Bản tin thời sự sáng 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính mới sau hợp nhất giảm 3.600 đầu mối; Cục Đường bộ chỉ đạo xử lý vụ bật khe co giãn trên cao tốc; đầu tư 1.400 tỷ đồng làm đường ven biển Hà Tiên; Hải Phòng dự chi hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ người nghỉ hưu trước tuổi…

Bộ Tài chính mới sau hợp nhất giảm 3.600 đầu mối

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sau hợp nhất, sáp nhập có tên là Bộ Tài chính, dự kiến giảm gần 40% đầu mối so với hiện nay.

Việc sắp xếp, hợp nhất theo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính

Việc sắp xếp, hợp nhất theo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính

Theo phương án sắp xếp bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cùng với đó, một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chuyển về Bộ Tài chính. Cơ quan mới sẽ giữ tên là Bộ Tài chính.

Tại cuộc họp liên quan dự thảo Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính ngày 7/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau khi hợp nhất, sáp nhập, số lượng đầu mối giảm khoảng 3.600, tương ứng 37,7% so với số lượng đầu mối các đơn vị, tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hiện nay.

Trong đó, giảm 2 đầu mối cấp bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 6 đầu mối cấp tổng cục; 98 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc bộ; 336 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc tổng cục; khoảng trên 3.100 đầu mối từ cấp phòng, chi cục và tương đương thuộc vụ, cục và tương đương thuộc bộ trở xuống...

Cụ thể, theo báo cáo phương án hợp nhất của Bộ Tài chính, các tổ chức hành chính trùng nhau về chức năng, nhiệm vụ từ 10 thành 5 đơn vị. Các tổ chức có chức năng gắn kết, hoặc liên thông được hợp nhất, sáp nhập từ 20 thành 8. Còn các tổ chức độc lập về chuyên môn hoặc có tính chất đặc thù được giữ nguyên (12 đơn vị).

Các tổng cục và tương đương thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Hải quan, Thống kê, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước) thành các tổ chức hành chính tương đương cục thuộc Bộ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được sáp nhập vào Bộ Tài chính để tổ chức thành 1 đầu mối.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc sắp xếp, hợp nhất theo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính.

Cục Đường bộ chỉ đạo xử lý vụ bật khe co giãn trên cao tốc

Cục Đường bộ Việt Nam đã có chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sự việc bong, bật khe co giãn trên đường cao tốc, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.

Khe co giãn bị bung bật trên cao tốc

Khe co giãn bị bung bật trên cao tốc

Chiều 7/2, thông tin từ đơn vị quản lý và khai thác cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn cho biết, Văn phòng quản lý đường bộ II.1 thuộc Khu quản lý đường bộ II, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) khắc phục, sửa chữa khe co giãn bị bung bật trên cao tốc qua tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo "nóng" về việc, các đơn vị có liên quan cần rà soát kỹ trên tuyến, nếu phát hiện có hiện tượng hư hỏng phải sửa luôn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo Văn phòng quản lý đường bộ II.1, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư. Dự án được đưa vào khai thác tháng 6/2024, đến nay đang trong thời gian bảo hành.

Tại Km341+182 (đoạn qua xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng khe co giãn trên mố phía Bắc bị hư hỏng, nứt vỡ bê tông, tấm thép co giãn dạng răng lược bị bong bật khỏi vị trí với kích thước 2m, gây mất an toàn giao thông.

Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời. Về lâu dài, Văn phòng quản lý đường bộ II.1 đề nghị Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nêu trên, xong trước ngày 14/2.

Khi triển khai sửa chữa, Ban Quản lý dự án 2 và nhà thầu phải lập phương án sửa chữa, thời gian thực hiện, phương án đảm bảo an toàn giao thông gửi Cục Cảnh sát giao thông C08 và các đơn vị liên quan.

Trước đó, vào chiều tối 6/2, một số tài xế di chuyển trên cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (hướng từ Thanh Hóa - Hà Nội), đến địa phận xã Trung Chính, huyện Nông Cống thì gặp tình huống khá nguy hiểm khi khe co giãn bị bung bật. Sự việc đã khiến nhiều xe ô tô bị thủng lốp, thậm chí phải gọi xe cứu hộ trợ giúp.

Đầu tư 1.400 tỷ đồng làm đường ven biển Hà Tiên

Đường ven biển dài gần 14 km, dẫn vào trung tâm TP. Hà Tiên, giúp mở rộng không gian biển, thúc đẩy thương mại, du lịch, quốc phòng, an ninh.

Vị trí đường ven biển Hà Tiên

Vị trí đường ven biển Hà Tiên

Theo quyết định do UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, công trình có điểm đầu tại mũi Ông Cọp, điểm cuối kết nối Quốc lộ 80 tại nút giao với đường 2 Tháng 9 - nội ô TP. Hà Tiên.

Đường được đầu tư 6 làn xe, bờ kè dài hơn 7 km, gồm 8 cầu, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh. Tổng kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, do Sở Giao thông vận tải Tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ 2025 - 2027.

Tỉnh Kiên Giang kỳ vọng Dự án sẽ kết nối giao thông liên vùng, mở ra không gian phát triển ven biển, tạo quỹ đất, bãi tắm, từ đó phát triển khu đô thị mới tại xã Thuận Yên, rộng 200 ha.

Hà Tiên nằm ở phía Tây tỉnh Kiên Giang, giáp Campuchia, cách TP. Rạch Giá 88 km, cách TP.HCM 350 km. Thành phố vùng biên phát triển mạnh du lịch biển, đón 3,8 triệu lượt khách năm ngoái. Nơi đây có nhiều điểm tham quan như hòn Phụ Tử, chùa Hang, đền thờ họ Mạc, núi Đèn, hòn Chồng, đảo Hải Tặc...

Hải Phòng dự chi hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ người nghỉ hưu trước tuổi

TP. Hải Phòng dự tính chi hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, bằng một lần kinh phí được hưởng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Trụ sở UBND TP. Hải Phòng trên đường Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng

Trụ sở UBND TP. Hải Phòng trên đường Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng

Đề án chế độ, chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP. Hải Phòng sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố dự kiến diễn ra cuối tháng 2.

Theo dự thảo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc được hưởng mức hỗ trợ bằng một lần tổng kinh phí hưởng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Cán bộ thôi giữ chức lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu vào vị trí thấp hơn sẽ được hỗ trợ một lần từ một đến 6 tháng lương.

Tổng số người hưởng lương ngân sách nhà nước mà TP. Hải Phòng phải giảm từ năm 2025 đến 2030 là 6.500. Tổng kinh phí hỗ trợ thêm theo chính sách riêng của Thành phố là hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến chi cho khối giáo dục - y tế 4.500 tỷ đồng, hỗ trợ thôi (xuống) chức vụ lãnh đạo quản lý khoảng 75 tỷ đồng.

Ngoài Hải Phòng, TP.HCM, Hải Dương và Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ thêm cho người nghỉ hưu trước tuổi.

Tốc độ Internet tại Việt Nam cao nhất trong 12 tháng gần nhất

Tốc độ Internet trên cả nước trong tháng 1/2025 cao nhất trong 12 tháng trước đó. TP. Đà Nẵng tiếp tục là khu vực có chất lượng mạng băng rộng di động tốt nhất Việt Nam.

Chất lượng mạng đi động được đảm bảo ổn định

Chất lượng mạng đi động được đảm bảo ổn định

Theo dữ liệu mới được cập nhật từ nền tảng Internet i-Speed của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam trong tháng 1/2025 tăng cao nhất trong 12 tháng gần nhất.

Cụ thể, tốc độ download trung bình băng rộng di động cả nước được ghi nhận ở mức 69,38 Mbps, tốc độ upload trung bình là 25,44 Mbps. Đây cũng là kết quả cao nhất trong 12 tháng kể từ tháng 1/2024.

Xét riêng 5 tỉnh, thành được thống kê thì Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu với tốc độ mạng trung bình là 95,81 Mbps. Kết quả này giúp Đà Nẵng giữ vững thành tích trong 8 tháng liên tiếp.

Xếp sau lần lượt là Cần Thơ, TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội. Nhìn chung, chất lượng mạng tại các tỉnh, thành trong tháng vừa qua đều được cải thiện so với tháng 12/2024.

Về phía doanh nghiệp, hầu hết chất lượng mạng di động đều được đảm bảo ổn định, không ghi nhận nhiều thay đổi so với tháng trước đó. Cụ thể, tốc độ download và upload mạng di động của Viettel lần lượt ghi nhận là 76,67 Mbps và 23,86 Mbps.

Kế đến VNPT, tốc độ download băng rộng di động của nhà mạng đạt 70,68 Mbps và tốc độ upload đạt 29,5 Mbps. Nhà mạng Mobifone đạt kết quả lần lượt là 43,1 Mbps và 21,03 Mbps…

Trong khi đó, tốc độ mạng băng rộng cố định trên cả nước trong tháng 1/2025 cũng ghi nhận mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây. Tốc độ download ghi nhận ở mức 144,66 Mbps còn tốc độ upload đạt 111,76 Mbps.

Với tốc độ mạng băng rộng cố định đo được ở mức 168,99 Mbps, Hà Nội giữ vững phong độ là thành phố dẫn đầu về chất lượng mạng trong 5 tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Thống kê kết quả đo lường của các nhà mạng, nhà cung cấp có chất lượng mạng Internet cố định tốt nhất Việt Nam trong tháng 1/2025 tiếp tục là VNPT với tốc độ download băng rộng cố định đạt 181,56 Mbps và tốc độ upload là 137,77 Mbps.

Đứng vị trí thứ hai là nhà mạng Viettel với tốc độ download băng rộng cố định đạt 127,99 Mbps và tốc độ upload là 108,13 Mbps. Vị trí thứ ba là nhà mạng FPT với tốc độ download là 107,14 Mbps và tốc độ upload là 102,02 Mbps.

Hải Dương chấp thuận đầu tư dự án nhà ở hơn 1.300 tỷ đồng

UBND tỉnh Hải Dương vừa chấp thuận thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội với quy mô gần 3.000 người.

Dự án nhà ở xã hội có diện tích đất sử dụng gần 32 nghìn m2

Dự án nhà ở xã hội có diện tích đất sử dụng gần 32 nghìn m2

Ngày 7/2, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại Khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng, TP. Hải Dương.

Mục tiêu của Dự án là giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho nhân dân trên địa bàn TP. Hải Dương, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ về kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, cải thiện điều kiện sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án có quy mô 5 công trình nhà ở xã hội để bán với tổng số khoảng 1.479 căn hộ, quy mô dân số khoảng 2.953 người. Địa điểm thực hiện Dự án tại Khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng, TP. Hải Dương. Diện tích đất sử dụng gần 32 nghìn m2.

Dự kiến, khu nhà ở xã hội có nguồn vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II/2027.

Hà Nội công bố danh sách hơn 2.700 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được cấp phép

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công khai danh sách cơ sở mầm non độc lập được cấp phép, giúp phụ huynh có thông tin để lựa chọn nơi gửi trẻ.

Hoàng Mai là quận có số lượng cơ sở mầm non độc lập được cấp phép nhiều nhất với 365 cơ sở. Ảnh minh họa

Hoàng Mai là quận có số lượng cơ sở mầm non độc lập được cấp phép nhiều nhất với 365 cơ sở. Ảnh minh họa

Theo đó, Hoàng Mai là quận có số lượng cơ sở mầm non độc lập được cấp phép nhiều nhất với 365 cơ sở, tiếp đó là quận Hà Đông với 283 cơ sở, quận Nam Từ Liêm với 273 cơ sở, quận Bắc Từ Liêm với 243 cơ sở…

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục công khai thông tin danh sách cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại cổng thông tin điện tử của các quận, huyện, thị xã, các phòng giáo dục và đào tạo và ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, giúp cha mẹ trẻ, nhân dân trên địa bàn biết được thông tin để lựa chọn cơ sở gửi trẻ.

Tin cùng chuyên mục