Bảo đảm tiến độ, chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2022 .
Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ảnh Internet
Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ảnh Internet

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khả thi, coi việc hoàn thành Chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, phải khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo dự án luật trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.

Trong quá trình soạn thảo, nếu phát sinh chính sách mới cần bổ sung vào dự án luật thì cần thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến rõ những nội dung cần giao quy định chi tiết tại các điều, khoản, điểm của dự án luật; kiến nghị phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết; chủ trì hoặc chủ động phối hợp chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết sau khi Chính phủ quyết định trình dự án luật.

Đối với các dự thảo nghị quyết đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chủ động phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành việc soạn thảo và xác định thời hạn trình hợp lý để trình Chính phủ xem xét, thông qua trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản quy phạm pháp luật khác để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền hoặc tự mình ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc văn bản mới nhằm bám sát, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật;… Báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định đề đưa vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Quyết định, Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/12/2021, Luật Dầu khí (sửa đổi) giao Bộ Công Thương, trình trước ngày 10/1/2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo, trình trước ngày 10/2/2022; Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, trình trước ngày 10/1/2022; Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do Bộ Nội vụ chủ trì, trình trước ngày 10/1/2022; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì, trình trước ngày 10/6/2022.

Tin cùng chuyên mục