Bản tin thời sự sáng 9/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Tân Sơn Nhất vận hành 10 cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động; Hà Nội bỏ bớt dải phân cách đường Nguyễn Trãi; 100 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ thuế hơn 7.861 tỷ đồng; phải có phương án xử lý ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước 20/8; cuối tháng 8 sẽ xử lý xong sim không chính chủ…

Tân Sơn Nhất vận hành 10 cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động

10 cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động (Autogate) vận hành ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) giúp khách thuận tiện làm thủ tục, rút ngắn thời gian so với kiểm tra thủ công.

Khách qua các cổng Autogate ở sân bay Tân Sơn Nhất

Khách qua các cổng Autogate ở sân bay Tân Sơn Nhất

Hệ thống trên được Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đưa vào thử nghiệm ở ga quốc tế sân bay hơn một tuần qua, gồm 5 cổng phục vụ khách xuất cảnh và 5 cổng cho người nhập cảnh.

Khu vực cổng Autogate gồm hai lớp cửa. Lớp thứ nhất yêu cầu khách scan trang nhân thân trên hộ chiếu và vé máy bay (boarding pass). Sau khi thông báo thành công, cửa này mở ra cho khách đến lớp cửa thứ hai để chụp ảnh chân dung và lấy dấu vân tay. Sau khi hoàn tất, cửa thứ hai sẽ mở và khách cũng xong thủ tục, không cần đóng dấu vào hộ chiếu như trước.

Các cổng Autogate áp dụng cho toàn bộ công dân Việt Nam có hộ chiếu gắn chíp nhập cảnh. Người chưa có được hướng dẫn đăng ký thủ công tại sân bay trong khoảng 2 - 4 phút, gồm quét hộ chiếu, vân tay, quan trắc sinh học gương mặt. Khi hoàn thành, khách sẽ di chuyển ra khu vực cổng Autogate để qua cửa hải quan.

Riêng chiều xuất cảnh, hệ thống này hiện chỉ cho phép người Việt Nam có hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ. Khách dùng hộ chiếu phổ thông phải có thẻ đi lại doanh nhân APEC hoặc là thành viên của các tổ bay.

Đối với người nước ngoài khi xuất cảnh, các cổng Autogate chỉ mới áp dụng cho trường hợp có thẻ thường trú hoặc tạm trú, được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp. Riêng chiều nhập cảnh, người nước ngoài hiện chưa sử dụng được các cổng Autogate.

Ngoài Tân Sơn Nhất, hệ thống cổng Autogate cũng được áp dụng 4 sân bay khác từ đầu tháng 8, gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc. Việc triển khai hệ thống này được thực hiện theo chủ trương của Bộ Công an trong cải cách thủ tục thủ tục hành chính; xuất, nhập cảnh. Đây là công nghệ lần đầu triển khai trên phạm vi rộng tại các sân bay trong nước.

Hà Nội bỏ bớt dải phân cách đường Nguyễn Trãi

Sáng 8/8, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết đơn vị đã điều chỉnh, giảm bớt số lượng dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Mặc dù đường Nguyễn Trãi đã được phân làn bởi các dải phân cách cứng ở giữa, các phương tiện vẫn di chuyển lẫn lộn giữa các làn

Mặc dù đường Nguyễn Trãi đã được phân làn bởi các dải phân cách cứng ở giữa, các phương tiện vẫn di chuyển lẫn lộn giữa các làn

Theo đó, nhiều đoạn dải phân cách được dỡ bỏ ở khu vực này, chỉ còn giữ lại 3 đoạn từ đoạn Nguyễn Tuân đến hầm chui Thanh Xuân, cầu đi bộ Thượng Đình và đoạn chân cầu vượt Ngã Tư Sở.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau khi nhà thầu thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có các điểm rào chắn quây tôn, đơn vị đã tổ chức phân luồng giao thông ở ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Việc này làm thay đổi luồng phương tiện ở khu vực.

Vì vậy, Sở tính toán giảm số lượng dải phân cách và điều chỉnh vị trí các dải còn lại để phù hợp với tình hình giao thông thực tế, không gây bất tiện cho người dân.

Trước đó vào đầu tháng 7, đơn vị cũng đã bỏ dải phân cách ở đoạn giao đường Nguyễn Tuân và Nguyễn Trãi, trước cửa tòa nhà Hoàng Huy. Mục đích là khu vực này phải quây rào chắn, đào hố ga để phục vụ thi công Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Việc thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi được Sở GTVT Hà Nội lên kế hoạch thực hiện từ tháng 8/2022. Thời gian thí điểm ban đầu chỉ kéo dài một tháng, sau đó gia hạn đến hết năm 2022.

100 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ thuế hơn 7.861 tỷ đồng

Nợ thuế trên địa bàn TP.HCM đang tăng cao, chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp liên quan bất động sản, trong đó có 2 công ty nợ trên 1.000 tỷ đồng.

Người dân giao dịch tại Cục Thuế TP.HCM

Người dân giao dịch tại Cục Thuế TP.HCM

Ngày 8/8, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP.HCM cho biết, đơn vị vừa hoàn thiện danh sách 100 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền 7.861 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số nợ này là các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bất động sản.

Dẫn đầu danh sách nợ thuế là Công ty CP Đầu tư Golden Hill với gần 1.300 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Phát triển địa ốc sông Tiên, nợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có mức nợ thuế từ trên 400 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng gồm: Công ty CP Phát triển Kinh doanh nhà (446 tỷ đồng); Thảo Cầm Viên Sài Gòn (616 tỷ đồng)…

Nhóm nợ thuế trên 100 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng có 5 doanh nghiệp. Số còn lại có mức nợ thấp nhất là 9,8 tỷ đồng và cao nhất hơn 91 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục đã ban hành hơn 45.000 quyết định cưỡng chế, tương ứng 185.470 tỷ đồng nợ thuế, thu hồi được hơn 12.700 tỷ đồng. Trong đó, 5.685 tỷ đồng nợ thuế của trong năm 2022 và 7.024 tỷ đồng nợ mới phát sinh trong năm 2023.

Phải có phương án xử lý ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước 20/8

Đối với điểm bị ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tư vấn thiết kế phải hoàn thiện khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp xử lý trước 20/8.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập hôm 29/7 khiến nhiều xe bị ngập nước, chết máy và phải gọi cứu hộ

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập hôm 29/7 khiến nhiều xe bị ngập nước, chết máy và phải gọi cứu hộ

Liên quan đến vụ cao tốc ngập nước, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về sự cố ngập cục bộ trên đường cao tốc phạm vi Km25+419 thuộc Gói thầu 2-XL, Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Khoảng 4 giờ 30 ngày 29/7, trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn Km 25 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) xảy ra ngập cục bộ khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ.

Theo Ban QLDA Thăng Long (đơn vị chủ đầu tư), nguyên nhân bước đầu xác định gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước sông Phan dâng cao, chảy ngược vào hạ lưu cống Km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.

Tình trạng ngập úng cục bộ trên đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trong phạm vi 100 m, điểm ngập sâu nhất khoảng 70 cm, ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông trên tuyến.

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật được duyệt, tuyến cao tốc đoạn cắt qua sông Phan tại km24+384 và đi vào khu vực các đồi núi thấp dạng bát úp; tuyến ngập cách sông Phan 200 m. Thượng lưu sông Phan cách tuyến cao tốc khoảng 9 km, có công trình đập Sông Phan.

Do đó, để tránh tái diễn tình trạng ngập trên cao tốc, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt là khẩn trương thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện.

Đơn vị tư vấn thiết kế sẽ khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp và báo cáo trước 20/8.

Cuối tháng 8 sẽ xử lý xong sim không chính chủ

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến ngày 31/8 sẽ cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao là người sử dụng số điện thoại đó.

Một tệp thẻ sim trên tay người bán tại một cửa hàng ở Hà Nội

Một tệp thẻ sim trên tay người bán tại một cửa hàng ở Hà Nội

Trong cuộc họp chiều 8/8 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đây là mục tiêu được đưa ra nhằm xử lý sim không chính chủ, sau thời gian thực hiện thanh kiểm tra với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và người dùng, tổ chức sở hữu nhiều sim.

Theo báo cáo, đến giữa tháng 7, các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu với 100% thuê bao là các tổ chức. Với khách hàng cá nhân đứng tên trên 10 sim, các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ.

"Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó", đại diện Bộ nói.

Kiểm tra tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều sim là một phần trong chiến dịch thanh tra toàn quốc diễn ra từ tháng 5. Chiến dịch nhằm giải quyết tình trạng sim đăng ký tên người này, nhưng sử dụng bởi người khác, dẫn đến vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác tràn lan thời gian qua. Trước đó, từ tháng 3, các nhà mạng cũng đã thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có 82 đoàn với 445 cán bộ đang triển khai thanh tra đồng loạt sim không chính chủ trên cả nước, trong đó có 8 đoàn của Bộ và 74 đoàn của các Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay, đã có 56 sở gửi báo cáo hoặc kết luận về Bộ.

Xây bờ kè Hội An gần 1.000 tỷ đồng

Tỉnh Quảng Nam sẽ xây 3,4 km kè chống xói lở bờ biển Hội An từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An bằng nguồn tài trợ 980 tỷ đồng từ Cơ quan Phát triển Pháp.

Bờ biển Hội An bị sạt lở

Bờ biển Hội An bị sạt lở

Theo quyết định được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ban hành, Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông tỉnh làm chủ đầu tư. Kế hoạch đến năm 2026, Tỉnh sẽ xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng dài khoảng 2.090 m, song song và cách bờ biển 250 m; xây kè mỏ hàn dài gần 1,5 km, đổ cát tạo bãi tắm.

Mục tiêu của Dự án là chống xói lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở và phát triển kinh tế của 1.300 hộ dân. Tuyến kè cũng bảo vệ đất đai, nhà cửa, cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng của phường Cửa Đại và khu vực lân cận.

Bờ biển Hội An dài 7,5 km với nhiều bãi tắm như Cửa Đại, Thịnh Mỹ, An Bàng. Trong đó, Cửa Đại là một trong 25 bãi biển được công nhận đẹp nhất châu Á, nhưng từ năm 2000 đến nay liên tục bị xói lở.

Từ năm 2010 - 2015, Quảng Nam đã đầu tư xây kè bêtông cốt thép mái nghiêng dài 850 m; kè mềm bằng túi địa kỹ thuật dài 415 m và kè mềm bằng túi vải geotube dài hơn một km với vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng. Song ba dự án này không hiệu quả, bờ biển vẫn bị sạt lở.

Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc Dự án khí lô B

Thủ tướng giao Bộ Công Thương, PVN đàm phán, xử lý dứt điểm vướng mắc để triển khai Dự án khí lô B, đón dòng khí đầu tiên vào cuối 2026.

Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc Dự án khí lô B. Ảnh minh họa
Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc Dự án khí lô B. Ảnh minh họa

Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong chỉ đạo trước kiến nghị của Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) - nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn tại Dự án khí lô B.

Dự án khí lô B - một trong các dự án trọng điểm đã nhiều năm bị đình trệ - gặp nhiều vướng mắc trong đàm phán thương mại, quy trình thẩm định đầu tư, nên chậm tiến độ hơn chục năm qua. Dự kiến có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026 nhưng để đạt mục tiêu này, Dự án Khí lô B cần có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và thực hiện Gói thầu EPC1 trước ngày 30/6. Các thỏa thuận mua bán khí (GSPA) và vận chuyển khí (GTA) cũng cần hoàn tất đàm phán, ký trong tháng 6. Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) của Dự án cũng cần được gia hạn để đảm bảo thời gian khai thác là 23 năm.

Gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn cuối cùng của chuỗi dự án, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc PVN đàm phán dứt điểm để có Quyết định FID và triển khai Dự án theo đúng tiến độ.

"Các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, không để chậm trễ, kéo dài gây phát sinh khó khăn, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên", Thủ tướng yêu cầu.

Dự án phát triển mỏ khí lô B được dự tính có trữ lượng khí thu hồi ước tính 107 tỷ m3 trong 20 năm, tổng chi phí hơn 11 tỷ USD và cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (Cần Thơ). Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí tại mỏ này được ký năm 1996 và 1999.

Năm 2015, PVN đã mua lại tài sản của Chevron, sau khi tập đoàn này rút lui khỏi Dự án. Với mốc kế hoạch có dòng khí đầu tiên vào cuối 2026, khí từ lô B sẽ cung ứng cho tổ hợp các nhà máy điện Ô Môn 1,2,3 và 4 khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm.

Gần 400 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm ở Cà Mau

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang có 398 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, với số tiền trên 140 tỷ đồng.

Gần 400 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm ở Cà Mau

Gần 400 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm ở Cà Mau

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến 30/6/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm là hơn 1 triệu người, đạt khoảng 91% kế hoạch. Tổng số tiền phải thu là 2.339 tỷ đồng, đến nay mới thu đạt hơn 45%, số còn phải thu là hơn 1.272 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2023, tổng số tiền bảo hiểm chậm đóng 185,53 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm xã hội 152,75 tỷ đồng; bảo hiểm thất nghiệp 4,19 tỷ đồng; bảo hiểm y tế 27,83 tỷ đồng.

Có 398 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 140 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đơn vị chậm nộp kéo dài nhiều năm liền với số tiền 102 tỷ đồng. Công ty CP Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt nợ nhiều nhất, với số tiền hơn 39 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Cà Mau vừa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát xử lý theo quy định đối với doanh nghiệp, các đơn vị chậm đóng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hơn 1.000 container hàng nhập khẩu bị bỏ quên tại cảng

Hơn 1.000 container chứa máy móc thiết bị, thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu về cảng Cát Lái, SPITC quá 90 ngày vẫn không có người nhận.

Hơn 1.000 container hàng nhập khẩu 'bỏ quên' ở cảng Cát Lái

Hơn 1.000 container hàng nhập khẩu 'bỏ quên' ở cảng Cát Lái

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan TP.HCM) cho biết, nhiều tháng qua, có 1.015 container và 47 lô hàng rời tồn đọng, được nhập khẩu qua cảng Cát Lái nhưng không có người nhận.

Toàn bộ số hàng trên chủ yếu là máy móc thiết bị, thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng... nhập khẩu về cửa khẩu cảng Cát Lái, SPITC từ đầu năm nay. Hàng đã tồn đọng quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, nhưng chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục nhận hàng.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa đang tồn đọng tại kho bãi, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang thông báo đến tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhận hàng (thời hạn 60 ngày) kể từ ngày thông báo lần đầu.

Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa còn hạn sử dụng dưới 60 ngày, thời hạn để người đến nhận hàng là 15 ngày.

Nếu quá thời gian trên, không có cá nhân hay tổ chức tới nhận, nhà chức trách sẽ xử lý các bước tiếp theo theo quy định.

Bỏ đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông xe

Bộ Giao thông vận tải bỏ đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe tạm thời, sau khi tiếp thu góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyên gia.

Bãi trông xe dưới gầm cầu vành đai 2 Hà Nội

Bãi trông xe dưới gầm cầu vành đai 2 Hà Nội

Hồ sơ Dự thảo Luật Đường bộ được Bộ Giao thông vận tải gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định đã bỏ đề xuất nêu trên.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, có thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không luật hóa quy định dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc đề xuất bởi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân, công trình và phương tiện khu vực này.

Hơn nữa, nếu cho phép dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe còn gián tiếp làm phát triển phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố, không đúng với chính sách hạn chế xe cá nhân của Nhà nước.

Đề xuất dùng gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe tạm thời được Bộ Giao thông vận tải nêu trong Dự thảo Luật Đường bộ hồi tháng 7. Gầm cầu phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, an toàn.

Tuy nhiên, sau đó nhiều chuyên gia giao thông lo ngại việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn dễ dẫn đến cháy nổ và gây áp lực giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Thay vào đó, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần quy hoạch xây bãi đỗ xe trên cao, dưới đất để phục vụ người dân.

Từ năm 2011, Bộ Giao thông vận tải quy định, gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe. Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý; Bộ Giao thông vận tải quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh…