Tài khoản chứng khoán mở mới vượt ngưỡng 100.000
Lần đầu kể từ tháng 9/2022, quy mô tài khoản chứng khoán mở mới theo tháng vượt mốc 100.000, gấp hơn 4 lần tháng trước.
Lần đầu kể từ tháng 9/2022, tài khoản chứng khoán mở mới vượt ngưỡng 100.000 |
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký gần 105.000 tài khoản chứng khoán mới trong tháng 5 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2022 và gấp hơn 4 lần quy mô tài khoản mở mới tháng trước.
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán bắt đầu giảm mạnh từ giữa năm 2022, khi VN-Index lùi sâu khỏi vùng đỉnh 1.500 điểm.
Quy mô tài khoản chứng khoán mở mới lập đỉnh vào giai đoạn tháng 5 - 6/2022 với hơn 450.000 tài khoản mỗi tháng, sau đó liên tục giảm. Đầu năm nay, con số này chỉ còn chưa tới 30.000 tài khoản mới mỗi tháng.
Sự quan tâm trở lại trong tháng 5 cùng thời điểm thị trường có xu hướng khởi sắc hơn, về chỉ số và thanh khoản, dù chưa đạt tới mức đỉnh cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, VN-Index tăng 3,3%, chốt tháng ở mức 1.075,17 điểm.
Giới phân tích và thị trường đặt kỳ vọng vào những động thái mới đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể giúp bức tranh kinh tế khởi sắc trở lại.
Quảng Trị đề xuất xây băng tải 160 km nối mỏ than của Lào
Quảng Trị đề xuất xây dựng băng tải dài 160 km để vận chuyển than đá từ hai tỉnh Sekong và Salavan của Lào về cảng biển Mỹ Thủy.
Hạ tầng tại cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, thường xuyên xảy ra ùn tắc lúc cao điểm |
Trong văn bản đề xuất gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Trị cho biết, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam tăng cao, nhưng hạ tầng cửa khẩu La Lay, huyện Đakrong chưa đáp ứng, khiến xe hàng ùn ứ, doanh nghiệp mất cơ hội tăng sản lượng.
Quảng Trị đề xuất xây dựng băng tải than đá từ Lào về đến cảng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500 - 6.000 tấn mỗi giờ, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15 - 20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.
Trong đó, đoạn phía Lào dài 85 km từ mỏ than đến cửa khẩu La Lay, đoạn phía Việt Nam dài 75 km từ cửa khẩu về cảng biển. Tổng mức đầu tư riêng đoạn ở Việt Nam dự kiến là 10.800 tỷ đồng. Trước mắt, nhà đầu tư xây dựng băng tải dài 5 km, công suất 6.000 tấn mỗi giờ ở cửa khẩu quốc tế La Lay, băng qua biên giới hai nước Việt Nam và Lào.
Ngày 17/5, đoàn chuyên viên biên giới hai nước đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho rằng, phương án này hiệu quả để tăng năng suất than nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường, tránh hư hỏng hạ tầng giao thông.
Trên cơ sở đó, Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng kho bãi và băng tải ở khu vực biên giới La Lay; giao tỉnh Quảng Trị phối hợp với tỉnh Salavan thiết kế, thi công, đồng thời đề nghị các bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Hải quan hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trữ lượng than đá tại hai tỉnh Sekong và Salavan khoảng một tỷ tấn. Nhu cầu vận chuyển về Việt Nam để sử dụng và xuất khẩu qua nước thứ ba khoảng 20 - 30 triệu tấn mỗi năm.
Mua sắm vật tư y tế giải quyết thiếu máu ở miền Tây
UBND TP. Cần Thơ phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư y tế tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố, đẩy nhanh chọn nhà thầu cung cấp để giải quyết tình trạng thiếu máu.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ |
Đây là kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, tại cuộc họp giải quyết khó khăn thiếu máu phục vụ điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố đã phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023 - 2024 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Sở Y tế và Bệnh viện chậm nhất đến ngày 9/6 trình UBND Thành phố kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai mua sắm.
Trong khi chờ chọn nhà thầu, Bệnh viện chủ động mua vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo điều trị người bệnh. Bệnh viện cũng rà soát nhu cầu và nguồn cung cấp máu, chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị 3 - 4 tháng tới, báo cáo Thành phố ba ngày một lần.
Trước đó, Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, đề xuất 3 phương án xử lý tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu.
Phương án một là nhanh chóng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư y tế. Nếu phê duyệt nhanh trong vòng 1 - 2 tuần, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ có kết quả đấu thầu. Sau đó có thể mất thêm khoảng 1 - 2 tháng để đơn vị trúng thầu chuẩn bị, cung ứng hàng sử dụng trong một năm, với giá trị khoảng 150 tỷ đồng.
Phương án hai là mua sắm trực tiếp với giá trị khoảng 30 - 40 tỷ đồng, ước tính khoảng 1 - 2 tháng sẽ có hàng, sử dụng khoảng 3 tháng trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
Phương án ba là mua gói nhỏ lẻ, theo thẩm quyền dưới 100 hoặc 500 triệu đồng để giải quyết tạm ổn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị các bệnh về máu của Bệnh viện.
Từ đầu tháng 6, do khó khăn đấu thầu kéo dài, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ không còn túi lấy máu để điều chế, cung ứng cho 74 bệnh viện ở miền Tây. Bệnh viện đề nghị các cơ sở y tế sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
Bình Định chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch và biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa
Bình Định đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch và biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa, đồng thời cũng cho chủ trương tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới tại khu vực núi Bà Hỏa, TP. Quy Nhơn.
Phối cảnh Dự án Khu du lịch sinh thái núi Bà Hỏa |
Ngày 6/6, ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Định cho biết, Tỉnh đã có chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch và biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa tại khu vực núi Bà Hỏa, TP. Quy Nhơn.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định.
Về chủ trương, Bình Định sẽ tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tại khu vực núi Bà Hỏa. Qua đó, giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND TP. Quy Nhơn thống nhất đề xuất, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương theo quy định.
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định Lê Hoàng Nghi cho biết, Dự án hiện chưa được triển khai, và nhà đầu tư cũng tự nguyện xin dừng và giao lại cho Tỉnh. Hiện nay, Sở cũng đang trình qua Sở Xây dựng để quy hoạch lại 1/500, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà đầu tư mới.
Trước đó, ngày 6/6/2018, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Bà Hỏa Moutain đầu tư Khu du lịch và biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa, tại khu vực núi Bà Hỏa, TP. Quy Nhơn.
Dự án có diện tích 6,4 ha, với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý II/2018 - IV/2019.
Gần 50 tuyến buýt gom khách cho Metro Bến Thành - Suối Tiên
TP.HCM sẽ mở mới 22 tuyến buýt, điều chỉnh lộ trình 15 tuyến, cùng với 11 tuyến hiện hữu kết nối Metro số 1 để khách dễ tiếp cận khi tàu điện vận hành.
Tàu điện thuộc tuyến Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao dọc xa lộ Hà Nội |
Thông tin được nêu trong kế hoạch tái cấu trúc mạng lưới xe buýt kết nối các ga Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đang hoàn thiện. Đây là lần đầu Thành phố điều chỉnh mạng lưới xe buýt trên phạm vi lớn để hành khách dễ tiếp cận metro và giúp dự án khai thác hiệu quả.
Cụ thể, 22 tuyến buýt mới được đề xuất để gom khách cho Metro số 1. Trong đó, ba tuyến liên tỉnh qua Bình Dương, Đồng Nai. Tại nội thành, 19 tuyến mới sẽ kết nối trường học, khu đô thị, như Đại học Quốc gia, Nông Lâm, Vinhome Grand Park, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Masteri An Phú... Những nơi này tập trung đông người, giúp khách dễ đón xe buýt đến các ga metro và ngược lại.
Cùng với đó, 11 tuyến buýt hiện hữu có lộ trình qua các ga ngầm ở khu trung tâm và dọc xa lộ Hà Nội được giữ nguyên hiện trạng, gồm: hai tuyến liên tỉnh và 9 tuyến nội thành. 15 tuyến khác sẽ điều chỉnh lại lộ trình, trong đó có 4 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội thành kết nối vào ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) cùng khu vực bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức) với các ga Suối Tiên, Đại học Quốc gia...
Với mạng lưới xe như trên, toàn bộ 14 nhà ga của Metro Bến Thành - Suối Tiên đều được kết nối bằng hệ thống buýt gom. Trong đó, ga Bến Thành tập trung nhiều nhất, với 29 tuyến. Kế đến ga Nhà hát thành phố gồm 14 tuyến; Suối Tiên, Đại học Quốc Gia 12 tuyến; Tân Cảng gồm 10 tuyến...
Trước đó, Dự án tăng cường tiếp cận, tổ chức xe buýt kết nối ga Metro số 1 được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 93 tỷ đồng. Cùng với hệ thống buýt gom, Dự án làm mới 230 điểm dừng chờ xe, đồng thời xây dựng hạ tầng đồng bộ ở các ga trên cao của tuyến như bãi đậu xe cá nhân, lối đi bộ... để thuận tiện cho khách.
Túi giấy Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra chống bán phá giá
Bộ Thương mại Mỹ ngày 20/6 sẽ quyết định có điều tra chống bán phá giá túi giấy nhập từ Việt Nam hay không.
Túi giấy Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra chống bán phá giá |
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với túi mua hàng bằng giấy nhập từ Việt Nam. Nguyên đơn của vụ việc là Liên minh Vì thương mại công bằng với túi mua hàng (Mỹ).
Theo liên minh này, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 162 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Mỹ, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Còn dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho biết, trong năm ngoái, giá trị sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Việt Nam xuất sang khoảng 144 triệu USD, tăng 37,6% so với năm 2021. Số hàng này chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước và đứng thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, sau Trung Quốc.
Nguyên đơn cũng nêu tên 13 doanh nghiệp của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá với biên độ 63,67 - 128,81%.
Do Mỹ xem Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia vì quốc gia này có mức độ phát triển kinh tế tương đồng và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất túi giấy.