Giá USD ngân hàng vượt 26.000 đồng
Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh, vượt 26.000 đồng một USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
![]() |
Giá USD ngân hàng vượt 26.000 đồng |
Ngày 8/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.898 đồng, tăng 12 đồng so với hôm 7/4. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.653 - 26.143 đồng một USD.
Các ngân hàng tăng mạnh giá mua bán USD, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Vietcombank niêm yết giá USD tại 25.730 - 26.120 đồng, tăng hơn 160 đồng so với hôm 7/4.
Tương tự, BIDV nâng giá USD lên 25.750 - 26.110 đồng. Còn tại Eximbank, nhà băng này niêm yết tỷ giá 25.730 - 26.100 đồng. So với đầu năm, mỗi USD ngân hàng cao hơn khoảng 550 đồng, tương đương hơn 2,2%.
Giá USD trên thị trường chính thức hiện chênh lệch không đáng kể so với thị trường tự do. Một số điểm thu đổi ngoại tệ mua bán USD tại 26.100 - 26.200 đồng.
Chứng khoán giảm sâu, VN-Index “bốc hơi” gần 78 điểm
Trong khi thị trường chứng khoán thế giới có dấu hiệu phục hồi, thị trường trong nước lại tiếp tục lao dốc mạnh sau kỳ nghỉ kéo dài ba ngày. Phiên giao dịch ngày 8/4 ghi nhận VN-Index giảm gần kịch biên độ, mất 77,88 điểm (tương đương 6,43%), xuống còn 1.132,79 điểm.
![]() |
VN-Index chưa thể gượng dậy sau đòn thuế quan của Tổng thống Trump |
Đà giảm diễn ra trên diện rộng khi toàn thị trường có tới 506 mã giảm giá, trong đó 266 mã giảm sàn. Ngược lại, chỉ có 11 mã tăng giá và 14 mã đứng giá. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm mạnh 15,93 điểm (7,34%) xuống 201,04 điểm, với 195 mã giảm (102 mã giảm sàn), chỉ 18 mã tăng và 16 mã đi ngang.
Áp lực bán tháo bao trùm thị trường, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng và nguyên vật liệu. Riêng nhóm 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất gồm: VCB, BID, CTG, TCB, VHM, VIC, FPT, HPG, GAS và VPB - đều giảm sàn hoặc gần sàn - đã khiến chỉ số VN-Index mất hơn 35 điểm trong tổng mức giảm gần 78 điểm.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng với tổng giá trị hơn 1.080 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, ba mã bị bán ròng mạnh nhất là: MBB (hơn 331 tỷ đồng); STB (gần 186 tỷ đồng); VHM (hơn 173 tỷ đồng).
Lực bán áp đảo nhưng lực cầu yếu khiến thanh khoản sụt giảm mạnh so với 2 phiên liền trước. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt khoảng 25.300 tỷ đồng, giảm hơn 16.900 tỷ đồng so với phiên trước đó. Tính chung cả hai sàn HOSE và HNX, tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 26.600 tỷ đồng, giảm khoảng 17.400 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ ngạch công chức
Thay vì quản lý và bổ nhiệm theo ngạch, Bộ Nội vụ đề xuất vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc, thể hiện tính chất công việc và khung năng lực.
![]() |
Công chức làm việc tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng |
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo luật hiện hành, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, tại dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức (Điều 42 đến Điều 46), thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm.
Cụ thể, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc; thể hiện mức độ khác nhau về tính chất công việc; yêu cầu về khung năng lực tương ứng. Trên cơ sở đó, các cơ quan tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quản lý công chức và trả lương theo nguyên tắc "làm ở vị trí việc làm nào thì hưởng mức lương tương ứng của vị trí việc làm ấy".
Ngoài ra, việc xác định thứ bậc của vị trí việc làm căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới. Nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.
Về phân loại, vị trí việc làm của công chức gồm: lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ. So với quy định hiện hành, dự luật bỏ "chuyên môn dùng chung". Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
Cơ quan quản lý có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với cán bộ, nội dung phân loại gồm vị trí việc làm; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Vị trí việc làm của cán bộ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định, hướng dẫn.
Nguyên tắc, phương pháp, trình tự, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm; hệ thống vị trí việc làm; trách nhiệm, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, ban hành vị trí việc làm; quản lý việc làm của công chức dự kiến được Quốc hội giao Chính phủ quy định.
Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Khách trả nhầm gần 5 tỷ đồng/m2 đất đấu giá Hưng Yên
Do sơ suất, một khách hàng trả giá nhầm 4,92 tỷ đồng/m2 cho một thửa đất tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
![]() |
Một khu đất từng được đem ra đấu giá tại Hưng Yên |
Tại phiên đấu giá mới đây tại xã Nhật Tân (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), 82 thửa đất thuộc khu dân cư mới số 1, điện tích 95 - 157,3 m2 đã "lên sàn" với giá khởi điểm 10 - hơn 21 triệu đồng/m2.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, đấu giá viên của công ty tổ chức đấu giá cho biết, trong phiên này, một người dân địa phương đã "trả nhầm" mức giá 4,92 tỷ đồng/m2. Sự cố được cho là do khách "ghi nhầm" thành mức giá cho cả thửa đất, thay vì ghi mức giá theo mỗi m2.
Cũng theo bà Giang, trước khi phiên đấu giá diễn ra, ban tổ chức đã phổ biến quy chế và hướng dẫn rõ ràng về việc ghi giá theo đơn vị m2. Trường hợp nhầm lẫn này có thể do khách lần đầu tham gia đấu giá đất, cộng với tâm lý không tốt nên sơ suất, không phải cố tình nhằm phá phiên đấu giá.
Đấu giá viên cũng cho hay vị khách này sẽ sớm gửi đơn lên cơ quan chức năng để trình bày về sự cố và xin hoàn cọc. Trong trường hợp đơn không được chấp thuận, người đấu giá sẽ "mất trắng" số tiền đặt trước là 360 triệu đồng.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố nhầm lẫn trong các phiên đấu giá. Sự việc tương tự cũng diễn ra trong phiên đấu giá đất xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào tháng 3 vừa qua.
Cụ thể, một người đàn ông tham gia đấu giá 2 thửa đất, trả giá 5 tỷ đồng/m2, khiến tổng giá trị hai thửa lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Ngay sau đó, người này đã có đơn gửi đến các cơ quan, cho biết bản thân bị nhầm lẫn và xin nhận lại số tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết, phiếu trả giá này được người dân mang về nhà để điền thông tin, không phải làm ngay tại hội trường. Huyện không chấp thuận trả cọc và người đấu giá sau đó mất gần 800 triệu đồng.
Ngày đầu đấu giá biển số xe máy, có biển được trả 158 triệu đồng
Biển số 69AM-199.99 của tỉnh Cà Mau được trả giá hơn 107 triệu đồng sau hơn 15 phút lên sàn. Cuối cuộc đấu giá, con số này liên tục được tăng lên và dừng ở mức 158 triệu đồng.
![]() |
Biển số xe máy của tỉnh Cà Mau được trả giá 158 triệu đồng |
Chiều 8/4, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam lần đầu tiên tổ chức đấu giá biển số xe mô tô, gắn máy. Ngày đầu của phiên đấu giá thứ 6, Bộ Công an đã đưa ra đấu giá 49.751 biển trong số 1,55 triệu biển số xe mô tô, gắn máy được niêm yết.
Đầu giờ chiều cùng ngày, biển số 29AC-666.68 (thuộc dải số Hà Nội) được đưa ra đấu giá đầu tiên.
Sau khoảng 2 phút lên sàn, biển này đã được trả giá đến 45 triệu đồng. Kết thúc lượt đấu giá, biển số này được "chốt" với giá 116 triệu đồng.
Cũng trong lượt đầu giá chiều 8/4, biển số 69AM-199.99 của tỉnh Cà Mau được trả giá hơn 107 triệu đồng sau hơn 15 phút lên sàn. Biển số này liên tục được trả giá tăng lên và trúng đấu giá với 158 triệu đồng. Một biển số xe máy khác được trả giá cao là 50AA-788.88 với 122 triệu đồng.
Trong các ngày tiếp theo, trong dải số biển xe máy của Hà Nội và TP.HCM sẽ có loạt biển số ngũ quý được đấu giá như 50AA-999.99 (ngày 9/4); 50AA-666.66 (ngày 11/4); 50AA-777.77 (ngày 14/4); 29AC-222.22 (ngày 15/4).
Ngoài ra còn có hơn 624.000 biển số ô tô cũng đang được niêm yết để người dân lựa chọn.
Hai địa phương có số lượng biển số đưa ra đấu giá nhiều nhất là Hà Nội (217.754 biển số) và TP.HCM (212.026 biển số).
Giá khởi điểm của biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, biển số xe máy là 5 triệu đồng.
TP.HCM hơn 1.000 nhà trọ sẽ phải đóng cửa vì không đảm bảo an toàn cháy nổ
Hơn 200 cơ sở kinh doanh phòng trọ, nhà trọ tại TP.HCM đã dừng hoạt động, 837 cơ sở khác bị đề nghị đóng cửa do tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
![]() |
Nhà trọ công nhân trên địa bàn TP.HCM |
Báo cáo từ Công an TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.046 cơ sở kinh doanh cho thuê nhà trọ (với khoảng 9.570 phòng và 15.549 người), còn tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Đến đầu tháng 4 năm nay, có 209 nhà trọ vi phạm đã tự dừng kinh doanh, còn lại 837 cơ sở chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy đang được Công an TP.HCM tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo các cấp quận, huyện đề nghị những cơ sở này dừng hoạt động trong thời gian tới.
Chính quyền Thành phố sẽ phối hợp với các địa phương thông báo đến 15.000 khách thuê trọ biết nơi đang sinh sống không đảm bảo an toàn, đề nghị họ tìm nơi thuê trọ khác.
Công an cấp xã, phường sẽ tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về cư trú cho người thuê trọ, không giải quyết đăng ký cư trú với các cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy này. Thành phố sẽ công khai danh sách các cơ sở vi phạm và các cơ sở đảm bảo an toàn về phòng cháy nổ trên địa bàn để người thuê trọ nắm thông tin, tìm thuê nhà trọ phù hợp.
TP.HCM có 53.611 cơ sở nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê. Qua kiểm tra, có gần 16.000 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Sau 30/3, qua rà soát, Thành phố có 11.362 trên tổng số gần 16.000 cơ sở đã hoàn thành khắc phục, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, số lượng cơ sở chưa hoàn thành khắc phục là 4.621. Những cơ sở vi phạm chủ yếu tập trung vào 2 hành vi là chưa tạo lối thoát nạn khẩn cấp, chưa thực hiện giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và đường thoát nạn.
Trong năm ngoái, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 437 vụ cháy làm chết 16 người, bị thương 21 người, thiệt hại khoảng 12,5 tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy phổ biến nhất là do sự cố các hệ thống, thiết bị điện sản xuất - sinh hoạt.
Khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tháng 4
Sáng 8/4, UBND 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã tổ chức cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
![]() |
Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành |
Tại cuộc họp, mục tiêu được hai địa phương thống nhất là khởi công Dự án trong tháng 4/2025, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Theo báo cáo từ các sở, ngành, công tác lập hồ sơ pháp lý, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị mặt bằng và khu tái định cư đang được đẩy nhanh. Bình Phước hiện đã quy hoạch 17 vị trí làm bãi thải phục vụ dự án. Công tác giải phóng mặt bằng - yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ - đang được cả 2 địa phương gấp rút triển khai.
Lãnh đạo 2 tỉnh khẳng định tinh thần làm việc quyết liệt, rõ trách nhiệm, yêu cầu các đơn vị chuyên môn bám sát tiến độ từng ngày, hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý để sẵn sàng tổ chức lễ khởi công theo đúng kế hoạch trong tháng 4.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài 128,8 km, chia làm 5 dự án thành phần. Điểm đầu kết nối với Quốc lộ 14 tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thị xã Chơn Thành (Bình Phước).
Dự án được thiết kế 4 làn xe, mặt cắt nền đường rộng từ 24,75 - 25,5 m, tốc độ tối đa 120 km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 10.500 tỷ đồng, địa phương góp hơn 2.200 tỷ đồng, phần còn lại là vốn huy động theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Theo kế hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Hai địa phương sẽ chủ trì thực hiện 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tập trung vào giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt. Riêng tỉnh Bình Phước phụ trách thêm dự án thành phần số 3 và số 5, trong đó có một đoạn đầu tư theo PPP.
Hà Nội mở bán hơn trăm căn nhà xã hội từ 13,7 triệu đồng/m2
Sau 5 năm cho thuê, hai tòa OXH2, OXH3 thuộc Dự án nhà xã hội Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) được nhận hồ sơ đăng ký mua với giá từ 13,7 triệu đồng/m2.
![]() |
Phối cảnh khu nhà xã hội tòa OXH3 tại Khu đô thị mới Kiến Hưng (quận Hà Đông) |
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua tại hai tòa OXH2 và OXH3 thuộc Dự án xây dựng nhà xã hội Kiến Hưng (quận Hà Đông). Chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng và Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Phú.
Đợt mở bán này có 103 căn, gồm 21 căn tại tòa OXH3 (diện tích 56,4 m2) và 82 căn ở tòa OXH2 (diện tích 35 - 56 m2). Các căn được mở bán với giá từ 13,7 triệu đồng mỗi m2 (gồm thuế VAT, chưa có kinh phí bảo trì). Người mua cần trả khoảng 479 - 778 triệu đồng một căn.
Đối tượng được mua là các khách hàng đang thuê nhà xã hội tại hai tòa này đủ thời hạn 5 năm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 9/5. Đây là quỹ căn nhà xã hội thuộc diện chuyển bán sau 5 năm cho thuê.
Trước đó, Hà Nội có hàng trăm căn nhà xã hội thuộc diện chuyển bán sau 5 năm cho thuê, dao động 7,6 - 13,6 triệu đồng một m2. Đơn cử, Khu nhà xã hội Phú Lãm, quận Hà Đông có hơn 400 căn đủ điều kiện chuyển bán với giá khoảng 13,6 triệu đồng mỗi m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì).
Khu nhà xã hội CT2A thuộc khu nhà ở Thạch Bàn, quận Long Biên có 82 căn được mở bán với giá khoảng 12,3 triệu đồng mỗi m2. Hay Khu đô thị mới Đặng Xá 2, Gia Lâm, cũng có 3 căn đủ điều kiện chuyển bán với giá 7,6 triệu đồng một m2.
Theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, Hà Nội có mục tiêu phát triển nhà xã hội cao hàng đầu cả nước với 56.200 căn. Tuy nhiên, 4 năm qua, Thành phố hoàn thành chưa đến 21% chỉ tiêu đề ra. Năm ngoái, cả Thủ đô chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội cho thuê được cấp phép xây dựng.
Hơn 3 triệu USD giúp Việt Nam tăng trưởng xanh
Khoảng 3 triệu USD đã được các tổ chức, nhà tài trợ rót vào 8 dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo... giúp Việt Nam tăng trưởng xanh.
![]() |
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) nằm cạnh hồ Dầu Tiếng |
Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nêu tại buổi họp báo Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, chiều 8/4.
Theo Thứ trưởng Vũ, tính đến nay, khoảng 63 triệu USD đã được đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, Việt Nam có 8 dự án được tài trợ 3 triệu USD trong các lĩnh vực như giảm thất thoát và lãng phí lương thực, nông nghiệp thông minh, nguồn nước bền vững và năng lượng tái tạo - giao thông không phát thải.
Song ông Vũ cho rằng, số tiền tài trợ chưa nói lên tầm quan trọng của hợp tác tăng trưởng xanh toàn cầu. Do đó, diễn đàn P4G lần này sẽ là nơi các lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn chia sẻ kinh nghiệm, chính sách tăng trưởng xanh, nhằm lan tỏa thông điệp hành động toàn cầu trong ứng phó với thách thức chung của nhân loại. Đây là hội nghị cấp cao trong lĩnh vực tăng trưởng xanh được Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức, diễn ra ngày 14 - 17/4.
Diễn đàn P4G là sáng kiến từ năm 2017, với 9 quốc gia thành viên gồm Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia và Nam Phi cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Sáng kiến đã cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, với kinh phí từ 3 nước thành viên Đan Mạch, Hà Lan và Hàn Quốc.
Hội nghị dự kiến quy tụ 800 - 1.000 đại biểu, gồm triển lãm, các phiên thảo luận cấp cao về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đối thoại doanh nghiệp và 5 phiên thảo luận cấp Bộ trưởng. Dự kiến, P4G sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội, Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ chế đa phương trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Đây là hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, sau 3 hội nghị tại Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023).
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vốn đầu tư 38.917 tỷ đồng
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ kết nối giao thương kinh tế, du lịch rừng và biển.
![]() |
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ thi công qua đèo An Khê có địa hình hiểm trở, đồi dốc cao |
Ngày 8/4, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Rah Lan Chung đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chuẩn bị cho công tác thi công tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 123 km, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 38.917 tỷ đồng. Dự kiến khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029.
Tuyến cao tốc bắt đầu từ Quốc lộ 19B (Km39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh (QL14), thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4 km; đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85,6 km.
Cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe, tốc độ khai thác 100 km/h. Riêng đoạn qua đèo An Khê và đèo Mang Yang (mỗi đoạn dài khoảng 20 km), do địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc cao, tốc độ thiết kế được điều chỉnh xuống còn 80 km/h.
Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công, trong tháng 3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh đã đấu giá thành công 9 mỏ khoáng sản. Các huyện hiện đang tiếp tục đề xuất khai thác thêm để bổ sung nguồn cung phù hợp với tiến độ và nhu cầu Dự án.
Liên quan đến công tác thẩm định, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/4.
Sau đó, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan trình Dự án lên Quốc hội trước ngày 15/4/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện hồ sơ, thống nhất hướng tuyến và đề xuất xây dựng Dự án theo đúng kế hoạch.
Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng hoạt động xe điện chở khách
Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định tạm dừng hoạt động xe bốn bánh có gắn động cơ (xe điện, xe xăng) chở khách trước ngày 1/7, do nhiều vi phạm về tốc độ, tranh giành khách, đỗ xe sai quy định và gây tai nạn.
![]() |
Tình trạng tranh giành khánh vẫn diễn ra |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông báo về những bất cập trong hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ (bao gồm cả xe điện và xe xăng) chở khách trên địa bàn Tỉnh thời gian qua.
Theo đó, Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Nghị định 158/2024 của Chính phủ trước ngày 1/7 để được tiếp tục hoạt động.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 288 phương tiện loại này đang hoạt động tại hai địa phương là huyện Côn Đảo và TP. Vũng Tàu.
Hoạt động thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ được triển khai tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2016. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều tồn tại.
Cụ thể, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ (trên 30 km/h) diễn ra phổ biến, với 153 biên bản vi phạm hành chính và 19 giấy phép lái xe bị tước trong năm 2024.
Đáng chú ý, có trường hợp doanh nghiệp sử dụng xe điện không được cấp phép thí điểm để chở khách du lịch tại TP. Vũng Tàu.
Ngoài ra, tình trạng tranh giành khách, ứng xử thiếu văn hóa với hành khách, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị vẫn còn diễn ra. Một số phương tiện không tuân thủ phạm vi hoạt động, tuyến đường và khung giờ được cấp phép, gây mất an toàn giao thông.
Theo Nghị định 158/2024 của Chính phủ về hoạt động vận tải đường bộ, các đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ tham gia hoạt động thí điểm được phép tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/6/2025.