Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ hai, tổ chức ngày 10/6/2016 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Hiếu |
Báo Đấu thầu ghi lại ý kiến của các doanh nghiệp và nhà quản lý đánh giá về vai trò “cầu nối” của báo chí và về mối quan hệ đồng hành, gắn bó ngày càng gần gũi giữa doanh nghiệp, doanh nhân và báo chí hiện nay.
- Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Với 45 triệu người dân dùng Internet hiện nay tại Việt Nam, khả năng truy cập thông tin giữa doanh nghiệp, người dân và báo chí gần như không có khoảng cách. Đây là điểm khác biệt hiện nay so với trước đây, tạo nên một cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin và hội nhập. Trước đây, báo chí là nghề đi săn tin, cho nên thường nhanh nhạy, có nhiều điều kiện và phương tiện hơn. Nhưng với cách truy cập thông tin như hiện nay, chúng ta phải định vị lại là báo chí có thể giúp được gì cho doanh nghiệp, người dân trong điều kiện thông tin như vũ bão, khả năng lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Trong điều kiện hội nhập hiện nay, nếu báo chí chỉ quanh quẩn với những thông tin của nước mình, ngành mình thì có nguy cơ bị bỏ qua. Bây giờ, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người đưa tin, nhiều công ty tư vấn, hiệp hội, tổ chức xúc tiến… có nhiều lợi thế hơn và nếu họ làm cả vì lợi nhuận thì tính cạnh tranh lại càng khốc liệt. Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trước đây, có thể cập nhật thông tin bằng lướt web, mạng xã hội... Bản thân họ cũng tích lũy được nhiều thông tin để đối chứng tốt hơn. Người đọc đã thay đổi, trưởng thành, doanh nghiệp cũng đã thay đổi, nếu báo chí không thay đổi thì sẽ tụt hậu. Do đó, báo chí phải cạnh tranh với chính bạn đọc của mình, cạnh tranh với các tờ báo khác, cạnh tranh với làn sóng thông tin.
Theo tôi, với tính chất săn tin chuyên nghiệp, với những kỹ năng và khai thác kịp thời của báo chí thì tin tức sẽ đi nhanh hơn, đánh giá được tin nào có giá trị, tạo nên sự hiệu quả. Nhờ có kỹ năng và tính chuyên nghiệp, báo chí có điều kiện so sánh, tổng hợp, phân tích để biến những nguyên liệu thô trở thành những nguyên liệu tinh. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi tờ báo phải là một thương hiệu. Nghĩa là phải có những dấu ấn phong cách, phẩm chất, định vị và hướng đến những độc giả nhất định của mình thông qua việc tích hợp từng nội dung thông tin, từng bình luận, bài phỏng vấn, bút ký, phản hồi trong tờ báo đó. Tất nhiên, điều đầu tiên là phải bảo đảm tính chính xác.
Báo Đấu thầu cũng không nằm ngoài xu hướng đó, phải phấn đấu trở thành tờ báo đi đầu trong ngành. Báo cần đi trước và đi chuyên sâu về đấu thầu, phản ánh được những sai phạm trong công tác này nhằm tạo môi trường mua sắm công cạnh tranh lành mạnh.
- Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn, cần phải nêu cao tính chuyên nghiệp, tính quốc tế hóa, tính liêm chính, và tính trách nhiệm đối với xã hội để hội nhập tốt. Và ngoài nỗ lực rất cao của bản thân doanh nghiệp, thì sự động viên và khích lệ của báo chí cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo.
Cộng đồng báo chí nên thiên nhiều hơn về mặt tốt, nêu gương, ủng hộ những doanh nghiệp tốt và bớt đi những mặt xấu, tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Còn những doanh nghiệp nào làm trái pháp luật, làm sai thì báo chí cần phải kiên quyết vạch mặt. Hai bên phải đồng hành với nhau để thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, các doanh nghiệp được đối xử bình đẳng hơn và được tiếp cận với các nguồn lực xã hội công bằng hơn, tạo khí thế hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân được tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
- Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen
Thời gian qua, báo chí luôn giúp đỡ, đồng hành cùng với doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin trong nước và quốc tế hết sức bổ ích cho doanh nghiệp, doanh nhân, báo chí còn mạnh dạn đưa những tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân, những bức xúc, khó khăn của họ đến với diễn đàn Quốc hội, Đảng và Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân đã được tiếp thu và giải quyết bằng luật pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng. Đại hội Đảng lần thứ 12 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Việc sửa đổi, bổ sung các luật trong các kỳ họp Quốc hội vừa rồi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… cũng tạo thuận lợi thông thoáng nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Những năm gần đây, hàng chục hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mở đường cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân, thì báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Báo chí phải đưa những tiếng nói công tâm đến lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước để từ đó có được những chính sách thay đổi đúng hướng.
Là doanh nghiệp, doanh nhân, chúng tôi mong muốn báo chí hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua thách thức hội nhập, đưa tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đến với Quốc hội, Đảng và Nhà nước để góp phần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính. Hội nhập mang lại thời cơ rất nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn, do vậy chúng tôi cũng mong muốn báo chí có nhiều thông tin cập nhật kịp thời, bám sát, đầy đủ giúp doanh nghiệp biết và hiểu hơn để định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, tôi mong rằng, mối quan hệ doanh nghiệp, doanh nhân với báo chí sẽ ngày càng gần gũi, như những người bạn đồng hành. Mỗi khi báo chí tiếp cận để lấy thông tin, doanh nghiệp, doanh nhân cần phải tạo thuận lợi để báo chí hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, báo chí cũng phải phản ánh thật trung thực những thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân, để cùng phục vụ cho mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế đất nước.