Qua phản ánh của báo chí, Quốc hội đã lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri. Ảnh: Bích Thủy |
Cần có không gian cho báo chí nghị trường
Trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng (21/6/1925 - 21/6/2016) được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã ghi nhận những đóng góp tích cực của báo chí trong thời gian qua, nhất là việc tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các thông tin từ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH tới cử tri và nhân dân cả nước đã được báo chí truyền tải hiệu quả với những bài viết phân tích, bình luận sắc sảo. Qua phản ánh của báo chí, Quốc hội cũng đã lắng nghe được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Nhiều nhà báo theo dõi nghị trường cũng khẳng định rằng, công tác thông tin của Quốc hội tới báo chí đã có nhiều bước tiến vượt bậc so với trước đây. Cơ quan phụ trách thông tin của Quốc hội đã cung cấp nội dung về các kỳ họp khá đầy đủ. Thay vì phát tài liệu bằng giấy thì nay thông tin đã được cung cấp qua mạng, tạo thuận tiện cho các phóng viên, nhà báo lấy tin. Nhà báo có thể tiếp cận và phỏng vấn các ĐBQH về các vấn đề “nóng”, vấn đề mà cử tri quan tâm trong giờ nghỉ giải lao bên hành lang Quốc hội.
Một số nhà báo khác ghi nhận, kể từ khi nhà Quốc hội mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng, hoạt động tác nghiệp của báo chí thuận lợi hơn rất nhiều trong điều kiện đi lại, hạ tầng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin thường xuyên. Tuy nhiên, việc lựa chọn đại biểu phù hợp với từng vấn đề, thời gian và không gian để tiếp cận và phỏng vấn đại biểu vẫn còn nhiều hạn chế.
Lắng nghe những chia sẻ cởi mở của các phóng viên, nhà báo, ông Phúc đưa ra một số gợi ý phương thức phối hợp nhằm cải thiện hơn nữa công tác thông tin Quốc hội.
Khắc phục tình trạng đại biểu Quốc hội “sợ” báo chí
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, không ít cử tri thắc mắc là tại sao có những ĐBQH có tần suất xuất hiện trên báo chí rất nhiều, trong khi nhiều đại biểu khác lại chẳng thấy đâu? Theo ông Phúc, việc ĐBQH đăng đàn trả lời báo chí là nhằm phản ánh ý kiến của cử tri, không chỉ cử tri ở địa phương mà ĐBQH đó được bầu mà còn đại diện cho cử tri cả nước. Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận có những trường hợp ĐBQH “né” trả lời phỏng vấn, vì sợ báo chí, sợ sơ sẩy trong khi trả lời gây “vạ miệng”. Điều này là có nguyên nhân của nó, có thể là do báo chí cắt, cúp, chặt khúc câu trả lời để “câu view”, để gây ấn tượng, mà không xét đến toàn bộ nội dung đại biểu trả lời.
Đồng ý là có nơi này, nơi kia, vẫn có những trường hợp cắt cúp như ông Phúc đề cập, nhưng một số nhà báo khẳng định, đây không phải là tình trạng chung, bởi hầu hết các phóng viên, nhà báo theo dõi Quốc hội đều có tâm, vì cử tri cả nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cắt nghĩa vì sao một số ĐBQH “sợ” báo chí, một số nhà báo còn cho rằng, đó là do họ chưa có kỹ năng trả lời phỏng vấn chuyên nghiệp, nên mới sợ trượt lời. Ở các nước tiên tiến, các nghị sĩ thường chủ động, tự tin trả lời phỏng vấn rất chuyên nghiệp vì họ được đào tạo kỹ năng.
Tiếp thu ý kiến đóng góp này, ông Phúc cam kết, trong thời gian tới, VPQH sẽ tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng trả lời phỏng vấn cho các ĐBQH, đặc biệt là 317 ĐBQH mới. Về phía báo chí, các phóng viên cũng cần chuẩn bị và lựa chọn vấn đề phỏng vấn, trao đổi trước để đại biểu chủ động chuẩn bị kỹ nội dung trả lời, tránh tình trạng sơ sẩy không đáng có.
Mặt khác, để thông tin đầy đủ, chính xác và phân tích có chiều sâu các vấn đề được bàn thảo tại Quốc hội, các dự án Luật…, ông Phúc đề nghị các nhà báo cần trau dồi kiến thức chuyên môn hơn nữa.