Bản tin thời sự sáng 9/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines; khởi tố 2 cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau liên quan dự án đô thị Đông Bắc; nhiều điểm hư hỏng ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Bộ Xây dựng đề xuất xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội…

HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết nếu lợi nhuận và vốn chủ sở hữu năm nay tiếp tục âm.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết

Hiện tại, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nằm trong diện kiểm soát vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.

Theo Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ đồng.

Năm ngoái, Vietnam Airlines cũng thoát âm vốn chủ nhờ phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8. Qua đó, công ty này cũng tránh được khả năng bị hủy niêm yết trên HoSE.

Khởi tố 2 cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau liên quan dự án đô thị Đông Bắc

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 2 cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau.

Liên quan dự án khu đô thị Đông Bắc, Công an Cà Mau đã khởi tố 5 cán bộ để điều tra.

Liên quan dự án khu đô thị Đông Bắc, Công an Cà Mau đã khởi tố 5 cán bộ để điều tra.

Theo đó, ông Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Quốc Định, đều nguyên là Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau bị khởi tố bị can (cho tại ngoại) để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, ông Lê Thiện Anh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu đô thị Đông Bắc cũng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. 3 người đều bị khởi tố để điều tra về sai phạm xảy ra tại Dự án Khu đô thị Đông Bắc, TP. Cà Mau. Cả 3 hiện được cho tại ngoại.

Trước đó, ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Hoàn Kiếm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu đô thị Đông Bắc và ông Trương Công Long, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu đô thị Đông Bắc về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Hai người này bị cáo buộc có trách nhiệm trong việc gây thiệt hại tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra vụ án, nhà chức trách xác định ông Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Quốc Định trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng đã thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến các sai phạm trên.

Năm 2009, ông Hùng bị kỷ luật cách chức Giám đốc Sở Xây dựng, ông Định lên thay. Đến năm 2014, ông Định cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền, sau đó được điều động sang làm cán bộ Ban tổ chức Tỉnh uỷ Cà Mau đến lúc nghỉ hưu.

Nhiều điểm hư hỏng ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Đơn vị quản lý tuyến Nội Bài - Lào Cai được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu rà soát, khắc phục ngay các điểm hư hỏng.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có tình trạng hư hỏng, rạn nứt nền mặt đường, hằn lún vệt bánh xe cục bộ tại một số vị trí, nguy cơ gây mất an toàn.

Hệ thống an toàn giao thông như biển báo, sơn kẻ vạch, báo hiệu đường bộ đã bị mờ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, tuy nhiên việc sửa chữa hư hỏng chưa được Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện kịp thời.

Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC rà soát lại phương án tổ chức giao thông trên toàn bộ các tuyến cao tốc mà đơn vị này đang quản lý, sau nhiều lần nhắc nhở.

Không chỉ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng tồn tại tình trạng hư hỏng mặt đường từ lâu. Các điểm hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được Cục Quản lý đường bộ III nhiều lần đôn đốc bằng văn bản, thậm chí ban hành xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục. Liên quan chất lượng Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hai cựu Phó Tổng giám đốc VEC và hàng chục cán bộ quản lý các gói thầu, kỹ sư đã bị xét xử vào cuối năm 2021.

Bộ Xây dựng đề xuất xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn. Còn mục tiêu sẽ hoàn thành là khoảng 1,8 triệu căn.

Đề án của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ

Đề án của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết số liệu tổng hợp về nhà ở từ hơn 40 địa phương, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn.

Ở giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).

Sang giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 1,1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).

Đề án của Bộ Xây dựng nêu đề nghị quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…

Cụ thể, đề án đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030, Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ, Hải Phòng xây 45.355 căn hộ, Đà Nẵng xây 19.60 căn hộ, Cần Thơ xây 12.715 căn hộ.

Các trung tâm công nghiệp của cả nước hiện nay cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm hàng trăm ngàn căn hộ mới cho công nhân, người thu nhập thấp.

Văn Phú Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu HAF

Công ty Đầu tư Văn Phú - Invest vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 200 triệu đồng vì mua chui hơn 3,7 triệu cổ phiếu HAF.

Văn Phú Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu HAF

Văn Phú Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu HAF

Việc mua chui (không chào mua công khai) được Công ty Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) thực hiện vào tháng 6/2021. Số lượng cổ phiếu mà công ty này mua tương ứng 25,6% vốn của Công ty Thực phẩm Hà Nội (HAF). Ngoài phạt tiền, Văn Phú - Invest bị buộc phải khắc phục hậu quả.

Trong đó, Công ty bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Công ty này cũng phải bán cổ phiếu HAF để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ khi bị xử phạt.

Đầu tư vào HAF là một giao dịch "chớp nhoáng" của Văn Phú - Invest. Ngày 25/6, công ty này công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc nhận chuyển nhượng hơn 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 22% vốn của HAF.

Tuy nhiên, chưa tới một tuần sau đó, VPI thông báo sẽ thoái toàn bộ phần sở hữu. Ngay sau đó, công ty này đã bán 3,5 triệu cổ phiếu HAF theo phương thức thỏa thuận, với quy mô giao dịch hơn 94 tỷ đồng.

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng do có hành vi gian lận trong kê khai hệ thống phân phối và giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực.

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau vừa công bố việc nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối. Đồng thời, công ty này cũng bị phạt tiền 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, để khắc phục hậu quả cho hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, doanh nghiệp này còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021 - 3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.

Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần, nhưng công ty cũng có tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và xử lý hành chính, tự nguyện khắc phục hậu quả.

Tin cùng chuyên mục