Bản tin thời sự sáng 9/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hoãn Sea Games 31 tại Việt Nam sang năm 2022; Hà Nội dừng hoạt động thể thao ngoài trời từ 18h ngày 8/7; thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca về TP.HCM sáng 9/7; Hà Nội chưa cho học sinh đi học trở lại từ 10/7; Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7; tàu hoả dừng đón trả khách tại ga Sài Gòn từ ngày 9/7…

Hoãn Sea Games 31 tại Việt Nam sang năm 2022

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á vừa thông báo Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Sea Games 31) tại Việt Nam trong năm nay sẽ bị hoãn.

Hoãn Sea Games 31 tại Việt Nam sang năm 2022

Hoãn Sea Games 31 tại Việt Nam sang năm 2022

Theo thông báo của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Sea Games 31 ban đầu dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội tháng 11 tới, đã bị hoãn vì lo ngại sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Thông cáo nêu rõ: “Vì đại dịch Covid-19, sự kiện thể thao Sea Games 31, vốn được lên kế hoạch diễn ra tại Việt Nam từ ngày 21/11 - 2/12, sẽ được lùi sang năm 2022".

Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippine Abraham "Bambol" Tolentino cùng ngày đã xác nhận thông tin hoãn Sea Games 31 nói trên. Theo ông Tolentino, sự kiện thể thao này nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào quý I/2022.

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho biết, tất cả các quốc gia thành viên Liên đoàn đã tán thành quyết định này, dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 ở ASEAN chưa được cải thiện. Liên đoàn đồng thời đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực mà nước chủ nhà đã làm tới thời điểm này để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Trước đó, vào chiều 9/6, Ủy ban Olympic Việt Nam đã chủ trì một cuộc họp trực tuyến với thành phần tham dự là Văn phòng điều phối Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cùng đại diện Ủy ban Olympic các quốc gia trong khu vực nhằm thăm dò ý kiến về công tác tổ chức Sea Games 31.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức ở trong nước cũng như khu vực, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đưa ra đề xuất lùi thời điểm tổ chức Sea Games 31 sang tháng 7/2022.

Sea Games 31 dự kiến chương trình thi đấu gồm 40 môn thể thao với 520 nội dung thi đấu, diễn ra tại Hà Nội và 11 địa phương lân cận. Kỳ đại hội này dự kiến sẽ thu hút khoảng 10 nghìn thành viên, cùng quan chức, giám sát, trọng tài… các đoàn thể thao trong khu vực tham dự.

Hà Nội dừng hoạt động thể thao ngoài trời từ 18h ngày 8/7

Hoạt động thể thao ngoài trời ở Hà Nội bị cấm từ 18h ngày 8/7, sau hơn 10 ngày được Thành phố cho mở cửa trở lại.

Hà Nội dừng hoạt động thể thao ngoài trời từ 18h ngày 8/7

Hà Nội dừng hoạt động thể thao ngoài trời từ 18h ngày 8/7

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản với nội dung nêu trên, chiều 8/7. Như vậy, hiện chỉ có hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê (kinh doanh trong nhà) được phép hoạt động.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đề nghị người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Bố trí lập các chốt trực cố định và lưu động tại các khu vực có nguy cơ cao: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, trường, chợ, trung tâm thương mại, công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng...; phân công lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.

Cụm cảng hàng không miền Bắc, Ga Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Thành phố thường xuyên cập nhật, yêu cầu hành khách trên toàn bộ các tuyến vận tải (hàng không, đường sắt, đường bộ) từ các địa phương khác trở về Thành phố (kể cả các vùng chưa có dịch) thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thành phố: Thông điệp 5K, khai báo y tế online qua ứng dụng Ncovi, trang web www.tokhaiyte.vn, khai báo y tế bằng mã QRCode tại các địa điểm đi qua, tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác,… cần thông tin ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

Thêm 600.000 liều vaccine AstraZeneca về TP.HCM sáng 9/7

Lô vaccine AstraZeneca thứ 3 (gồm khoảng 600.000 liều) do Chính phủ và nhân dân Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 9/7.

Lô vaccine do Nhật Bản hỗ trợ về sân bay quốc tế Nội Bài hôm 16/6

Lô vaccine do Nhật Bản hỗ trợ về sân bay quốc tế Nội Bài hôm 16/6

Thông tin này vừa được Bộ Y tế xác nhận. Như vậy, đến ngày 9/7, Nhật Bản sẽ chuyển đủ cho Việt Nam gần 2 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đến ngày 2/7, chuyến bay chở 400.000 liều vaccine mà Nhật Bản tặng thêm Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 đã hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vaccine Covid-19. Việt Nam cam kết sử dụng lô vaccine này hiệu quả và nhanh nhất.

Tính cả lô vaccine về vào sáng 9/7, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng hơn 5,5 triệu liều vaccine, trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2,5 triệu liều vaccine do các nước tặng, hơn 97.000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 7/7, Việt Nam đã tiêm gần 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là gần 242.000 người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong tháng 7 sẽ có 8,7 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam. Bộ Y tế sẽ ưu tiên vaccine cho TP.HCM và các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.

Hà Nội chưa cho học sinh đi học trở lại từ 10/7

Khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội sẽ không trở lại trường từ ngày 10/7 để hoàn thành nốt năm học 2020 - 2021 như đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Hà Nội chưa cho học sinh đi học trở lại từ 10/7

Hà Nội chưa cho học sinh đi học trở lại từ 10/7

Trong thông báo phát đi chiều 8/7, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, Chủ tịch Thành phố Chu Ngọc Anh đã giao các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu diễn biến Covid-19 để đưa ra phương án cho học sinh trở lại trường, đề xuất Thành phố.

Trước đó ngày 13/5, UBND Hà Nội cho khoảng 2 triệu học sinh các cấp nghỉ hè từ ngày 15/5. Nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 còn lại (thi học kỳ II, tổng kết) sẽ thực hiện vào thời gian hè, khi dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường.

Đến ngày 5/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi tờ trình lên UBND Thành phố đề xuất cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên; học viên trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng trên địa bàn đi học từ ngày 10/7 - 24/7 để hoàn thành nốt năm học 2020 - 2021.

Sau 10 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, từ ngày 5/7, Hà Nội phát hiện ca bệnh tại một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long. Đến đầu giờ chiều 8/7, số ca tăng lên 18.

Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Từ 0h ngày 9/7, Đồng Nai sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn Tỉnh trong 15 ngày.

Cơ quan chức năng kiểm soát xe vào ra tỉnh Đồng Nai ở TP.Biên Hòa

Cơ quan chức năng kiểm soát xe vào ra tỉnh Đồng Nai ở TP.Biên Hòa

Động thái trên được UBND Đồng Nai đưa ra tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 chiều 8/7, trong bối cảnh số ca Covid-19 liên tục tăng, đến nay Tỉnh đã ghi nhận 128 ca, trong đó 93 ca liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM.

Trước diễn biến dịch phước tạp, tỉnh Đông Nai yêu cầu người dân thực hiện Chỉ thị 16 với tinh thần gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác. Mọi người phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Trước đó, Tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng chống dịch như yêu cầu người dân từ TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2; phong tỏa năm xã tại huyện Thống Nhất liên quan ổ dịch từ chợ đầu mối Hóc Môn; phong tỏa hàng chục điểm liên quan đến các ca Covid-19 ở Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch...

Tàu hoả dừng đón trả khách tại ga Sài Gòn từ ngày 9/7

Các đoàn tàu tạm dừng đón trả khách tại ga Sài Gòn từ ngày 9/7 khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống Covid-19.

Tàu hoả dừng đón trả khách tại ga Sài Gòn từ ngày 9/7

Tàu hoả dừng đón trả khách tại ga Sài Gòn từ ngày 9/7

Trưa 8/7, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo việc tạm dừng đón trả khách tại nhà ga này dự kiến đến ngày 23/7. Đơn vị cũng thông báo huỷ chạy đôi tàu SE3 và SE4, theo lịch trình xuất phát tại ga Hà Nội, Sài Gòn các ngày từ 10 - 23/7. Khách mua vé cần liên hệ nhà ga trước giờ khởi hành để trả vé không mất phí.

Trên tuyến đường sắt Bắc Nam, từ ngày 10/7 chỉ duy trì đôi tàu khách SE7 và SE8, nhưng không đón trả khách ga Sài Gòn. Người đã mua vé đôi tàu nói trên với điểm đi hoặc đến nhà ga này được bảo lưu tiền vé. Riêng hoạt động vận tải hàng hoá tại ga Sài Gòn vẫn tiếp tục.

Ngoài ga Sài Gòn, trước đó Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tạm ngưng đón khách lên tàu tại ga Dĩ An (Bình Dương) và không đón trả người ga Tuy Hoà (Phú Yên). Các tàu không đón khách tại 2 ga này để phòng dịch theo yêu cầu của địa phương.

Ảnh hưởng Covid-19 khiến khách đi tàu giảm, ngành đường sắt đã tạm dừng nhiều đôi tàu giữa TP.HCM và Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Trước dịch, đường sắt duy trì bình quân mỗi ngày 5 đôi tàu trên tuyến Bắc Nam và cùng nhiều tàu chặng ngắn.

Tại phía Bắc, Công ty CP Đường sắt Hà Nội cũng tạm dừng tàu khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ 8/7 do lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh. Chính quyền Hải Phòng đã yêu cầu người vào thành phố này phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 5 ngày.

Giảm hành khách trên đường bay TP.HCM - Hà Nội từ 0h ngày 9/7

Từ 0h ngày 9/7, hàng ngày các hãng không chỉ được vận chuyển tối đa 1.700 khách trên đường bay TP.HCM - Hà Nội mỗi chiều.

Giảm hành khách trên đường bay TP.HCM - Hà Nội từ 0h ngày 9/7

Giảm hành khách trên đường bay TP.HCM - Hà Nội từ 0h ngày 9/7

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lượng chỗ trên sẽ giảm khoảng 2.300 chỗ so với hiện nay. Đây là một biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 9/7 đến hết ngày 23/7 tại TP.HCM.

Hàng ngày, Vietnam Airines được bán 700 ghế, Pacific Airlines bán 200 ghế, Bamboo Airways và Vietjet Air bán 400 ghế. Nếu các hãng bán quá số ghế thì Cục Hàng không Việt Nam sẽ dừng cấp phép cho những ngày tiếp theo.

Đại diện Cục Hàng không cho biết, việc khống chế số chỗ nhằm kiểm soát chặt số người từ TP.HCM đến các địa phương, đồng thời giúp đảm bảo việc giãn cách trong các sân bay.

Các đường bay từ TP.HCM đi Phù Cát (Bình Định), Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Cam Ranh và Đà Nẵng được giữ nguyên tần suất 1 - 2 chuyến mỗi ngày như hiện nay.

Tất cả hành khách trên chuyến bay từ TP.HCM đến các địa phương khác và ngược lại bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Hiện nay từ TP.HCM có 7 đường bay đi các địa phương với 23 chuyến mỗi ngày, giảm 12 đường bay so với trước dịch.

Khánh Hòa giãn cách xã hội toàn Tỉnh từ 0h ngày 9/7

Từ 0h ngày 9/7, Khánh Hòa giãn cách xã hội toàn Tỉnh. Trong đó, TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa giãn cách theo Chỉ thị 16.

Từ 0h ngày 9/7, TP.Nha Trang giãn cách theo Chỉ thị 16

Từ 0h ngày 9/7, TP.Nha Trang giãn cách theo Chỉ thị 16

Quyết định trên được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nêu trong cuộc họp về việc triển khai một số giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Từ ngày 23/6 đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các ca nhiễm mới. Đến 16h ngày 8/7, Khánh Hòa ghi nhận 144 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu từ 0h ngày 9/7, TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các địa phương còn lại, gồm huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP. Cam Ranh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong đó, lưu ý khẩn trương kiểm tra, rà soát, cần thiết thì điều chỉnh lại kế hoạch, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị mình theo từng cấp độ, với phương châm 4 tại chỗ, tuyệt đối không để bị động trong mọi tình huống, không để ách tắc công việc, không làm ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan, đơn vị.

Hà Nội dừng xe khách đi 14 tỉnh, thành từ ngày 8/7

Xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định ở Hà Nội bị tạm dừng hoạt động đến 14 tỉnh, thành, từ ngày 8/7.

Hà Nội dừng xe khách đi 14 tỉnh, thành từ ngày 8/7

Hà Nội dừng xe khách đi 14 tỉnh, thành từ ngày 8/7

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết động thái này nhằm góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, các phương tiện từ Hà Nội bị cấm đi đến 14 tỉnh, thành và ngược lại, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam. Xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất được phép hoạt động.

Với các tuyến xe vẫn được hoạt động, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu tuân thủ nghiêm việc kiểm soát hành khách của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra trên địa bàn Thành phố; không được dừng, đỗ đón trả khách tại các địa bàn có dịch...