Khối ngoại bán ròng hơn tỷ USD từ đầu năm 2025
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 25.900 tỷ đồng trên HoSE trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu chốt lời những cổ phiếu tăng giá mạnh năm trước.
![]() |
Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tử tại một công ty chứng khoán |
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy, trong quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài dành hơn 95.472 tỷ đồng để mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF và chứng quyền trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, họ bán ra hơn 121.410 tỷ đồng.
Như vậy trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng khoảng 25.938 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Con số này vượt mức rút ròng của cả năm 2023, 2020 và 2016.
Nếu chỉ tính các quý đầu năm, đây là mức cao nhất trong 25 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập. Còn khi tính chung, mức bán ròng chỉ kém quý II/2024.
Tính tới phiên cuối tuần trước, giá trị đã lên hơn 33.331 tỷ đồng (khoảng 1,28 tỷ USD). Xu hướng trên đã kéo dài liên tục từ tháng 2 năm trước đến nay.
Trong buổi họp báo hôm 3/4, ông Hà Duy Tùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho rằng, tổng giá trị bán ròng quý I chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại - được đánh giá là tỷ lệ tương đối nhỏ. Theo ông, thị trường đang chịu tác động từ thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Diễn biến này có thể còn tiếp diễn, phụ thuộc vào chính sách thực thi tại Mỹ và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Rà soát tiến độ, lựa chọn dự án khởi công, khánh thành dịp 30/4
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát tiến độ, lựa chọn các dự án đủ điều kiện để tổ chức khởi công, khánh thành dịp 30/4/2025.
![]() |
Tuyến cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ được thông xe, đưa vào khai thác dịp 30/4 tới |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký các công trình, dự án khởi công, khánh thành chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát tiến độ triển khai các công trình, dự án đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của khu vực; có tính chất tạo liên kết liên vùng, tạo động lực phát triển khu vực; có tính chất an sinh, xã hội, xóa đói, giảm nghèo... để lựa chọn các dự án đủ điều kiện đăng ký khởi công, khánh thành vào dịp 30/4/2025.
"Danh sách công trình, dự án đăng ký khởi công, khánh thành gửi về Bộ Xây dựng trước 14h ngày 10/4/2025. Các địa phương hoàn thành các thủ tục theo quy định, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để tổ chức lễ khởi công, khánh thành chung các dự án trên toàn quốc theo hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu (dự kiến tổ chức vào ngày 26/4/2025)", Bộ Xây dựng đề nghị.
Đề xuất tăng vốn Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thêm 2.300 tỷ đồng
Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh đề xuất Dự án thành phần 1A của Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM với tổng mức đầu tư tăng từ 6.955 tỷ đồng thành 9.268 tỷ đồng.
![]() |
Cầu Nhơn Trạch - một trong hai gói thầu xây lắp nằm trong Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM |
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh đề xuất dự án sử dụng vốn ODA đối với Dự án thành phần 1A của Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo Bộ Xây dựng, Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 25 ngày 6/1/2020 và Quyết định số 526 ngày 27/4/2022 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 6.955 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 8,75 km, quy mô tuyến đường tương đương đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) dự kiến hơn 4.175 tỷ đồng (tương đương khoảng 190,77 triệu USD2) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, dự phòng phần vốn ODA.
Vốn đối ứng dự kiến hơn 2.779 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Thời gian thực hiện là 5 năm kể từ khi Hiệp định vay vốn Dự án thành phần 1A có hiệu lực (từ tháng 9/2020 đến 9/2025).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm khả năng khai thác đoạn tuyến với quy mô đường cao tốc đồng bộ với các dự án thành phần khác trên tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM theo quy hoạch cần thực hiện điều chỉnh quy mô và đầu tư bổ sung một số hạng mục công trình dẫn tới làm tăng tổng vốn vay ODA của Dự án.
Theo đó, điều chỉnh tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án từ hơn 6.955 tỷ đồng thành 9.268 tỷ đồng (tăng khoảng 2.312 tỷ đồng). Điều chỉnh này dẫn tới điều chỉnh tăng nguồn vốn vay ODA của Dự án từ hơn 190 triệu USD (khoảng 4.175 tỷ đồng) thành 262 triệu USD (tương đương khoảng 6.209 tỷ đồng), tăng khoảng gần 72 triệu USD (tương đương khoảng 2.033 tỷ đồng).
Tạm hoãn 2 phiên đấu giá đất huyện Quốc Oai trong tháng 4
Hai phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) vừa được thông báo tạm dừng theo đề nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện.
![]() |
Phiên đấu giá 26 thửa đất tại huyện Quốc Oai |
Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia vừa phát đi thông báo tạm dừng tổ chức thực hiện phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở 15 thửa đất (Khu A) tại Dự án Xây dựng HTKT khu đất đấu giá QSD đất ĐG 06 khu đường vành đai xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội (dự kiến tổ chức ngày 14/4/2025) theo đề nghị tại Văn bản số 145/PTQĐ-KHTH ngày 4/4/2025 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai.
Việc tiếp tục tổ chức thực hiện đấu giá sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật và sẽ được thông báo công khai sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Những người đã mua hồ sơ, nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước có thể giữ lại hồ sơ, tiền đặt trước để tham gia đấu giá khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc tiếp tục tổ chức phiên đấu giá QSDĐ ở 15 thửa đất (Khu A) tại Dự án Xây dựng HTKT khu đất đấu giá QSD đất ĐG 06 khu đường vành đai xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Trường hợp có nguyện vọng nhận lại khoản tiền đặt trước thì liên hệ Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia để thực hiện thủ tục hoàn trả khoản tiền đặt trước đã nộp.
Tiếp đó, Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân cũng đã thông báo tạm dừng tổ chức thực hiện phiên đấu giá QSDĐ ở 14 lô đất (khu A, C và D) tại Dự án Xây dựng HTKT khu đất đấu giá QSD đất ở ĐG 02/2019 thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội (dự kiến tổ chức ngày 18/4/2025) theo đề nghị tại Văn bản số 146/PTQĐ-KHTH ngày 4/4/2025 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai.
Việc tiếp tục tổ chức thực hiện đấu giá sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật và sẽ được thông báo công khai sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Những người đã mua hồ sơ, nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước có thể tự nguyện giữ lại hồ sơ, tiền đặt trước để tham gia đấu giá khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc tiếp tục tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở 14 lô đất (khu A, C và D) tại Dự án Xây dựng HTKT khu đất đấu giá QSD đất ở ĐG 02/2019 thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội; hoặc liên hệ Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân để nhận lại khoản tiền đặt trước đã nộp theo quy định.
Quảng Bình chấp thuận đầu tư dự án nghỉ dưỡng 210 tỷ đồng
Dự án nghỉ dưỡng sinh thái tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vừa được chấp thuận đầu tư với tổng mức vốn 210 tỷ đồng.
![]() |
Xã Cam Thủy nhìn từ trên cao, địa phương được chấp thuận đầu tư dự án |
Ngày 7/4, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Cam Thủy tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy. Dự án có tổng vốn đầu tư 210 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án được thực hiện tại xã Cam Thủy, trên khu đất có diện tích gần 70.000 m2. Quy mô xây dựng gồm các hạng mục như khu resort, biệt thự villa, bungalow, khu hành chính và công trình phụ trợ, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh, khu thể thao ngoài trời và nhà đa năng.
Dự án sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Theo tiến độ được UBND Tỉnh phê duyệt, việc hoàn tất thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất phải hoàn thành trong vòng 12 tháng. Sau đó, nhà đầu tư có 36 tháng kể từ ngày được cho thuê đất để hoàn thành xây dựng và đưa Dự án vào sử dụng.
UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, nhà đầu tư trúng đấu giá có trách nhiệm làm việc với Sở Tài chính để thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày trúng đấu giá. Ngoài ra, nhà đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết khu đất Dự án, hoàn thiện thủ tục môi trường và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, du lịch, phòng cháy chữa cháy…
Theo Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình, trong vòng 24 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, nếu nhà đầu tư không hoàn thành thủ tục thuê đất để triển khai Dự án thì quyết định chủ trương đầu tư sẽ không còn giá trị pháp lý. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ không được bồi thường bất kỳ chi phí nào liên quan đến hoạt động đầu tư đã thực hiện.
Hồ Dầu Tiếng xả hơn 5 triệu m3 nước đẩy mặn cho sông Sài Gòn
Nhằm đẩy mặn trong mùa khô đồng thời đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM, hồ Dầu Tiếng xả khoảng 5 triệu m3 nước.
![]() |
Hồ Dầu Tiếng qua địa phận tỉnh Bình Dương |
Ngày 7/4, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết vừa xả nước ở hồ Dầu Tiếng với tổng lưu lượng khoảng 5,18 triệu m2 xuống sông Sài Gòn.
Đây là lần xả nước đẩy mặn đầu tiên trong năm 2025 của hồ để hỗ trợ Nhà máy Tân Hiệp cung cấp nước sạch cho người dân ở khu vực. Việc xả nước cũng giúp cải thiện chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng triệu người dân khu vực hạ du, trong đó có TP.HCM, Bình Dương và Long An, những địa phương bước vào cao điểm mùa khô. Mức xả được tính toán không gây ngập úng cho các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Ngay sau đợt xả tăng cường, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam sẽ duy trì dòng chảy theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai.
Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước có diện tích trên 270 km2, chứa 1,58 tỷ m3 nước ngọt. Công trình phục vụ đa mục tiêu như phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và phòng, giảm lũ; cải thiện môi trường; chống xâm ngập mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và TP.HCM.
Bình Định kiến nghị bổ sung quy hoạch Khu bến cảng Phù Mỹ
Tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với Khu bến cảng Phù Mỹ, thuộc cảng biển Bình Định.
![]() |
Khu vực quy hoạch cảng biển Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) |
Ngày 7/4, thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, Tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc kiến nghị bổ sung quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với Khu bến cảng Phù Mỹ, thuộc cảng biển Bình Định.
Theo Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bến cảng Phù Mỹ (cảng biển Bình Định) gồm các bến cảng tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Quy hoạch nhằm phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tại khu vực này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cảng biển, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét cập nhật và phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với bến cảng Phù Mỹ.