Bảo hiểm - công cụ quản trị rủi ro cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáu tháng kể từ khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào khu vực ven biển miền Bắc, gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 81.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trên hành trình tái thiết sản xuất và phục hồi hoạt động. Trong bối cảnh đó, khả năng ứng phó và chi trả kịp thời của các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai mà còn trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phục hồi sản xuất.
Đại diện Bảo hiểm PVI làm việc với khách hàng và đơn vị giám định sau cơn bão Yagi
Đại diện Bảo hiểm PVI làm việc với khách hàng và đơn vị giám định sau cơn bão Yagi

Ngay khi bão tan, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã lập tức kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp. Hệ thống giám định viên được triển khai đến các khu vực chịu ảnh hưởng để ghi nhận thiệt hại tại hiện trường, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ và thực hiện đánh giá tổn thất theo đúng quy trình. Trong 6 tháng, Bảo hiểm PVI đã tiếp nhận 944 hồ sơ yêu cầu bồi thường với tổng quỹ dự phòng khoảng 3.400 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, 359 vụ tổn thất (khoảng 38%) đã được giải quyết, với tổng số tiền chi trả vượt 350 tỷ đồng.

Đằng sau tốc độ xử lý đáng chú ý đó là một hệ thống được tổ chức bài bản: từ khâu cảnh báo rủi ro trước bão, hướng dẫn khách hàng gia cố tài sản, đến phối hợp cùng các công ty giám định độc lập để tăng tốc ghi nhận hiện trường. Nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn như VinFast, Oh Sung Vina, Dệt Pacific… đã nhận được tạm ứng và bồi thường sớm, tạo điều kiện nối lại hoạt động trong thời gian ngắn.

Song song với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám định tổn thất và định giá rủi ro, góp phần nâng cao tính minh bạch và rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khối lượng hồ sơ lớn và nhiều trường hợp cần xử lý khẩn cấp.

Những hành động trên cho thấy vai trò chủ động và trách nhiệm rõ ràng của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh thiên tai ngày càng có xu hướng phức tạp và khó lường. Nhưng quy trình dù tối ưu đến đâu cũng khó đạt hiệu quả toàn diện nếu thiếu đi một yếu tố: sự phối hợp từ phía khách hàng.

Trên thực tế, hiệu quả của công tác bồi thường không chỉ phụ thuộc vào năng lực xử lý của doanh nghiệp mà còn nằm ở sự chủ động từ phía người được bảo hiểm. Việc thông báo tổn thất ngay khi sự cố xảy ra, giữ nguyên hiện trường, cung cấp đầy đủ hồ sơ, hợp tác với giám định viên trong quá trình đánh giá… đều là những yếu tố quan trọng giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết và bảo đảm quyền lợi chi trả.

Ngoài ra, lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp, đặc biệt là các điều khoản mở rộng như bảo hiểm thiệt hại do thiên tai cũng là bước chuẩn bị không thể thiếu trong chiến lược quản trị rủi ro. Nhiều trường hợp thực tế cho thấy, do chỉ tham gia bảo hiểm ở mức bắt buộc hoặc chưa nắm rõ điều kiện chi trả, khách hàng có thể không được bồi thường đầy đủ khi rủi ro xảy ra.

Bài học từ bão Yagi cho thấy: bảo hiểm không đơn thuần là giải pháp tài chính sau sự cố, mà còn là một công cụ quản trị rủi ro hiệu quả nếu được hiểu và sử dụng đúng cách. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng, vai trò của bảo hiểm sẽ không chỉ dừng lại ở chi trả tổn thất mà còn là mắt xích quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau thiên tai.

Tin cùng chuyên mục