Trách nhiệm của báo chí là chọn lọc, kiểm chứng thông tin để giúp bạn đọc không phải bơi giữa biển thông tin thật giả lẫn lộn. Ảnh: Minh Dũng |
Thưa ông, trong cuộc cạnh tranh về tốc độ đưa tin, số lượt view của các tòa soạn, có những tin, bài được viết và đăng trong quãng thời gian rất ngắn, như vậy liệu có bảo đảm được tính chuyên nghiệp của tác phẩm báo chí?
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí chạy đua với nhau, nhất là trên nền tảng digital, và thậm chí trong những trường hợp nhất định là chạy đua với cả mạng xã hội, sức ép về thời gian là có thật. Có nhiều người bày tỏ sự nghi ngại về khả năng thẩm định thông tin của phóng viên và tòa soạn khi thời gian xuất bản gấp gáp như vậy. Nhưng tôi xin khẳng định, chừng nào báo chí tuân thủ quy định về thẩm định thông tin và bảo đảm sự cân bằng và công bằng, thì nhanh hay chậm không phải là vấn đề lớn. Cần lưu ý rằng, thông tin đúng, chính xác cũng phải nhanh, bởi tin giả, tin thất thiệt thường lan truyền rất mau chóng. Có câu nói rằng “tin giả đi nửa vòng trái đất thì mới có tin thật”. Báo chí cần thời gian thẩm định thông tin, nhưng nếu tin chậm thì hiệu quả không cao.
Tuy nhiên, nhanh không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà sự chính xác mới là điều cốt yếu, cho thấy sự khác biệt của báo chí so với những nội dung do người dùng khởi tạo tràn ngập Internet. Nói đúng hơn là tin tức phải chính xác và nhanh thì mới chiếm lĩnh được mặt trận thông tin. Khi mỗi người dân sở hữu chiếc điện thoại thông minh là có thể trở thành một nhà báo công dân, một kênh phát thanh hay truyền hình, lại được sự hỗ trợ của mạng xã hội, thì các cơ quan báo chí không thể chạy đua sòng phẳng được. Nhiều thông tin do người dùng đăng tải là thông tin thực, nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện, đa số người dùng cũng không có khả năng tiếp cận nhiều đối tượng để có cái nhìn đa chiều. Chính vào lúc này, tính chuyên nghiệp của báo chí trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Có thể độc giả, khán thính giả không còn coi báo chí là nguồn đầu tiên để họ nắm thông tin mỗi ngày, nhưng báo chí phải trở thành nơi mà họ có thể tin tưởng để thẩm định lại những gì họ đọc được, nghe được, xem được trước đó.
Có thể độc giả, khán thính giả không còn coi báo chí là nguồn đầu tiên để họ nắm thông tin mỗi ngày, nhưng báo chí phải trở thành nơi mà họ có thể tin tưởng để thẩm định lại những gì họ đọc được, nghe được, xem được trước đó.
Báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng ngày càng đa dạng về loại hình. Trong mỗi loại hình lại có những kết hợp linh hoạt, được thể hiện bằng nhiều cách thức sáng tạo hơn so với cách làm báo truyền thống. Đáng chú ý là sự kết nối giữa các loại hình trong một số cơ quan báo chí đang ngày càng trở nên nhuần nhuyễn hơn, tăng tính tương tác với người dùng, giúp cho họ trải nghiệm nhiều nền tảng để theo dõi về một nội dung mà không thấy chồng chéo. Sự chuyên nghiệp của báo chí hiện đại thể hiện rõ nhất ở các sản phẩm digital, với việc nhiều tòa soạn tạo ra những sản phẩm đa phương tiện hết sức ấn tượng.
Các giá trị chuyên nghiệp và hiện đại có tác động tích cực và tiêu cực (nếu có) như thế nào với các tác phẩm báo chí ngày nay, thưa ông?
Tích cực hay tiêu cực là do cách thức sử dụng và tiếp nhận của con người. Một công cụ giống nhau trong tay những người khác nhau với mục tiêu khác nhau thì có thể dẫn đến kết quả khác nhau. Tính chuyên nghiệp và hiện đại trong báo chí là đòi hỏi từ lâu trong hoạt động của các tòa soạn chứ không phải chỉ khi công nghệ phát triển. Khi bắt đầu làm báo cách đây hơn 30 năm, tôi đã được các bác, các anh chị nhà báo đi trước nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp và hiện đại rồi. Chuyên nghiệp là chuyện đương nhiên, từ cách thức khai thác thông tin, phỏng vấn đối tượng, tra cứu tài liệu, cho đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mỗi phóng viên về thiết bị, hay thậm chí cả việc phải có mặt tại sự kiện đúng giờ, thậm chí sớm hơn… Hiện đại là ở văn phong báo chí, ở góc nhìn mới mẻ với các vấn đề, sự kiện, ở việc biết sử dụng công cụ tác nghiệp mới…
Để các tác phẩm báo chí vừa có tính chuyên nghiệp, hiện đại vừa luôn có tính nhân văn, theo ông, người cầm bút, biên tập viên, thư ký tòa soạn và lãnh đạo các cơ quan báo chí cần làm gì?
Quả thực, bây giờ làm báo thì cần nhấn mạnh tới tính nhân văn - điều tưởng chừng là nguyên tắc không phải bàn cãi của các nhà báo có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta từng rất quen thuộc với câu chuyện tài và đức, về tâm và tầm. Chúng ta cũng không lạ với những so sánh rằng một người thầy thuốc tay nghề kém có thể làm tổn hại một trăm bệnh nhân, một nhà giáo năng lực hạn chế có thể làm ảnh hưởng đến hàng ngàn học sinh, một thông tin sai lệch có thể tác động đến hàng trăm ngàn, hàng triệu độc giả, có thể làm cả một doanh nghiệp sụp đổ hoặc một ngành nghề lao đao. Trong bối cảnh chạy đua thông tin hiện nay, nhất là trên nền tảng digital, không ít cơ quan báo chí và nhà báo coi lượng truy cập là tiêu chí đánh giá tin bài quan trọng nhất. Nhiều nội dung báo chí chất lượng cao, về những vấn đề thiết yếu của xã hội, được đầu tư nhiều công sức không thu hút được sự quan tâm của người dùng bằng những thông tin giật gân, gây sốc, những nội dung vô thưởng, vô phạt, những hình ảnh hở hang, những câu chuyện xâm phạm quyền riêng tư hay cổ súy lối sống lệch lạc. Thế là họ sẵn sàng đánh đổi, thỏa hiệp để có được lượng truy cập, với kỳ vọng là khoản doanh thu quảng cáo cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Mà thực tế không hẳn như vậy với kiểu quảng cáo tự động hiện nay.
Khi báo chí digital bị chi phối bởi thuật toán của các công ty công nghệ, khi mà các tòa soạn coi trọng hiệu quả SEO (tối ưu hóa máy tìm kiếm) hơn là tri thức và thông tin hữu ích, các tòa soạn lao vào cuộc đua mù quáng về tốc độ và lượng truy cập, thì sẽ ngày càng thiếu vắng những tác phẩm báo chí thực sự. Không phải thông tin nào cũng nên đăng tải nếu nó không có ích cho cộng đồng, cho đất nước. Còn nhớ trong vụ một kẻ xả súng giết người hàng loạt ở New Zealand với mong muốn được nổi tiếng, lãnh đạo nước này đã khẩn cầu báo chí không đưa quá nhiều tin bài, thậm chí không nêu tên kẻ thủ ác bởi quan điểm của họ là những kẻ như vậy không có quyền được nhắc tới.
Ngày xưa báo chí như những người gác cổng, có trách nhiệm chọn lựa những thông tin quan trọng và hữu ích để đưa tới cộng đồng. Ngày nay người dùng chủ động và trực tiếp tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, họ không cần người gác cổng nữa. Nhưng họ cần có những địa chỉ tin cậy chọn lọc, kiểm chứng thông tin để giúp họ không phải bơi giữa biển thông tin thật giả lẫn lộn, họ vẫn cần những nội dung chuyên nghiệp, công bằng và cân bằng. Nếu không đảm nhiệm trọng trách chỉ đường, dẫn lối cho người dùng giữa cơn bão thông tin, thì sứ mạng của báo chí là gì đây? Câu trả lời chắc chắn đã rõ ràng đối với những người làm báo có trách nhiệm.