Bản tin thời sự sáng 8/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 58 học viên lái Metro số 1 bị ngưng đào tạo; 15 biệt thự sai phép ở Nha Trang phải tháo dỡ; cầu hơn 400 tỷ đồng ở Sài Gòn hoàn thành; rà soát thủ tục đấu giá dự án nghỉ dưỡng 74.000 m2 ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

58 học viên lái Metro số 1 bị ngưng đào tạo

58 học viên lái Metro số 1 hoàn thành 8 trong tổng 19 môn tại Cao đẳng Đường sắt nhưng hiện bị ngưng đào tạo do không có kinh phí.

Việc đào tạo học viên lái tàu metro gián đoạn từ đầu tháng 12/2020

Việc đào tạo học viên lái tàu metro gián đoạn từ đầu tháng 12/2020

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR, chủ đầu tư Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, việc ngưng đào tạo diễn ra từ đầu tháng 12 năm ngoái. Lý do, Chủ đầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng số 19 với Liên danh NJPT (tư vấn chung và phụ trách đào tạo lái Metro số 1), trong khi chi phí dạy lái metro nằm trong hợp đồng dịch vụ tư vấn này.

58 học viên được dạy tại Cao đẳng Đường sắt hồi tháng 7 năm ngoái, dựa trên biên bản ghi nhớ giữa các bên. Học viên học lý thuyết, thực hành tổng quát tại Cao đẳng Đường sắt. Sau đó họ được chuyên gia Nhật Bản dạy chuyên sâu về kỹ năng, thực hành lái metro. Sau khi hoàn thành sát hạch cấp quốc gia, học viên được cấp giấy phép lái metro. Tổng thời gian đào tạo khoảng 15 tháng. 10 người xuất sắc nhất sau đó được sang Nhật để học tiếp.

Việc chưa có kinh phí còn làm chậm trễ quá trình đào tạo nhân viên điều độ và trưởng ga tuyến metro. Trước đó, hai nhóm công việc này đã xong phần sơ tuyển và phỏng vấn người, dự kiến đào tạo từ tháng 8/2020.

Những vướng mắc nói trên, theo MAUR không chỉ làm gián đoạn quá trình đào tạo nhân viên vận hành mà còn ảnh hưởng việc thực hiện Metro số 1. Đặc biệt trong bối cảnh Dự án gấp rút đẩy nhanh tiến độ để vận hành cuối năm nay. MAUR đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm chỉ đạo các sở ngành liên quan đẩy nhanh ký phụ lục hợp đồng với tư vấn.

Dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021. Điều này dẫn đến hợp đồng tư vấn chung phát sinh nhiều công việc khiến Dự án phải ký bổ sung thêm 19 hợp đồng phụ lục.

15 biệt thự sai phép ở Nha Trang phải tháo dỡ

Dự kiến việc tháo dỡ các tầng xây sai phép của 15 biệt thự trong khu đô thị ở Nha Trang kéo dài một năm, chi phí do chủ đầu tư vi phạm chịu.

Biệt thự xây sai phép trong Khu đô thị Ocean View ở TP Nha Trang

Biệt thự xây sai phép trong Khu đô thị Ocean View ở TP Nha Trang

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã ký quyết định tháo dỡ 15 căn biệt thự xây sai phép trong Dự án Khu đô thị cao cấp Ocean View tại phường Vĩnh Trường.

Theo quyết định, các biệt thự hiện nay cao 6 - 8 tầng, vượt 3 - 5 tầng so với quy hoạch được phê duyệt. UBND TP. Nha Trang phối hợp các đơn vị liên quan lập phương án tháo dỡ các tầng sai phạm. Chi phí tháo dỡ dự kiến hơn 30 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Ocean View được UBND Khánh Hòa cấp cho Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Thiên Nhân 2 vào năm 2009. Chủ đầu tư xây 69 biệt thự trên diện tích hơn 7,2 hecta. Theo quyết định điều chỉnh năm 2011, các biệt thự được phép xây từ 1 - 3 tầng.

Đến năm 2019, cơ quan chức năng phát hiện Chủ đầu tư xây sai phép, nhưng việc xử lý các vi phạm kéo dài. Tại kỳ họp HĐND Tỉnh hồi tháng 7/2020, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đưa ra hai phương án xử lý. Một là "cắt ngọn" công trình. Hai là xử phạt rồi cho các biệt thự tồn tại, thu cho ngân sách khoảng 65 tỷ đồng.

Liên quan đến Dự án, cuối năm 2017, sau khi bị phát hiện lừa nhiều người mua bất động sản, Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Việt Hùng đã bỏ trốn. Hai năm sau, ông ta ra đầu thú, bị khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cầu hơn 400 tỷ đồng ở Sài Gòn hoàn thành

Cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè, đưa vào sử dụng sáng 7/1 giúp tăng kết nối giao thông phía nam thành phố, người dân trong khu vực đi lại thuận tiện.

Cầu Phước Lộc hoàn thành, đưa vào khai thác sáng 7/1

Cầu Phước Lộc hoàn thành, đưa vào khai thác sáng 7/1

Công trình nằm trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Cây Khô nối xã Phước Kiển với Phước Lộc. Cầu dài gần 390 m, rộng hơn 10 m cho hai làn xe, lề đi bộ rộng một mét và lan can bảo vệ cao 1,5 m. Ở hai đầu cầu, Dự án làm đường dẫn dài hơn 320 m, bổ sung cây xanh, đèn chiếu sáng, thoát nước...

Cầu Phước Lộc khởi công tháng 6/2012 với tổng vốn 405 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thay cầu cũ rộng gần 3 m xây từ lâu nay xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên sau hơn một năm thi công, Dự án phải dừng do vướng mặt bằng. Tháng 6 năm ngoái, toàn bộ diện tích xây cầu được huyện Nhà Bè bàn giao, việc thi công được nhà thầu đẩy nhanh.

Huyện Nhà Bè còn nhiều cầu sắt cũ bắc qua các sông, kênh rạch, hầu hết nhỏ hẹp và xuống cấp. Cách cầu Phước Lộc gần 3 km trên đường Lê Văn Lương - tuyến chính kết nối Nhà Bè vào nội đô TP.HCM và Long An có 4 cầu sắt là Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi và Rạch Đỉa đều cũ kỹ. Việc này không chỉ khiến người dân đi lại bất tiện mà còn hạn chế giao thương hàng hoá đường bộ, đường thuỷ do tĩnh không cầu thấp.

Rà soát thủ tục đấu giá dự án nghỉ dưỡng 74.000 m2 ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Sau gần 2 năm công nhận kết quả đấu giá khu đất 73.842 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu rà soát lại trình tự, thủ tục pháp lý tổ chức bán đấu giá.

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo rà soát trình tự, thủ tục pháp lý tổ chức bán đấu giá khu đất 73.842 m2

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo rà soát trình tự, thủ tục pháp lý tổ chức bán đấu giá khu đất 73.842 m2

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có công văn hoả tốc yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh này rà soát trình tự, thủ tục pháp lý tổ chức bán đấu giá khu đất 73.842 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Trước đó, trong báo cáo ngày 21/12/2020, Sở Tư pháp chưa làm rõ, báo cáo trình tự thủ tục, tính pháp lý trong việc xử lý hoàn trả tiền thuê đất, tài sản đầu tư còn lại trên đất sau khi bị thu hồi, việc xác định đất đủ điều kiện bán đấu giá, chưa đề xuất phương án xử lý theo chỉ đạo.

Quyền sử dụng và tài sản gắn liền với khu đất 73.842 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký hợp đồng với đơn vị bán đấu giá vào cuối năm 2018.

Tại cuộc đấu giá ngày 4/1/2019, bên trúng đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền với khu đất 73.842 m2 nói trên là Công ty TNHH Tài Tiến, với số tiền trúng đấu giá 115 tỷ đồng.

Bên trúng đấu giá được sử dụng đất trong thời hạn 50 năm, kể từ ngày 8/4/2019. Hình thức sử dụng đất là thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Bắt giam Chủ tịch công ty trong vụ phá 30.000m2 rừng để 'trồng rừng'

Lê Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nông - Lâm sản Phúc Phong Gia Lai, đã bị bắt tạm giam 3 tháng về hành vi hủy hoại rừng.

Bắt giam Chủ tịch công ty trong vụ phá 30.000 m2 rừng để 'trồng rừng'. Ảnh minh họa

Bắt giam Chủ tịch công ty trong vụ phá 30.000 m2 rừng để 'trồng rừng'. Ảnh minh họa

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Krông Pa đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Hoàng Phúc (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) về hành vi hủy hoại rừng.

Lê Hoàng Phúc là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nông - Lâm sản Phúc Phong Gia Lai.

Năm 2017, Công ty có văn bản đề nghị tỉnh Gia Lai cho thuê gần 860 ha đất rừng tại Tiểu khu 1395 và 1396 (thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý) để trồng rừng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, UBND Gia Lai vẫn chưa có quyết định giao đất cho Công ty, trong khi đó doanh nghiệp đã tự ý phá rừng.

Cụ thể, ngày 29/11, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba tiến hành kiểm tra thực địa.

Tại hiện trường, cây rừng bị chặt ngổn ngang, chủ yếu là các loại gỗ: thành ngạnh, căm xe, bằng lăng, kơnia, cà chít, trám, trường, trâm…

Qua điều tra ban đầu của cơ quan chức năng huyện Krông Pa, ông Lục Văn Khoa và ông Vũ Văn Thành đều là nhân viên Công ty TNHH Nông - Lâm sản Phúc Phong Gia Lai là người trực tiếp chặt hạ 30.000 m2 rừng với lý do thực hiện mục đích trồng rừng năm 2018 của Công ty.

Theo xác minh ban đầu, vụ hủy hoại rừng diễn ra tại Khoảnh 3, Tiểu khu 1396, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai), thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, giáp tỉnh Đắk Lắk, với 30.000 m2 rừng bị phá từ tháng 10/2018. Đơn vị phá rừng là Công ty TNHH Nông-Lâm sản Phúc Phong Gia Lai.

Bắt giữ và tiêu hủy gần 900 kg hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ ở Quảng Ninh

Lực lượng chức năng thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiêu hủy gần 900 kg mặt hàng hải sản không rõ nguồn gốc do Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy và môi trường Công an thị xã Quảng Yên thu giữ.

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng thu giữ và tiêu hủy

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng thu giữ và tiêu hủy

Trong quá trình tuần tra kiểm soát tại khu vực đường Lê Lợi, khu Rặng Thông, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 14C – 306.49 do Nguyễn Hải Long (trú tại thôn 6, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có khoảng 450kg thịt cá tra, cá ba sa đã qua chế biến, 100kg bột cá ngừ, 100kg thịt cá ngừ, 210kg mực phi lê, 30kg túi mực phi lê.

Tại thời điểm kiểm tra, anh Long không xuất trình được bất cứ giấy tờ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa đó. Công an thị xã đã tiến hành thu giữ toàn bộ lô hàng hóa trên và xử lý theo quy định của pháp luật./.

Tin cùng chuyên mục