Bản tin thời sự sáng 8/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM phê duyệt kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm; đề xuất giao Thống đốc quyết định khoản vay đặc biệt lãi suất 0%; dự báo khoảng 162.500 doanh nghiệp ra đời năm nay; Đồng Nai xây khu tái định cư 6.500 người cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

TP.HCM phê duyệt kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm

UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch đấu giá các lô đất trong khu vực Thủ Thiêm, còn ngoài khu này sẽ được hoàn chỉnh lại.

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Thông tin được ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nêu trong Chương trình "Dân hỏi - chính quyền Thành phố trả lời", phát sóng trực tiếp trên HTV9, ngày 7/1.

Ông Thanh cho biết hiện Thành Ủy và UBND TP.HCM đã phê duyệt nội dung kế hoạch đấu giá đất cho khu vực Thủ Thiêm. Phía ngoài khu vực này sẽ được Thành phố hoàn chỉnh lại và thực hiện tiếp sau. "Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp từ quỹ đất của Thành phố", ông nói.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đánh giá, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỷ lệ trọng tâm trong thu ngân sách của Thành phố những năm qua. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có tại Thủ Thiêm và những địa điểm khác cũng là một trong 4 giải pháp chính của Thành phố để tạo hiệu quả nguồn thu về đất đai năm nay.

Trước đó, cuối năm 2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất trong khu vực Thủ Thiêm với hơn 37.000 tỷ đồng. Riêng lô 3-12 có giá kỷ lục 2,43 tỷ đồng một m2. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt đều không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn và xin bỏ cọc.

Đề xuất giao Thống đốc quyết định khoản vay đặc biệt lãi suất 0%

Chính phủ đề xuất giao Thống đốc quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% với ngân hàng đang theo phương án cơ cấu lại.

Giao dịch tại ngân hàng thương mại

Giao dịch tại ngân hàng thương mại

Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết do Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 5/1.

Với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đang được hoàn thiện, Chính phủ cho biết thống nhất với nhiều đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, như tiêu chí can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản... Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể khác cũng được Chính phủ góp ý sửa đổi.

Theo đó, Chính phủ cho ý kiến về thẩm quyền quy định phân loại nhóm nợ, xử lý rủi ro và quyết định khoản vay đặc biệt cho ngân hàng với lãi suất 0% một năm.

Việc cho vay đặc biệt lãi suất 0% theo phương án cơ cấu lại, trước đó trong dự thảo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đề xuất do Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Thống đốc, do đây là vấn đề chuyên ngành thuộc lĩnh vực của Ngân hàng Nhà nước.

Trong bản dự thảo hồi tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đề xuất "cho vay đặc biệt" với nhà băng cần can thiệp sớm, lãi suất 0% một năm. Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc một số tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chỉ tổ chức tín dụng "bị kiểm soát đặc biệt" mới được tiếp cận "khoản vay đặc biệt" này, nhưng cũng không quy định rõ mức lãi suất vay.

Bên cạnh đó, với nội dung về quyết định giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng cùng người có liên quan, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi theo hướng đảm bảo linh hoạt trong quản lý, điều hành cấp tín dụng. Lộ trình cụ thể áp dụng các mức "trần" cho vay nên được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Dự báo khoảng 162.500 doanh nghiệp ra đời năm nay

Lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với 2023, đạt khoảng 162.500, theo Tổng cục Thống kê.

Lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với 2023

Lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với 2023

Cùng với đó, triển vọng khoảng 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%. Như vậy, tổng cộng sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024. Dự báo được cơ quan thống kê đưa ra trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và triển vọng kinh tế toàn cầu lẫn trong nước thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành năm ngoái sẽ có tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục tăng. Ngoài ra, những tồn đọng, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng được kỳ vọng tháo gỡ.

Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn, bao gồm xung đột quân sự, kiểm soát lạm phát ở các nước phát triển. Lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn duy trì thắt chặt tiền tệ.

Do đó, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. "Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam", Tổng cục Thống kê nhận định.

Đồng Nai xây khu tái định cư 6.500 người cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Khu tái định cư đầu tiên ở TP. Biên Hòa rộng 31 ha, tổng chi phí 700 tỷ đồng, xây trong năm 2024 - 2025, để phục vụ tuyến cao tốc trọng điểm qua địa bàn.

Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đi qua địa bàn Đồng Nai

Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đi qua địa bàn Đồng Nai

Ngày 7/1, UBND TP. Biên Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu tái định cư tại phường Tam Phước để phục vụ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là khu dân cư thứ ba của Đồng Nai để phục vụ dự án cao tốc, sau hai dự án Long Đức và Long Phước ở huyện Long Thành khởi công trong năm 2023.

Khu tái định cư Tam Phước rộng 31 ha, quy mô dân số khoảng 6.500 người. Dự án có hơn 12 ha cho 1.280 lô đất nền cùng với nhà ở và nhà liền kề phục vụ tái định cư. Dự án còn xây dựng các công trình an sinh xã hội như giáo dục, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, trường mầm non khoảng 340 trẻ...

UBND TP. Biên Hòa đang hoàn tất các thủ tục để khởi công Dự án trong năm nay, kịp hoàn thành năm 2026.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km (riêng đoạn qua Đồng Nai dài 34 km), quy mô 4 - 6 làn xe, tổng đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Để triển khai Dự án, Đồng Nai thu hồi gần 400 ha của hơn 2.000 hộ dân ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành. Tỉnh dự kiến xây 4 khu tái định cư.

Thanh tra Chính phủ xác minh tài sản 56 cán bộ

Thanh tra Chính phủ sẽ xác minh ngẫu nhiên tài sản, thu nhập của 56 cán bộ đang công tác tại 6 bộ ngành và 3 tập đoàn nhà nước.

Thanh tra Chính phủ sẽ xác minh ngẫu nhiên tài sản, thu nhập của 56 cán bộ. Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ sẽ xác minh ngẫu nhiên tài sản, thu nhập của 56 cán bộ. Ảnh minh họa

Theo quyết định do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký, cá nhân được xác minh tài sản, thu nhập đợt này gồm: 2 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 4 cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông; 5 cán bộ Bộ Giao thông vận tải; 12 cán bộ Bộ Công Thương; 16 người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 người ở Ngân hàng Nhà nước; 2 người ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 2 người ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 3 người ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Số cán bộ này được bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập năm 2023. Trong 6 bộ ngành, có nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng; Tổng giám đốc, Giám đốc công ty trực thuộc; Viện trưởng; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường; Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

Tại 3 tập đoàn Nhà nước, những người được xác minh tài sản có Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng.

Tổ xác minh do ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng tiêu cực đứng đầu, thực hiện trong 45 ngày.

Nội dung xác minh là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các bản kê khai tài sản thu nhập tính đến 31/12/2022. Tính trung thực trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm cũng được làm rõ.

Đề xuất bán hàng trên 150 triệu đồng mỗi năm mới đóng thuế VAT

Ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với cá nhân, hộ kinh doanh dự kiến là 150 triệu đồng một năm, tăng 50 triệu so với quy định hiện hành.

Cửa hàng trái cây trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM)

Cửa hàng trái cây trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM)

Nội dung này nêu tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Quy định hiện nay, mức doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh (cá nhân, hộ kinh doanh) hàng hóa, dịch vụ là 100 triệu đồng một năm. Nhưng Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo dự Luật Thuế VAT sửa đổi - cho rằng gần 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều, nên việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh lên 150 triệu đồng một năm, để phù hợp biến động giá cả.

Việc tăng mức chịu thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, theo Bộ Tài chính, không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.

Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Ở lần sửa đổi này, Bộ Tài chính dự kiến đưa nhóm hàng hóa trao đổi cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu, vào diện không phải đóng thuế VAT. Quy định này nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng biên và đồng bộ với quy định thuế xuất - nhập khẩu.

Dự thảo Luật cũng bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, như hàng bán tại cửa hàng miễn thuế, được miễn thuế VAT (tức thuế suất 0%). Thủ tục, điều kiện hàng để được miễn thuế VAT diện này sẽ do Bộ trưởng Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, 3 nhóm hàng hóa dự kiến không được miễn thuế VAT, gồm thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu, ôtô bán trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Doanh thu PVN cao kỷ lục

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn PVN năm 2023 lập kỷ lục mới khi đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm.

Doanh thu PVN đạt 942.800 tỷ đồng năm 2023

Doanh thu PVN đạt 942.800 tỷ đồng năm 2023

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn hơn thuận lợi với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Ngoài ra, biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022, điển hình như giá dầu thô giảm 17 - 38% (88,7 - 107 USD/thùng), giá phân bón giảm 25 - 30%, biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24 - 26% (13,5 - 18,2 USD/thùng)... Cùng với đó, khả năng huy động khí tự nhiên, điện cũng thấp hơn so với năng lực sản xuất của PVN.

Dù vậy, lãnh đạo PVN cho biết tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2023 vẫn lập kỷ lục mới khi đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm và cao hơn năm 2022 hơn 11.600 tỷ đồng.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm vừa qua cũng tương đương 9,2% GDP cả nước. Số nộp ngân sách nhà nước của riêng PVN cũng chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Về hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên, PVN cho biết, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đều đạt kỷ lục về sản xuất với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950.000 tấn urê.

Kết quả này đã đưa chỉ tiêu sản xuất xăng dầu của toàn Tập đoàn vượt 33% và sản xuất đạm urê vượt 9% so với kế hoạch.

Như vậy, Tập đoàn đã đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước, trên 73% nhu cầu phân bón cả nước, trên 75% thị phần LPG cả nước và 20% thị phần nội địa trong kinh doanh xăng dầu.

SCB thanh lý 23 xe chở tiền giá 4 tỷ đồng

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vừa thông báo thanh lý lô 23 xe ôtô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng.

SCB vừa thông báo thanh lý lô 23 xe ôtô chuyên dụng dùng để chở tiền. Ảnh minh họa

SCB vừa thông báo thanh lý lô 23 xe ôtô chuyên dụng dùng để chở tiền. Ảnh minh họa

Lô xe thanh lý gồm 17 ôtô Mitshubishi Pajero và 6 xe ôtô Hyundai Starex từng được SCB dùng làm xe chở tiền. Tất cả đều mang biển kiểm soát TP.HCM, đăng ký trong giai đoạn 2004 đến 2011.

Trong đó, có 2 chiếc cũ nhất đăng ký năm 2004 và một chiếc mới nhất đăng ký vào 2011. Còn lại, hầu hết được đăng ký trong những năm 2007 (5 chiếc) và 2008 (11 chiếc). Với giá khởi điểm cho cả lô là 3,98 tỷ đồng đã bao gồm thuế VAT, trung bình mỗi chiếc có giá khoảng 173 triệu đồng.

SCB không bán riêng lẻ từng xe mà chào cả lô cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo hình thức chào giá kín để hội đồng thanh lý tài sản của ngân hàng chọn mức mua cao nhất.

Khách chào giá cần đặt cọc 690 triệu đồng, tương đương 30 triệu đồng mỗi xe. Tiền cọc sẽ được hoàn lại nếu không trúng giá. Đối với người trúng đấu giá, số tiền đặt cọc sẽ được trừ vào số tiền thanh toán mua lô xe. Nếu người trúng giá từ chối mua sẽ bị mất toàn bộ số tiền cọc.

SCB sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tất cả chi phí liên quan còn lại (bao gồm các khoản phí, lệ phí, thuế) do người mua chịu trách nhiệm chi trả. Người trúng giá sẽ tự thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên cho lô xe.