Bản tin thời sự sáng 9/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam yêu cầu Đài Loan hủy tập trận trái phép ở Ba Bình; 11 nhà máy thủy điện dừng phát; Hà Nội thu hồi Dự án công viên Hello Kitty; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 47% dự toán; đề xuất lắp bổ sung 17 camera phạt nguội quanh sân bay Tân Sơn Nhất…

Việt Nam yêu cầu Đài Loan hủy tập trận trái phép ở Ba Bình

Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, yêu cầu hủy bỏ hoạt động trái phép này.

Ảnh vệ tinh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Ảnh vệ tinh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

"Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 8/6 cho hay.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra một ngày sau khi lực lượng Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật trái phép ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động trái phép trên và không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố, khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo này và từng triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú.

11 nhà máy thủy điện dừng phát

9 hồ thủy điện về mực nước chết, 11 nhà máy phải dừng phát, gây thiếu hụt cho miền Bắc khoảng 5.000 MW.

Cửa xả đập Thủy điện Thác Bà cạn khô nước

Cửa xả đập Thủy điện Thác Bà cạn khô nước

Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước chết. Để đảm bảo vận hành, các tổ máy tại 11 nhà máy như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Tại Yên Bái, lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Thác Bà cho biết, sáng 8/6, mực nước trong hồ thủy điện này là 45,65 m, thấp hơn 0,5 m so với mực nước chết - mức không thể phát điện.

Lần đầu trong 52 năm, nhà máy này phải dừng vận hành 2 tổ máy từ 1/6. Tổ máy số 3 vẫn vận hành nhưng ở mức phát tối thiểu (15 MW) để cấp nước cho hạ du theo quy trình điều tiết liên hồ chứa và cung ứng điện. Nếu mực nước xuống dưới 45 m, có thể phải dừng thêm tổ máy số 3 vì rủi ro lớn cho vận hành.

"Tổ máy số 3 vận hành ở mức tối thiểu nhưng khi chạy dưới mực nước chết, rung lắc, nguy cơ nứt cánh turbin có thể xảy ra. Các cán bộ kỹ thuật phải trực 24/24. Hai tổ máy còn lại cũng được bảo dưỡng để khi đủ nước là phát điện", lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Thác Bà cho biết.

Hồ cạn nước, lượng phát thấp nên hiện sản lượng của nhà máy này trong tháng 5 chỉ bằng 10% năm ngoái, khoảng 2 triệu kWh.

Hà Nội thu hồi Dự án công viên Hello Kitty

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chấm dứt hoạt động Dự án Tổ hợp công viên giải trí và phụ trợ tại 151, 153 Yên Phụ.

Khu đất dự án công viên Hello Kitty nằm trên đường Yên Phụ, giáp Hồ Tây

Khu đất dự án công viên Hello Kitty nằm trên đường Yên Phụ, giáp Hồ Tây

Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội - một doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn BRG. Dự án có tên thương mại là Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nêu lý do chấm dứt hoạt động Dự án là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong 6 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư.

Dự án vui chơi giải trí này nằm tại số 151, 153 Yên Phụ, Tây Hồ, quy mô khu đất gần 30.000 m2. Năm 2018, Hà Nội đã duyệt quy hoạch cho Dự án, với 8 tầng và mật độ xây dựng 80%. Theo quyết định chủ trương đầu tư của TP. Hà Nội, công viên Hello Kitty dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện Dự án vẫn là khu đất trống được quây tôn.

Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 47% dự toán

Chiều ngày 8/6, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt khoảng 51,2% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt khoảng 43,2% dự toán.

Người dân nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP. Cần Thơ

Người dân nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP. Cần Thơ

Theo Bộ Tài chính, dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng đang trong xu hướng giảm, thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán.

Bộ Tài chính cho biết, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước, thì số thu nội địa 5 tháng bằng khoảng 97,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Về số thu trên địa bàn, theo Bộ Tài chính, ước tính có 17/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 48% dự toán; 13/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm sút; luỹ kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế tính đến ngày 15/5/2023 đạt khoảng 45,5 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 5, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 5 khoảng 63,16 nghìn tỷ đồng; trong đó miễn, giảm khoảng 25,16 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách nhà nước, 5 tháng đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán. Năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng.

Đề xuất lắp bổ sung 17 camera phạt nguội quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Trung tâm Quản lý giao thông đô thị đề xuất với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM lắp thêm 17 camera quan sát giao thông và phạt nguội quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Đề xuất lắp bổ sung 17 camera phạt nguội quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Đề xuất lắp bổ sung 17 camera phạt nguội quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Đường Trần Quốc Hoàn được lắp 2 camera quan sát giao thông khu vực đường Phan Thúc Duyện và Lăng Cha Cả.

Tại đây, từ đoạn giao với đường Phan Đình Giót có 7 camera giám sát được kéo dài đến cầu vượt Trường Sơn vào ga quốc nội, quốc tế.

Các camera này sẽ giúp Trung tâm Quản lý giao thông đô thị điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông phù hợp với từng thời điểm trong ngày.

Ngoài ra, camera ở tuyến đường này cũng giám sát và xử phạt nguội những xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.

Tương tự, tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả cũng được bố trí 3 camera góc đường Hoàng Văn Thụ, cầu vượt về phía đường Cộng Hòa. Nơi đây rất nhiều phương tiện đi lại, các đèn tín hiệu giao thông được điều chỉnh tăng hoặc giảm thời lượng đèn nhằm giúp điều tiết dòng xe.

Đáng chú ý, trên đường Trường Sơn được lắp nhiều camera nhưng cũng là tuyến đường thường xảy ra tình trạng xe khách dừng đón trả khách sai quy định.

Để giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã kiến nghị Sở GTVT cho lắp đặt thêm 17 camera quan sát giao thông phạt nguội và 8 bảng báo điện tử. Kinh phí khoảng 19,4 tỷ đồng từ nguồn vốn duy tu, thực hiện từ nay đến năm 2024.

Hiện nay, tại khu vực sân bay có 51 camera, trong đó 35 camera quan sát giao thông (13 camera xử phạt nguội trên tuyến đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn và Phạm Văn Đồng) và 16 camera đo đếm lưu lượng xe. Có 12 bảng báo điện tử trên các tuyến đường: Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót...

17 vị trí mà Trung tâm đề xuất lắp camera như: nút giao Hoàng Văn Thụ - Phạm Văn Hai, đường Cộng Hòa - hẻm 18A, nút giao đường Trường Chinh - Tân Sơn Nhì - Trương Công Định, Phạm Văn Đồng - Đặng Văn Sâm - Hồng Hà - Yên Thế…

Khởi công xây cầu vượt gần 260 tỷ đồng ở Bắc Giang

Ngày 8/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Giang phối hợp với nhà thầu khởi công xây dựng cầu vượt đường vành đai Đông Bắc thành phố Bắc Giang.

Phối cảnh dự án

Phối cảnh dự án

Dự án có địa điểm xây dựng tại phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, với diện tích sử dụng đất khoảng 2,5 ha. Mục tiêu đầu tư nhằm giảm các xung đột giao thông với đường sắt và các nguy cơ mất an toàn giao thông; mở rộng không gian đô thị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố Bắc Giang.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 259,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Bắc Giang (bao gồm cả xây lắp, chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Giang.

Các hạng mục của công trình gồm: Cầu vượt bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu khoảng 290,22 m, chiều rộng mặt cắt ngang 18 m; chiều rộng mặt đường gom mỗi bên 11,5 m (phần xe chạy mỗi bên khoảng 7,5 m, dải an toàn mỗi bên 0,5 m, hè đường mỗi bên 3,5 m). Dự kiến cầu hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 5 năm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 với người không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 5 năm

Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 5 năm

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất ngoài hạ tuổi, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Nếu đề xuất được thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính thêm 700.000 người cao tuổi vào lưới an sinh. Kinh phí phát sinh mỗi năm khoảng 7.100 tỷ đồng.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, giảm tuổi hưởng giúp người già có thêm tiền cải thiện cuộc sống. Chính sách cũng giảm áp lực cho các địa phương có ngân sách hạn hẹp do tiền chi trợ cấp cho người trên 80 tuổi hiện do các tỉnh thành đảm nhiệm. Song nâng mức tiền trợ cấp dễ gây so sánh với nhóm đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, tạo áp lực phải tăng mức trợ giúp.

Trợ cấp hưu trí xã hội là khoản tiền ngân sách nhà nước cấp cho người già trên 80 tuổi không có lương hưu cũng như trợ cấp BHXH hàng tháng. Độ bao phủ an sinh cho người già sau tuổi nghỉ hưu của cả nước mới đạt 35%, trong đó 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng và hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Nghị quyết 28 của Trung ương đặt mục tiêu bao phủ 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã hoàn thiện lấy ý kiến lần đầu, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nhân viên xe buýt tại Đà Nẵng ngừng việc tập thể vì bị nợ lương

Bức xúc vì bị nợ lương 4 tháng, hơn 100 tài xế và phụ xe buýt Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (Đà Nẵng) đã nghỉ làm ba ngày qua.

Nhân viên xe buýt tại Đà Nẵng ngừng việc tập thể vì bị nợ lương

Nhân viên xe buýt tại Đà Nẵng ngừng việc tập thể vì bị nợ lương

8/6 là ngày thứ ba tài xế, nhân viên bán vé hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vận hành ngừng việc nhằm gây sức ép buộc doanh nghiệp thanh toán tiền lương. Họ tập trung tại điểm xuất phát xe buýt trên đường Xuân Diệu, quận Hải Châu và rải rác ở các quán cà phê gần đó.

Công ty Quảng An đang vận hành hơn 50 xe buýt trợ giá toàn Thành phố. Trong đó, tuyến đông khách nhất là Kim Liên (giáp Thừa Thiên Huế) đến Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn (giáp Quảng Nam).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, Quảng An nợ lương tháng 2 - 4, riêng tháng 5 đang tính toán theo kỳ trả lương hàng tháng. Đến ngày 31/5, doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của chi nhánh tại Đà Nẵng hơn 8,3 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp trình bày do "đang khó khăn".

UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giao thông đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Quảng An 1, yêu cầu trả lương và bảo hiểm xã hội đúng quy định. "Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì chúng tôi sẽ cùng với bảo hiểm xã hội kiện ra tòa", ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, cho biết.

Hệ thống buýt trợ giá của Đà Nẵng đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, do Công ty Quảng An 1 trúng thầu vận hành. Trong đó, số tiền Đà Nẵng trợ giá cho 11 tuyến buýt từ tháng 1/2017 - 5/2022 gần 138 tỷ đồng.

Do đa số xe buýt công ty Quảng An 1 vận hành vắng khách nên việc công nhân ngừng việc không ảnh hưởng đến giao thông công cộng ở Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục