Bản tin thời sự sáng 9/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2; ngầm hóa 3,5 km kênh ô nhiễm nhất Hải Phòng; chi gần 5.000 tỷ đồng xây đường kết nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dabaco sắp chào bán gần 93 triệu cổ phiếu giá rẻ…

Đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập phương án nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Công trường sân bay Long Thành giai đoạn 1

Công trường sân bay Long Thành giai đoạn 1

Theo Nghị quyết 94/2015, Quốc hội xác định quy mô đầu tư sân bay Long Thành theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Bộ GTVT, để có thể triển khai san lấp mặt bằng khu vực Nhà ga hành khách T2 và đường cất hạ cánh thứ 2, Chính phủ cần chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2 của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua.

Trước đó, trong năm 2023, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường băng thứ 2 để đầu tư ngay sau khi hoàn thành Dự án giai đoạn 1.

Bộ GTVT sau đó đề nghị ACV nghiên cứu phương án, báo cáo Bộ để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Chính phủ. Theo ACV, các hạng mục nêu trên không nằm trong phạm vi của Dự án giai đoạn 1 nên chưa xác định được chủ đầu tư, chưa được quy định phạm vi sử dụng đất. Những nội dung này cần được làm rõ tại báo cáo nghiên cứu khả thi.

Khi hơn một nửa số gói thầu trong giai đoạn 1 đã được đấu thầu, ACV tiết kiệm được khoảng 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, doanh nghiệp đang tính toán đề xuất phương án xây dựng đường cất, hạ cánh số 2 bằng nguồn vốn này.

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay được xây dựng đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Dự án đặt mục tiêu công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 16,06 tỷ USD, chia 3 giai đoạn đầu tư.

Ngầm hóa 3,5 km kênh ô nhiễm nhất Hải Phòng

TP. Hải Phòng sẽ ngầm hóa mương Đông Bắc đoạn dài 3,5 km từ cống Máy Đèn đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên do bị ô nhiễm nặng, nước bốc mùi.

Kênh Đông Bắc bị ô nhiễm nặng

Kênh Đông Bắc bị ô nhiễm nặng

Chủ trương này vừa được Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đồng ý sau khi kiểm tra phương án đầu tư đường từ nút giao chân cầu Máy Chai tới đường Lê Thánh Tông.

Theo đó, giai đoạn một Thành phố sẽ ngầm hóa kênh từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong thành đường nhựa rộng 24 m, dải phân cách giữa 2,5 m, chiều rộng vỉa hè thay đổi tùy theo mặt cắt.

Giai đoạn này Thành phố cũng mở rộng các nút giao với đường Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Đà Nẵng, Lê Hồng Phong; mở rộng các cống Cầu Tre, Máy Đèn đảm bảo khả năng tiêu thoát nước cho toàn tuyến.

Dự án sẽ được trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2025, khởi công đầu năm 2026, hoàn thành cuối năm 2026.

Giai đoạn hai, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng các đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên, trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2026.

UBND quận Ngô Quyền được giao lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 quận Ngô Quyền đến 2025, trong đó cập nhật hướng tuyến đường nêu trên, trình Sở Xây dựng thẩm định.

Đông Bắc là một trong ba kênh thoát nước chính trong nội thành Hải Phòng, chảy qua quận Ngô Quyền. Từ nhiều năm nay, dòng kênh này ô nhiễm nhất Thành phố, nước đen, bốc mùi, lòng kênh đầy bùn, rác.

Đoạn cuối của kênh đổ ra sông Cấm ở cống Máy Đèn, ngay dưới chân cầu Máy Chai đang được thi công. Khi hoàn thành vào tháng 8/2025, cây cầu này sẽ nối trung tâm Hải Phòng với đảo Vũ Yên, nơi đang xây dựng khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái.

Chi gần 5.000 tỷ đồng xây đường kết nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Tuyến đường kết nối Quốc lộ 1A giao với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (Nam Định).

Đây là dự án giao thông quan trọng có nhiệm vụ kết nối các huyện phía Đông Nam của tỉnh Hà Nam gồm huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương và khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần. Dự án đang trong quá trình thi công, trong đó đoạn từ Quốc lộ 1 đến nút giao thông Liêm Sơn có phần nền đường rộng 55 m xây dựng trước đây.

ĐTM cho biết, Dự án gồm 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 46,5 km. Trong đó, tuyến số 1 kết nối Quốc lộ 1 với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Chiều dài tuyến gần 32 km, trong đó tận dụng hoàn toàn tuyến đường từ Đường tỉnh 491 đến đường nối hai đường cao tốc dài 2,68 km do UBND huyện Lý Nhân đã đầu tư.

Tuyến số 2 kết nối di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định) với chiều dài trên 14,6 km.

Về phần cầu, tuyến 1 sẽ có 3 cầu, trong đó 2 cầu vượt sông, 1 cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 21A; tuyến 2 có 1 cầu vượt kênh Như Trác.

Tổng diện tích chiếm dụng đất của Dự án khoảng 263,006 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng.

Dabaco sắp chào bán gần 93 triệu cổ phiếu giá rẻ

Cổ đông Dabaco được mua cổ phiếu phát hành thêm với giá ưu đãi gần 60%, còn nhân viên Công ty được mua cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi trên 70%.

Dabaco sẽ phát hành thêm 92,7 triệu cổ phiếu mới, dự kiến tổng số tiền thu được là 1.330 tỷ đồng

Dabaco sẽ phát hành thêm 92,7 triệu cổ phiếu mới, dự kiến tổng số tiền thu được là 1.330 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vừa thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với tổng số lượng dự kiến phát hành lên đến 92,7 triệu cổ phiếu.

Theo đó, Dabaco sẽ chào bán 80,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3:1 (sở hữu 3 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Đồng thời, doanh nghiệp chăn nuôi này sẽ phát hành 12 triệu cổ phiếu theo diện ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên.

Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu là cổ phiếu phổ thông, không hạn chế chuyển nhượng; còn cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 12 tháng.

Thông qua 2 đợt phát hành này, Dabaco dự kiến thu về 1.330 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

Mục đích chính của đợt chào bán là để đầu tư vào Dự án Nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco, góp phần gia tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp...

Sau khi hoàn thành 2 phương án trên, Dabaco sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 48,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động dự kiến tối thiểu 1.355 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại khoản nợ.

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm nay, doanh nghiệp chăn nuôi tại Bắc Ninh ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, Dabaco ghi nhận lãi gộp gần 350 tỷ đồng quý này, trong khi cùng kỳ âm 70 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, thuế thu nhập, Dabaco lãi ròng hơn 72 tỷ đồng quý I, trong khi cùng kỳ lỗ tới gần 321 tỷ đồng.

TP.HCM thu gần 6 tỷ đồng mỗi ngày từ phí hạ tầng cảng biển

Kể từ khi triển khai hoạt động thu phí cảng biển từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/5/2024, TP.HCM đã thu được 4.717 tỷ đồng. Bình quân đạt 5,96 tỷ đồng mỗi ngày.

TP.HCM thu được 4.717 tỷ đồng kể từ khi triển khai thu phí cảng biển từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/5/2024

TP.HCM thu được 4.717 tỷ đồng kể từ khi triển khai thu phí cảng biển từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/5/2024

Thông tin trên được ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết trong phiên họp báo thường kỳ.

Theo ông Dũng, số tiền thu được dành để xây dựng một số dự án tăng cường kết nối các cảng biển, cụ thể: Xây dựng nút giao An Phú (tiến độ hoàn thành khoảng 40%, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025); Xây dựng nút giao Mỹ Thủy (tiến độ hoàn thành khoảng 45%, dự kiến hoàn thành tháng 1/2026).

Ngoài ra, Thành phố cũng hoàn thành thi công mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy). Phần tổ chức giao thông sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024.

Trước đó, cuối năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển, triển khai từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐND Thành phố đã hai lần thông qua nghị quyết lùi thời hạn thu phí và chính thức thu từ 1/4/2022.

Tuy nhiên, từ khi triển khai thu phí, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã có một số ý kiến liên quan đến đối tượng thu phí và mức phí áp dụng khác nhau giữa mở tờ khai trong và ngoài Thành phố cần phải điều chỉnh. Do đó, Thành phố đã nghiên cứu, sửa đổi theo hướng miễn, giảm mức phí với một số đối tượng kể từ ngày 1/8/2022.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp

Dự kiến, đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030 nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nhằm xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch này nhằm tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; hoàn thiện các thủ tục, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp đã được thành lập.

Dự kiến, đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu 100% cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ rà soát Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; đầu tư phát triển các cụm công nghiệp bổ sung mới có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các cụm công nghiệp.