Bản tin thời sự sáng 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam dự kiến mua cát sỏi từ Campuchia để xây cao tốc; Agribank rao bán khoản nợ gần 100 tỷ đồng của Xuyên Việt Oil; Thủ tướng yêu cầu tăng xuất khẩu nông sản bằng đường sắt qua Trung Quốc; TP.HCM mở bến tàu thuỷ ở Thủ Thiêm…

Việt Nam dự kiến mua cát sỏi từ Campuchia để xây cao tốc

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, cùng Bộ Ngoại giao làm việc với Campuchia để mua cát, sỏi phục vụ thi công các dự án cao tốc.

Cát từ Campuchia được TNT Group nhập khẩu về Việt Nam

Cát từ Campuchia được TNT Group nhập khẩu về Việt Nam

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2, chủ trương mua cát sỏi từ Campuchia để xây cao tốc đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất. Bộ GTVT được yêu cầu quyết liệt gỡ vướng về khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình. Bộ cần ban hành đơn giá, định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu san lấp sử dụng cát biển phục vụ công trình giao thông.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, gỡ khó cho các địa phương về cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng thông thường.

Tháng 10/2023, Công ty CP Tập đoàn TNT (TNT Group) gửi Thủ tướng đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). TNT Group cho biết, doanh nghiệp được Campuchia cấp phép khai thác cát trên dòng Mekong trữ lượng lớn nhất với hàng trăm triệu m3, mỗi ngày nhập 30.000 - 50.000 m3 cho các mục đích. Do vậy, doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án cao tốc ở ĐBSCL về số lượng, chất lượng và giá cả.

Công ty này đã nêu hai kiến nghị. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cho phép thí điểm đưa nguồn cát nhập khẩu thay thế cát thiếu hụt cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Thứ hai là tạo cơ chế thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải, nguồn tín dụng để doanh nghiệp có thể nhập khẩu cát số lượng lớn. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh các dự án cao tốc tại ĐBSCL thiếu hụt cát làm vật liệu san lấp.

Agribank rao bán khoản nợ gần 100 tỷ đồng của Xuyên Việt Oil

Ngân hàng Agribank đang rao bán khoản nợ gần 93 tỷ đồng của Xuyên Việt Oil - doanh nghiệp đầu mối xăng dầu - mới bị rút giấy phép kinh doanh hồi tháng 7/2023.

Xuyên Việt Oil đã bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu vì sai phạm về Quỹ bình ổn giá và nợ thuế

Xuyên Việt Oil đã bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu vì sai phạm về Quỹ bình ổn giá và nợ thuế

Ngân hàng Agribank chi nhánh Láng Hạ vừa thông báo tìm tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Theo đó, tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 25/1 là gần 93 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là gần 78 tỷ đồng và dư nợ lãi, lãi quá hạn, lãi chậm trả là gần 15 tỷ đồng. Số tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 26/1 cho đến khi Xuyên Việt Oil thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay tại Agribank chi nhánh Láng Hạ.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này bao gồm 4 lô đất. Trong đó có 3 lô đất địa chỉ tại đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3, TP.HCM), một lô đất có vị trí tại xã Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Giá khởi điểm của khoản nợ này được ngân hàng đưa ra là 92,6 tỷ đồng, tương đương dư nợ hiện tại. Tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm, tương đương gần 9,3 tỷ đồng.

Được biết, Xuyên Việt Oil thành lập ngày 31/5/2005, trụ sở chính tại phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Công ty được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm, qua đó trở thành một trong gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Theo hồ sơ công ty, đơn vị có 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 49 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối. Doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn về phân phối mặt hàng xăng dầu tại khu vực các tỉnh miền Tây.

Tuy nhiên, tháng 7/2023, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp toàn bộ tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

Đến tháng 9 cùng năm, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cùng một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thủ tướng yêu cầu tăng xuất khẩu nông sản bằng đường sắt qua Trung Quốc

Ngoài đường bộ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp nâng cao năng lực đường sắt, xây đường chuyên dụng để tăng vận chuyển nông sản sang Trung Quốc.

Bốc dỡ hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Bốc dỡ hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Hệ thống logistics (phương thức vận chuyển đường bộ, biển, hàng không) hiện là điểm nghẽn, chưa được khai thác hiệu quả dẫn tới chi phí cao và giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt khi xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tăng kết nối, hoàn thiện hệ thống logistics để tăng lưu thông hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc.

"Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp tối ưu chi phí, thời gian vận chuyển nông, lâm, thủy sản", Thủ tướng giao.

Trước mắt, lãnh đạo Chính phủ lưu ý khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung, thông qua thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại các cửa khẩu tỉnh Lào Cai với Trung Quốc. Việc này sẽ giúp tăng lưu lượng vận chuyển, giảm ùn ứ qua đường bộ như vừa qua.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đường chuyên dụng cho hàng nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh... cần được các bộ đàm phán, thống nhất với phía Trung Quốc trong quý I.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nêu tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về mở cửa thị trường, xuất khẩu nông sản, như đa dạng kênh phân phối qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu hai nước và sàn thương mại điện tử.

Bộ Tài chính phối hợp cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc xây dựng, mở rộng thí điểm cửa khẩu thông minh có kiểm soát truy xuất nguồn gốc.

Năm 2023, Việt Nam xuất khoảng 11,5 tỷ USD các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, trong đó sầu riêng trên 2 tỷ USD. Ngoài sầu riêng, 13 loại nông sản khác được xuất chính ngạch sang thị trường này, như tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây.

TP.HCM mở bến tàu thuỷ ở Thủ Thiêm

Sau ba tháng cải tạo, ga tàu thuỷ bên sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm đưa vào khai thác chiều 7/2 (28 tháng Chạp) tạo điểm đến mới cho khách đi tàu, vui chơi dịp Tết.

Tàu thuỷ chở khách vào bến tàu Thủ Thiêm

Tàu thuỷ chở khách vào bến tàu Thủ Thiêm

Bến tàu rộng gần 2.000 m2, là một hạng mục thuộc công viên bờ sông Sài Gòn phía Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, được cải tạo cách đây khoảng 3 tháng từ vốn xã hội hoá. Khu vực này đối diện bến Bạch Đằng, Quận 1, được xem là "mặt tiền" trung tâm TP.HCM.

Vị trí ga tàu cách bến đò Thủ Thiêm xưa hơn 100 m, vốn quy hoạch là bến thuỷ nội địa nhưng nhiều năm nay chưa khai thác. Hiện, khu bến này được cải tạo với khuôn viên tiện nghi, điểm bán vé, cầu tàu, đáp ứng cho phương tiện đường thuỷ chở khách, buýt sông ra vào. Phía trên, xung quanh bến bố trí mảng xanh cùng nhiều tiện ích, dịch vụ ăn uống, nhà vệ sinh, giữ xe... giúp người dân, du khách thuận tiện vui chơi, giải trí.

Ngoài ga tàu trên, công viên ven sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm còn nhiều hạng mục khác mới được TP. Thủ Đức hoàn thành cải tạo, trở thành điểm đến cho người dân tham quan dịp Tết như đồng hoa hướng dương, khuôn viên trồng cây ven bờ, sân sinh hoạt cộng đồng đa năng...

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân.

Mức giảm trừ gia cảnh đang được coi là lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ

Mức giảm trừ gia cảnh đang được coi là lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1 được Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong việc tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân.

Theo Nghị quyết 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 11 triệu đồng với giảm trừ cá nhân và 4,4 triệu đồng giảm trừ trên mỗi người phụ thuộc.

Trong đó, mức giảm trừ bản thân 11 triệu đồng khi tính thuế TNCN được cơ quan thuế xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người”, còn 4,4 triệu đồng giảm trừ người phụ thuộc được xác định bằng 40% so với mức giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Mức giảm trừ gia cảnh này đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài và mức quy định tại Luật này cũng là mức cố định. Trên thực tế, khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng… nên với mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu.

Bên cạnh đó, mức tính giảm trừ cố định này lại càng lạc hậu hơn so với thực tế của đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giá cả… Mặt khác, quy định khi nào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng gây bất lợi cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật Thuế TNCN vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập.

Công ty CP Trung Thuỷ - Đà Nẵng chậm trả gốc lãi lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng

Công ty CP Trung Thuỷ - Đà Nẵng không đưa ra ngày cụ thể sẽ thanh toán số tiền gốc và lãi chậm trả của lô trái phiếu TDNCH2225001.

CTCP Trung Thuỷ - Đà Nẵng không công bố về mục đích sử dụng của lô trái phiếu TDNCH2225001

CTCP Trung Thuỷ - Đà Nẵng không công bố về mục đích sử dụng của lô trái phiếu TDNCH2225001

Công ty CP Trung Thuỷ - Đà Nẵng (trụ sở tại Cầu số 6, đường tránh Nam Hải Vân, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi đối với lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ TDNCH2225001.

Theo đó, lô trái phiếu TDNCH2225001 có kỳ hạn 42 tháng, đáo hạn ngày 14/7/2025 với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này do Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức lưu ký với lãi suất được công bố là 10%/năm. Ngày 15/1/2024, doanh nghiệp phải thanh toán theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện. Trong đó, số tiền gốc chậm thanh toán là 325 tỷ đồng và tiền lãi chậm thanh toán là hơn 77 tỷ đồng.

Lý do được Công ty CP Trung Thuỷ - Đà Nẵng đưa ra là nguồn thu tiền chưa về kịp vào ngày đến hạn trả gốc, lãi. Doanh nghiệp này không đưa ra ngày cụ thể sẽ thanh toán số tiền chậm trễ trên.

Trước đó trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Thủy - Đà Nẵng đã thanh toán hơn 130 tỷ đồng tiền lãi và mua lại trước hạn 7,1 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này còn đang nợ gần 1.293 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Trung Thủy - Đà Nẵng là một thành viên trong hệ sinh thái của Trung Thủy Group (TTG Holding), thành lập tháng 10/2010 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Đến đầu năm 2020, Công ty bất ngờ tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên tới 735 tỷ đồng.

Trung Thủy - Đà Nẵng được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) với diện tích quy hoạch là 35 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.

Công suất phòng tăng cao tại Đà Lạt trong dịp Tết Giáp Thìn 2024

Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm đến nhận rất nhiều quan tâm dịp Tết Giáp Thìn 2024, khi đứng đầu về lượng tìm kiếm trên cả hai nền tảng đặt phòng lớn là Booking và Agoda.

Đà Lạt là điểm du lịch trong nước nhận rất nhiều quan tâm dịp Tết Giáp Thìn

Đà Lạt là điểm du lịch trong nước nhận rất nhiều quan tâm dịp Tết Giáp Thìn

Theo Agoda, các trải nghiệm du lịch Đà Lạt vẫn duy trì sức hấp dẫn với khách Việt Nam, giúp nơi này trở thành điểm đến nội địa được tìm kiếm hàng đầu dịp Tết Giáp Thìn, vượt qua những thành phố biển nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng hay Phan Thiết.

Phía Booking.com cũng ghi nhận Đà Lạt là điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt Nam (cho giai đoạn từ 8 - 14/2/2024). Đáng chú ý, đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp Đà Lạt đứng vị trí đầu bảng cho những địa điểm du lịch nội địa được tìm kiếm nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên Đán, tính từ khi Booking.com bắt đầu công bố dữ liệu này vào năm 2022.

Ước tính sơ bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Đà Lạt, dự báo dịp Tết Giáp Thìn công suất trung bình các khách sạn từ 1 đến 5 sao đạt 60 - 65%, các biệt thự du lịch công suất khoảng 50%. Còn theo nền tảng du lịch Mustgo (đối tác của 200 cơ sở lưu trú tại Đà Lạt), dịp Tết Giáp Thìn tại Đà Lạt công suất phòng trung bình phân khúc từ 3 đến 4 sao vào khoảng 80%, phân khúc 5 sao từ 80 - 90%. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt công suất cao dịp này là Dalat Edensee Lake Resort & Spa, Hotel Colline, MerPerle Dalat Hotel, Mercure Dalat Resort…

Tin cùng chuyên mục