Gạo Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp. Ảnh: Huyền Trang |
Sức ép cạnh tranh cao
Việt Nam hiện chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Thế nhưng gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Tại Hội nghị Tham tán thương mại 2016 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây ở TP.HCM, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt trong năm 2016 không còn như các năm trước khi so sánh với sản phẩm từ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, thậm chí ngay cả các nước xuất khẩu gạo tiềm năng như Campuchia, Myanmar. Nhiều đối thủ cũng đã vượt qua Việt Nam trong phân khúc gạo chất lượng cao và xây dựng thương hiệu. Ví dụ như tại thị trường Trung Quốc, nơi gạo Việt chiếm hơn 50% lượng gạo nhập khẩu, không thể tìm thấy gạo có xuất xứ hay thương hiệu Việt Nam tại siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.
Trong một tham luận gần đây của nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và TS. Nguyễn Trung Kiên thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) có nhận định, tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng và có xu hướng giảm dần, chất lượng gạo chưa cao, hoạt động chế biến sâu còn hạn chế.
Theo nhóm nghiên cứu này, môi trường kinh doanh lúa gạo, đặc biệt trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chưa tạo sân chơi bình đẳng cho các tác nhân. Đặc biệt, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, không tương xứng so với các tác nhân khác tham gia kinh doanh lúa gạo và do đó, không tạo động lực để người nông dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo.
Nâng cấp vị thế gạo Việt
Về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự liên kết giữa Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nông dân và DN. Trong đó, DN là chủ thể trong quá trình xây dựng. Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, phải tăng cường năng lực tham gia của gạo Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng cơ chế điều phối các liên kết trong chuỗi giá trị. Hơn nữa, cần tăng cường vai trò của VFA trong điều phối lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi. Về vai trò của VFA, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và TS. Nguyễn Trung Kiên từng nhận định, do tập trung vào khâu xuất khẩu nên thời gian qua VFA hướng hội viên vào mua bán qua trung gian thương lái hơn là đầu tư dài hạn cho nông dân để phát triển vùng sản xuất chuyên canh. VFA đã bỏ qua một số vai trò quan trọng như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, quảng bá thương hiệu, phát triển nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn...
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, theo TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), điều quan trọng hơn hết là phải nâng cấp vị thế gạo Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông cho rằng, chỉ có tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta mới có thêm cơ hội mở rộng thị trường, khai thác được lợi thế so sánh, tiếp thu có hiệu quả sự chuyển giao vốn, công nghệ và kiến thức kinh doanh hiện đại. Ngoài ra, chúng ta sẽ có được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao, có thể thực hiện “sản xuất và bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta có”.
TS. Phạm Nguyên Minh cho biết thêm, xu thế tiêu dùng hàng hóa Thương mại công bằng (TMCB), gồm cả gạo, đang lan rộng trên khắp thế giới. Không chỉ những nước phát triển, các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á đã, đang và sẽ trở thành là những thị trường hấp dẫn. Việc tham gia vào hệ thống TMCB sẽ mở ra những cơ hội để nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.