Bản tin thời sự sáng 8/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội không cắt điện trong thời gian tổ chức thi lớp 10 năm 2023; nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phát điện trước dự kiến; Công ty PouYuen hỗ trợ 689 tỷ đồng cho công nhân chấm dứt hợp đồng lao động; đường Vành đai 3 qua Đồng Nai dự kiến khởi công ngày 30/6…

Hà Nội không cắt điện trong thời gian tổ chức thi lớp 10 năm 2023

Hà Nội sẽ không cắt điện trong thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2022

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2022

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, không thực hiện các công tác phải cắt điện trên lưới điện cao, trung, hạ thế toàn thành thành phố Hà Nội trong thời gian chuẩn bị thi và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023 - 2024 (từ 9 - 13/6/2023).

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, thống kê toàn Thành phố có 116.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi tại 201 điểm thi không chuyên và 17 điểm thi chuyên với gần 5.000 phòng thi.

Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất cả nước, được lãnh đạo Thành phố, thầy cô, các bậc phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm nên công tác chuẩn bị cho kỳ thi này hết sức quan trọng.

Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên tốt nhất về mọi mặt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi để đạt kết quả cao.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phát điện trước dự kiến

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vừa vận hành tổ máy số 1 với 100% công suất. Sang tháng 8, tất cả 2 tổ máy sẽ chạy chính thức 100% công suất.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã được đấu nối với Trạm biến áp

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã được đấu nối với Trạm biến áp

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 2,58 tỷ USD, khởi công hồi tháng 10/2019, với 2 tổ máy tổng công suất 1.320 MW; khi đi vào vận hành, cung cấp cho hệ thống điện khoảng 9 tỷ kWh/năm.

Dự kiến, tổ máy 1 vận hành thương mại vào tháng 8/2023 và tổ máy 2 vào tháng 12/2023. Sau thời gian nỗ lực thi công, vừa qua Nhà máy đã chạy thử tổ máy số 1 với 60 - 70% công suất. Trong bối cảnh cao điểm du lịch hè, tổ chức các sự kiện, phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đề nghị Nhà máy chạy thử ở mức 80 - 100%. Đến ngày 5/6, Nhà máy đã chạy 100% công suất tổ máy số 1.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa huy động tối đa nguồn điện từ 9 nhà máy điện mặt trời, 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu điện. Riêng tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang chuẩn bị chạy thử nghiệm. Sang tháng 8, tất cả 2 tổ máy sẽ chạy chính thức 100% công suất.

Bên cạnh Đường dây 500KV Vân Phong - Vĩnh Tân đã được đấu nối, tỉnh Khánh Hòa đang làm thủ tục để thực hiện Dự án Đường dây 500KV Vân Phong - Bình Định nhằm giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Công ty PouYuen hỗ trợ 689 tỷ đồng cho công nhân chấm dứt hợp đồng lao động

Ngày 7/6, đại diện Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã chi tổng cộng 689 tỷ đồng để hỗ trợ cho các công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động trong tháng 6 và tháng 7/2023.

Công nhân Công ty PouYuen chấm dứt hợp đồng lao động được nhận tiền hỗ trợ của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Công nhân Công ty PouYuen chấm dứt hợp đồng lao động được nhận tiền hỗ trợ của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong đợt 1, Công ty đã thỏa thuận vào ngày 20/5 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với gần 4.440 lao động trong tháng 6/2023. Mỗi người được nhận hỗ trợ từ Công ty là 0,8 tháng lương cho một năm làm việc. Đợt này, người nhận hỗ trợ cao nhất 452 triệu đồng, thấp nhất là 16,5 triệu đồng, mức bình quân là 118 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty PouYuen hỗ trợ đợt 1 là 525 tỷ đồng.

Trong đợt 2, theo thỏa thuận ngày 3/6, Công ty Pouyuen chấm dứt hợp đồng lao động đối với gần 1.260 lao động vào tháng 7/2023; hỗ trợ mỗi người một năm làm việc 0,8 tháng lương. Tổng số tiền hỗ trợ đợt 2 là 164 tỷ đồng. Người nhận hỗ trợ cao nhất 376 triệu đồng và thấp nhất 15,8 triệu đồng, mức bình quân là 130 triệu đồng.

Như vậy, gần 5.700 lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong tháng 6 và tháng 7/2023 được Công ty PouYuen hỗ trợ tổng cộng 689 tỷ đồng.

Đường Vành đai 3 qua Đồng Nai dự kiến khởi công ngày 30/6

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 11,2 km.

Sau hoàn thành, đoạn tuyến dài hơn 11,2 km sẽ kết nối cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM.

Sau hoàn thành, đoạn tuyến dài hơn 11,2 km sẽ kết nối cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành kế hoạch khởi công đường Vành đai 3 - TP.HCM qua địa bàn Tỉnh, dự kiến vào ngày 30/6.

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 11,2 km. Điểm đầu tuyến tại Km0+000 thuộc địa phận xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch. Điểm cuối tuyến kết nối Dự án 1A, đường Vành đai 3 - TP.HCM thuộc xã Long Tân, (huyện Nhơn Trạch) đang thi công.

Đáng chú ý, trên tuyến sẽ xây dựng 2 nút giao khác mức liên thông giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và nút giao với Đường tỉnh 25C. Đồng thời, xây dựng 4 nút giao trực thông với các tuyến đường kết nối như: Hương lộ 19, Tỉnh lộ 25B, Tỉnh lộ 769 và đường Lý Tự Trọng.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án gần 2.600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án thành phần 3 cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án vào năm 2026.

Đường Vành đai 3 - TP.HCM có chiều dài 76,34 km đi qua TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Phủ sóng điện thoại trên cao tốc qua miền Trung

Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang đầu tư xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) để phủ sóng điện thoại trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Theo ông Trần Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị, Sở cùng 3 doanh nghiệp viễn thông khảo sát và dự kiến xây mới 10 - 12 trạm BTS dọc 37 km cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn. Số trạm BTS xây mới sẽ chia đều cho doanh nghiệp và dùng chung hạ tầng để tiết kiệm.

Trong đó, Viettel Quảng Trị xây mới 4 trạm BTS, nâng cấp 2 trạm hiện có. Dự kiến, 4 trạm sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 7.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị cũng đang xúc tiến với nhà mạng xây dựng trạm BTS trên hai tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn. Trong đó, Tỉnh ưu tiên lắp đặt trạm BTS tại đoạn cao tốc đi qua vườn quốc gia Bạch Mã, nơi không có sóng điện thoại.

Riêng chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng 7 trạm BTS. Hiện 2 trạm được xây dựng ở cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế. Cao tốc La Sơn - Túy Loan dài hơn 77 km, nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng, trong đó có hơn 11 km đi qua Vườn quốc gia Bạch Mã. Trên hai tuyến này không có sóng điện thoại, hoặc rất chập chờn, gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn, liên lạc của tài xế.

3 trang trại nuôi heo bị xử phạt gần 1 tỷ đồng vì vi phạm quy định môi trường

Ngày 7/6, UBND tỉnh Gia Lai đã có 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 chủ dự án chăn nuôi heo ở xã Ia Piơr vì vi phạm quy định về môi trường.

Bên trong dự án chăn nuôi heo vi phạm quy định môi trường

Bên trong dự án chăn nuôi heo vi phạm quy định môi trường

Cụ thể, tại các Quyết định số 635, 636 và 637, UBND tỉnh Gia Lai xử phạt vi phạm hành chính lần lượt với 3 doanh nghiệp là: Công ty TNHH MTV Ia Piơr, Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên và Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyên Bảo, có dự án chăn nuôi heo ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Mức xử phạt là 320 triệu đồng đối với mỗi doanh nghiệp. Theo đó, dù chưa có giấy phép về môi trường theo quy định, nhưng Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyên Bảo đang nuôi 19.000 con heo thịt; Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên đang nuôi 1.200 con heo nái; Công ty TNHH MTV Ia Piơr Tân đang nuôi 1.300 con heo nái, 50 con heo đực giống.

Cùng với việc xử phạt, UBND tỉnh Gia Lai đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải tại các dự án này trong thời gian 4,5 tháng.

Hà Nội cưỡng chế giải phóng mặt bằng để cải tạo khôi phục sông Tích

Ngày 7/6, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 4.000 m2; công trình trên đất của nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch Dự án cải tạo, tiếp nước sông Tích.

Việc cưỡng chế được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng

Việc cưỡng chế được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng

Để thực hiện dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội về cải tạo khôi phục sông Tích phục vụ tưới, tiêu nước trên địa bàn, ngày 7/6, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 4.000 m2; công trình trên đất của nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch Dự án cải tạo, tiếp nước sông Tích.

Trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành gặp gỡ các gia đình bị thu hồi đất để tuyên truyền, vận động hộ dân chấp hành vì lợi ích chung của Thành phố. UBND huyện Ba Vì khẳng định, các chế độ chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các ngành chức năng tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, các gia đình vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện bàn giao đất nên UBND Huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền nhằm đảm bảo thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án sông Tích đúng tiến độ.

Dự án sông Tích có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách thành phố Hà Nội và nguồn vốn ODA. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND Thành phố đã đặt ra yêu cầu chủ đầu tư, các quận, huyện có Dự án đi qua phải tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công hạng mục; huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung thi công, bảo đảm đưa nước sông Ðà vào sông Tích trong thời gian sớm nhất, đưa công trình vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

TP.HCM cấm xe một đoạn đường Phạm Ngọc Thạch trong 3 ngày

Từ ngày 9 - 11/6, TP.HCM cấm tất cả loại xe lưu thông trên đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1) đoạn qua Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: Google Maps.

Đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1) đoạn qua Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: Google Maps.

Ngày 7/6, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Phạm Ngọc Thạch để phục vụ tổ chức lễ ra quân các chương trình chiến dịch tình nguyện hè năm 2023.

Cụ thể, từ 0h ngày 9/6 đến 0h ngày 11/6, cấm tất cả loại xe lưu thông trên đường Phạm Ngọc Thạch đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Văn Chiêm để phục vụ công tác chuẩn bị lễ ra quân.

Lộ trình thay thế: Lộ trình 1: Đường Lê Duẩn → đường Pasteur → đường Alexander de Rhodes → đường Phạm Ngọc Thạch. Lộ trình 2: Đường Phạm Ngọc Thạch → đường Nguyễn Văn Chiêm → đường Hai Bà Trưng → đường Lê Duẩn.

Bên cạnh đó, 0 - 16h ngày 11/6, cấm tất cả loại xe lưu thông trên đường Phạm Ngọc Thạch đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Thị Minh Khai để phục vụ tổ chức lễ ra quân.

Lộ trình thay thế: Lộ trình 1: Đường Lê Duẩn → đường Pasteur → đường Nguyễn Thị Minh Khai → đường Phạm Ngọc Thạch. Lộ trình 2: Đường Nguyễn Thị Minh Khai → đường Hai Bà Trưng → đường Lê Duẩn.