Bản tin thời sự sáng 9/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hai sĩ quan Học viện Quân y bị bắt trong vụ án Việt Á; TP.HCM còn 4 phường, xã “vùng cam”; giá thép vượt 18 triệu đồng/tấn, tiến sát đỉnh lịch sử; xuất khẩu thuỷ sản tăng vọt 2 tháng đầu năm 2022; thông xe cầu vượt Dầu Giây sau gần 4 năm chậm tiến độ…

Hai sĩ quan Học viện Quân y bị bắt trong vụ án Việt Á

Thượng tá Hồ Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu của Học viện Quân y bị bắt với cáo buộc có sai phạm liên quan vụ án Việt Á.

Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngày 8/3, Thượng tá Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test Covid-19) bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đại tá Hiệu (Trưởng phòng Trang bị, Vật tư) bị khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.

Trước đó, chấp hành kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 21, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội báo cáo kết quả điều tra, xác minh sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao đề tài “Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019” và sai phạm liên quan Công ty Việt Á. Thượng tá Hồ Anh Sơn được biết đến là chủ nhiệm đề tài này.

Quá trình làm việc, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

TP.HCM còn 4 phường, xã “vùng cam

TP.HCM ghi nhận 4 phường, xã ở nguy cơ dịch cấp 3 (vùng cam), giảm 9 địa bàn so với tuần trước.

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 phường, xã ở nguy cơ dịch cấp 3 (vùng cam)

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 phường, xã ở nguy cơ dịch cấp 3 (vùng cam)

Thông tin được đề cập trong thông báo đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tuần lễ từ 28/2 - 6/3 của Sở Y tế TP.HCM, ngày 8/3.

Các địa bàn vùng cam gồm 3 phường ở Quận 4 và một phường ở Quận 5. 43 phường, xã ghi nhận nguy cơ dịch cấp 2 (vùng vàng), giảm 34 địa phương so với tuần trước. Trong đó, Thủ Đức và Bình Thạnh nhiều "vùng vàng" nhất với 6 phường mỗi nơi; tiếp đó là Quận 8, Phú Nhuận, Tân Phú mỗi nơi 4 phường; Quận 10 với 3 phường... Trong tuần qua, 265 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh).

Theo Sở Y tế Thành phố, các xã, phường ghi nhận nguy cơ dịch cấp 2 và 3 do tăng số ca mắc mới và ca tử vong tăng, tỷ lệ tiêm chủng không đạt.

Dịch ở địa bàn vẫn được đánh giá theo 4 cấp độ, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Giá thép vượt 18 triệu đồng/tấn, tiến sát đỉnh lịch sử

Đầu tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên 0,7 - 1,2 triệu đồng/tấn, tiến gần đến mức đỉnh năm 2021.

Giá thép trong nước đang tiến gần đến mức đỉnh năm 2021

Giá thép trong nước đang tiến gần đến mức đỉnh năm 2021

Thời gian gần đây, giá thép xây dựng trong nước liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Theo đó, tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, thép cuộn CB240 có giá mới là 18,1 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB 300 có giá 18,2 triệu đồng/tấn.

Các thương hiệu thép lớn khác như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý, Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá bán. Cụ thể, thép cuộn CB240 của thương hiệu thép Kyoei tăng 1,2 triệu đồng/tấn, lên mức 18,2 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18,02 triệu đồng/tấn, tăng 820.000 đồng/tấn.

Tượng tự, các dòng thép của Hòa Phát đều tăng khoảng 700.000 đồng/tấn so với giữa tháng 2. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 17,7 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17,8 triệu đồng/tấn. Như vậy, cả hai dòng thép này đã tăng thêm 710.000 đồng/tấn.

Sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tiến sát mức đỉnh khoảng 18,3 triệu đồng/tấn hồi tháng 5/2021.

Nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, trong đó có phôi thép tăng cao. Theo cập nhật của Hiệp hội Thép Việt Nam ngày 23/2, giá phôi thép tăng vượt 700 USD/tấn.

Xuất khẩu thuỷ sản tăng vọt 2 tháng đầu năm 2022

Theo VASEP, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chạm mốc 1,5 tỷ USD

2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chạm mốc 1,5 tỷ USD

Tôm và cá tra là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất trong tháng 2 khi tăng trưởng 3 con số. Luỹ kế 2 tháng, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%, còn tôm 550 triệu USD, tăng 46%.

Với các mặt hàng hải sản, 2 tháng đầu năm xuất khẩu 156 triệu USD, tăng 83%, còn mực, bạch tuộc đạt 97 triệu USD, tăng 45%.

Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng tập trung vào thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, ăn liền và đồ bảo quản lâu. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nhập thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD.

Ở thị trường Nhật, 2 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản tăng 15%, đạt 209 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, Trung Quốc khắt khe trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng đây không phải là trở ngại chính của các công ty xuất sang thị trường này...

Thông xe cầu vượt Dầu Giây sau gần 4 năm chậm tiến độ

Sáng 8/3, Dự án cầu vượt Dầu Giây nằm ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) được thông xe theo hướng Quốc lộ 1A sau gần bốn năm chậm tiến độ.

Toàn cảnh nút giao Dầu Giây

Toàn cảnh nút giao Dầu Giây

Từ 10h, sáng ngày 8/3, ô tô trên Quốc lộ 1A từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại được chạy trên cầu vượt thay vì đi bên dưới như trước đây. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện nên xe máy, xe đạp và người đi bộ không được đi trên cầu.

Động thái được Công ty CP BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư) đưa ra nhằm giảm áp lực xe đi trên Quốc lộ 1 để hoàn thành các hạng mục cuối cùng bên dưới, kịp đưa toàn bộ công trình hoạt động vào cuối tháng 3/2022.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP BT20 - Cửu Long Hoàng Văn Mậu, hiện cơ quan chức năng và nhà thầu đã lắp đặt dải phân cách, biển báo hướng dẫn ô tô qua cầu. Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông thường xuyên túc trực phân luồng.

Dự án cầu vượt Dầu Giây khởi công tháng 3/2017 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Công trình gồm cầu vượt dài hơn 350 m, rộng 16 m, 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng hai bên Quốc lộ 1A (dọc theo cầu vượt) có 4 làn xe.

Dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018, nhưng khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... khiến Dự án nhiều năm chậm tiến độ, ảnh hưởng cuộc sống người dân, khu vực gần Dự án thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông.

Yêu cầu xử lý nghiêm xe ô tô đi sai làn thu phí không dừng

Người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức thu phí ETC đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức này tại các trạm thu phí sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm xe ôtô đi sai làn thu phí không dừng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm xe ôtô đi sai làn thu phí không dừng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai Công điện số 155 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC).

Để khuyến khích các phương tiện dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tăng cường phân luồng giao thông, xử nghiêm các phương tiện đi sai làn thu phí ETC tại trạm thu phí.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng bộ, chia sẻ dữ liệu phương tiện xe cơ giới để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC.

Các nhà đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí được Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu hoàn thiện thủ tục liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng trước ngày 30/4/2022. Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị khi xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Tin cùng chuyên mục