Bản tin thời sự sáng 9/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính đề xuất gia hạn loạt sắc thuế năm nay; gần 140 dự án tại TP.HCM hết hạn đầu tư và 30 dự án ngưng thi công; cơ sở bảo dưỡng có thể được kiểm định ô tô; Hà Nội nghiên cứu mở rào một phần công viên Thủ Lệ…

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn loạt sắc thuế năm nay

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I thêm 3 tháng và lùi hạn nộp thuế VAT thêm 6 tháng.

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn loạt sắc thuế trong năm 2023

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn loạt sắc thuế trong năm 2023

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Chính sách giãn hoãn thuế lần này theo Bộ Tài chính nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Năm 2022, Bộ cũng đã chủ động đề xuất chính sách này với mức gia hạn thuế, tiền thuế đất hơn 96.000 tỷ đồng.

Theo đó, Bộ đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế VAT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 (nếu khai theo tháng) và quý I/2023 (nếu khai theo quý), gia hạn 5 tháng đối với số thuế VAT của tháng 6/2023 và quý II/2023.

Tổng số thuế giá trị gia tăng được gia hạn dự kiến khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải nộp trước 31/12 nên không ảnh hưởng số thu ngân sách nhà nước.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 3 tháng với thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I và quý II. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất cho phép hộ cá nhân kinh doanh được chậm nộp thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, muộn nhất tới 30/12/2023.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn 6 tháng với 50% tiền thuê đất phải nộp năm nay của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Số tiền được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng, phải được nộp vào ngân sách trước 30/11.

Gần 140 dự án tại TP.HCM hết hạn đầu tư và 30 dự án ngưng thi công

Qua kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, có 138 dự án hết hạn đầu tư và 30 dự án ngưng thi công.

Dự án Park Vista tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè là một trong những dự án hết hạn chấp thuận đầu tư.

Dự án Park Vista tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè là một trong những dự án hết hạn chấp thuận đầu tư.

Nội dung trên được Sở Xây dựng TP.HCM nêu trong báo cáo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đô thị năm 2022.

Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM có 354 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư, nhưng qua quá trình kiểm tra tiến độ dự án, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, có 138 dự án đã hết thời gian thực hiện dự án theo quy định tại quyết định chấp thuận đầu tư. Ngoài ra còn có, 30 dự án đã ngưng thi công.

Đơn cử như Khu nhà ở cao tầng và khách sạn, thương mại, dịch vụ 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu của Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy; 3 dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ số 76 đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4 của Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP; Khu phức hợp cao ốc văn phòng, thương mại, khách sạn và chung cư số 628-630 Võ Văn Kiệt, Quận 5 của Công ty CP Đầu tư bất động sản Sài Gòn Vina.

Dự án cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ Lakeside Tower (Tháp Bên Hồ), Quận 7 của Công ty CP xây dựng thương mại Đất Phương Nam; Chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ văn phòng (Samland Riverside) tại 147 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh của Công ty CP Địa ốc Samco; Khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao, quận Bình Tân do Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La 5 làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư Đông Mê Kông, huyện Nhà Bè của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại SXXD Đông Mê Kông…

Cơ sở bảo dưỡng có thể được kiểm định ô tô

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện.

Kiểm định xe tại một trung tâm đăng kiểm Hà Nội

Kiểm định xe tại một trung tâm đăng kiểm Hà Nội

Theo ông Nguyễn Tô An, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam, phương án trên sẽ giúp tận dụng trang thiết bị của cơ sở bảo dưỡng; tăng số trung tâm kiểm định, từ đó giúp chủ xe thuận lợi hơn khi đăng kiểm phương tiện.

Một số nước đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn.

Cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (service) và cung cấp phụ tùng chính hãng (spare parts). Cơ sở 4S bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey).

Nhằm hạn chế tiêu cực, tạo thuận lợi cho chủ xe, ông An cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi quy định thành lập trung tâm đăng kiểm; kiểm tra định kỳ hoạt động của các đơn vị; miễn kiểm định lần đầu với xe mới; tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thanh tra...

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất, các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động đơn vị đăng kiểm, không máy móc hoặc lợi dụng để làm khó người dân đến kiểm định; gấp rút xây dựng hệ thống đăng ký lịch hẹn và trả kết quả trực tuyến. Hiện nền tảng này trong quá trình chạy thử.

Đến ngày 30/1, cả nước có 243 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, 37 đơn vị tạm dừng do bị điều tra và không đủ điều kiện vận hành. Việc này khiến chủ xe phải xếp hàng chờ đợi 2 - 3 ngày mới được đăng kiểm, tập trung vào trước Tết Nguyên đán. Hiện tình trạng xếp hàng dài đã giảm do nhu cầu của người dân giảm.

Hà Nội nghiên cứu mở rào một phần công viên Thủ Lệ

Xu hướng chung cải tạo công viên theo hướng mở, riêng Thủ Lệ có vườn thú nên sẽ nghiên cứu mở một phần, theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Cổng soát vé tại công viên Thủ Lệ

Cổng soát vé tại công viên Thủ Lệ

Tại buổi kiểm tra công viên Thủ Lệ, ông Tuấn cho rằng, Thủ Lệ như đảo giao thông, bốn mặt đều giáp đường nên phải nghiên cứu kỹ, "không thể mở toang". Ví dụ khu vực giáp nhà ga S8 (ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) sẽ mở, khu vườn thú và giáp làng Thủ Lệ phải đóng.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung nguồn đầu tư công để cải tạo, tái thiết công viên Thủ Lệ. Ông Tuấn giao các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương cải tạo Thủ Lệ và hai công viên Thống Nhất, Bách Thảo để trình HĐND Thành phố trong kỳ họp chuyên đề tháng 3, hoặc muộn nhất là kỳ họp tháng 6.

Công viên Thủ Lệ được xây dựng năm 1975, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, tổng diện tích 18,7 ha, trong đó 8,7 ha mặt nước. Vườn thú thuộc công viên có 37 chuồng, nuôi gần 600 động vật thuộc 88 loài (32 loài đặc hữu, quý hiếm).

Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, đơn vị quản lý công viên, đề xuất mở rộng vườn thú ở khu cổng chính đường Bưởi và khu phía tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); tăng số chuồng từ 37 lên 42, sử dụng vốn ngoài ngân sách để xây khu động vật biển rộng trên 800 m2 với 1 - 2 tầng hầm.

Hơn 700 xe hàng thông quan mỗi ngày qua cửa khẩu khu vực Lạng Sơn

Các cửa khẩu khu vực tỉnh Lạng Sơn hiện thông quan xuất nhập khẩu với Trung Quốc hơn 700 xe hàng mỗi ngày. Hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả.

Hàng hóa qua cửa khẩu sôi động trở lại

Hàng hóa qua cửa khẩu sôi động trở lại

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan qua cửa khẩu khu vực tỉnh Lạng Sơn trong ngày là 727 xe. Trong đó, tổng số phương tiện có hàng xuất khẩu: 349 xe (223 xe hoa quả, 126 xe hàng khác); tổng số phương tiện nhập khẩu: 378 xe (377 xe hàng, 1 xe mới).

Cửa khẩu phụ Tân Thanh đang là nơi có nhiều xe hàng còn chờ thông quan nhất. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản.

Không chỉ đưa hàng lên Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc qua đường bộ, nhiều doanh nghiệp còn vận chuyển hàng bằng đường sắt. Tại Cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng, số toa xuất khẩu là 22 toa; số toa nhập khẩu là 32 toa.

Như vậy, sau khi Trung Quốc mở cửa thông quan hàng hóa, thay đổi chính sách Zero Covid, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã nhộn nhịp trở lại.

Vietravel Airlines muốn tăng gần 6 lần vốn đầu tư

Vietravel Airlines đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không từ 1.300 tỷ đồng hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025.

Vietravel Airlines đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không

Vietravel Airlines đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không

Đề xuất tăng vốn đầu tư đã được Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) trình Chính phủ xem xét. Sau hơn 2 năm cất cánh, Vietravel Airlines đang sở hữu đội tàu bay 3 chiếc Airbus A321, với quy mô vốn 1.300 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của Hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay. Đối với một hãng hàng không mới, đầu tư phát triển đội tàu bay là nhu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển. Vì chỉ khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, doanh nghiệp mới có thể có lãi.

Theo kế hoạch, hãng Vietravel Airlines đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng vốn đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam tăng lên mức 7.642 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 6.900 tỷ đồng so với hiện nay. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư Dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng.

Trong đó, đến năm 2025, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức mức góp vốn của chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ được Vietravel Airlines huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác nhau...

Ngoài ra, hãng hàng không lữ hành này cũng dự tính trong trường hợp thị trường phục hồi thuận lợi, kinh doanh có lãi, đến năm 2030 doanh nghiệp sẽ có khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối. Đây cũng có thể là một nguồn lực để hỗ trợ hãng tăng vốn đầu tư lên 8.252 tỷ đồng vào năm 2030.

Đà Lạt đề xuất làm phố đi bộ, chợ đêm gần Hồ Xuân Hương

Dự án có kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng nằm phía thượng nguồn hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt). Hiện, Đà Lạt có 2 khu chợ đêm nằm trung tâm thành phố nhưng chỉ mở cửa dịp cuối tuần.

Chợ đêm ở trung tâm TP. Đà Lạt luôn trong tình trạng quá tải dịp cuối tuần

Chợ đêm ở trung tâm TP. Đà Lạt luôn trong tình trạng quá tải dịp cuối tuần

UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), vừa đề xuất Thành ủy Đà Lạt phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm tại địa bàn phường 9. Khu vực được lựa chọn thực hiện Dự án nằm ở phía thượng nguồn hồ Xuân Hương.

Theo đó, Dự án có diện tích gần 121.000 m2, tổng kinh phí 1.837 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến 2023 - 2027, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ khi có quyết định giao đất, cho thuê đất. Trong phương án thiết kế, chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhà biệt lập, nhà liên kế sân vườn, nhà thương mại, nhà ở xã hội và khu phố đi bộ kết hợp chợ đêm.

Theo đề xuất, có khoảng 50% trên tổng số diện tích được cấp là đất ở, còn lại là đất thương mại dịch vụ, đất giao thông, bãi đỗ xe, đất trồng cây xanh, mặt nước…

Hiện, Đà Lạt có phố đi bộ về đêm tại khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt, nhưng chỉ mở cửa thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên, hai địa điểm này nằm ở trung tâm thành phố, tập trung đông người nên thường gây tình trạng ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng trong dịp nghỉ lễ.