Xem xét thành lập 2 thành phố Phú Quốc và Thủ Đức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
TP.Thủ Đức được lập trên cơ sở sáp nhập 3 Quận 2, 9 và Thủ Đức |
Theo dự kiến chương trình Phiên họp 51 (diễn ra từ 9 - 12/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có việc thành lập TAND, Viện KSND thành phố Thủ Đức).
Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập rộng khoảng 211 km2, hơn 1,5 triệu người. Đây là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến, thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Ngoài thành phố Thủ Đức, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tháng 8/2020, UBND Kiên Giang trình Chính phủ đề án lập TP. Phú Quốc với diện tích hơn 575 km2, dân số 177.540 người. Thành phố Phú Quốc sẽ có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn). Xã Hòn Thơm nhập vào thị trấn An Thới thành phường An Thới.
Máy đào hầm metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ chạy thử vào giữa tháng 1/2021
Máy đào hầm của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ đào trung bình vào khoảng 10 - 12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày.
Nhà thầu đang tiến hành lắp đặt máy đào hầm của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội |
Dự kiến, công tác lắp đặt máy đào hầm đầu tiên (gọi tắt là TBM) cho tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào giữa tháng 1/2021, sau đó kiểm tra và chạy thử trong khoảng 2 tuần để kết thúc vào cuối tháng 1/2021.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tháng 10/2020, máy TBM đã cập cảng Hải Phòng và chuyển về ga S9. Máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) có chiều dài khoảng 90m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m; tốc độ đào hầm trung bình khoảng 10 - 12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày
Cỗ máy tiếp theo dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng vào tháng 12/2020. Sau khi lắp ráp xong máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải; 4km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Nghiên cứu cao tốc TP.HCM - Bình Phước
Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến dài khoảng 69 km, quy mô 6 đến 8 làn xe.
Cao tốc TP.HCM - Bình Phước sẽ kết nối với quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) hiện nay |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về dự án đầu tư cao tốc nêu trên. Bộ GTVT đánh giá tuyến cao tốc này phù hợp quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh và quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.
Hiện nay, phương tiện từ TP.HCM đi qua Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), theo Quốc lộ 13 đến tỉnh Bình Phước, tổng quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được tỉnh Bình Phước đề xuất triển khai để tăng tính kết nối, năng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc này dự kiến triển khai theo hình thức PPP và hợp đồng BOT, thực hiện trước năm 2030, phù hợp với chủ trương xã hội hóa nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang được đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3 phương án triển khai cao tốc được nghiên cứu, trong đó phương án một là điểm đầu tại Bình Chuẩn (Bình Dương), điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước) đi theo hướng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn với chiều dài 55 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng.
Phương án hai có điểm đầu tại nút giao An Phú (TP.HCM), điểm cuối tại Chơn Thành, đi theo tỉnh lộ 743, 745, có tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng.
Phương án 3 có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành, đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM - Lộc Ninh, có chiều dài 55 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỷ đồng.
Hà Nội: Tài xế GrabBike đình công
Sáng ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%.
Hàng trăm tài xế tập trung trước văn phòng Grab tại Cầu Giấy |
Các tài xế tắt ứng dụng để phản đối mức khấu trừ hơn 27,2% trên mỗi chuyến xe. Phần lớn tài xế đều cho rằng mức thu này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cách đây hai ngày, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế VAT.
Còn hiện tại, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,272%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với thuế VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực - thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ.
Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về như trước.
Để bù phí VAT, Grab đã tăng giá cước một số dịch vụ nhưng các tài xế đánh giá mức tăng này vẫn chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực bị giảm của họ. Một số còn lo ngại, nếu Grab tiếp tục tăng cước để bù VAT sẽ khiến khách hàng quay sang sử dụng ứng dụng khác, khiến thu nhập của họ giảm thêm.
TP.HCM: Giáo viên âm tính với Covid-19, học sinh 4 trường tiểu học đi học trở lại
Sau nhiều ngày nghỉ học vì ca mắc Covid-19 tại địa bàn, sáng nay, học sinh 4 Trường tiểu học tại Quận 6, TP.HCM đã quay trở lại trường.
Học sinh Trường tiểu học Võ Văn Tần (Quận 6, TP.HCM) đi học trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 |
Sáng 7/12, học sinh 4 Trường tiểu học tại Quận 6, TPHCM gồm tiểu học Võ Văn Tần, Nguyễn Huệ, Lê Văn Tám, Bình Tiên đã đi học trở lại sau nhiều ngày nghỉ tránh dịch Covid-19.
Ngay từ sáng sớm, tại các trường, giáo viên, nhân viên, ban giám hiệu tại các trường có mặt để đón học sinh. Trước khi vào trường, tất cả học sinh đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, các quy trình phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
Tại Trường tiểu học Võ Văn Tần, ngoài các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang..., Trường còn đẩy mạnh các thông điệp trong phòng, chống dịch bệnh đến học sinh, phụ huynh và toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường.
Các hình ảnh sinh động, các thông điệp, các hướng dẫn về phòng, chống dịch được Trường dán thông báo, phát qua loa, chiếu qua màn hình tivi.
Trong ngày đầu đi học trở lại, học sinh các lớp tiến hành chào cờ ngay tại lớp. Trong thời gian sinh hoạt đầu tuần, giáo viên hướng dẫn lại các em cách đeo khẩu trang đúng cách, cách giữa khoảng cách an toàn trong phòng, chống dịch.
Cần Thơ làm đường hoa Tết Tân Sửu 6 tỷ đồng
Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Xuân Tân Sửu 2021 sẽ dài 240 m, rộng 20 m, kinh phí khoảng 6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Đoạn cổng chính của đường hoa Cần Thơ Xuân Tân Sửu 2021 |
Nhằm hạn chế kẹt xe tại trung tâm, năm nay đường hoa Tết Nguyên đán sẽ được làm trên đường Sông Hậu tại cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Công trình được chia làm bốn đoạn. Đoạn Mừng Đảng - Mừng Xuân ở ngay cổng chính với điểm nhấn trâu vàng chuyển động - vòm cung hình bông lúa bội thu kết hợp mai đào khoe sắc. Bên trong có đại cảnh thành tựu Cần Thơ, mô hình phát triển du lịch sông nước, sóng hoa...
Ngoài ra, đoạn này còn có hình ảnh Việt Nam chung tay đẩy lùi Covid-19 với thông điệp kêu gọi mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đại dịch.
Đoạn Niềm vui năm mới với điểm nhấn cụm cổng lối đi bằng 5 cây đàn kìm, bên trái có hoạt cảnh đờn ca tài tử trên tàu, bên phải là bộ đàn tứ tuyệt. Sân khấu được bố trí ở giữa, là không gian giao lưu văn hóa và các chương trình văn nghệ.
Hai đoạn cuối là Trâu mừng xuân mới. Tại đây có cụm các mô hình mục đồng ngồi lưng trâu, Đinh Bộ Lĩnh ngồi lưng trâu cầm cờ lau tập trận cùng bầy trẻ.
Đường hoa kéo dài từ 8 đến 16/2, nhằm 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết.
Khởi tố 13 người liên quan dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Cơ quan Cảnh sát điều tra cáo buộc 13 người là cán bộ Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhà thầu... vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Tối 7/12, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã ra quyết định khởi tố, khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú với Hoàng Trung Hậu; Nguyễn Tấn Chánh; Lê Công Bằng; Quách Văn Phúc; Phan Doãn Giang; Đào Trọng Hiếu; Nguyễn Đức Dũng; Nguyễn Bá Giang; Lã Văn Hải; Kiều Đức Công; Nguyễn Trung Thu; Phạm Lê Bắc; Phạm Văn Bảo.
13 bị can này là cán bộ Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà thầu, cùng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định khởi tố 13 bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. C03 đang mở rộng điều tra, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong quá trình giám sát thi công, xác nhận nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng Dự án, đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Động thái trên nằm trong diễn biến C03 mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.