Ảnh minh họa. |
Thực tế này cho thấy, nhiều bất cập trong bảo đảm an toàn lao động chưa được khắc phục.
Những con số báo động
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lượng vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động trong ngành xây dựng liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2014, số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn, thì đến năm 2015 tăng lên 35,2%. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm 21,6% tổng số vụ tai nạn.
Tương ứng với số vụ tai nạn lao động nêu trên thì số người chết do tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm 33,9% tổng số người chết do tai nạn vào năm 2014 và tăng lên 37,9% vào năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ này là 22,3%.
Kết quả kiểm tra công tác an toàn trong thi công xây dựng của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng ở hơn 70 công trình và 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà (HUD) và Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa qua cho thấy không ít bất cập. Chẳng hạn như, bộ phận quản lý an toàn cho nhà thầu thi công giao cho chính nhà thầu thi công thành lập. Biện pháp đảm bảo an toàn trong thiết kế thi công mang tính chất hình thức, đối phó. Chủ đầu tư hoặc tổng thầu chưa phân định rõ trách nhiệm về quản lý an toàn giữa các nhà thầu thi công tại công trường xây dựng.
Cần phân định trách nhiệm quản lý an toàn lao động
Ông Lâm nhấn mạnh, hiện công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công chưa quan tâm đúng mức tới nội dung quản lý an toàn lao động. Công tác lập chi phí đầu tư xây dựng chưa quy định rõ mức chi phí cho công tác quản lý an toàn lao động. Nhà thầu chưa quan tâm đến điều kiện và trang thiết bị lao động, thiếu kinh phí để phục vụ công tác quản lý an toàn lao động…
Để tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng, giảm thiểu sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng dẫn đến tai nạn đáng tiếc, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện như: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý và kiểm định an toàn trong thi công xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn trong xây dựng của các chủ thể từ khâu thiết kế, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, triển khai biện pháp thi công tại công trường xây dựng…
Cùng với đó, các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn lao động trong xây dựng toàn quốc; đề xuất, kiến nghị xử lý các chủ thể vi phạm an toàn lao động trong hoạt động xây dựng; đăng tải thông tin về năng lực quản lý an toàn lao động đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra các sự cố mất an toàn lao động.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn lao động trong thi công xây dựng, trong đó sẽ thực hiện công bố thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên các trang thông tin điện tử của Bộ.