũ Như Động, Phó Trưởng phòng TN-MT kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký sử dụng đất huyện Kiến Thụy.

Theo Sở TN-MT Hải Phòng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phòng TN-MT huyện Kiến Thụy đã tự ý chuyển nhượng 1.000 phôi GCNQSDĐ cho Văn phòng đăng ký sử dụng đất quận Dương Kinh.

Trong khi đó, UBND quận Dương Kinh xác nhận trong 1.000 phôi GCNQSDĐ đã nhận chuyển nhượng từ huyện Kiến Thụy, hiện nay có 106 phôi đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân; 330 phôi chưa sử dụng; 435 phôi in hỏng, còn 109 phôi chưa tìm thấy.

Được biết, Công an TP. Hải Phòng cũng đã cuộc xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc.

Quảng Ngãi đề nghị cho đảo Lý Sơn tiếp tục hưởng chế độ ưu tiên

Việc huyện đảo Lý Sơn giải thể chính quyền cấp xã dẫn đến nhiều chế độ, chính sách cho người dân không còn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống còn nhiều khó khăn của nhân dân huyện đảo tiền tiêu.

Huyện đảo Lý Sơn đã giải thể chính quyền cấp xã nên nhiều chế độ chính sách của người dân cũng không còn

Huyện đảo Lý Sơn đã giải thể chính quyền cấp xã nên nhiều chế độ chính sách của người dân cũng không còn

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Quảng Ngãi đã giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm An Hải, An Vĩnh, An Bình. Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn là chính quyền một cấp.

Việc giải thể chính quyền cấp xã dẫn đến nhiều chính sách liên quan của huyện đảo Lý Sơn cũng không còn hiệu lực. Đặc biệt là chế độ ưu tiên trong thi cử của học sinh, sinh viên; bảo hiểm y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ ăn trưa cho bậc mầm non, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên...

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn (giai đoạn 2015 - 2020) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm này cũng hết hiệu lực…

Hàng loạt chế độ chính sách không còn, trong khi đời sống của người dân huyện đảo còn nhiều khó khăn. Huyện đảo thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, điều kiện đi lại khó khăn, chi phí sinh hoạt tăng cao, chất lượng giáo dục, y tế… còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chính thức có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ, phát triển và đồng thời đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn.

Quảng Ninh: Phong tỏa nhà nghỉ có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Hai người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến lưu trú tại nhà nghỉ Hòa Bình (TP. Hạ Long) bị nhà chức trách phát hiện.

Hai đối tượng người Trung Quốc tại nhà nghỉ Hòa Bình

Hai đối tượng người Trung Quốc tại nhà nghỉ Hòa Bình

UBND TP. Hạ Long đã cách ly tạm thời nhà nghỉ Hòa Bình, số 39 Vườn Đào, Tổ 4, Khu 2, phường Bãi Cháy. Đây là nơi lưu trú của hai người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

UBND thành phố Hạ Long yêu cầu công an Thành phố, UBND phường Bãi Cháy bố trí lực lượng quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm khoanh vùng, phong tỏa.

Sáng ngày 6/12, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết, hai người Trung Quốc được lấy mẫu xét nghiệm và đã cho kết quả âm tính với nCoV.

Theo ông Sơn, hai người Trung Quốc này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Hiện Phòng Xuất nhập cảnh Công an Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.