Bản tin thời sự sáng 9/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự báo giá xăng gần 23.050 đồng một lít vào quý III; Quảng Ngãi xây dựng đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn; kiến nghị chuyển hồ sơ vi phạm của Viwaseen sang cơ quan công an; 6 tháng đầu năm khởi công xây dựng gần 19.000 căn nhà ở xã hội…

Dự báo giá xăng gần 23.050 đồng một lít vào quý III

Giá xăng RON 95 có thể tăng lên gần 23.050 đồng/lít vào quý III với kịch bản giá thành phẩm thế giới là 98 USD/thùng, theo dự báo của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương dự báo giá xăng có thể tăng trong quý III khi giá thế giới đi lên

Bộ Công Thương dự báo giá xăng có thể tăng trong quý III khi giá thế giới đi lên

Theo Bộ Công Thương, mặt bằng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn 29,7 - 39,5% so với nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng/lít, giảm 35%; dầu diesel thấp hơn 39%, dầu hỏa thấp hơn 37% và mazut thấp hơn khoảng 29%.

Tuy nhiên, Bộ này dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá thế giới đi lên. Dẫn phân tích, dự báo của hãng tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, Bộ này cho hay, bình quân giá dầu thô thế giới ở mức 87 - 92 USD/thùng, tức giá thành phẩm khoảng 90 - 98 USD/thùng xăng, dầu diesel. Mức này giảm gần 13 - 23% so với cùng kỳ 2022, nhưng tăng khoảng 1 - 2% so với nửa đầu năm 2023.

Với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 90 USD/thùng, Bộ Công Thương tính toán một lít xăng E5 RON 92 ở mức 21.325 đồng, RON 95 là 21.597 đồng và dầu diesel là 18.115 đồng.

Nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD một thùng, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng/lít; E5 RON 92 là 22.657 đồng/lít; giá xăng RON 95 là 23.049 đồng, đắt hơn hiện tại gần 2.000 đồng/lít, tương đương ngưỡng giá tháng 11/2022.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu 5 tháng đầu năm đạt gần 4,2 triệu tấn, trong đó gần 53% là dầu diesel (2,2 triệu tấn), 22% là xăng các loại, còn lại là dầu mazut. Bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập hơn 0,8 triệu tấn xăng dầu các loại.

Hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn sản xuất bình quân 1,1 triệu tấn xăng dầu các loại một tháng. Còn lượng tồn kho tại các đầu mối gần 1,6 triệu m3 tấn đến cuối tháng 5.

Quảng Ngãi xây dựng đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa ký công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Tỉnh triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng Đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn. Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan; huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); gửi Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giao thông hàng không theo quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch. Qua đó, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay...

Kiến nghị chuyển hồ sơ vi phạm của Viwaseen sang cơ quan công an

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) sang cơ quan công an để điều tra vi phạm.

Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty. Ảnh minh họa

Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty. Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển hồ sơ 2 vụ vi phạm trong cổ phần hóa của Viwaseen sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Theo Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Việc Tổng công ty Viwaseen phê duyệt cho Viwaseen Huế chuyển nhượng cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai là không bảo đảm nguyên tắc thị trường, vi phạm Quyết định 929 năm 2012 của Thủ tướng, Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ.

Trong khi ở thời điểm cổ phần hóa, Viwaseen Huế sở hữu nhiều lợi thế kinh doanh như sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao ở trung tâm Thành phố; chủ đầu tư dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Nguyễn Tri Phương, TP. Huế; có dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà…

Theo Kết luận thanh tra, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo định giá của tư vấn ở thời điểm cổ phần hóa là 13.314 đồng/cổ phiếu. Vì thế, chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu Viwaseen Huế với mức giá tư vấn định giá được cơ quan thanh tra tạm tính khoảng 7 tỷ đồng, có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, phải được xử lý theo quy định.

6 tháng đầu năm, khởi công xây dựng gần 19.000 căn nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, cả nước đã khởi công 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 18.768 căn.

9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khởi công trong 6 tháng đầu năm

9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khởi công trong 6 tháng đầu năm

Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn, bao gồm: Hải Phòng 4 dự án với 6.707 căn; Hà Nội 1 dự án với khoảng 720 căn; Lâm Đồng 1 dự án tương đương 303 căn.

Cùng với đó là 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn: Hải Phòng có 1 dự án với 2.538 căn; Bình Định 1 dự án khoảng 1.500 căn; Bắc Giang 1 dự án tương ứng 7.000 căn.

Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, đến nay, cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Dẫn báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 18/6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô khoảng 288.499 căn.

Dự kiến chi 1.300 tỷ đồng hỗ trợ địa phương sáp nhập huyện, xã

Bộ Nội vụ đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành 20 tỷ đồng khi giảm một huyện, 500 triệu đồng khi giảm một xã, dự kiến tổng chi 1.300 tỷ đồng.

Huyện Lạc Dương dự kiến sáp nhập vào thành phố Đà Lạt

Huyện Lạc Dương dự kiến sáp nhập vào thành phố Đà Lạt

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa gửi tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến năm 2030. Toàn quốc có 33 huyện và 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập, chưa tính các huyện, xã được khuyến khích. Kinh phí do ngân sách địa phương chi. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương một lần.

Theo tờ trình, việc sắp xếp huyện xã giai đoạn sắp tới ngoài dựa vào tiêu chuẩn diện tích và dân số, sẽ chú trọng đến yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý, cộng đồng dân cư. Mục tiêu là tạo thuận lợi cho người dân.

Các huyện, xã hình thành sau sáp nhập phải đáp ứng điều kiện về diện tích, dân số, chất lượng đô thị. Người dân tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách như tại các xã, huyện trước khi sáp nhập.

Sau hai năm sáp nhập, địa phương phải xử lý xong trụ sở, tài sản công của các huyện, xã.

Giai đoạn 2019 - 2021, toàn quốc đã sáp nhập 21 huyện, hơn 1.000 xã tại 45 tỉnh; giảm 8 huyện và 560 xã. Hệ thống chính trị giảm hơn 640 cán bộ, công chức huyện và 7.700 cán bộ, công chức xã; giảm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đánh giá, việc sáp nhập huyện, xã thời gian qua còn bất cập. Số đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn nhiều. Chế độ với cán bộ, công chức dôi dư chưa được giải quyết kịp thời. Hết năm 2022, các địa phương vẫn đang giải quyết chính sách cho 58 cán bộ, công chức huyện và 1.960 cán bộ, công chức xã dôi dư. Một số đô thị mở rộng quy mô nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Trụ sở cơ quan ở một số nơi chưa được xử lý kịp thời.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động bất ngờ dừng đón khách

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) tạm dừng đón khách tham quan từ ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mở cửa trở lại.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động ở Ninh Bình

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động ở Ninh Bình

Thông báo được đăng tải trên các trang web, trang mạng xã hội của Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Tràng An có nội dung: "Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tạm đóng cửa từ ngày hôm nay 8/7, chúng tôi sẽ quay trở lại sớm nhất! Hẹn gặp lại và rất xin lỗi quý khách về sự bất tiện này!".

Điều đáng nói là động thái trên diễn ra đúng thời gian cao điểm của mùa du lịch hè năm 2023. Việc tạm đóng cửa không được thông báo trước nên gây nhiều bất ngờ cho du khách và các cá nhân, đơn vị làm tour.

Theo nguồn tin từ Sở Du lịch Ninh Bình, thông tin khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tạm đóng cửa là chính xác. Nguyên nhân đóng cửa là để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trong khu du lịch. Sở đã nhận được Văn bản số 398/TB-DNXT ngày 8/7/2023 của Doanh nghiệp Xuân Trường - đơn vị khai thác hoạt động du lịch tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Nội dung Văn bản thông báo, để đảm bảo phục vụ khách du lịch được tốt hơn trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tiến hành các hoạt động phục hồi cảnh quan, bảo tồn giá trị Di sản Quần thể danh thắng Tràng An theo kế hoạch quản lý. Đồng thời, Khu du lịch thực hiện việc sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đón, tiếp khách cho bà con lái đò tại Khu du lịch.

Cải tạo đất phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nhiều vi phạm, nguy cơ gây sạt lở

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi UBND tỉnh Đồng Nai, quá trình cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra nhiều vi phạm, nguy cơ gây sạt lở đất, mất an toàn.

Cải tạo đất phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cải tạo đất phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Trước đó, ngày 5/7, Sở NN&PTNT Đồng Nai phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra hiện trạng các khu vực cải tạo đất tại các huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tại vị trí cải tạo đất nông nghiệp phục vụ thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở xã Suối Cát do Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH xây dựng Trung Chính thực hiện đã phát sinh sai phạm như góc mái dốc, số tầng khai thác không tuân thủ phương án được chấp thuận.

Cụ thể, phía bên trái hướng từ ngoài cao tốc vào và các vị trí khác giáp ranh khu đất cải tạo không phân tầng khai thác, tạo vách đứng cao với chiều cao từ 15m - 30m, không đúng với phương án được chấp thuận.

Cốt kết thúc cải tạo mặt bằng có hiện tượng thấp hơn so với phương án từ 1,5 - 2m, đơn vị cải tạo đất đã và đang thực hiện việc đổ đất thải từ nơi khác vào để san lấp với bề dày từ 1,5 - 2m. Cùng với đó, không thực hiện thu gom lớp đất mặt mà thực hiện hoàn thổ tại chỗ ở một số vị trí thuộc phạm vi cải tạo.

Những vi phạm nêu trên dẫn đến nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng, bởi vách đứng với chiều cao lớn khiến nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là thời điểm giữa mùa mưa bão. Hơn nữa, khối lượng đất phía trên cao lớn nên nếu sạt lở xảy ra sẽ gây thiệt hại trong khu vực…

Sở NN&PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các nhà thầu thực hiện ngay các biện pháp chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong khu vực cải tạo đất nông nghiệp ở xã Suối Cát.

Quá trình xử lý phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia. Đồng thời, di chuyển ngay trang thiết bị, tài sản, người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo, rào chắn.

Giám đốc công ty con của Vinashin bị tạm hoãn xuất cảnh

Cục Hải quan TP. Hải Phòng vừa gửi thông báo tới Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Trần Thái - Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin và lãnh đạo hàng loạt các doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty nợ thuế kéo dài

Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty nợ thuế kéo dài

Theo quyết định của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV 1 - Cục Hải quan TP. Hải Phòng, nguyên nhân ông Vũ Trần Thái bị tạm hoãn xuất cảnh là do Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và đang thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Trần Thái được tính từ ngày 30/6 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Dù số nợ thuế không được công bố cụ thể, song theo tìm hiểu, vào tháng 5/2022, Công ty CP Cơ khí chính xác Vinashin bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV1 quyết định khoanh nợ số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV1 đã phải chấm dứt hiệu lực quyết định này do Công ty được khoanh nợ không đúng quy định.

Theo Tổng cục Hải quan, những doanh nghiệp nợ thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế chủ yếu do cố tình chây ỳ, kinh doanh thua lỗ, gian lận trong kinh doanh...

Với hình thức tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Hải quan cho rằng, đa phần các doanh nghiệp đều nợ thuế kéo dài, thuộc khoản khó đòi và có nguy cơ tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục